Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin Tức Khác
Khi ghé thăm xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận mùa này, du khách sẽ có dịp khám phá nghề hấp, phơi cá cơm của bà con ngư dân hay trải nghiệm cuộc sống diêm dân trên ruộng muối trăm năm tuổi.
Cá cơm sau khi được các ngư dân đánh bắt về thì được phân chia thành hai nửa: một nửa đưa vào hấp, phơi khô và bán ra thị trường; một nửa được đưa vào chế biến nước mắm. Ảnh: Lữ Duy Tường
Người dân làm nghề hấp cá cơm sơ chế sạch sẽ bằng nước ngọt, trải đều lên vỉ và đưa vào lò hấp… Ảnh: Lữ Duy Tường
… hấp xong thì phơi khô, cuối cùng là đưa cá vào hộp, vào túi để bán ra thị trường. Ảnh: Lữ Duy Tường
Theo kinh nghiệm, cá cơm cứ đưa vào lò hấp chừng 15 phút là đủ độ chín, giữ được mùi vị thơm ngon nhất. Ảnh: Lữ Duy Tường
Nghề hấp cá cơm phát triển từ hộ dân nhỏ lẻ đến cơ sở lớn, tạo nên không khí lao động khẩn trương. Ảnh: Lữ Duy Tường
Từng vỉ cá cơm chín được đưa ra khỏi lò, trải đều trên sân phơi rộng. Ảnh: Lữ Duy Tường
Cá phơi nắng liên tục 6-8 giờ sẽ khô giòn. Các cơ sở sản xuất thường chọn những địa điểm ven bờ biển làm nơi sản xuất, bởi những nơi này có thể đón nắng sớm, gió lộng, đảm bảo cho cá kịp khô trong ngày. Ảnh: Lữ Duy Tường
Cách đó không xa, du khách có thể kết hợp ghé thăm ruộng muối Cà Ná. Một ngày của diêm dân thường bắt đầu từ khi mặt trời vừa lên, tranh thủ thời gian nắng gay gắt nhất trong ngày để ra đồng làm muối. Ảnh: Lữ Duy Tường
Hạt muối Cà Ná được người tiêu dùng ưa chuộng bởi vị mặn đậm đà mà thanh. Nước mắm Cà Ná thơm ngon nổi tiếng xa gần, cũng một phần nhờ hạt muối này. Ảnh: Lữ Duy Tường
Muối kết tinh thành lớp dày trên mặt bạt, công nhân và diêm dân hàng ngày dùng xẻng đẩy, gọi là găng muối. Ảnh: Lữ Duy Tường
Ngoài ra, du khách cũng nên dành thời gian khám phá cánh đồng rong biển dọc bờ kè, xem ngư dân thu hoạch rong xanh để chế biến thức ăn gia súc và phân bón. Ảnh: Lữ Duy Tường
Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin Tức Khác
Những ngày này, du khách khắp nơi đang tranh thủ đến Mộc Châu để ngắm nghía mùa hoa mận về. Trong hành trình du lịch này, ẩm thực địa phương nơi đây cũng là một trải nghiệm mọi người không nên bỏ lỡ.
Thực tế, Mộc Châu là một huyện thuộc tỉnh Sơn La, nơi có nhiều cộng đồng đồng bào dân tộc anh em sinh sống. Từ đó, Mộc Châu có nền ẩm thực đặc sắc, giao thoa với nhau một cách hài hòa, tạo nên bản sắc riêng. Sau đây là một số món ăn đặc sắc mà thực khách yêu thích ẩm thực vùng miền nên thử qua.
Gà đồi Mộc Châu có thể chế biến thành các món ăn riêng lẻ hoặc thành những combo món mẹt đầy ắp thịt, bắt mắt. Ảnh minh họa: Nhà hàng Mộc Châu
Do được nuôi thả tự do trên các đồi chè, đồng cỏ xanh nên gà đồi Mộc Châu cho chất lượng thịt săn chắc, dai ngon, khác với thịt gà công nghiệp. Theo đó, thịt gà đồi có vị ngọt, ít mỡ, và chế biến thành nhiều món ăn như gà nướng, gà luộc, lẩu gà, gà xào lăn.
Du khách có thể thưởng thức gà đồi tại các quán ăn, nhà hàng địa phương hoặc mua gà sống về tự chế biến theo ý thích. Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được vị thơm của thịt hòa quyện cùng một số loại gia vị đặc trưng núi rừng vùng cao.
