Người Việt thành tỷ phú ở Mỹ từ 2 USD
Đến Mỹ chỉ với 2 USD trong tay, sau 14 năm, Trung Dung đã có trong tay 1,8 tỷ USD và là một trong những người gốc Việt thành công nhất ở đất nước cờ hoa.
Một mình đưa cả gia đình tới Mỹ
Trung Dung đã phải làm việc không nghỉ để có thể đưa cả gia đình sang Mỹ cùng mình.
Năm 1985, Trung Dung đặt chân tới Boston với chỉ 2 USD và một chút vốn liếng tiếng Anh. Khi nhìn lại thời kỳ đó, điều duy nhất tỷ phú này nhớ được là niềm hy vọng cho một cuộc sống mới, thay vì những gian khổ bản thân phải chịu đựng.
Mặc dù được nhiều người khuyên vào học lớp 10, Trung Dung vẫn quyết định bỏ qua và tham dự luôn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ông vượt qua các bài kiểm tra chỉ 1 điểm trên mức chuẩn, nhờ vào kỹ năng toán và khoa học bẩm sinh.
Sau đó ông theo học Đại học Massachusetts. Tại trường, mỗi kỳ, ông đăng ký 8-9 môn học. Cùng lúc, Trung Dung làm thêm vào các buổi tối tại một nhà hàng Hy Lạp, còn cuối tuần là lúc ông đảm nhiệm công việc gác cổng cho một bệnh viện.
Với thu nhập hàng tháng là 350 USD, ông gửi được 100 USD về giúp đỡ gia đình mình tại Việt Nam. Trong 3 năm, Trung Dung không chỉ nhận bằng cử nhân kép về toán và khoa học máy tính, ông còn hoàn thành 90% chương trình thạc sĩ khoa học máy tính.
Cho đến trước khi tốt nghiệp, mỗi tháng Dung vẫn nhận học bổng 1.000 USD để có thể theo học bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại đại học Boston. Đến năm 1990, ông đã có thể đưa bố mẹ và em gái đến Quincy, Massachusetts và thuê được một căn hộ 3 phòng ngủ cho cả gia đình.
Vượt lên số phận
Sau khi hoàn thành tất cả các học phần cho chương trình tiến sĩ, Dung quyết định bỏ không làm luận án tốt nghiệp để kiếm việc trợ giúp gia đình. Ông bắt đầu với Open Market Inc., một công ty phần mềm thương mại điện tử tại Massachusetts. Tuy nhiên, năm 1996, ông nghỉ việc để tập trung cho việc phát triển công nghệ mà sau đó trở thành nền tảng cho OnDisplay.
Dung sáng lập và trở thành Giám đốc công nghệ của OnDisplay. Công ty thương mại điện tử tại San Ramon này đã tạo ra phần mềm cho phép các doanh nghiệp tìm và sàng lọc những khối lượng dữ liệu lớn. Cụ thể, phần mềm này được ứng dụng cho các công ty để tìm chỗ trống hay giá máy bay và khách sạn, mà không cần phải tự mình lưu trữ cũng như quản lý mọi thông tin.
Khi quyết định rời bỏ Open Market, Dung đã bỏ qua lời đề nghị có giá trị 1 triệu USD cổ phiếu - bước đi bị cho là thiếu suy nghĩ và đã suýt khiến ông bị cha từ mặt. Tuy vậy, Dung, với máu kinh doanh trong người, đã quen với việc chấp nhận mạo hiểm.
Trung Dung từng bỏ qua lời đề nghị 1 triệu USD và suýt bị cha từ mặt. Ảnh: Mobivi. |
"Một khi bắt đầu nghĩ về thử thách mà mình phải vượt qua, tôi chẳng thể chuyển hứng thú của mình sang bất kỳ việc nào khác", ông chia sẻ. Cũng giống như nhiều những phát minh khác, bước đột phá giúp Trung Dung trở thành tỷ phú diễn ra khá tình cờ.
Khi đó ông đang tổng hợp lại danh sách gửi thư của những người Mỹ gốc Việt và người tị nạn tại khu vực Boston. Dung nhanh chóng cảm thấy mất kiên nhẫn khi phải làm việc trên mạng Internet với những họ tên phổ biến và rồi cắt dán mỗi màn hình hiển thị thông tin.
