NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tài xế Trung Quốc đã qua mặt Uber để kiếm bộn tiền như thế nào

on .

Những nỗ lực của Uber trong việc mở rộng thị trường tại Trung Quốc đang bị những tài xế tại đây lợi dụng để mưu lợi cho bản thân. Và cách thức thực hiện điều đó thật dễ dàng.

Uber đang quyết tâm lấn sân sang thị trường Trung Quốc , và họ đã chi tới 1 tỷ USD để làm việc đó. Thế nhưng sự "rộng rãi" này đang bị chính các tài xế Trung Quốc lợi dụng để trục lợi cho bản thân.

Ông Li - một tài xế giấu tên tại Trung Quốc cảm thấy không hài lòng với thu nhập của công việc bảo vệ ở Thượng Hải. Do đó ông quyết định lái xe cho Uber vào những ngày cuối tuần. Điều đó giúp ông tăng đến gấp 3 lần thu nhập hiện tại, với sự "giúp đỡ" của các hành vi gian lận trong dịch vụ của Uber.

Bằng cách sử dụng những chiếc diện thoại đã được can thiệp phần mềm để cài đặt và lừa Uber, Li và nhiều tài xế khác kiếm tiền bằng cách giả mạo các chuyến đi và bắt Uber trả tiền cho những chiến đi đó. Tất nhiên, chẳng có chuyến đi nào được thực hiện cả.

Sự cạnh tranh thị trường

Uber đang phải rất vất vả trong việc cân bằng giữa xây dựng mạng lưới các tài xế mới và kiểm soát chặt chẽ việc gian lận. Đối thủ trực tiếp của họ: Didi Kuaidi hiện đang làm tốt hơn họ rất nhiều. Dịch vụ đặt xe được sự hậu thuẫn của Alibaba và Tencent này đang thống trị thị trường này ở Trung Quốc với 78% so với chỉ 11% của Uber.

CEO của Uber - Travis Kalanick hiện đang có mặt ở Trung Quốc để gây quỹ cho các hoạt động sắp tới của Uber tại đất nước này. Dù luôn miệng hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành thị trường Uber lớn nhất thế giới, sự mở rộng của Uber tại đây đang gặp khó khăn rất nhiều, mà một phần trong đó chính là nạn gian lận của tìa xế ở đây.

Ước tính có tới 10% các yêu cầu đặt xe của Uber tại đây là... giả mạo. Không có nhiều số liệu về thông tin của những hành vi gian lận này, nhưng theo một số nguồn tin, số tiền Uber bị mất mỗi ngày vào những vụ gian lận này lên tới... 1 triệu USD. Uber chưa hề xác nhận con số này và tuyên bố họ sẽ làm việc để giảm tỉ lệ gian lận tại Trung Quốc giảm xuống 0,5% trong thời gian tới.

Trong khi Uber đang vất vả giảm tỉ lệ gian lận tại Trung Quốc, đối thủ của họ là Didi Kuaidi tự hào tuyên bố họ gần như không có bất kì một chuyến đi gian lận nào trong hệ thống. Họ sở hữu một hệ thống quản lý chặt chẽ và có cả đội ngũ riêng để kiểm soát việc thực hiện các hành vi gian lận.

Làm sao để qua mặt Uber?

Để thực hiện các chuyến đi giả, các tài xế Uber có 2 lựa chọn cơ bản:

Cách đầu tiên là họ có thể tìm mua những chiếc điện thoại "thần kì". Những chiếc máy này đã được hack để có thể hoạt động được với nhiều số điện thoại , và do đó có thể sử dụng nhiều tài khoản Uber cùng một lúc. Mọi việc lúc này trở nên vô cùng dễ dàng: Bạn sử dụng một số điện thoại để đăng nhập vào tài khoản Uber bình thường để đặt chuyến đi, và dùng một số điện thoại khác để vào tài khoản lái xe để nhận chuyến đi đó.

Bằng một từ khóa Uber ở trên Taobao - trang web mua sắm nổi tiếng bậc nhất tại Trung Quốc, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những chiếc điện thoại "thần kì" như vậy. Chỉ với khoảng 2.500 Nhân dân tệ (khoảng 8,6 triệu đồng), bạn sẽ dễ dàng mua được một chiếc iPhone 5c đã được hack để sử dụng vào việc gian lận này. Thậm chí cả tài khoản lái xe và tài khoản thường cũng được... rao bán để bạn sử dụng.

