Cựu CEO Lazada: Đừng lơ ngơ, ngờ ngệch khi bước chân vào thương mại điện tử
Cựu Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho rằng, thị trường thương mại điện tử không tồn tại khái niệm “cá lớn nuốt cá bé” mà chỉ tồn tại câu chuyện con cá nào bơi nhanh hơn, con cá nào thông minh hơn. Do đó, đừng lơ ngơ, ngờ ngệch khi bước chân vào thương mại điện tử.
Ông Christopher Beselin, CEO Lazada Việt Nam.
“Chuyện Lazada.vn phát triển ở Việt Nam giống như đổ xăng ra và bật chiếc bật lửa ngay bên cạnh”, ông Christopher Beselin, Nguyên Tổng giám đốc và là người đồng sáng lập Lazada Việt Nam đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo thương mại điện tử trên nền tảng Magento đầu tiên ở châu Á vào ngày 22/8/2015 .
Hãy tự động hóa mọi thứ
Ông Christopher Beselin cho biết, khi Lazada đến Việt Nam từ tháng 2/2012, ông cũng chưa biết người tiêu dùng thích mua gì trên online và ông đã quyết định bán tất cả các sản phẩm. Đây là một chiến lược đắt đỏ vì như vậy Lazada đã phải đầu tư phải mua tất cả sản phẩm, phải có kho chứa hàng, mà nhiều loại hàng trong đó không thể bán được. Sau thất bại này, Lazada tại chọn cách chụp ảnh các sản phẩm và đưa lên giới thiệu và quảng cáo để người tiêu dùng đặt mua, sau đó mua hàng từ nhà cung cấp chuyển cho người mua. Từ đó, Lazada lại đặt tiếp câu hỏi là làm thế nào để chọn trước nhà cung cấp rồi đợi có người đặt mua mới giao hàng hay không? Và Lazada đã phát triển những công cụ hữu ích để giới thiệu hàng hóa tới người tiêu dùng một cách thuận tiện nhất.
“Chúng tôi đã rút ra được bài học thứ nhất là hãy cố gắng tự động hóa mọi thứ”, ông Christopher Beselin nói tiếp.
Sau hơn hai năm vào Việt Nam đến nay Lazada.vn mỗi ngày có hàng chục ngàn đơn đặt hàng, trở thành doanh nghiệp có doanh số cao nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam. Lazada.vn hiện tại không khác nào cái chợ trên mạng, có đủ các loại hàng giống như tập hợp một kho hàng trên mạng. Nhưng Lazada khác các công ty thương mại khác ở chỗ các công ty thường phải lo có kho để chứa hàng và trông giữ hàng, thì Lazada chỉ cần quản lý hơn 1.350 nhân viên mà thôi.
Hiện tại Lazada được đánh giá có tốc độ tăng trưởng hàng đầu ở châu Á về thương mại điện tử, nằm trong top có có doanh số hơn 1 tỷ USD vào cuối năm 2014. Lazada có phiên bản ở 5 quốc gia Đông Nam Á với 60 triệu tài khoản hoạt động trên Lazada.
“Chuyện Lazada.vn phát triển ở Việt Nam giống như đổ xăng ra và bật chiếc bật lửa ngay bên cạnh. Hiện tại cái khó khăn nhất của chúng tôi là làm sao có đủ ghế cho nhân viên ngồi làm, hiện ở Việt Nam đã có 1.350 người làm việc cho Lazada, dự kiến sẽ còn tăng lên nữa”, ông Christopher Beselin nói.
