Bí quyết giúp học sinh tự tin thể hiện mình trước đám đông
Thầy Mai Hồng Kỳ - Giáo viên Trường THPT Cẩm Thủy 2 (Thanh Hóa) – cho rằng: Để rèn học sinh tự tin, trước hết giáo viên cũng phải tự tin thể hiện mình trước đám đông. Khả năng, kỹ năng nói của giáo viên rất quan trọng nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người nghe.
Ngoài ra, sẽ là lợi thế lớn nếu giáo viên dạy hoạt động ngoài giờ lên lớp có một số năng khiếu, như hát hay chẳng hạn. Nếu không, cũng cần chuẩn bị một số bài mang tính cổ động tinh thần học trò, những bài hát học trò yêu thích, từ đó tạo ra không khí thật sự sôi nổi, hào hứng, khiến học sinh cảm thấy gần gũi hơn với thầy cô.
Giáo viên phải tổ chức tốt các trò chơi. Để làm được điều đó, ngoài khả năng tự thân, giáo viên nên nhờ sự trợ giúp của học sinh ngay tại lớp học, bằng cách chọn hai em học sinh có năng khiếu, một nam, một nữ cùng tham gia điều khiển trò chơi. Nhiệm vụ của hai học sinh này thường là giúp giáo viên quan sát kỹ các bạn thực hiện yêu cầu của giáo viên.
Khi mới tham gia chơi, không ít học sinh sẽ lúng túng, ngại ngần, ít tích cực tham gia. Giáo viên nên chọn đối tượng tích cực, tự tin thể hiện mình, tạo sự lan tỏa, khiến các học sinh khác cũng muốn thể hiện mình như vậy.
Một biện pháp khác, giáo viên tìm kiếm một số học sinh có năng khiếu hát hay, tính cách sôi nổi, mạnh dạn, gặp gỡ riêng và đào tạo các em giúp mình trong một số hoạt động. Chính những học sinh này sẽ tạo sức hút để các học sinh khác cùng tham gia.
Giáo viên cũng có thể mời khách mời là các giáo viên trong trường có giọng hát hay, tính cách sôi nổi, đang được học sinh coi là thần tượng, nhất là các giáo viên trẻ tuổi tham gia buổi học. Chắc chắn, hiệu quả buổi ngoài giờ lên lớp sẽ sôi động, hiệu quả hơn, thu hút được học sinh nhiều hơn.
Trường hợp học sinh không nhiệt tình trong các hoạt động, giáo viên buộc phải cho các em thể hiện nhiều lần và phải thật kiên trì, dần dần các em sẽ chủ động hơn.
Giáo viên nên giới thiệu hoạt động khiêu vũ quốc tế cho học sinh nếu có điều kiện. Đây là hoạt động rất dễ thu hút học sinh THPT.
Nếu học sinh nói chuyện riêng, không chú ý, thay vì đuổi học hay khiển trách, giáo viên mời học sinh đó đứng dậy, yêu cầu nói một câu gì đó cho đến khi được cả lớp chấp nhận mới được ngồi xuống. Điều này vừa tạo không khí thân thiện và cũng để nhắc nhở các em vi phạm, vừa rèn luyện kỹ năng nói của học sinh trước đám đông.
“Nếu một học sinh biết hát không lên khi được gọi tên, giáo viên có thể xuống tận nơi, đưa tay mình ra và cầm tay em đó dẫn lên phía sân khấu.
Khi tên học sinh trùng với tên các ca sỹ đang được giới trẻ hâm mộ, giáo viên có thể giới thiệu bằng tên ca sĩ đó để tạo không khí tự tin cho học sinh.
Bằng những cách đơn giản như vậy, học sinh rất vui và sẵn sàng tham gia. Đó cũng là tiền đề quan trọng giúp các em tự tin thể hiện mình trước đám đông” – Thầy Mai Hồng Kỳ cho biết.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Bi-quyet-giup-hoc-sinh-tu-tin-the-hien-minh-truoc-dam-dong/59/16734396.epi