NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tết ở Đăk Lăk

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin Tức Khác

Tháng Giêng đang nhẹ nhàng tới, không khí ấm dần và nhịp sống dường như trở nên vội vã hơn. Người bạn lâu năm bỗng hỏi thăm:“bao giờ về quê thế?” - và rồi Đăk Lăk quê tôi mỗi dịp Tết đến hiện lên trong tôi đầy sống động…

Tết ở Đăk Lăk đầy nắng và gió. Sáng, trời se lạnh nhưng ánh nắng vẫn cứ vàng ươm rực rỡ. Thế rồi mặt trời lên cao vào buổi trưa và không khí trở nên oi bức. Chiều buông, nắng lại ôm ấp đất trời như đứa con bé bỏng, thi thoảng lại ve vẩy chiếc quạt giấy, mang tới những làn gió nhẹ nhàng.

Tết ở Đăk Lăk có hoa mai vàng khắp lối. Nhưng không chỉ hoa mai mà tưởng chừng như muôn hoa đều đua nở. Cây bơ góc sân với những chùm hoa xúng xính, nhỏ xinh, chen chúc khoe sắc. Hoa cà phê cũng bắt đầu nở rộ - những khóm hoa trắng xóa, bạt ngàn và thoang thoảng mùi thơm,..

Tết ở Đăk Lăk đậm vị tình thân và đoàn viên. Đó là cảm giác cùng mẹ ra sân vặt lá hoa mai và tưới nước ấm sao cho hoa nở đẹp đúng dịp Tết. Hay con cháu tới nhà ông bà ăn bữa cơm đầu năm, đơn giản nhưng ấm cúng. Là dịp hội ngộ với những người bạn cũ đã lâu chưa gặp gỡ…

Tết ở quê hương gợi lên cho ta nhiều ý vị tinh tế mà khó lòng diễn tả. Đó là nỗi nhớ nhung của người con xa xứ, luôn mong ngóng trở về với thứ xúc cảm đặc biệt mỗi khi hoài niệm tới quê hương cùng một thời xưa cũ. Cảnh sắc xuân và con người xuân cứ muôn màu muôn vẻ. Đời sống vẫn tiếp diễn, nhưng những gì còn lại ở quê hương vẫn ở đó, để rồi những người con chọn phương xa để học tập và làm việc sẽ luôn dành một góc bất bại cho nét đẹp của quê hương và giữ nó mãi trong tim để viết tiếp ước mơ của chính mình.

-Phạm Hồng Trà-

(Tại Đăk Lăk, năm 2022)

 

RECAP GALA ISE ALUMNET 2024

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin Tức Khác

Ngày 03/01/2024 vừa qua, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Thông tin đã tổ chức thành công buổi gặp mặt và giao lưu ấm áp với sự tham gia nhiệt tình của các Giảng viên, Lãnh đạo Trường, Khoa cùng đông đảo các Anh Chị Cựu học viên, Cựu sinh viên.

Đây là dịp quý báu để đại gia đình ISE kết nối, gặp gỡ, trò chuyện với thầy cô và bạn bè, chia sẻ những kỷ niệm quý giá, thắt chặt và củng cố mối quan hệ hơn nữa với Khoa.

Ngoài ra, buổi GALA cũng đánh dấu sự ra mắt của Quỹ ISE Alumni – một sáng kiến quan trọng hỗ trợ thế hệ sinh viên và tài năng trẻ của Khoa. Quỹ sẽ không chỉ là nguồn hỗ trợ tài chính hỗ trợ mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, tinh thần phụng sự cộng đồng và khát vọng vươn lên của các Cựu học viên, Cựu sinh viên dành cho thế hệ tương lai.

Xin chân thành cảm ơn Anh Chị đã dành thời gian tham dự chương trình. Kính chúc các thành viên ISE Alumnet khỏe mạnh, thành công và hạnh phúc!

Xem video recap tại đây: Link

Vinh Danh Thầy Thuốc Ưu Tú - Lương Y Lê Hưng Nhân Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/2/2025

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin Tức Khác

Nhân dịp Ngày Thầy Thuốc Việt Nam 27/2/2025, chúng ta cùng tri ân Thầy Thuốc Ưu Tú - Lương Y Lê Hưng – một biểu tượng của tài năng, lòng tận tụy và sự sáng tạo không ngừng. Sinh năm 1939 tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh), ông là một lương y xuất chúng, đồng thời là nhà thơ, nhà nghiên cứu với những dấu ấn sâu đậm trong y học cổ truyền và lý số tử vi. Dù đã nghỉ hưu tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ở tuổi 86, ông vẫn là nguồn cảm hứng lớn lao, để lại di sản quý báu trong lòng cộng đồng.

