NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Người Việt ồn ào và cách người Nhật dạy trẻ

on .

Có thể nói giáo dục lòng tự trọng là nguồn gốc và nền tảng cho mọi phẩm chất cá nhân trong nền giáo dục nhân văn nhấn mạnh vào dạy làm người.

Có thể nói giáo dục lòng tự trọng là nguồn gốc và nền tảng cho mọi phẩm chất cá nhân trong nền giáo dục nhân văn nhấn mạnh vào dạy làm người.

LTS: Ngày nay, các bậc phụ huynh Việt Nam thường rơi vào trạng thái hoang mang khi phải đối mặt với một môi trường đầy ắp thông tin nhiều chiều, cùng những thay đổi liên tục về chương trình, chính sách giáo dục. Và hơn cả, họ phải đối mặt với nỗi lo những xô lệch, xuống cấp về đạo đức xã hội, khủng hoảng giá trị... tác động đến con cái họ ra sao.

Trong bối cảnh đó, Tuần Việt Nam xin giới thiệu loạt bài viết về giáo dục, định hình nhân cách và bản lĩnh sống cho trẻ của tác giả Nguyễn Tuấn Hải.

'Người Việt ồn ào' trong các lễ hội. Ảnh: Zing.vn

Bài 1: Giáo dục lòng tự trọng

Một số vấn đề xảy ra trong lòng xã hội Việt Nam hiện nay đang cho thấy tầm quan trọng của việc tạo dựng, bồi đắp lòng tự trọng.Các sự kiện đám đông chen lấn giành giật trong các lễ hội và các sự kiện dẫn đến tai nạn, hoảng loạn thậm chí là đánh nhau ác liệt... đã trở nên ngày càng nhức nhối, làm nhói đau trong tim của những con người tử tế.

Chẳng hạn, chỉ mới vừa đây, báo chí đưa tin, tại TP HCM và Hà Nội, trong những ngày nghỉ lễ xảy ra hàng trăm vụ đánh nhau dẫn đến nhập viện. Đáng buồn nữa là, theo một bác sĩ trực lãnh đạo BV Chợ Rẫy xác nhận: “Nhiều trường hợp đâm chém ở lứa tuổi thanh thiếu niên với hành vi rất nguy hiểm, dùng dao, mã tấu chém đối thương trọng thương...”.

Cái ác và cái xấu sẽ được cổ vũ một cách vô tình bởi sự im lặng của chính những người tử tế. Cho nên những người làm giáo dục chính là những người cần góp không chỉ tiếng nói thức tỉnh và thay đổi hành vi của xã hội, mà còn cần thúc đẩy các hành động tử tế một cách mạnh mẽ hơn.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đưa ra một giải pháp: Giáo dục lòng tự trọng cho trẻ em. Bởi chúng tôi coi đây là nguồn gốc và nền tảng cho mọi phẩm chất cá nhân trong nền giáo dục nhân văn nhấn mạnh vào dạy làm người, thay vì nền giáo dục "cơ bắp", nhấn mạnh vào dạy kiến thức và kĩ thuật làm bài tập như hiện nay của chúng ta.

 

Lòng tự trọng (self - esteem trong tiếng Anh) không phải là thứ tự sinh ra ở mỗi cá nhân. Nó là một phẩm chất mà chúng tôi gọi mang tính thành quả. Dạy kiến thức cho trẻ đã khó. Dạy kĩ năng còn khó hơn. Và rèn phẩm chất cho trẻ mới là cực khó. Cả 3 thứ này: kiến thức (knowledge); kĩ năng (skill) và phẩm chất (quality) đều được người Anh dùng chữ ACQUIRE trong ngôn ngữ của họ khi diễn tả việc đạt được các thứ đó.