Thói quen trả tiền khi nhận hàng là trở ngại lớn nhất
Cũng tại Hội thảo, ông Christopher Beselin đã chỉ ra những thách thức chính cho thương mại điện tử ở Việt Nam. Trong đó, COD (thanh toán khi giao hàng) được cho là trở ngại lớn nhất. Thói quen của người Việt Nam là họ thích trả tiền mặt khi mua hàng, cho dù là người mua có sở hữu thẻ tín dụng đi chăng nữa nhưng nhiều người vẫn thích dùng tiền mặt để giao dịch. Người dùng Việt Nam không thích dùng thẻ vì nhiều lý do như: Sợ hacker đánh cắp tài khoản, tạo cảm giác thoải mái cho người trả tiền, không phải lệ thuộc vào công ty cung cấp thẻ, phải xem hàng trước cửa nhà trước khi trả tiền. Do vậy để làm thương mại điện tử ở Việt Nam phải có giải pháp COD, kể cả tất cả người dân Việt Nam có thẻ tín dụng rồi thì COD vẫn tồn tại vì đây là thói quen.
Thách thức thứ hai là phải tạo được kênh phân phối và vận chuyển hàng. Nhà cung cấp thương mại điện tử phải tạo nên một chuẩn mực cho người bán hàng, cung cấp đúng mặt hàng đã rao bán, giao hàng đúng hạn và báo cáo về quy trình cung cấp hàng đúng hạn. Chính vì áp dụng nghiêm ngặt chuẩn mực này, nên thời gian đầu vào Việt Nam Lazada có 25 công ty hợp tác bán hàng trong vòng 1 tháng giảm chỉ còn 3 công ty. Do đó, việc đảm bảo khâu chuyển hàng là điều đáng quan tâm.
Một yếu tố khác các nhà phát triển thương mại điện tử cần quan tâm là khi tạo ra điều kiện cho mọi người đến với nền tảng của mình thì phải thiết lập một tiêu chuẩn nghiêm ngặt và phải kiểm tra trước khi cho xuất hiện ở nền tảng thứ hai. Lazada đã phải cử nhân viên kiểm tra các nhà cung cấp xem họ có nhà kho không, có hàng không, có thể sẵn sàng cung cấp hàng khi có người mua hay không. Nếu họ không đáp ứng các chuẩn mực này sẽ hướng dẫn để họ làm theo và nếu họ vẫn không đảm bảo sẽ buộc phải kết thúc hợp tác.
Hãy tập trung vào ngách hẹp của thị trường
Trả lời cho câu hỏi, quy mô của thị trường Việt Nam lớn thế nào, ông Christopher Beselin cho rằng, câu trả lời thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang ở con số là 30 triệu/92 triệu dân, trên thế giới chưa đầy 20 quốc gia có dân số lớn hơn Việt Nam. Do đó, thương mại điện tử mới chỉ phát triển ở giai đoạn đầu và mới chỉ có rất ít các công ty thương mại điện tử ở Việt Nam. Thêm vào đó, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam mới đạt 40 triệu người dùng, tăng thêm 20 triệu người dùng Internet trong vòng 5 năm qua, dự báo đến năm 2020 sẽ có thêm 20 triệu người dùng Internet.
Hiện đang có sẵn hàng trăm triệu USD được đặt vào thương mại điện tử, nhưng trong thị trường này không tồn tại khái niệm “cá lớn nuốt cá bé” mà chỉ tồn tại câu chuyện con cá nào bơi nhanh hơn, con cá nào thông minh hơn. Do đó, đừng lơ ngơ, ngờ ngệch khi bước chân vào thương mại điện tử.
Dù đang có nhiều tiền ở ngoài kia để đầu tư vào thương mại điện tử, Việt Nam chưa có nhiều công ty thương mại điện tử tốt, chỉ có vài công ty tốt nhất đang tiên phong, nên cơ hội còn rất nhiều.
Ông Christopher Beselin cũng đưa ra lời khuyên: “Các doanh nghiệp mới hãy nghĩ đến những ngách hẹp của thị trường để tập trung vào đó”. Trong đó, khu vực ở nông thôn Việt Nam chủ yếu có nhiều cửa hàng nhỏ bán sản phẩm trong các làng, các cửa hàng này chỉ có quy mô cung cấp tối đa 1000 sản phẩm là tốt rồi, nhưng hãy nghĩ đến mô hình trực tuyến có thể bán cho người dân nông thôn hàng triệu sản phẩm mỗi ngày với chất lượng phục vụ tốt hơn.