Hành Trình Từ Gia Đình Tri Thức

Lương Y Lê Hưng chào đời trong một gia đình giàu truyền thống học thuật ở Sài Gòn. Cha ông, cụ giáo Thiên Lương, là một nhà nghiên cứu lý số tử vi nổi tiếng, đã truyền cho ông niềm đam mê tri thức từ sớm. Người đặt nền móng cho con đường y học của ông chính là đông y sĩ Đấu Sơn – anh trai của cụ Thiên Lương. Những bài học đầu tiên về thảo dược và cách chữa bệnh từ người bác đã khơi dậy trong ông tình yêu với y học cổ truyền, định hình sự nghiệp rực rỡ sau này.

Ông theo học tại trường Petrus Trương Vĩnh Ký – một ngôi trường danh tiếng ở Sài Gòn – trước khi tốt nghiệp đại học năm 1972 với tấm bằng cử nhân, mở ra cánh cửa cho hành trình giáo dục và y học đầy thành tựu.

Từ Giáo Dục Đến Y Học Rực Sáng

Trước khi dấn thân vào y học, thầy Lê Hưng từng là một nhà giáo tận tâm tại Bình Dương. Ông giảng dạy tại nhiều trường như Nông Lâm Súc, Trung học An Mỹ, Bồ Đề, Nghĩa Phương… với phong cách truyền cảm hứng sâu sắc. Sau năm 1975, ông quay về với đam mê y học, gia nhập Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Bình Dương (thành lập ngày 02/05/1990). Với năng lực vượt trội, ông đảm nhận vị trí Phó Giám đốc bệnh viện, được phong danh hiệu “Thầy Thuốc Ưu Tú” và vinh dự nhận giải thưởng Hải Thượng Lãn Ông từ Bộ Y tế.

Người Đổi Mới Y Học Cổ Truyền

Thầy Lê Hưng không chỉ gìn giữ y học cổ truyền mà còn nâng tầm nó với những sáng tạo đột phá. Ông tiên phong phát triển kỹ thuật châm cứu hiện đại, ứng dụng châm (catguto - puncture) và quang châm (laser - puncture) tại tỉnh Sông Bé - Bình Dương. Những phương pháp này, đặc biệt là việc sử dụng laser để trị các bệnh mãn tính như viêm khớp hay đau thần kinh, đã mở ra một hướng đi mới, kết hợp tinh hoa truyền thống với khoa học hiện đại.

Ông còn “cải cách” bộ Y Dịch, diễn giải lại theo toán học nhị phân - nhị tiến, khác biệt so với cách chữa bệnh dựa trên 64 quẻ Dịch truyền thống. Công trình này thể hiện tầm nhìn sâu rộng, mang đến một góc nhìn mới mẻ và độc đáo cho y học cổ truyền Việt Nam.

Nhà Thơ Với Hồn Thơ Triết Lý

Ngoài vai trò lương y, thầy Lê Hưng còn là một nhà thơ tài hoa với bút danh Lê Hưng VKD. Ông sáng tác thơ theo thi pháp nghiêm ngặt, chú trọng niêm luật và vần điệu, tránh lối viết tự do dễ dãi. Các tập thơ “Huyền thoại cỏ hoa”“Đoá mẫu đơn trên môi”, và “Tình tự âm dương” là những tác phẩm tiêu biểu, đậm chất triết lý, hòa quyện giữa y học và cảm nhận tinh tế về cuộc sống. Những vần thơ ấy không chỉ là nghệ thuật mà còn là lời nhắn nhủ về sức khỏe, tình yêu và sự cân bằng. Các buổi giao lưu thơ kết hợp tư vấn sức khỏe của ông tại Bình Dương đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng người dân.

Nghiên Cứu Lý Số Đậm Chất Việt Nam

Thầy Lê Hưng còn để lại di sản với nghiên cứu lý số tử vi độc đáo, khác biệt so với tử vi Trung Hoa. Ông xây dựng hệ thống “linh khu thời mệnh lý”, hay còn gọi là “học thuật bằng lăng hoa tím (BLHT) Việt Nam”, mang đậm bản sắc dân tộc. Công trình này không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn khẳng định tinh thần Việt Nam trong lĩnh vực lý số, trở thành một đóng góp tri thức quý giá.