Chữ ACQUIRE có nghĩa là đạt được/giành được một cái gì đó không phải thông qua một hành động tức thời mà qua một quá trình rèn rũa. Chúng tôi xin được đưa ra dưới đây các cách thức được dày công nghiên cứu và tổng kết trong các nền giáo dục tiến bộ thế giới nhằm hướng trực tiếp tới việc hình thành và rèn luyện lòng tự trọng cho trẻ em. 1. Dạy trẻ tìm ra 1 đặc điểm cá nhân bất kỳ tại một thời điểm hay một thành tích bất kỳ sau một quá trình để trẻ tự hào về bản thân mình. Đặc điểm cá nhân độc đáo của trẻ là thứ mà một khi ý thức được các em sẽ thấy được sự khác biệt của mình. 

Thành tích cá nhân là một con dao hai lưỡi trong giáo dục trẻ. Quá trình làm việc và phấn đấu của trẻ được đánh dấu bằng các thành tích như vậy. Đó không chỉ là thứ mà trẻ cần được dạy cách tự hào để thấy mình tự tin về những gì mình đã làm được và có thể làm được, mà còn trân trọng chúng như những kỷ niệm đẹp.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh thành tích cá nhân ở đây là sự vượt lên chính mình của cá nhân đứa trẻ, chứ không phải sự cạnh tranh và dẫm đạp lên người khác.

Chúng ta hãy xem Nhật Bản đã dạy học trò tiểu học của họ thế nào trong việc rèn luyện tính tự tôn trọng cá nhân mình:

- Dạy trẻ rằng ước mơ quan trọng hơn tất cả.

- Nhắm vào việc rèn tâm hồn phong phú cho đứa trẻ

- Dạy trẻ tự vượt qua chính mình bằng cách đặt ra các mục tiêu cho cá nhân vào đầu năm học và nỗ lực thực hiện các tiểu mục đó.

2. Dạy trẻ tôn trọng người khác cả về khả năng, tính cách và nhất là sự riêng tư.

Đứa trẻ không chỉ cần nhận thức được sự khác biệt của mình, mà còn cần nhận biết được sự khác biệt của người khác, đặc biệt là bạn bè cùng trang lứa là những người đang chia sẻ nhiều thứ chung với nhau. Và các em phải được dạy tôn trọng sự khác biệt và biết được sự đa dạng làm nên sự hấp dẫn của môi trường sống và học tập của chính mình. 

Chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây một phẩm cách đặc biệt và có tính chất văn hóa ứng xử ở bậc cao: đó là tôn trọng tính cá nhân và không gây ồn hay làm phiền người khác.

Người châu Á, trong đó người Việt Nam, Trung Quốc vốn vẫn rất "mang tiếng" ồn ào, nhất là khi họ đi theo đám đông. Đặc tính này cũng khiến chúng ta đôi khi rơi vào những trường hợp chẳng hạn như bị các thực khách châu Âu tránh né trong các nhà hàng sang trọng. Đó là vấn đề chúng ta phải thực sự suy ngẫm.

3. Tạo điều kiện và khuyến khích trẻ theo đuổi đam mê cá nhân.

Tại Việt Nam khi trẻ em bộc lộ ý thích của chúng mà theo cha mẹ là không có lợi ích thực dụng trong việc học hành và tương lai tài chính, thường chúng sẽ không được khuyến khích và thậm chí bị ngăn cản.

Một khi đứa trẻ không được sống với đam mê để có thể sống hết mình cho ngọn lửa cháy trong mình và qua đó tận hiến cho cộng đồng, chúng sẽ không thấy cá nhân mình có ý nghĩa.

Được là mình là nhu cầu quan trọng nhất của trẻ em. Chúng sẽ trân trọng mình và trân trọng người. Chúng sẽ thấy nếu lấy đồ, sáng kiến, công sức... của người khác làm của mình là hành động xấu xa bậc nhất. 

Và đó là cơ sở giúp trẻ em có những ý thức đầu tiên ươm mầm cho lòng tự trọng cho chúng trong tương lai trên con đường học để làm người trước tiên.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Nguoi-Viet-on-ao-va-cach-nguoi-Nhat-day-tre/59/16534550.epi