Giáo sư trẻ nhất VN
Phan Thanh Sơn Nam, 37 tuổi, chuyên ngành hóa học, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trở thành giáo sư trẻ tuổi nhất VN vừa được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công bố vào sáng 4.2 tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao quyết định công nhận cho giáo sư trẻ nhất
Phan Thanh Sơn Nam sáng 4.2 Ảnh: Ngọc Thắng
Phan Thanh Sơn Nam sáng 4.2 Ảnh: Ngọc Thắng
Giáo sư Nam được biết đến là một người thầy giỏi, là người bạn thân thiết đã truyền được niềm đam mê khám phá khoa học cho nhiều thế hệ sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Giáo sư Nam hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật hóa học.
Là sinh viên Trường ĐH Bách khoa khóa 1994, sau khi tốt nghiệp anh Nam tiếp tục ở lại trường làm trợ giảng. Nhờ vậy, anh có cơ hội nhận học bổng làm nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Sheffield (Vương quốc Anh) và sau đó là thực tập sinh sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Georgia (Mỹ). Từ năm 2006, anh trở về Trường ĐH Bách khoa TP.HCM công tác. Với những nỗ lực trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, anh Nam đã trở thành Phó giáo sư trẻ tuổi nhất của ĐH Quốc gia TP.HCM vào năm 2009.
Bệ phóng cho sinh viên
Nhóm nghiên cứu của anh Nam đã thu hút nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc tham gia cộng tác. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhóm nghiên cứu đã mang về cho sinh viên nhiều giải thưởng. Năm 2008, Trương Nguyễn Thụy Vũ đạt giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD-ĐT. Năm 2009, sinh viên Lý Tú Uyên và Nguyễn Thị Lệ Hảo đạt giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD-ĐT và sinh viên Lê Khắc Anh Kỳ nhận giải đặc biệt sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka của Thành đoàn TP.HCM. Năm 2011, Đặng Bảo Trung đạt giải nhất giải thưởng Tài năng trẻ khoa học VN của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt, nhờ tham gia nhóm nghiên cứu, Lê Vũ Hà còn đạt giải nhất giải thưởng Tài năng trẻ khoa học VN 2013 của Bộ GD-ĐT dành cho khối giảng viên trẻ... Anh Nam cùng các cộng sự đã công bố hàng chục bài báo trên các tạp chí quốc tế do Viện Thông tin khoa học quốc tế (ISI) xếp hạng. Tất cả những bài báo này là những kết quả được thực hiện hoàn toàn tại VN do chính người VN hoàn thành và được cộng đồng hóa học trên thế giới đón nhận thông qua quá trình phản biện độc lập ở những tạp chí quốc tế uy tín. Đặc biệt, từ những bài báo ISI, nhiều sinh viên, học viên cao học tìm được học bổng sau đại học ở nước ngoài. Có thể nói, nhóm nghiên cứu của anh Nam thực sự là bệ phóng vững chắc được nhiều sinh viên, học viên cao học lựa chọn để từ đó vươn lên những chân trời khoa học mới. Cũng nhờ những công bố trên tạp chí quốc tế ISI nói trên, một số sinh viên tốt nghiệp ĐH và cả những tiến sĩ ở Ấn Độ đã gửi hồ sơ xin được làm nghiên cứu sinh và thực tập sinh với nhóm nghiên cứu của anh Sơn Nam. Ngoài ra, một số nhà khoa học ở Pháp, Anh, Bỉ cũng đã chủ động đề nghị hợp tác với nhóm nghiên cứu của anh Nam. Đây là dấu hiệu cho thấy nỗ lực của nhóm trong việc quảng bá hoạt động nghiên cứu khoa học ở VN ra thế giới. Hạnh phúc với nghề dạy học Bằng những trải nghiệm của bản thân và tấm lòng của một người thầy, người bạn thân thiết, Giáo sư Nam thường khuyên sinh viên trau dồi tiếng Anh và các kỹ năng mềm thiết yếu cho công việc sau này, chẳng hạn kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày trước đám đông cũng như tham gia tích cực các hoạt động ngoại khóa. Giáo sư Nam cho rằng những bạn trẻ có ý định đi theo con đường nghiên cứu khoa học thì phải chuẩn bị ngay từ khi còn ngồi ở giảng đường đại học. Đây là một con đường chông gai, nếu không có lòng đam mê và sự kiên trì thì sẽ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. Đừng nghĩ là thầy hướng dẫn sẽ biết hết mọi thứ, mà thầy cũng phải học như trò khi hướng dẫn các bạn trẻ làm nghiên cứu khoa học. Dù rất bận rộn với công việc hằng ngày nhưng Giáo sư Nam vẫn luôn cập nhật kiến thức chuyên môn từ những công bố khoa học của các đồng nghiệp trong và ngoài nước, học hỏi thêm kiến thức mới từ chính những học trò xuất thân từ nhóm nghiên cứu của mình đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài hay vừa trở về nước công tác. Giáo sư Nam cho biết luôn cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với nghề dạy học của mình. “Thầy truyền kiến thức và kỹ năng cho trò, rồi thầy lại học từ trò, chẳng phải trên đời này ai cũng có cái duyên làm thầy trò với nhau và được học hỏi lẫn nhau như vậy”, Giáo sư Nam khiêm tốn nói.
|