NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

“Đuối” vì đầu vào tiếng Anh quá kém

on .

Trình độ đầu vào môn tiếng Anh của sinh viên kém lại có sự chênh lệch, sĩ số lớp cao khiến việc triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tại các trường ĐH gặp nhiều khó khăn.

Tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM, kết quả kiểm tra đầu vào môn tiếng Anh năm 2014-2015 với 2.113 sinh viên (SV) cho thấy chỉ 80 SV đạt trình độ B1 (tương đương bậc 3 trong khung tham chiếu 6 bậc dành cho Việt Nam), 342 đạt trình độ bậc 2, 457 đạt trình độ bậc 1. Còn lại, có tới 1.246 SV dưới bậc 1 (chiếm 58,97%). Thực trạng đang diễn ra ở nhiều trường ĐH này đã được nêu lên trong hội thảo tập huấn triển khai chương trình tiếng Anh tăng cường (TATC) theo lộ trình đề án 2020, tổ chức ngày 23-12 tại TP HCM.

Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen trong giờ học tiếng Anh Ảnh: TẤN THẠNH

 

99% SV trình độ thấp

Tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM, nhiều ngành không có hoặc chỉ 1 SV đạt trình độ bậc 3 nằm ở các ngành văn học, Việt Nam học, hóa học, sư phạm hóa, sư phạm sinh học, giáo dục thể chất, giáo dục đặc biệt… Như vậy, mục tiêu đạt chuẩn bậc 3 dành cho học sinh phổ thông đến thời điểm này chưa thực hiện được. Trong đó, nhóm đối tượng đạt bậc 1 và dưới bậc 1 chiếm số lượng lớn rơi vào các ngành giáo dục mầm non, kế đến là ngành lịch sử, sư phạm địa lý, giáo dục chính trị, giáo dục thể chất.

Tại Trường ĐH Tây Bắc, kết quả khảo sát năm 2013 với 2.520 SV của trường cho thấy 99% chỉ đạt trình độ A0 (bậc thấp nhất). Trước đó, trường đã tổ chức lớp tiếng Anh với 30 SV lấy từ các khoa nhằm thí điểm kế hoạch giảng dạy chương trình TATC cho SV các ngành không chuyên, trong đó SV được đào tạo đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết (mỗi kỹ năng 75 tiết) trong vòng 5 tháng. Lớp tiếng Anh thí điểm này do 4 giảng viên phụ trách giảng dạy theo từng kỹ năng, thời lượng 300 tiết trên lớp và 400 tiết tự học ở nhà dưới sự giám sát của phần mềm học tiếng Anh. Tuy nhiên, lớp thí điểm này thất bại do SV không chịu đến lớp.

Nhóm tác giả Lưu Thị Kim Nhung và Bùi Thị Diệu Quyên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nêu thực trạng với từng SV, khả năng tiếng Anh cũng không đồng đều vì kỹ năng nghe, hiểu, nói, viết kém; chỉ mạnh về ngữ pháp nhưng ngữ pháp ở bậc THPT là để thi cử. Chính vì thế, khi nghe giảng bằng tiếng Anh, nhiều SV… hoảng loạn!

Trong cùng một lớp, trình độ tiếng Anh của SV cũng không đồng đều. Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chưa đến 20% SV có trình độ bậc 3, còn lại là bậc 2, thậm chí bậc 1 và dưới bậc 1.

Xây dựng chuẩn đầu ra chi tiết

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng muốn chương trình TATC tại các trường đạt hiệu quả theo lộ trình đề án, ngoài các giải pháp như thuê giáo viên bản ngữ tham gia giảng dạy, tổ chức đào tạo linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho người học, thì việc xây dựng chuẩn đầu ra chi tiết, với mô tả đầy đủ về các mức độ kỹ năng nghe, nói, đọc viết mà các SV phải đạt khi tốt nghiệp là hết sức cần thiết.

TS Huỳnh Công Minh Hùng, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, đề nghị: “Cần xác định chuẩn đầu ra cho từng nhóm đối tượng, từng nhóm ngành. Phải kiểm tra đầu vào của SV hằng năm, không chỉ để lấy kết quả xếp lớp mà còn căn cứ vào đó thực hiện quy chế giảng dạy ngoại ngữ không chuyên, đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Cần tăng thời lượng chương trình vì hiện số tiết quá ít, chưa đủ đáp ứng chuẩn đầu ra B1 cho SV”.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Hoàng Triều, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho rằng việc chuyển từ phương pháp dạy truyền thống sang dạy học tích cực, có kết hợp công nghệ thông tin đỏi hỏi giáo viên phải nỗ lực rất cao. Việc biên soạn giáo trình giảng dạy cho những môn dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh chưa thể phủ hết tất cả các môn. “Vì thế, chúng tôi đề xuất tạo điều kiện thuận lợi và thích hợp cho giảng viên ngoại ngữ dạy các môn học bằng tiếng Anh nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng đến chương trình đào tạo cập nhật, tiên tiến nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra” - ThS Triều nhấn mạnh.

Nhóm tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Yến, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, đưa ra mô hình: Kiểm tra, phân lớp theo trình độ đầu vào để xây dựng chương trình phù hợp và hiệu quả cho từng nhóm SV thuộc các đối tượng khác nhau. Sau đó, chia chương trình học TATC thành 5 học phần, mỗi học kỳ có thời lượng 120 giờ trên lớp. Việc phân bổ thời gian như vậy là để SV thấy mỗi học kỳ nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, mỗi học phần cũng sử dụng một bộ giáo trình khác nhau, phù hợp với mục tiêu chương trình.

“Phương pháp giảng dạy cũng rất quan trọng khi chọn lọc cả phương pháp dạy truyền thống với các phương pháp khác nhưng lấy trọng tâm là sự tương tác giữa giáo viên và SV, khuyến khích khả năng tự học và học chủ động của SV. Ngoài ra, còn kết hợp học ngoại khóa bằng tiếng Anh” - ThS Nguyễn Thị Quỳnh Yến cho biết.

Đề xuất mô hình học kết hợp

Ông Đỗ Duy Hoàng, Công ty TNHH Công nghệ giáo dục mới, đề xuất mô hình học kết hợp, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy thông qua 4 bước: đào tạo phương pháp sư phạm thực hành cho giáo viên; tùy theo yêu cầu về đầu ra sẽ giới thiệu sách với các trình độ đầu vào tương ứng từ A1 đến B2 do những chuyên gia ĐH Cambridge biên soạn; triển khai giáo trình trực tuyến và chương trình sát hạch, kiểm tra trực tuyến.

Theo ông Hoàng, mô hình này đã có 18 trường ĐH và các trường phổ thông tham gia.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Duoi-vi-dau-vao-tieng-Anh-qua-kem/59/15577554.epi