Khoa học Nga: Sáng chói nhưng không đi được vào thực tiễn
Theo ý kiến của GS Loren Graham (Viện Công nghệ Massachusetts), việc một quốc gia lớn như Nga không có khả năng thu lợi từ các phát minh khoa học của mình là vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Trong khi các nước đang phát triển như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ đã đa dạng hóa nền kinh tế của mình, biến công nghệ và các lĩnh vực sản xuất khác thành cơ sở của sự phồn vinh, thì nước Nga lại không cho ra được bất kì sản phẩm công nghệ đáng kể nào, mặc dù các nhà khoa học Nga đã có nhiều phát minh khoa học quan trọng nhất của thế kỷ 20, trong đó có phát minh ra laser, các công trình tiên phong trong lĩnh vực công nghệ máy tính, thậm chí đề xuất quan điểm fracking trong khai thác dầu đá phiến…
Theo nhà lịch sử học khoa học Loren Graham của Viện Massachusetts, nguyên nhân chính của thực trạng đó là do nền khoa học Nga và nước Nga thiếu khả năng thương mại hóa các phát minh, sáng chế. Điều này cũng đã được các nhà lãnh đạo Nga coi là một khoảng trống nghiêm trọng của nền kinh tế. Trong thông điệp hằng năm vào tháng 12/2014, Tổng thống Putin đã tuyên bố “điều tối quan trọng là nước Nga phải chấm dứt sự phụ thuộc quá đáng vào công nghệ nước ngoài. Để đạt được điều đó, cần thay đổi nhiều quy định trong hệ thống luật pháp, hệ thống cấp bằng sáng chế, và thay đổi vị thế của các nhà đầu tư. Công nghệ sẽ không phát triển tự thân, cần tạo ra các cơ chế hỗ trợ khác nhau”.
GS. Graham đã trả lời phỏng vấn với chuyên mục Ideas của tờ Boston Globe về những nguyên nhân khiến nền khoa học sáng chói của Nga không đi được vào thực tiễn.
Ideas: Ông cho biết đặc điểm thái độ của Nga với công nghệ?
Loren Graham: Nước Nga có một nét rất kì lạ mà tôi chưa từng thấy ở bất kì nước nào là, trong 300 năm qua ở Nga đã xuất hiện một số lượng khổng lồ các ý tưởng khoa học và kĩ thuật, nhưng người Nga trên thực tế đã không rút ra được từ đó bất kì lợi ích kinh tế nào. Người Nga đơn giản là không có khả năng biến ý tưởng thành các sản phẩm thương mại.
Tại sao?
Vì xã hội Nga không có các điều kiện cần cho thành công thương mại của công nghệ. Đó là các điều kiện xã hội, luật pháp, chính trị và kinh tế.
Ông đã nghiên cứu về khoa học Nga hơn 50 năm. Đã bao giờ ông nghe các nhà khoa học Nga phàn nàn về tình trạng này?
Tôi thường nghe các nhà khoa học Nga nói “Mọi ý tưởng tốt của chúng tôi rồi sẽ bị đánh cắp! Các ngài là những công dân phương Tây, các ngài ăn cắp các ý tưởng của chúng tôi”. Trong giới khoa học Nga thống trị ý kiến cho rằng kinh doanh là công việc bẩn thỉu, rằng nhà khoa học không nên hạ mình bằng cách rời bỏ khoa học thuần túy. Ngoài ra, ở Nga quan điểm này được củng cố bởi thực tế tham nhũng tràn lan, vì vậy theo quan điểm của các nhà khoa học thì rời bỏ khoa học sang kinh doanh coi như chuyển sang lĩnh vực tội phạm, tham nhũng và gian lận.
Ông có thể cho một số ví dụ?
Ví dụ điển hình là laser. Laser - đó là nền tảng của kinh tế hiện đại. Ngày nay tất cả chúng ta đều sử dụng laser, chúng có trong các máy quay, máy in,v.v, nhưng chúng đã được phát minh vào những năm 1950, 1960 và hai nhà khoa học Nga đã nhận giải Nobel với phát minh này (cùng chia giải Nobel với họ còn có nhà khoa học người Mỹ Charles Townes). Nhưng chúng ta đã biết, ngày nay ai kiếm tiền trên laser. Charles Townes, ngay khi vừa phát minh ra laser, dù không phải là doanh nhân - ông là giáo sư vật lí điển hình - cũng đã không bỏ lỡ cơ hội. Ông nhanh chóng nhận bằng phát minh của mình, sau đó bán lại quyền kinh doanh vì ông hiểu là trong tay ông có cả mỏ vàng. Trong khi đó, các khoa học Nga đã không làm điều gì tương tự, bởi trong điều kiện của họ đơn giản là không thể làm được.
Tại sao? Chẳng nhẽ những cố gắng thu lợi từ kinh doanh laser ở Nga bị cản trở?
Không bị cản trở, chỉ đơn giản là chưa bao giờ có. Tôi đã phỏng vấn Prokhorov - trong đầu ông thậm chí chưa bao giờ xuất hiện ý tưởng lập công ty. Ngay cả nếu trong ông xuất hiện ý tưởng đó, thì ở Nga khi đó cũng chưa có hệ thống cấp bằng phát minh, chưa có nhà đầu tư, ông cũng không thể đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch. Tình hình đó ở Nga hiện vẫn vậy: chưa hình thành được một xã hội có những điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, các nhà hảo tâm đầu tư vào công nghệ ở giai đoạn phát triển chúng như ở thung lũng Silicon, hay Kendall Square,v.v.
Vậy có sự khác nhau giữa người Mỹ và người Nga trong đánh giá đối với đổi mới sáng tạo?