Nộm da trâu có cách làm tương tự món gỏi nhưng hương vị lại hoàn toàn mới lạ. Ảnh minh họa: Tây Bắc TV
Với những thực khách yêu thích ẩm thực vùng miền, nộm da trâu là món ăn đặc sản của đồng bào Thái ở Mộc Châu. Để làm món ăn này, người nấu phải chọn da trâu tươi rồi đem hơ lửa, ngâm nước và xắt lát vừa ăn. Thay vì dùng giấm, người Thái sử dụng măng chua để bóp nộm, thêm ít gia vị mắc khén để tạo độ đậm đà. Chính vì vậy, khi thưởng thức, thực khách cảm nhận được độ giòn sần sật của da trâu, vị chua măng rừng, vị béo đậu phộng và vị thơm rau mùi hòa quyện khéo léo cùng nhau.
Cá suối chiên vàng, món ăn nổi tiếng của người dân Mộc Châu. Ảnh minh họa: Tây Bắc TV
Cá suối Mộc Châu thường được đánh bắt tại các con suối chảy dài vào dòng Đà Giang, nơi có nguồn nước trong lành, mang đến vị thơm, thanh ngọt tự nhiên cho thịt cá. Tên gọi chung là cá suối nhưng thực tế người ta có thể bắt được cá bống, cá rô, cá chạch... rồi đem ra khu chợ mua bán, trao đổi.
Đối với người dân Mộc Châu, cá suối là thực phẩm chế biến không thể thiếu trong các bữa cơm gia đình. Hầu hết, họ dùng phương pháp nướng hoặc chiên đến vàng chín. Dần dần, các nhà hàng đưa thêm cá suối vào thực đơn để phục vụ du khách yêu thích ẩm thực vùng miền. Có thể kể đến như cá suối chiên vàng dùng kèm rau sống xanh tươi, cá được chiên khéo léo không bị ngấy dầu, thơm vị thịt mát lành của nguồn nước suối.
Bê chao thơm lừng, dễ ăn và phù hợp cho mọi đối tượng. Ảnh minh họa: Pao Quán
Nhắc đến ẩm thực Mộc Châu, bê chao là món ăn không thể không điểm danh qua. Theo đó, nguyên liệu chính để làm món này là thịt của những chú bê sữa. Cứ thế, thịt cắt thành từng miếng vừa ăn, ướp qua gia vị bí truyền rồi chao qua dầu sôi.
Khi chao, người nấu phải thật cẩn thận bởi nếu chao quá lâu dễ bị dai và mất đi hương vị, nhưng cũng rất dễ bị sống. Khi thưởng thức, thực khách cảm nhận được độ mềm, vị ngọt, ngậy, mùi thơm của các hương vị hòa quyện vào nhau. Món này ngon hơn khi dùng nóng.
Nậm Pịa là món ăn thử thách độ "chịu chơi" của những thực khách yêu thích ẩm thực vùng miền Tây Bắc. Ảnh minh họa: Lữ hành Tây Bắc
Nậm Pịa (hay còn gọi là Nặm Pịa) là món ăn độc đáo của người Thái ở Mộc Châu. Món ăn có nguồn gốc từ món ngưu tát phiến ở Quý Châu, Trung Quốc. Khi về đến Việt Nam có nhiều nét tương đồng với món thắng cố vì đều sử dụng nội tạng của động vật ăn cỏ. Tuy nhiên cách chế biến và hương vị của hai món ăn này hoàn toàn khác biệt nhau.
Nguyên liệu chủ yếu của Nậm Pịa Mộc Châu chính là nội tạng của động vật ăn cỏ như tim, gan, phèo, phổi....đặc biệt phải có phân non (pịa). Khi ăn sẽ chế biến với nhiều loại gia vị khác nhau như hạt mắc khén, sả, ớt, mùi tàu... nhằm dậy lên hương thơm đặc trưng của món ăn.
Ngoài những món kể trên, ẩm thực Mộc Châu còn thu hút thực khách bởi một số món khác như xôi ngũ sắc, cơm lam, thắng cố, cá hồi, sữa bò non, thịt trâu gác bếp, măng rừng, ốc đá Suối Bàng, rau cải mèo, khoai sọ mán, canh rêu suối...