Nghỉ Hưu Nhưng Vẫn Tỏa Sáng

Dù đã nghỉ hưu tại TP. Thủ Dầu Một, thầy Lê Hưng vẫn miệt mài cống hiến. Ở tuổi 86, ông tham gia hội thảo, viết sách, chia sẻ kinh nghiệm qua YouTube, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Bí quyết sống khỏe của ông – thực dưỡng, dưỡng sinh và làm thơ – giúp ông duy trì tinh thần minh mẫn và sức khỏe dồi dào. Người dân Bình Dương trìu mến gọi ông là “lá đề” – biểu tượng của sự trường tồn và cao quý.

Thơ đầu tuần: Deepseek

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin Tức Khác

"Duy ngã độc...tài " Deepseek (1) ngôi ?

Thông minh Khổng - Lão được lên đời !

"AI " nhân tạo hồn Trung Quốc....

Vua THƠ Lý Bạch phải ...nhường thôi !

 

Cạnh tranh với Chat - GPT (2) ,

Deepseek xem ra RẺ mọi bề....

Người máy Mỹ - Âu là.... quá khứ ,

Bây giờ thiên hạ, mấy người... thuê ?

 

        Tháng dần, trực Thâu 

        Tịnh danh lhvkd ( 10-2-2025 )

 

(1) Deepseek là người máy thông minh (AI ), do người TQ sáng chế mới đây....

(2) Chat - GPT, là người máy thông minh (AI) của người Mỹ chế tạo, đã được cộng đồng Âu-Á- Phí....sử dụng nhiều năm nay !

Tâm hoa trổ thiên lương

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin Tức Khác

 TÂM HOA TRỔ THIÊN LƯƠNG

                                                                                              - LÊ MINH QUỐC -

Trong tác phẩm Thú chơi sách, học giả Vương Hồng Sển cho biết: “Năm 1941, tôi làm thơ ký nơi Dinh Thống đốc Nam Kỳ, tôi có một bạn đồng liêu là Bùi Văn Hai được đi Hà Nội học bổ túc về khoa gìn giữ thư viện (archiviste). Có tin thi sĩ Tản Đà từ trần, nhờ đến cụ bà Nguyễn Khắc Hiếu xin vài kỷ niệm của thi sĩ, thì bà cụ rất sẵn lòng”. Lá thư trả lời ngày 22 Novembre 1941 của bạn cụ Sển, nay đọc lại, tự dưng tôi lại liên tưởng đến một nhà thơ ở đất Bình Dương: Tịnh danh LHVKD.

Tại sao thế?

Không liên tưởng sao được khi trong thư có đoạn thuật lại câu nói của vợ nhà thơ Tản Đà nhận xét về chồng: “Ông sẽ làm nhiều loại về tiểu thuyết v.v… nữa nếu ông còn vì bao giờ trong lòng ông vẫn có thơ văn muốn thì có”. Rõ ràng, đây là phẩm chất của người viết chuyên nghiệp, tất nhiên cũng cần phải có tài năng thì bất kỳ lúc vào cũng có thể viết. Từ lâu nay, có cơ may lẫn cơ duyên được “kết bạn” sáng tác văn nghệ với nhà thơ, nhà giáo, lương y, nhà nghiên cứu Tịnh danh LHVKD, tôi nhận thấy ông cũng là một mẫu người như thế. Là một cảm hứng hết sức giồi dào, mạch chảy của thi hứng tưởng chừng bất tận, có thể viết đều đặn mỗi ngày, ông đã chạm đến đề tài khác nhau và phóng bút ở nhiều thể loại. Sức viết ấy, khi con người ta đã ngoài 80 thì lại càng quý và hiếm.

Thời trai trẻ, như nhiều người viết khác, ồ, ai cũng thế thôi, đó là lúc thi nhân viết về tình yêu đôi lứa thì nay không còn trẻ nữa, ông đã hướng một thế giới khác: Tâm linh, Tôn giáo, Siêu hình... Để từ đó, ông quán niệm, suy ngẫm bằng thơ - là thơ là vần điệu là câu chữ nhưng ám ảnh trong đó, triết lý trong đó là nhằm đạt đến thấu cảm về Lẽ sống, về sự Vĩnh cữu, về Sắc Không của Đời. Tôi nghĩ đó là thpơ của một người khi đã đến một độ tuổi nào đó, đã “đạt đạo” thì mới có thể.

