Cô gái bị ám sát hụt được trao giải thưởng Nobel Hòa bình
Thoát chết sau một vụ ám sát, cô gái 17 tuổi Malala Yousafzai trở thành nhà hoạt động nhân quyền và là người trẻ nhất thế giới được trao giải Nobel Hòa bình.
Malala Yousafzai - "niềm kiêu hãnh" của đất nước Pakistan.
Những tài năng xuất chúng - họ chỉ là những cô bé, cậu bé 5-7 tuổi hay các cô gái, chàng trai tuổi teen được cả thế giới biết tới vì những đóng góp, thành tích nổi bật của mình trong các lĩnh vực như: Y tế, khoa học, thể thao, nghệ thuật...
Cô gái 17 tuổi Malala Yousafzai người Pakistan được biết đến với vai trò là nhà hoạt động nhân quyền, từng được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2014.
Trước đó, cô từng suýt chết trong một vụ ám sát, nhưng chính từ đó, niềm ham sống và ước mơ hòa bình, ước mơ được bảo vệ loài người bùng cháy trong cô, giúp cô làm nên những điều kỳ diệu.
Suýt chết trong một vụ ám sát
Malala Yousafzai sinh ngày 12/7/1997 trong một gia đình người Pashtun, theo dòng Hồi giáo Sunni (Pakistan). Malala được biết đến với những hoạt động về nữ quyền ở thung thung lũng Swat - nơi từng cấm nữ giới đi học.
Tháng 9/2008, khi chỉ mới là một cô bé 11 tuổi, Malala đã có bài phát biểu về quyền giáo dục tại một câu lạc bộ báo chí địa phương. Bài phát biểu đã tạo ra một cơn sóng lớn, được hàng loạt các đầu báo và kênh truyền hình đưa lên, trong đó nhấn mạnh đến câu nói hùng hồn của cô bé: "Tại sao Taliban dám tước đi quyền được giáo dục cơ bản của tôi cũng như các bạn nữ khác?".
Đầu năm 2009, Malala tiếp tục thu hút sự chú ý của mọi người với bài viết cho BBC kể chi tiết về cuộc sống của cô dưới chế độ Taliban. Vùng tây nam Pakistan, nơi Malala sinh sống là một trong những khu vực nguy hiểm nhất trên Trái đất. Chính quyền dùng mọi nỗ lực để cấm các bé gái đến trường.
Theo thống kê của UNICEF (Tổ chức bảo vệ quyền trẻ em thế giới, năm 2010) khi lời đe dọa của Taliban trở nên nguy hiểm, gần 1.000 trường công và tư đã phải đóng cửa, hơn 120.000 nữ sinh không được tới trường.
Nhưng Malala thì không chịu khuất phục điều này. Cô nữ sinh với những tố chất phi thường đã thực hiện hàng loạt các hoạt động đòi quyền giáo dục cho nữ giới. Malala đã trở thành một biểu tượng hòa bình và bình đẳng ở nơi cô bé sinh sống.
Chính vì vậy mà Malala từng suýt chết dưới một tay súng cực đoan. Tháng 9/2012, khi đang trên xe bus từ trường về nhà, Malala bị một tay súng của lực lượng Hồi giáo Taliban chĩa vào đầu kèm theo câu hỏi: “Mày chính là Malala?”. Đến gần một trạm kiểm soát quân sự, chúng xả súng bắn vào đầu và cổ cô. Malala bất tỉnh và lâm vào tình trạng nguy kịch.
Malala luôn nỗ lực đấu tranh giành lại quyền được giáo dục cho trẻ em gái và phụ nữ.
Giữa tháng 10 năm đó, Malala được chuyển sang bệnh viện Queen Elizabeth ở Birmingham, Vương quốc Anh để tiếp tục điều trị. Một nhóm 50 giáo sĩ Hồi giáo ở Pakistan đã ban hành một tuyên thệ, sẽ chống lại những kẻ cố gắng giết chết cô bé. Tuy nhiên, Malala và cha vẫn thường xuyên bị đe dọa bởi lực lượng của Taliban.
