Người Thái ứng xử ở chùa chiền có giống ta?
Gần đây, báo chí và mạng xã hội nói nhiều về những hành vi phản cảm ở các lễ hội đầu xuân như ăn mặc hở hang; xả rác bừa bãi; chen lấn, giẫm lên cỏ, trèo tường; tranh cướp lộc.
Ghế ưu tiên tại phòng chờ sân bay quốc tế Don Muang, Bangkok, Thái Lan - Ảnh: TRƯỜNG LÂN |
Bên cạnh việc phân tích nguyên nhân và tìm biện pháp giải quyết, một câu hỏi được đặt ra là các nước trong khu vực ứng xử ở những nơi tôn nghiêm như thế nào?
Chúng ta hãy xét trường hợp của Thái Lan - đất nước mà 95% dân số theo Phật giáo.
Các ngôi chùa ở Thái Lan đều yêu cầu khách viếng thăm phải ăn mặc đoan trang, ứng xử lịch sự và tôn trọng người khác. Xuất phát từ việc một số du khách phương Tây mặc quần short khi đến chùa, nhiều ngôi chùa lớn ở thủ đô Bangkok cho khách mượn (miễn phí) một tấm vải lớn để quấn làm váy dài trong thời gian thăm chùa.
Biện pháp này giúp du khách không phải quay lại khách sạn thay quần áo mà vẫn có “trang phục tại chỗ” phù hợp. Ngành du lịch Bangkok chưa ghi nhận trường hợp nào phản đối việc “diện” thêm chiếc “váy dài” này khi vào thăm các ngôi chùa lớn.
Thông thường, khách phải để giày dép ngoài chính điện. Họ có thể yên tâm, không sợ mất giày dép dù chùa không cử người trông coi. Người Thái xem ăn cắp tại chùa hoặc ăn cắp của chùa là tội nặng. Thành tựu này là kết quả của toàn xã hội Thái Lan sau nhiều năm dài, trong đó có đóng góp của nhà trường thông qua việc giáo dục nhân cách kết hợp hài hòa giữa các giá trị phổ quát với văn hóa Phật giáo.
Tại phòng chờ sân bay quốc tế Don Muang phía bắc Bangkok, thứ tự ghế ưu tiên được quy định rõ ràng là: nhà sư, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và phụ nữ có con nhỏ. Quy định này vừa thể hiện sự kính trọng của người Thái đối với nhà sư, vừa chứng tỏ họ biết dũng cảm bảo vệ bản sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Chen lấn, tranh cướp lộc là hệ quả của lòng tham, xa hơn nữa là sự mê tín và xa hơn nữa là sự thiếu hiểu biết. Nó không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà là kết quả của nhiều mối quan hệ tổng hòa.
Xóa bỏ những hành vi phản cảm ở các lễ hội đầu xuân là công việc chung của toàn xã hội vì suy cho cùng, ứng xử nơi tôn nghiêm phản ánh nét văn hóa của một cá nhân, một cộng đồng và có khi một đất nước.