Với tập thơ Đóa mẫu đơn trên môi đã viết và đang viết là mạch cảm xúc mà nhà thơ Tịnh danh LHVKD từng ngày ngao du cùng nàng thơ, kể ra, trong mỗi ngày cỏn giữ được cảm xúc ấy thật kỳ diệu và hoan hỉ cho chính mình và cho bao người khác. Ở đây là những suy ngẫm thú vị, thí dụ trước đây, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã từng viết những câu tự nhắc nhở cho mình và cho người về cách thở:

Thót bụng thở ra

Phình bụng thở vào

Hai vai bất động

Chân tay thả lỏng

Êm, chậm, sâu, đều

Bình thường qua mũi

Khi gấp qua mồm

Đứng ngồi hay nằm

Ở đâu cũng được

Lúc nào cũng được

 

Với Tịnh danh LHVKD cũng là thở/ tập thở nhưng lại là một khái quát:

ÂM hít vào là "nhận"

DƯƠNG thở ra là "cho"

Vòng xoay tạo khỏe khoắn

Tâm hồn nhẹ như... THƠ !

 

Hít vào sâu, chậm rãi

Thêm việc phình bụng lên

Rồi thót nhanh bụng lại

Thở ra: quán chiếu "thiền"

 

Không ai thay Ta thở

Không ai thay Ta thiền

Âm Dương là thế đó

Nhờ Âm Dương đắc DUYÊN

 

Đây là một trong những bài thơ tạo ra ấn tượng khó quên. Rồi, trong cuộc sống này, há ai lại không từng nghe đến lời dạy của người xưa: “Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh, thoái nhất bước hải khoát thiên không” (Nhẫn một lúc thì sóng yên bể lặng, lùi một bước sẽ thấy biển rộng trời cao). Ngẫm ra lời dạy này thời nào cũng đúng và càng có ý nghĩa hơn trong tốc độ sống, nhịp sống của thời đại thế giởi phẳng. Nay trong suy ngẫm ngày, nhà thơ Tịnh danh LHVKD nhìn lại và diễn đạt bằng thể loại thơ bảy chữ, bốn khổ thơ:

Cứ bình tĩnh, dù đường đi chưa tới

Hành giả ơi, áo đã đẫm mồ hôi

Chân thấp chân cao, bóng chiều le lói

Đêm ngủ ngồi, rồi lặng ngắm sao rơi

 

Cứ bình tĩnh, trên cọc đời tạm trú

Hành giả ơi, chim bói cá tinh ma

Bầy ác điểu chờ thời cơ... gây sự

Đừng quan tâm, không bỏ áo cà sa

 

Cứ bình tĩnh, quên miệng người tán thán

Hành giả ơi, buông bỏ hết khen, chê

Lời ong tiếng ve, đấy là kiếp nạn!

Đã ra đi, sao biết được ngày về?

 

Cứ bình tĩnh, đành vậy thôi, thế nhé

Hoang mạc xa, rồi tịnh thất - nghiêm đường

Chuông và mõ, hành trì kinh CỨU THẾ

Hành giả ơi, tâm hoa trổ THIÊN LƯƠNG

Cảm xúc này, nhìn từ ngoại cảnh để tự nhủ lòng mình. Nhẫn, được soi rọi ở gó độ bình tĩnh, an nhiên, an tịnh, không vội vã cũng không sơ hãi, cứ bình tâm với chính mình để cuối cùng vẫn là mình là xét theo nghĩa của tử “thiên lương”. Tôi thích hai từ “thiên lương” kết thúc bài thơ này, là “Phần tốt đẹp có sẵn của con người do trời ban cho” (Hán - Việt tân tự điển, Nguyễn Quốc Hùng). Hầu như hiện nay ít ai sử dụng tù này nữa, vì thế, khi đọc của Tịnh danh LHVKD, tôi nhớ đến nhà thơ Tản Đà lúc lên Hầu trời (1921), Trời bảo công việc của tác giả Giấc mộng lớn. Giâc mộng con ở trần gian:

Trời rằng: "Không phải là Trời đày,

Trời định sai con một việc này

Là việc "thiên lương" của nhân loại,

Cho con xuống thuật cùng đời hay."

Hiểu điều này, càng thấy bài thơ của Tịnh danh LHVKD đã hướng đến sự cốt lõi nhất khiến ta phải ngẫm nghĩ. Những bài thơ trong tập Đóa mẫu đơn trên môi, luôn khiến người đọc phải trầm tĩnh suy ngẫm, không đọc vội, bình tâm nhẩn nha sẽ gặt hái được những điều mà ai ai cũng nói với lòng mình:

TÂM khỏe là ĐẠO khỏe

Đạo khỏe hết nguy nan

Vài dòng thơ chắp nối

Kỳ vọng sống BỈNH AN

                                       L.M.Q