Vụ ám sát biến Malala trở thành biểu tượng toàn cầu. Cả đất nước Pakistan phẫn nộ và thương xót cô bé. Ngày 12/10/2012, người dân cả nước Pakistan cầu nguyện cho Malala qua khỏi cơn nguy kịch. Làn sóng cầu nguyện cũng lan sang Afghanistan và các nước Hồi giáo khác. Chính phủ Hoa Kỳ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, UNICEF, Quỹ Phụ nữ toàn cầu... đều lên án hành vi tàn bạo của Taliban.
Như có phép mầu, Malala đã qua khỏi. Ngày 4.1.2013, Malala rời khỏi bệnh viện Queen Elizabeth mà không phải chịu di chứng hay tổn thương đáng kể nào về thần kinh. Sau đó, gia đình Malala chuyển tới Anh sinh sống và cô bé lại tiếp tục sứ mệnh kêu gọi nhân quyền của mình.
Sự sống sót kỳ diệu của Malala cùng với các cuộc tấn công quân sự vào căn cứ Taliban đã khiến Taliban phải nới lỏng cấm vận việc dạy học cho nữ giới.
Mùa hè năm sau, hãng phim New York Times đã quay một bộ phim tài liệu về cuộc sống của Malala, khi quân đội Pakistan can thiệp vào khu vực, dẫn đến cuộc chiến Swat lần thứ hai. Malala trở nên nổi tiếng với hàng loạt cuộc phỏng vấn được đăng tải trên báo chí và truyền hình.
“Niềm kiêu hãnh” của đất nước Pakistan
Tháng 7.2013, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Malala tuyên bố cô sẽ không im lặng trước những hành vi tước quyền phụ nữ. Một năm sau đó, Malala đoạt giải thưởng về nhân quyền Sakharov danh giá của Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài ra, cô nữ sinh kiên cường còn cho ra mắt cuốn tự truyện “Tôi là Malala” kể câu chuyện về cuộc đời mình. Cô là một trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong năm 2013 do tạp chí Time bình chọn. Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN (Mỹ) vào năm 2013, Malala cho biết cô muốn trở thành thủ tướng Pakistan để “cứu nước”.
Malala là biểu tượng hòa bình của thế giới.
Với những đóng góp lớn lao, ngày 10.10.2014, Malala được trao tặng giải Nobel Hòa bình 2014, trở thành người đoạt giải Nobel Hòa Bình trẻ nhất thế giới kể từ năm 1901 đến nay.
Malala Yousafzai xúc động: “Đôi khi thật khó để bày tỏ cảm xúc, nhưng quả thực tôi cảm thấy rất vinh dự khi nhận được giải thưởng này. Nó như một liều thuốc tinh thần truyền thêm sức mạnh cho tôi, là động lực giúp tôi tiếp tục theo đuổi con đường đã chọn. Bất kể mang màu da gì, nói tiếng gì và theo tôn giáo nào, chúng ta cũng có quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng. Hãy dũng cảm đấu tranh vì quyền của trẻ em, quyền của phụ nữ và quyền của tất cả mọi người.”
Cô cũng nói thêm: “Tại sao các nước rất mạnh mẽ trong việc tạo ra chiến tranh nhưng lại rất yếu kém trong việc mang lại hòa bình? Tại sao người ta có thể dùng súng một cách dễ dàng nhưng lại đọc sách một cách rất khó khăn? Tại sao việc mua xe lại được ưu tiên lên hàng đầu trong khi đó việc xây dựng trường học lại phải suy tính nhiều như vậy?”.
Malala sau đó đã trích một nửa phần thưởng 1,1 triệu USD của mình để giúp trẻ em ở Pakistan được đi học. Thủ tướng Pakistan, Nawaz Sharif đã chúc mừng Malala và nói rằng cô là “niềm kiêu hãnh” của đất nước Pakistan.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Co-gai-bi-am-sat-hut-duoc-trao-giai-thuong-Nobel-Hoa-binh/119/16025374.epi