Tập đoàn này đã định vị lại chiến lược sản phẩm khi quyết định dừng sản xuất hoàn toàn dòng điện thoại thông minh sử dụng Android (hệ điều hành di động do Google phát triển) của Nokia trước đây để tập trung phát triển dòng điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành riêng của mình là Windows Phones như sản phẩm Nokia X. Hiện thị phần toàn cầu của Windows Phone vào khoảng 2-4%, trong khi đối thủ Android chiếm tới 80%.
“Chúng tôi có kế hoạch xác định lại đúng quy mô hoạt động để phù hợp với chiến lược mới và tận dụng các cơ hội tích hợp mới. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tập trung mảng điện thoại tại Hà Nội, trong khi vẫn duy trì một vài bộ phận sản xuất ở Bắc Kinh và Đông Quan”, ông Stephen Elop, người đứng đầu bộ phận thiết bị của Microsoft, cho biết. Riêng ở Bắc Kinh, Microsoft vẫn sẽ tiếp tục hiện diện nhưng tập trung hơn vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Việc Microsoft dừng phần lớn hoạt động sản xuất ở Trung Quốc có lẽ là điều đáng buồn đối với những người làm thuê ở nước này, nhưng lại mang đến niềm hân hoan cho các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam vì đã có cơ hội mời gã khổng lồ công nghệ này bước vào ngôi nhà của mình.
Một trong những lợi thế giúp Việt Nam thu hút các tập đoàn lớn như Microsoft là chi phí nhân công rẻ. Theo khảo sát của Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), chi phí công nhân ở Hà Nội chỉ là 145 USD/tháng, thấp 2-3 lần so với lương công nhân ở Quảng Châu hay Thâm Quyến. Vị trí địa lý gần với thị trường tiêu thụ Trung Quốc đại lục cũng là lợi thế lớn cho Việt Nam.
Năm 2006, một gã khổng lồ công nghệ khác của Mỹ là Intel đã đầu tư 300 triệu USD vào Việt Nam để xây dựng nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn đầu tiên tại đây. Sau những thành công ban đầu, vốn đầu tư của dự án này đã được nâng lên thành 1 tỉ USD. Cuối năm ngoái, từ việc chỉ lắp ráp và sản xuất chipset, Intel tại Việt Nam đã thành công trong việc lần đầu tiên sản xuất bộ vi xử lý cho máy tính cá nhân với dòng sản phẩm mang tên Haswell. Nhờ kết quả này, Việt Nam đang trở thành trọng điểm sản xuất mới của Intel, sẽ cung cấp 80% bộ vi xử lý Haswell cho thị trường toàn cầu trong những năm tới.
Bài học thành công của Intel tại Việt Nam đã chứng tỏ một điều rằng nguồn nhân lực Việt Nam có thể đáp ứng được những yêu cầu phức tạp trong dây chuyền sản xuất của các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Giờ đây, nếu Việt Nam thu hút thêm được Microsoft, đó sẽ là thành tựu nổi bật để nâng vị thế của Việt Nam trên bản đồ thu hút vốn FDI thế giới.
Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ không đơn giản vì ngoài Việt Nam, khá nhiều quốc gia khác cũng rất nỗ lực để cạnh tranh thu hút dòng vốn đầu tư FDI công nghệ cao. Thậm chí nếu mang lên bàn cân so sánh, cũng chưa thể nói Việt Nam có ưu thế vượt trội. Ví dụ, bên cạnh Việt Nam, Microsoft cũng đang xem xét một số địa điểm khác để tăng đầu tư. Hiện quy mô sản xuất của Tập đoàn ở hai quốc gia châu Mỹ lân cận với Mỹ là Mexico và Brazil đã được cải thiện đáng kể để phần nào thay thế sản lượng sụt giảm ở Trung Quốc.
Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng gặp nhiều đối thủ đáng gờm, đặc biệt là Indonesia. Năm ngoái Indonesia đã bầu ra vị Tổng thống mới, ông Joko Widodo, người mang trong mình những tham vọng lớn về cải cách, tạo động lực đưa quốc gia 250 triệu dân trở thành một thế lực hùng cường trong khu vực.
Ngoài lợi thế về quy mô của thị trường tiêu thụ nội địa, chi phí lao động của Indonesia cũng rất cạnh tranh với mức trung bình chỉ 1.163 USD/năm, thấp khoảng 2 lần so với Trung Quốc. Chính phủ của Tổng thống Widodo cũng đang xem xét loại bỏ những rào cản về mặt luật pháp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động. Nhờ những động thái mới này, Indonesia đang dần nổi lên là một địa điểm đầu tư hấp dẫn mới ở châu Á, sau Trung Quốc.
Theo Công ty Tư vấn InvestAsian, khá nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đã mở nhà máy ở Indonesia trong những năm qua để sản xuất thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, trong khi một số công ty khác cũng đang có kế hoạch tương tự. Những tên tuổi quốc tế lớn hoạt động ở Indonesia có thể kể đến Opps, Haier, ZTE.
Bên cạnh các thương hiệu nổi tiếng quốc tế, Indonesia cũng khá thành công trong việc phát triển các thương hiệu nội địa trong lĩnh vực công nghệ cao, từ sản xuất các bộ phận đến công đoạn lắp ráp hoàn chỉnh. Điển hình là các tập đoàn Polytron, Evercoss, Advan với mục tiêu sản xuất hàng chục ngàn điện thoại thông minh, máy tính bảng mỗi tháng. Mặc dù các công ty này hiện vẫn phụ thuộc phần lớn vào linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng họ đang kỳ vọng sẽ có khả năng độc lập hoàn toàn chỉ trong vài năm tới.
Rõ ràng, nếu so với Việt Nam, Indonesia có nhiều điểm tương đồng để các tập đoàn quốc tế cân nhắc lựa chọn. Thậm chí ở một số tiêu chí như quy mô thị trường, năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ, Indonesia vượt trội hơn Việt Nam rất nhiều.
Một đối thủ tiềm tàng khác là Myanmar. Kể từ khi tiến hành cải cách theo hướng tự do, dân chủ và mở cửa hội nhập quốc tế, luồng vốn FDI đổ vào quốc gia này không ngừng tăng. Năm ngoái, tổng vốn FDI đăng ký vào Myanmar ước tính đạt tới 7 tỉ USD, mức cao nhất từ năm 2011 đến nay và tăng đến 70% so với năm trước đó.
Trong khi đó, mặc dù triển vọng thu hút FDI của Việt Nam vẫn khả quan, nhưng thực tế đã cho thấy dấu hiệu chậm lại. Năm ngoái, tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam giảm nhẹ 6,5%, chỉ đạt 20,2 tỉ USD.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Cuoc-chien-gianh-FDI-cong-nghe-cao/76/15770800.epi
|