Một trong những đặc điểm của văn hóa Mỹ là những doanh nhân thành công trở thành nhân vật hầu như được sùng bái - tôi muốn nói đến Steve Jobs, Thomas Edison, Bill Gates. Những người này có vị trí cao và gần như đã trở thành hình mẫu xã hội. Không có ai như thế ở Nga.
Thế chẳng nhẽ các nhà khoa học Nga không nhận được sự vinh danh xứng đáng?
Cố nhiên là họ có, nhưng người ta tôn trọng họ với tư cách những nhà khoa học đang làm việc trong các phòng thí nghiệm, chứ không phải là các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ. Họ nhận được các giải thưởng và những lời khen ngợi đủ loại từ Nhà nước và cộng đồng. Nhưng họ không làm gì để tác động lên nền kinh tế.
Phải chăng đó là hệ quả của việc ở Liên Xô không tồn tại hệ thống kinh doanh tư nhân?
Ảnh hưởng của quá khứ Xô-viết đóng vai trò rất đáng kể. Nhưng không hoàn toàn như vậy. Trong cuốn sách của mình, tôi đã viết, các vấn đề tương tự tồn tại trong cả thời kì Sa Hoàng, đặc biệt trong thế kỷ 19. Tôi thường trích dẫn ví dụ về điện chiếu sáng. Đèn điện được nhà khoa học Nga Yablochkov phát minh. Ông ấy đến Tây Âu, nơi ông phát triển hệ thống chiếu sáng cho Paris và London. Chính Paris khi đó đã nhận được danh hiệu mà vẫn được gọi cho đến ngày nay - “Kinh đô ánh sáng”.
Đó là một ví dụ về việc biến ý tưởng thành hiện thực.
Đúng vậy. Nhưng bạn hãy nghe tiếp. Chính phủ Nga đã thuyết phục Yablochkov trở về Tổ quốc sau khi ông trở nên giàu có Pháp, và thực hiện điều này tại Nga. Ông đã trở về lập công ty và phá sản. Bởi ông đã không tìm được nhà tài trợ. Ông thậm chí không thuyết phục nổi người chủ khách sạn, nơi ông sống, thiết lập hệ thống chiếu sáng cho chính khách sạn. Thời đó người Nga ưa dùng đèn dầu.
Có thật công nghệ fracking khai thác dầu đá phiến cũng đã được phát minh ở Nga?
Điều này thì rất ít người biết. Vào những năm 1950, người Nga đã phát minh ra ý tưởng fracking và công bố một số bài về chủ đề này. Nhưng điều gì đã xảy ra sau đó? Không có gì cả. Không một ai sử dụng ý tưởng sáng chói này. Chúng không được đăng tải trong các tạp chí kinh doanh, vì đơn giản ở Liên Xô không có tạp chí kinh doanh. Ba mươi năm sau, người Mỹ đã hoàn thiện công nghệ fracking và thực thi chúng.
Bây giờ các công ty Chevron, Exxon, BP đến Nga để dạy người Nga công nghệ này, dù chính người Nga đã tạo ra chúng.
Ông có cho rằng Chính phủ Nga hiện nay đang cố gắng cải thiện tình hình?
Tôi nghĩ một số quan chức chính phủ đã hiểu ra cơ sở của kinh tế Nga phải là các lĩnh vực tri thức chứ không phải là những lĩnh vực như công nghiệp dầu khí. Ngoài ra, ở Nga đã xuất hiện khu vực kinh doanh tư nhân. Nhưng vẫn còn vô khối trở ngại.Việc thiếu khả năng trong thu lợi kinh tế từ các phát minh khoa học đã ảnh hưởng như thế nào đến hiện trạng của nước Nga?Tôi nghĩ là hậu quả hết sức nghiêm trọng. Ngày nay, dù sau 300 năm cố gắng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, nước Nga vẫn là một nền kinh tế trước hết dựa trên dầu khí. Đấy tất nhiên là một bi kịch, nhưng các nhà lãnh đạo Nga vẫn chưa có giải pháp khả thi trong việc sử dụng hợp lí tài năng của các nhà khoa học và kĩ sư của họ, dù họ ý thức được sự cần thiết phải hiện đại hóa.
Loren Graham (1933), giáo sư nghiên cứu về lịch sử khoa học, được coi là học giả hàng đầu thế giới bên ngoài nước Nga về lịch sử khoa học nước này. Ông còn là thành viên Ban ủy thác của Quỹ Khoa học Quốc tế George Soros hỗ trợ tài chính cho các nhà khoa học ở Nga sau khi Liên Xô sụp đổ.Cuốn sách gần đây nhất của ông xuất bản vào tháng 9/2013 với tên gọi: “Những ý tưởng đơn độc: Nga có thể cạnh tranh không?” (Lonely Ideas: Can Russia compete?) lý giải sự thất bại của Nga trong phát triển khoa học-công nghệ và hiện đại hóa đất nước, qua đó cho thấy tình trạng này phản ánh tiến triển của nền chính trị, xã hội và cả sự trì hoãn các quy tắc dân chủ ở quốc gia này như thế nào. Tuy nhiên, cuốn sách cũng chỉ ra mối liên kết mới giữa các công ty của phương Tây với giới khoa học Nga, các viện nghiên cứu mới và những ưu tiên của Nga trong lĩnh vực công nghệ nano hay sự thành lập thành phố công nghệ mới Skolkovo. GS. Graham cho rằng, hiện Nga đang nắm cơ hội tốt nhất trong lịch sử để thoát khỏi tình trạng thất bại về công nghệ đã kéo dài suốt 300 năm qua.
Trần Đức Lịch dịch
(Nguồn: “Russian science is amazing. So why hasn’t it taken over the world?”, Dịch qua bản tiếng Nga “Почему блестящая российская наука обречена оставаться в тени”)