6 “cái bẫy” nên tránh khi mua sắm trực tuyến dịp lễ hội
Trong thế giới ảo, rất khó phân biệt nhà bán lẻ có đạo đức và bọn tội phạm vì bất cứ ai cũng có thể tạo ra một trang web bán hàng và kinh doanh hợp pháp.
Mua hàng trên mạng cần hết sức thận trọng.
Do đó, trước khi nhấp chuột vào nút "mua" ở bất cứ địa chỉ mua sắm trực tuyến nào, hãy để ý những điểm sau:
1. Sử dụng phần mềm chống độc hại
Nhiều người thường bỏ qua lời khuyên này và đã trả giá cho một "cuộc xâm lược" đánh cắp tài khoản máy tính và lấy đi cơ sở dữ liệu quan trọng trên máy tính cá nhân.
Nên tối ưu hóa các thiết lập bảo vệ máy tính và thường xuyên cập nhật các phiên bản diệt virus mới nhất để ngăn chặn các rủi ro không ngờ đến.
2. Nhận xét giả mạo
Nếu chỉ nhìn vào phần đánh giá 5* mà cho rằng đây là sản phẩm đáng tin cậy, thì khách mua hàng trực tuyến có thể đã bị lừa. Một số nhà bán lẻ thậm chí còn có chính sách hoàn tiền lại cho khách với điều kiện họ phải để nhận xét tích cực hoặc lấy tiền đổi *.
Để giảm thiểu rủi ro, lời khuyên Forbes đưa ra khi mua sắm online là hãy nghi ngờ những nhận xét "quá hớp" hay thiếu chi tiết, nên tin vào ý kiến đa chiều của người quen, bạn bè trên các mạng xã hội Facebook, Twitter, hay Yelp. Đừng quên kiểm chứng tính xác thực của những lời nhận xét "có cánh" trên các trang fanpage của hãng.
3. Lập lờ giá cả
Những khoản phí cộng thêm như phí vận chuyển có thể sẽ bị ẩn đi cho đến khi khách hàng chuyển đến giai đoạn thanh toán. Chẳng hạn như công cụ so sánh giá của ConsumerReports đề xuất nơi mua laptop tốt nhất, miễn phí vận chuyển là TigerDirect.com thuộc Systemax.
Nhưng khi khách hàng gần hoàn tất thủ tục mua hàng thì mới nhận được thông báo phải trả thêm 49,99 USD để làm thành viên trong vòng 1 năm mới được miễn phí vận chuyển. Tính ra giá thành thực tế đội thêm 20% ban đầu.
Vì thế, khi mua hàng trực tuyến phải luôn ghi nhớ rằng "Không có gì là miễn phí!", bằng cách này hay cách khác khách luôn phải trả phí giao hàng. Thêm nữa, đừng quá tin vào các công cụ so sánh giá khi các nhà bán lẻ đều cố gắng giấu đi những khoản phí cộng thêm.
4. Hàng giả
Ngay cả Amazon cũng khó loại bỏ hoàn toàn hàng giả ra khỏi website bán hàng của mình. Tòa án phúc thẩm ở California gần đầy đã thông báo về nỗ lực của Amazon để "thổi còi" nhà buôn là bên thứ 3 cung cấp hàng giả.
Do đó, nếu thấy một món hàng được bán với giá quá hời, khách mua hàng trực tuyến có lý do để nghi ngờ nó là hàng giả. Hãy cẩn thận kiểm tra bên bán hàng thứ 3 hoặc trang web bán hàng hiện có, đừng ngại hỏi thật cặn kẽ những khúc mắc của mình. Cuối cùng, hãng tin vào linh cảm của chính mình.
5. Đơn hàng không bao giờ đến
Mỗi lần đặt hàng trên Amazon.com hoặc Walmart.com, đơn hàng có thể luôn đến đúng hạn. Tuy nhiên, vẫn có số ít khách hàng kém may mắn vì nhiều khả năng có thêm bên bán hàng thứ 3 tham gia, chẳng hạn như Marketplace Retailers.
Cách giảm thiểu rủi ro ở đây chỉ có thể là chọn nhà bán lẻ có tiếng để dễ dàng khiếu nại.
6. Kẻ gian mạo danh (Identity Theft)
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, cụm từ "Identity Theft" được dùng để chỉ các loại tội phạm sử dụng thông tin cá nhân của người khác không xin phép, nhằm mục đích gian lận, lừa lọc vì lợi ích kinh tế.
Ví dụ, nếu có ai đó đánh cắp thẻ ghi nợ (debit card) của bạn, kiểm tra và truy cập vào tài khoản cá nhân, thì chỉ trong vài phút, chúng có thể rút cạn tài khoản đó và gây rắc rối tài chính cho chủ thẻ trong nhiều năm sau đó.
Cách tốt nhất là phải thực sự cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân, trừ phi bạn có lý do đáng tin cậy để làm điều đó. Tiếp đến phải kiểm tra thông tin tài chính cá nhân thường xuyên, thường xuyên yêu cầu cung cấp bản sao báo cáo tín dụng và phải lưu giữ cẩn thận hồ sơ ngân hàng lẫn tài khoản chính.
Nếu có thể, nên thanh toán bằng thẻ tín dụng (credit card) để giới hạn hạn mức chi tiêu trong trường hợp bị kẻ gian đánh cắp.