NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Các nguy cơ đe dọa an ninh mạng tại Việt Nam trong năm 2015

on .

Các nguy cơ từ mã độc, tấn công từ chối dịch vụ, xu hướng "Internet of Things" (khái niệm chỉ các thiết bị kết nối được với nhau và kết nối với Internet) là "mồi ngon" của tin tặc… sẽ đe dọa tình hình an ninh mạng tại Việt Nam trong năm 2015.

(Ảnh minh họa. Nguồn: foxbusiness.com)

Thông tin trên được ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty Bkav chia sẻ trong thông báo phát đi vào chiều 13/1.

 

Tổn thất bình quân 1.230.000 đồng/người

Theo ông Tuấn Anh, trong năm 2014, người dùng Việt Nam phải chịu tổn thất do các sự cố từ virus máy tính ước tính khoảng 8.500 tỷ đồng. Đây là kết quả được đưa ra từ chương trình khảo sát do Bkav thực hiện vào tháng 12/2014.

Con số trên được tính dựa trên mức thu nhập của người sử dụng máy tính và thời gian công việc của họ bị gián đoạn do các trục trặc gây ra bởi virus máy tính. Theo đó, bình quân mỗi người sử dụng máy tính tại Việt Nam đã bị thiệt hại 1.230.000 đồng. Với ít nhất 6,98 triệu máy tính (theo Sách Trắng về Công nghệ Thông tin Truyền thông) đang được sử dụng trên cả nước thì mức thiệt hại do virus gây ra trong năm lên tới hơn 8.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, thống kê của Bkav cũng chỉ ra rằng, trong năm 2014, 90% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, gần gấp đôi con số của năm 2013. Bên cạnh tin nhắn rác, người sử dụng cũng phải đối mặt với nguy cơ bị mã độc “móc túi” hằng ngày.

Trong năm 2014, nghiên cứu của Bkav chỉ ra, WiFi miễn phí tại tất cả các thành phố của Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh an toàn thông tin; 85% máy tính từng nhiễm virus lây lan qua USB (giảm 10% so với năm 2013).

Bên cạnh đó, các ứng dụng giả mạo trên di động cũng là một mối lo không nhỏ cho người dùng. Nguyên nhân của tình trạng này là người sử dụng đang khá “thoải mái” trong cài đặt phần mềm trên điện thoại. Theo khảo sát, chỉ có 13% người dùng xem thông tin nhà sản xuất khi quyết định tải một phần mềm trong khi đây được xem là yếu tố quan trọng nhất để phân biệt ứng dụng “xịn” và ứng dụng giả mạo.

Tuy nhiên, năm 2014 cũng ghi nhận người dùng đã cẩn trọng hơn trong môi trường Internet. Khảo sát của Bkav chỉ ra rằng 40% người dùng có thói quen chỉ mở file nhận được qua Internet sau khi đã xác nhận trực tiếp với người gửi hoặc mở file theo chế độ chạy an toàn; 73% người dùng khẳng định họ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên khóa (lock) máy khi rời khỏi bàn làm việc…

Hacker sẽ tấn công ở mức độ tinh vi hơn

Ông Ngô Tuấn Anh cũng cho biết, trong năm 2015, mã độc trên di động sẽ tiếp tục tấn công một số lượng không nhỏ người dùng. Bên cạnh đó, các “cơn mưa” link độc hại tiếp tục được kẻ xấu phát tán trên mạng xã hội. 

Ngoài ra, các phần mềm gián điệp, mã độc tấn công có chủ đích nguy hiểm hơn khi có sự tùy biến đa dạng theo từng đối tượng tấn công. Khởi đầu với một backdoor (cửa hậu) xâm nhập máy tính của nạn nhân nhằm thu thập các thông tin về hệ thống, định danh nạn nhân, và gửi về máy chủ điều khiển. Sau đó, dữ liệu này sẽ được khai thác, phân tích và lựa chọn để cập nhật các thành phần độc hại với tính năng tùy biến thích hợp với từng nạn nhân. Kiểu tấn công vô cùng tinh vi này sẽ là hình thức đa hình có chủ đích của phần mềm gián điệp thế hệ mới. 

Được dự báo là năm Internet of Things bùng nổ, ông Ngô Tuấn Anh cho biết điều này sẽ tạo “thị trường” béo bở cho hacker. Bên cạnh đó, nguy cơ tấn công từ chối dịch vụ DDoS sẽ vẫn còn hiện hữu. 

Theo nhận định của các chuyên gia Bkav, tấn công DDoS không xâm nhập được vào hệ thống, không lấy được dữ liệu nhưng lại có thể khiến dịch vụ của nạn nhân bị ngưng trệ hoàn toàn, đồng thời việc triển khai cũng đơn giản hơn so với tấn công xâm nhập. Do đó, xu hướng tấn công DDoS sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2015 trong bối cảnh hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp đang rất phụ thuộc vào Internet.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Cac-nguy-co-de-doa-an-ninh-mang-tai-Viet-Nam-trong-nam-2015/76/15731435.epi