Một lượt search đơn giản là đủ để tìm thấy những chiếc điện thoại "thần kì" trên Taobao

Để hợp pháp hóa những chuyến đi như vậy, các tài xế sử dụng chính hệ thống GPS Uber để "hợp lí hóa" các yêu cầu dịch vụ. Ví dụ, hệ thống báo cho tài xế Uber biết ở sân bay đang có một yêu cầu đặt xe bình thường đang chờ họ, vậy nên những gì họ cần làm chỉ đơn giản là giả mạo một yêu cầu đặt xe khác từ vị trí hiện tại đi ra sân bay. Vậy là các tài xế vừa có tiền từ chuyến đi ảo, vừa có tiền từ chuyến đi thật mà không sợ bị "lộ".

Cách thứ hai, các tài xế Uber sẽ hợp tác với những tay gian lận khác thường được gọi là "y tá". Bằng cách đó các tài xế chẳng cần sở hữu những chiếc điện thoại đặc biệt cũng có thể giả mạo những chuyến đi trên hệ thống. Tài xế chỉ cần vào các diễn đàn chuyên biệt và yêu cầu một lượt đặt giả mạo, những "y tá" sẽ sử dụng một phần mềm "tiêm" đặc biệt để "tiêm" một chuyến đi ảo vào vị trí của tài xế yêu cầu. Các "y tá" sẽ nhận dịch vụ và hoàn thành giao dịch từ xa, trong khi hệ thống vẫn ghi nhận là chuyến đi đó đang được thực hiện. Chi phí cho mỗi lượt "tiêm" này vào khoảng 1,6 USD.

Bằng cách giả mạo những lượt đặt chuyến, gần như mỗi km di chuyển của các tài xế đều sẽ được Uber trả tiền. Bằng cách đó, họ vừa nhận được tiền từ việc di chuyển, vừa nhận được thưởng vì.... hiệu suất di chuyển tốt. Vậy nên chẳng có gì khó hiểu khi Li nhận được thu nhập tăng gấp 3 lần so với hiện tại.

Uber sẽ làm gì?

Rõ ràng Uber biết những gì đang diễn ra trên hệ thống của họ. Những quy định mới của Uber đã bắt đầu được áp dụng và họ cũng sử dụng những đội ngũ chuyên biệt để dò và phát hiện những gian lận trên hệ thống. HÌnh phạt dành cho những người gian lận sẽ là hủy vĩnh viễn quyền gia nhập dịch vụ của Uber, cũng có nghĩa là họ sẽ mất đi nguồn tiền thu nhập hàng tháng.

Ảnh minh họa

Ngay cả Taobao cũng đã bắt đầu để ý tới việc này. Trong một email liên quan, họ nói: "Chúng tôi nhận thức được những rủi ro dành cho Uber đến từ các sản phẩm của bên thứ 3 trên dịch vụ của mình. Chúng tôi sẽ theo dõi dành sách hạng mục sản phẩm thường xuyên để loại bỏ những món hàng đó".

Với những người như ông Li, ông nhận thức được là rủi ro của việc gian lận đang lớn hơn so với những gì mà ông nhận được. Hàng loạt trường hợp gian lận gần đây đã bị cấm vĩnh viễn khỏi dịch vụ. So với việc nhận thêm khoảng 8.000 Nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng hơn 27 triệu đồng), việc bị cấm hoạt động sẽ đáng sợ hơn nhiều, khi nguồn thu nhập cho ông và gia đình bị ảnh hưởng. Nếu hoạt động minh bạch, ông cũng đã kiếm được khoảng 3.000 Nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng hơn 10 triệu đồng).

Rõ ràng, các tài xế Uber ở Trung Quốc đang phải cân nhắc thực sự nếu họ còn muốn gian lận như hiện nay. Bởi việc phát hiện gian lận, theo ông Li, là không phải quá khó khăn.

Tham khảo: BloomBerg

Nguồn: http://www.baomoi.com/Tai-xe-Trung-Quoc-da-qua-mat-Uber-de-kiem-bon-tien-nhu-the-nao/76/16942048.epi