Giải pháp của ông lúc đó là: Thay vì nhập dữ liệu vào Viet.net, ông để nguyên vị trí của chúng và viết một phần mềm hiển thị thông tin từ các trang theo cách nhanh và đúng thứ tự nhất.
Từ đó, ông bắt đầu tính toán những tiềm năng về thương mại. Những người điều hành trang web vốn không muốn khách hàng của họ vào các trang khác để tìm thông tin. Chương trình của Dung đã có thể giúp những người điều hành trang web giữ được khách hàng trên mạng, xem quảng cáo, trong khi phần mềm kia lấy được dữ liệu từ những trang khác và sắp xếp chúng theo cách hợp lý.
Travelocity đang sử dụng phần mềm OnDisplay để chọn lọc thông tin từ các trang web khách sạn và hàng không, rồi sau đó chỉ hiển thị những thông tin cụ thể mà khách hàng đang tìm kiếm.
Trở thành tỷ phú
Những công ty đầu tư mạo hiểm có hứng thú với công nghệ của Dung nhưng lại không sẵn sàng trả giá cao cho một nhà kinh doanh thiếu kinh nghiệm. Khi đó, ông đang chuẩn bị chấp nhận lời đề nghị bán 33% cổ phần công ty non trẻ của mình với giá 100.000 USD cho Matrix Partners thì xảy ra cuộc gặp gỡ tình cờ, thông qua giới thiệu giữa ông và Mark Pine.
"Tôi nhận ra tầm nhìn của Trung và tin tưởng anh ấy ", Pine nói. "Tôi đã phỏng vấn qua hàng nghìn người và tin rằng Trung sẽ là một đối tác tốt".
Pine gợi ý: "Hãy trở thành đối tác. Tôi chịu trách nhiệm quản lý, anh chịu trách nhiệm về công nghệ. Chúng ta sẽ chia đôi lợi nhuận".
Trung Dung trở thành tỷ phú vào năm 1999 khi bán OnDisplay với giá 1,8 tỷ USD. Ảnh: Dddn. |
Dung đồng ý và thế là ông từ chối đề nghị của Matrix Partners. Trong vòng chưa đến 2 tuần, Pine trở thành CEO và Matrix đồng ý đưa ra con số 3,5 triệu USD cho chưa đến 40% công ty. Nhờ có sự xuất hiện của một nhà quản lý dày kinh nghiệm, giá trị của OnDisplay đột ngột tăng lên một mức cao ngất ngưởng.
"Khi đó tôi đơn thuần chỉ là một chàng kỹ thuật viên ngây thơ", Dung nhớ lại. Ông rời địa bàn về California và dọn tới nhà của Pine, nơi ông viết mã máy tính và học lái chiếc Mercedes 420 SEL của Pine.
Năm 1999, Dung bán OnDisplay với giá 1,8 tỷ USD. Sau đó Dung sáng lập và là trở thành CEO của Fogbreak Solutions, công ty chuyên về ứng dụng doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa độ linh hoạt của chuỗi cung ứng và hiệu quả dây chuyền sản xuất.
Một trong những người châu Á nổi tiếng nhất tại Mỹ
Vai trò của những dân nhập cư châu Á có trình độ như Dung ngày càng lớn hơn tại Khu vực Vịnh San Francisco. Trái ngược với những nhà kinh doanh nhập cư truyền thống, khởi đầu từ các dịch vụ và sản xuất công nghệ thấp, lớp trẻ sau này thiên về lĩnh vực khoa học máy tính và kỹ thuật.
Fogbreak được tài trợ bởi những nhà đầu tư hàng đầu như Matrix Partners, Greylock và Sigma Partners. Sau một vài năm bất ổn định, các nhà đầu tư quyết định rút hỗ trợ. Tháng 5/2004, Nilesh Jain và Trung cùng thành lập Bluekey Services.
Hiện tại Dung là một thành viên Hội đồng quản trị của Tổ chức Giáo dục Việt Nam. Tháng 5/2004, Trung Dung được trao giải Cây đuốc Vàng tại Đại hội toàn quốc Người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American National Gala) tại Washington D.C.
Câu chuyện thành công của ông được kể lại trên những phương tiện truyền thông như tạp chí Forbes, Thời báo Tài chính và Thời báo phố Wall. Ông là 1 trong 17 người Mỹ nhập cư thành công, được vinh danh trong quyển Giấc mơ Mỹ của Dan Rather.