Robot có thể phẫu thuật tự động cho người
Robot được huấn luyện bằng AI đã thực hiện phẫu thuật thành công trên nội tạng lợn mà không cần sự trợ giúp của con người, mở ra cánh cửa mới về AI trong lĩnh vực y tế.
Phẫu thuật tự động có thể được thử nghiệm trên con người trong vòng một thập kỷ tới, sau khi một robot được huấn luyện bằng AI đã loại bỏ thành công túi mật lợn mà không cần trợ giúp. Bác sĩ phẫu thuật robot đã được đào tạo bằng các đoạn phim quay cảnh bác sĩ con người thực hiện ca phẫu thuật bằng nội tạng lợn.
Được dẫn đầu bởi một nhóm các chuyên gia tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tám ca phẫu thuật trên nội tạng lợn đã hoàn thành với tỷ lệ thành công 100%.
Trường Cao đẳng Phẫu thuật Hoàng gia Anh đã gọi thành tựu này là “một bước tiến thú vị và đầy hứa hẹn”, trong khi ông John McGrath, một chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật robot tại Anh, tin rằng nó “sẽ đưa chúng ta tiến xa hơn vào thế giới tự động hóa”.
Điều này mở ra khả năng sao chép hàng loạt kỹ năng của các bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất thế giới. Công nghệ cho phép robot xử lý các mô mềm phức tạp như túi mật, bắt nguồn từ cùng một nền tảng cho các công cụ trí tuệ nhân tạo được sử dụng rộng rãi như ChatGPT hoặc Google Gemini.
Các robot phẫu thuật chậm hơn một chút so với bác sĩ con người nhưng chúng ít do dự hơn và vạch ra lộ trình di chuyển ngắn hơn giữa các nhiệm vụ.
Theo một bài báo được công bố trên tạp chí Science Robotics, các robot cũng có thể liên tục sửa lỗi trong quá trình hoạt động, giả dụ như chúng biết cách thích nghi với thay đổi trong quy trình giải phẫu và yêu cầu các công cụ khác nhau.
Các tác giả từ các trường đại học Johns Hopkins, Stanford và Columbia (Mỹ) gọi đây là “cột mốc trong việc triển khai các hệ thống phẫu thuật tự động”.
Theo ông McGrath, hầu hết 70.000 ca phẫu thuật robot được thực hiện hàng năm tại Anh đều được điều khiển hoàn toàn dưới sự hướng dẫn của con người, chỉ có phẫu thuật cắt xương hông và đầu gối là bán tự động.
Tháng trước, Bộ trưởng Y tế Wes Streeting cho biết, việc phát triển robot phẫu thuật là trọng tâm của kế hoạch 10 năm nhằm cải cách Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) và cắt giảm danh sách chờ. NHS tuyên bố trong vòng một thập kỷ, cứ 10 ca phẫu thuật nội soi sẽ có 9 ca được thực hiện với sự hỗ trợ của robot, tăng từ tỷ lệ 1 trong 5 ca hiện nay.
Trong thử nghiệm tại Đại học Johns Hopkins, robot chỉ mất hơn năm phút để thực hiện ca phẫu thuật 17 bước, bao gồm cắt túi mật khỏi vị trí kết nối với gan, kẹp sáu kẹp theo thứ tự cụ thể và cắt bỏ túi mật. Trung bình, robot tự điều chỉnh hướng đi mà không cần sự trợ giúp của con người sáu lần trong mỗi ca phẫu thuật.
“Chúng tôi có thể thực hiện một quy trình phẫu thuật với mức độ tự chủ rất cao. Trong các nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã có thể hoàn thành một số thao tác phẫu thuật như khâu. Giờ đây là một quy trình đầy đủ.
Chúng tôi đã phẫu thuật trên tám túi mật, trong đó robot có thể thực hiện chính xác các bước kẹp và cắt túi mật mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người”, ông Axel Krieger, phó giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học Johns Hopkins, cho biết.

Cánh tay robot thực hiện phẫu thuật với độ chính xác 100%.
“Vì vậy, tôi nghĩ đây là một nghiên cứu mang tính bước ngoặt thực sự lớn, khi một ca phẫu thuật mô mềm khó như vậy có thể được thực hiện tự động”, ông Krieger nói thêm.
Ông McGrath, chủ tịch ủy ban chỉ đạo robot của NHS Anh, cho biết trong tương lai, một bác sĩ có thể giám sát nhiều ca phẫu thuật tự động cùng lúc.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng, phẫu thuật tự động vẫn cần nhiều năm nghiên cứu trước khi có thể triển khai trong bệnh viện, bởi vì các thử nghiệm trên nội tạng lợn chết không kiểm tra được phản ứng của robot với việc bệnh nhân di chuyển và thở, máu chảy trong khu vực phẫu thuật, hay chấn thương ngoài ý muốn.
Bà Nuha Yassin, người đứng đầu về phẫu thuật robot tại Học viện Phẫu thuật Hoàng gia Anh, nhấn mạnh rằng, an toàn cho bệnh nhân phải luôn được đặt lên hàng đầu.
“Bước tiếp theo là khám phá kỹ lưỡng những sắc thái trong lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này, để chuyển giao một cách an toàn và hiệu quả những phát hiện này cho người điều khiển robot. Chỉ khi đó, phương pháp này mới có thể trở thành mô hình bền vững cho tương lai”, bà nói.