NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Để nền khoa học Việt được "thơm lây"

on .

Việt Nam nên khuyến khích các nhà khoa học công bố trên các tạp chí tên tuổi càng nhiều càng tốt để đưa Việt Nam lên bản đồ khoa học thế giới.

Câu hỏi đặt ra là nếu các cơ quan khoa học VN khuyến khích các nhà khoa học công bố trên các tạp chí ISI có gây "tác dụng ngược" như có người quan tâm không? Đánh giá một nền khoa học nên đánh giá tổng thể (momentum) chứ không nên chạy theo các hiện tượng ngoại lệ, hơn nữa Việt Nam cũng rất hiếm những ngoại lệ xuất sắc là có các bài báo đăng trên tạp chí không tên tuổi nhưng vẫn có ảnh hưởng to lớn.

Do đó, Việt Nam nên khuyến khích các nhà khoa học công bố trên các tạp chí tên tuổi (IF càng cao càng tốt) càng nhiều càng tốt để đưa Việt Nam lên bản đồ khoa học thế giới như cách mà Trung Quốc, và gần hơn là Thái Lan và Malaysia đã làm vì một nguyên nhân đơn giản là tạp chí IF càng cao thì càng có cơ hội nhiều người đọc và trích dẫn, từ đó nhà khoa học VN và nền khoa học sẽ được "thơm lây" một cách tích cực.

Một điều lưu ý là khi sử dụng các chỉ số trích dẫn nên có thêm một thông tin đi kèm là các chỉ số đó khi không tính các bài báo mà nhóm tác giả tự trích dẫn. Với các bài báo tốt khoảng 50 lần trích dẫn trở lên thì không có ý nghĩa vì rất ít một bài được trích dẫn bởi hơn 50 bài với cùng một nhóm tác giả. Các bài báo đến từ Việt Nam nếu tích theo ISI thì khoảng 5-10 trích dẫn trung bình (thậm chí ít hơn), mà nếu có đến một nửa là tự trích dẫn thì không còn ý nghĩa nhiều nữa.

Có ý kiến đề nghị Việt Nam nên áp dụng hệ thống đánh giá tạp chí ERA của Úc. Nhưng hệ thống này có rất nhiều điểm bất cập, bị các nhà khoa học phản đối dữ dội, và đã bị Chính phủ Úc huỷ bỏ từ năm 2011. Sự bất cập của ERA có thể xem qua ví dụ sau đây: tạp chí Medical Journal of Austriađược xếp vào hạng A, một phần bởi vì nó là tạp chí của Úc, nhưng không hề có tiếng tăm trong nghiên cứu Y khoa toàn thế giới.

Do đó, dùng bảng xếp hạng ERA mà Chính phủ Úc đã bỏ là không hợp lí, và sẽ dễ dẫn đến tiêu cực và thiên vị tuỳ ngành/nhánh và hội đồng xét duyệt. Thực ra đó là một cách "đánh trọng số" cho các tạp chí, điều mà Impact Factor (trừ một số rất ít ngoại lệ) đã và đang thể hiện khá chính xác.

 
Ảnh minh họa

Việc tạo ra một "cuộc đua" công bố quốc tế lấy tạp chí ISI làm chuẩn như NAFOSTED (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) đã và đang làm là một thành công lớn. Theo một phân tích, trong thời gian 2009-2012, tổng số bài báo ISI từ VN là 5511, trong đó các bài do NAFOSTED tài trợ đóng góp ~13%, và con số này tăng hàng năm. Đến năm 2012, số bài báo do NAFOSTED tài trợ đã chiếm gần 20% tổng số bài báo ISI của VN ([11]). Bước tiếp theo có lẽ là "cuộc đua" để đăng các tạp chí hàng đầu (top 1-5%) trong từng chuyên ngành về IF bằng việc khuyến khích giải thưởng cá nhân (theo tỷ lệ IF) và tiền tài trợ nghiên cứu như Trung Quốc đã và đang khá thành công.

Cũng theo suy nghĩ này, việc thành lập các tạp chí quốc tế mới của người Việt hiện nay là không cần thiết bởi nó làm giảm sức cạnh tranh của giới khoa học VN so với thế giới. Một khi chúng ta có nhiều bài báo trên các tạp chí lớn, nền khoa học được thế giới thừa nhận rộng rãi thì việc thành lập các tạp chí quốc tế với các tên tuổi chất lượng trong ban biên tập sẽ đến một cách tự nhiên; nhưng các tạp chí này cũng như các bài báo trên đó cũng phải trải qua thách thức của thời gian để khẳng định uy tín như các tạp chí khác trên thế giới.

Nói tóm lại, công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí trong danh mục ISI là điều rất nên được khuyến khích, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế. Các chỉ số đánh giá tạp chí như hệ số tác động (IF) dù có nhược điểm nhưng vẫn được đa số giới khoa học xem như là chỉ số để sàng lọc chất lượng [2,3], vì các nhà khoa học thường không nhất quán trong việc đánh giá chất lượng nghiên cứu [3].

Tất cả các tạp chí có IF cao và có chất lượng cao đều nằm trong danh mục ISI. Có công trình khoa học công bố trên các tạp chí có IF cao vẫn là niềm mơ ước của nhiều nhà khoa học. Do đó, chính sách khoa học của Việt Nam khuyến khích giới khoa học công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí ISI là một chính sách đúng và hợp lý.

Đinh Quang Huy (Đại học Nam California, Mĩ)

 

Tham khảo:

[1] Vẫn lượng nhiều, chất thấp, Tuổi trẻ, 06/04/2013.

[2] Saha S, et al. Impact factor: a valid measure of journal quality? J Med Libr Assoc 2003;91:42-46.

[3] Eisen JA, et al. Expert failture: re-evaluatin research assessment. PLoS Biol 11(10): e1001677.

Nguồn:

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/201541/de-nen-khoa-hoc-viet-duoc--thom-lay-.html