Nhà mạng được hưởng lợi nên “làm ngơ” tin nhắn rác?
“Với các tin nhắn rác thông thường, nhà mạng được hưởng cước tin nhắn thông thường, theo đó mỗi ngày các nhà mạng được hưởng hàng tỷ đồng tiền cước”.
Đó là nhận định của ông Vũ Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc, Công ty An ninh mạng Bkav. Theo ông Sơn, hiện tượng tin nhắn rác bùng nổ đang gây khó chịu, bức xúc cho người sử dụng vì bị làm phiền hàng ngày.
“Theo khảo sát mới nhất của Bkav trong năm 2014, có tới 90% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, trong đó 43% là nạn nhân của tin rác hằng ngày, gần gấp đôi con số của năm 2013. Bên cạnh các tin nhắn mang nội dung quảng cáo, các tin nhắn có nội dung lừa đảo cũng có thể khiến cho người sử dụng mất những khoản tiền lớn nếu cả tin và làm theo”, ông Sơn nói.
Trao đổi với ông Sơn rằng liệu các nhà mạng đã có biện pháp gì để ngăn chặn tin nhắn rác? Ông Sơn cho biết, trước tình trạng tin nhắn rác đang gây bức xúc cho các chủ thuê bao gần đây các nhà mạng hiện tại chưa có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng tin nhắn rác. “Tuy nhiên, thực tế với vai trò là đầu mối tập trung tất cả các tin nhắn trước khi được chuyển đến cho người sử dụng, nhà mạng hoàn toàn có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn tin nhắn rác”, ông Sơn nhận định.
Tại sao nhà mạng “ làm ngơ” với tin nhắn rác?
Ông Sơn cũng cho hay, hiện tại Bkav cung cấp phần mềm an ninh Bkav Mobile Security, với bộ lọc Smart Filter giúp người sử dụng chặn tin nhắn rác với tỉ lệ tới 100%. Người sử dụng có thể cài Bkav Mobile Security từ chợ ứng dụng của Google (Google Play) hoặc từ website mobile.bkav.com.vn.
Tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động với vô vàn dạng quảng cáo khác nhau, từ những điều đơn thuần nhất là dụ dẫn chủ thuê bao gọi điện để nghe bài hát, lời nhắn hay đến những lời mời chào mua nhà, mua sim số đẹp…, không dừng ở đó có nhiều tin nhắn rác còn “tung chiêu” lừa đảo các thuê bao di động rằng “ thuê bao đã chúng xe máy, trúng tiền thưởng…” khiến không ít người bị mắc lừa đi mua thẻ điện thoại nạp tiền, có người còn nạp tới cả chục triệu đồng, cuối cùng biết mình bị lừa nhưng lại không biết kêu ai.
Vào cuối tháng 12/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ra chỉ thị số 82/CT-BTTTT ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Trong đó, Bộ TT&TT nêu rõ, đối với các DN viễn thông di dộng cần đưa cung cấp thông tin cho thuê bao thuộc mạng của mình, nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng về phòng, chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo; báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thông báo cho người sử dụng về các vụ việc tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo có quy mô rộng rãi và có tính chất nghiêm trọng.
Thực hiện ngăn chặn, thu hồi ngay những thuê bao di động phát tán tin nhắn rác, báo cáo đầy đủ, nghiêm túc việc triển khai theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trao đổi với PV - ông Sơn cũng cho biết, hiện tượng “Ông chú Viettel” là một hình thức khác với tin nhắn rác, đây là hình thức lừa đảo trên mạng xã hội Facebook. Bằng cách lừa nạn nhân thông qua tin nhắn trên mạng xã hội Facebook, kẻ lừa đảo đã hướng nạn nhân nạp thẻ điện thoại vào một trang web đã được chuẩn bị sẵn để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Kiều Chinh - Thu Thủy