VN mong Nhật Bản hỗ trợ xây dựng chính sách cho CNTT
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh rằng, CNTT, bưu chính và Phát thanh truyền hình đều là những lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh, trong khi Việt nam lại đang đi sau và rất quan tâm.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chủ trì cuộc Đối thoại CNTT - Truyền thông Việt Nam - Nhật Bản ngày 16/1.
Do đó, Việt Nam rất mong tìm hiểu, trao đổi, học tập kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác hơn nữa với Nhật Bản đối với các lĩnh vực này trong thời gian tới. Trong đó, cải thiện môi trường pháp lý và các cơ chế là những mục tiêu hàng đầu mà Việt Nam đặc biệt ưu tiên, cùng với việc làm sao để thu hút được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt nam hơn nữa, Thứ trưởng chia sẻ tại cuộc Đối thoại CNTT - Truyền thông Việt Nam - Nhật Bản diễn ra sáng 16/1 tại Hà Nội.
Đại diện phía Nhật Bản cho biết, Chính phủ nước này xác định CNTT là công cụ quan trọng để phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, do đó thời gian qua, Nhật Bản đã thúc đẩy rất mạnh việc ứng dụng CNTT để quản lý và phát triển giao thông, Nông nghiệp thông minh, y tế, giáo dục... Tuy vậy, muốn các thị trường này phát triển lành mạnh và bền vững thì đúng là việc xây dựng khung chính sách cần được thực hiện đầu tiên. "Thực ra, chính sách là vấn đề được cả hai nước quan tâm. Bản thân Nhật bản cũng rất quan tâm đến những chính sách liên quan đến CNTT - Viễn thông - Truyền thông mà Việt Nam đang thúc đẩy". Nhật Bản cũng kỳ vọng rằng, thông qua đối thoại, hai bên sẽ cụ thể hóa được kết quả bằng những dự án, những thỏa thuận hợp tác song phương trong thời gian tới.
Chia sẻ tại Đối thoại, đại diện Ban chính sách của Bộ Nội vụ & Truyền thông Nhật Bản cho biết, đối với các văn bản pháp luật để quản lý thị trường CNTT, viễn thông hiện hành của nước này thì 3 mục tiêu hàng đầu được đặt ra khi xây dựng chính là: Thúc đẩy tự do cạnh tranh, ứng phó về mặt cơ chế thị trường và phát triển hạ tầng công nghệ. Trong đó, các chính sách phải đảm bảo được rằng các thành phần kinh tế đều được tự do tham gia thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp thống trị với những doanh nghiệp còn lại.
Bản thân NTT, doanh nghiệp viễn thông lớn nhất và duy nhất tại Nhật trước đây cũng phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu trong 7 năm, từ năm 1992 đến năm 1999, sau khi được tư nhân hóa. Cũng giống như thị trường Việt Nam, Nhật Bản cũng quy định nhóm các doanh nghiệp chỉ định loại 2, tức là những doanh nghiệp nắm thị phần khống chế (tuy nhiên chỉ cần kiểm soát trên 10% thị trường Nhật thì đã bị xếp vào nhóm này). Các doanh nghiệp này đều phải hạch toán độc lập và thông báo các chương trình khuyến mại, giá cước cho cơ quan quản lý, cũng như chịu sự kiểm soát ngặt nghèo để chống chèn ép đối thủ nhỏ hơn.
Với nhiều điểm tương đồng với tình hình tại Việt Nam hiện nay, phía Nhật Bản hy vọng cơ quan quản lý Việt Nam có thể tìm thấy những kinh nghiệm và thông tin cần thiết để hoàn thiện, xây dựng khung chính sách, quản lý thị trường CNTT - Viễn thông một cách hiệu quả, sát với thực tế.
Đồng thời, sau năm 2015, khi cộng đồng ASEAN chính thức hình thành, nhiều khả năng ASEAN sẽ có một chiến lược CNTT hoàn toàn mới. Nhật Bản mong muốn sẽ sử dụng Quỹ CNTT Nhật Bản - ASEAN để tổ chức một loạt các Hội thảo, thảo luận thẳng thắn về những vấn đề liên quan đến CNTT giữa hai bên, trong đó phiên họp đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra ngay vào tháng 5.
Hỗ trợ số hóa truyền hình
Toàn cảnh Đối thoại CNTT - Truyền thông Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: T.C |
Trong khi Nhật Bản đã hoàn tất việc chuyển từ truyền hình analog sang truyền hình số từ năm 2012 thì hiện tại, Việt Nam mới chỉ rục rịch triển khai quy trình này. Hiện tại, Nhật Bản đã hướng tới giai đoạn tiếp theo là phát sóng 4K, thậm chí là 8K.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh rằng, kinh nghiệm của Nhật Bản sẽ là tư liệu tham khảo rất có giá trị để Việt Nam đẩy nhanh được lộ trình số hóa, đồng thời đề nghị các cơ quan liên quan của Việt Nam trao đổi thêm với Nhật Bản về việc sau khi số hóa xong thì sẽ nảy sinh những yêu cầu nào mới đối với công tác quản lý.
Theo thống nhất của Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ & Truyền thông, hai bên sẽ tổ chức hội thảo vào tháng 3 tới để giới thiệu về truyền hình thông minh thế hệ mới của Nhật. Đây chính là dịp để phía Việt Nam xây dựng nội dung thảo luận xoay quanh hai vấn đề nói trên: Tìm hiểu vì sao Nhật Bản đạt được thành công nhanh chóng với số hóa truyền hình như vậy, cũng như những điều chỉnh về nội dung quản lý sau khi số hóa truyền hình xong cụ thể ra sao, Thứ trưởng chỉ đạo.
Về phía mình, Nhật Bản cho biết nước này phải tiến hành số hóa trong 10 năm và gặp phải rất nhiều khó khăn trong 2 năm cuối, do chuẩn của châu Âu và của Nhật Bản khác nhau. Do đó, nước này sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam để tháo gỡ được nhanh nhất các vướng mắc. Tại Nhật thì Cục Phát thanh Truyền hình đóng vai trò chính, tuy nhiên họ vẫn phải phối hợp chặt chẽ với truyền hình trung ương và địa phương. "Nói cách khác là cả Bộ Nội vụ & Truyền thông đều phải tham gia", đại diện nước bạn cho biết.
Bên cạnh việc chuẩn bị hạ tầng, công nghệ cho số hóa truyền hình thì nội dung cũng rất quan trọng. Do đó, song song với lộ trình chuyển đổi analog lên số thì Việt nam cũng cần tập trung xây dựng, phát triển các nội dung hấp dẫn trên nền số hóa để tạo động lực cho người dùng chuyển đổi nhanh hơn.
T.C