34% người Việt "lướt web" qua thiết bị di động

on .

Ảnh minh họa - nguồn Internet

(eFinance Online) - Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) vừa công bố ấn phẩm đầu tiên về lĩnh vực TMĐT trên nền tảng di động Việt Nam 2014. Trong đó, 34% dân số có sử dụng Internet qua nền tảng di động, thời gian online bằng các thiết bị di động chiếm 1/3 tổng số thời gian online cả ngày của người Việt Nam.

Với dân số 90 triệu người, 39% sử dụng Internet, số lượng thuê bao di động trên 130 triệu thuê bao (trung bình 1 người có 1,45 thẻ SIM điện thoại), trong đó 34% dân số có sử dụng Internet qua nền tảng di động, thời gian online bằng các thiết bị di động chiếm 1/3 tổng số thời gian online cả ngày của người Việt Nam.

Điều này cho thấy thị trường Việt Nam trong năm 2014 thể hiện tiềm năng rất lớn đối với thương mại điện tử trên nền tảng di động. Trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn, thương mại điện tử với cuộc cách mạng công nghệ di động được dẫn đầu bởi điện thoại thông minh và các phần mềm ứng dụng đang góp phần thúc đẩy hoạt động bán lẻ, tạo ra sự chuyển hướng căn bản trong mối quan hệ tương tác giữa người tiêu dùng, nhà bán lẻ và thương hiệu hàng hóa.

Khi người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động với phần mềm ứng dụng trên thiết bịđể tìm kiếm, truy cập, so sánh và mua sắm hàng hóa thì giải pháp di động đang trở thành một kênh kinh doanh quan trọng cho ngành bán lẻ. Thống kê từ các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam cho thấy các nhà bán lẻ đang cố gắng thích nghi với khuynh hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động.

Không chỉ tích cực giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các chương trình khuyến mại trên môi trường mua sắm di động, các doanh nghiệp bán lẻ còn đầu tư thiết kế các ứng dụng di động riêng cho thương hiệu của mình. Đầu tư vào nền tảng di động phục vụ cho giao dịch B2C được nhiều doanh nghiệp bán hàng xác định là hướng đầu tư chiến lược trong tương lai, thể hiện ở tỷ lệ đầu tư vào nền tảng di động chiếm tới 68% trong cơ cấu đầu tư vào nghiên cứu các nền tảng công nghệ mới.

Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư vẫn tập trung chủ yếu vào hoạt động truyền thông, chiếm 73%, trong khi đầu tư vào công nghệ chỉ chiếm 27%. Đối với hoạt động bán hàng B2C, thống kê từ doanh nghiệp và các giao dịch thực tế cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng truy cập thông qua các thiết bị di động như smartphone, tablet chiếm 28%, tuy nhiên số lượng giao dịch được thực hiện thông qua các thiết bị di động chỉ chiếm 13%.

Thống kê từ phía người tiêu dùng, tỷ lệ sử dụng smartphone của người Việt chiếm 20%, trong đó 58% người sử dụng smartphone, table cho biết đã từng đặt hàng qua thiết bị di động. Các kết quả khảo sát trên cho thấy, thương mại điện tử trên nền tảng di động (mobile e-commerce) đang thực sự từng bước đi vào sâu trong lĩnh vực bán lẻ với vai trò chuyển đổi từ một kênh liên lạc sang vai trò kênh tương tác giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Báo cáo Thương mại điện tử trên nền tảng di động Việt Nam 2014 (Vietnam Mobile E-Commerce Report 2014) là ấn phẩm đầu tiên về lĩnh vực TMĐT trên nền tảng di động do Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) biên soạn. Báo cáo cung cấp những khảo sát, thống kê về thị trường Việt Nam năm 2014, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp có thêm thông tin trong quá trình ra quyết định kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực này.

(Thanh Huyền)