Làm thế nào để sinh viên không ngủ gật
Trong một hội thảo giáo dục do ĐH FPT tổ chức gần đây, TS Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch HĐQT ĐH FPT đã đưa ra một câu hỏi lớn: "Làm thế nào để sinh viên không ngủ gật trong giờ học?". Phân tích vấn đề này, anh nhận định, thực trạng sinh viên ngủ gật là khó cấm trong một lớp học buồn tẻ.
“Ngủ là nhu cầu tự nhiên thiết yếu không thể cưỡng lại. Thực tế, sinh viên ngủ gật không phụ thuộc vào việc môn học có hấp dẫn hay không, và việc cấm sinh viên ngủ trong lớp là một việc làm khó khăn, thậm chí vô ích. Thuốc chữa buồn ngủ tốt nhất là… ngủ”, anh Nam hài hước nói.
Theo anh, việc sinh viên ngủ gật cũng như chơi game, sử dụng email, Facebook trong giờ học, giữa lúc giảng viên đang thao thao bất tuyệt là hoàn toàn có thể hiểu được. Giảng viên phản ứng tiêu cực với việc ngủ gật của sinh viên như cấm đoán hay phạt không những không khắc phục được vấn đề, mà còn có thể gây phản tác dụng. Vì vậy, thay vì quá tập trung vào những điểm yếu, những điểm không thể thay đổi được của lớp học (như việc sinh viên ngủ gật), người thầy nên tìm những điểm mạnh của sinh viên để phát triển.
Anh Nam kể, bên cạnh các điểm tiêu cực như làm việc riêng, nói chuyện, thiếu tập trung, hay ngủ gật… thì sinh viên của anh cũng có những điểm tích cực như thích làm bài tập, thích và biết cách làm việc nhóm một cách chủ động, rất thích nghe kể chuyện… Dựa vào những điểm tích cực này, anh Nam đưa ra 3 nhóm “lời giải” cho bài toán "sinh viên ngủ gật". Đó là thay đổi diễn đàn dạy - học; chọn lọc bài giảng phù hợp trong quá trình giảng dạy; cách thức hỗ trợ việc giảng dạy.
Cụ thể, để hấp dẫn sinh viên của mình, giảng viên có thể so sánh mình giống như người ca sĩ biểu diễn trước khán giả, bài học chính là bài hát biểu diễn. Mỗi giáo viên nên chuẩn bị tỉ mỉ hơn khi đến trường, khi lên bục giảng như chăm chút ngoại hình, cách giảng bài, các “tiểu xảo” để làm “nóng” lớp học như: vỗ tay, kỹ năng “warm up” tập thể…
Việc học trong nhà trường đôi khi gây nặng nề, nhàm chán cho sinh viên bởi những giáo trình nặng trịch, những chương trình học lê thê… Vì vậy, thay vì dạy một cách máy móc, người thầy hãy chủ động hướng dẫn sinh viên tự học; giảng bài trên lớp có chọn lọc, tập trung; hướng dẫn sinh viên kỹ năng đọc nhanh… từ đó, giúp các em thực sự làm chủ kiến thức chứ không phải là “học vẹt”, “học gạo”.
Theo anh Nam, khi tổ chức cho sinh viên tự học, tự làm bài nhóm cũng kích thích các em sự sáng tạo, chủ động trong học tập. Đôi khi, thầy không là người duy nhất ra yêu cầu trong lớp, mà khéo léo dẫn dắt để sinh viên tự đặt ra các yêu cầu, đích đến cho các em phấn đấu. Sự tự giác, chủ động cũng giúp các em nỗ lực hơn, tập trung hơn khi đến lớp.
Bằng các ví dụ cụ thể là chính việc dạy học, là sự tiến bộ của các sinh viên trên lớp của mình, tiến sĩ Thành Nam khẳng định: "Người thầy là yếu tố quan trọng nhất giúp sinh viên không buồn ngủ hay ngủ gục trên lớp".
"Bài nói chuyện ngắn gọn và hóm hỉnh nhưng lại chia sẻ được triết lý dạy và học hết sức bổ ích và lý thú: Người thầy là nhân tố đầu tiên giúp làm nên thành công của giáo dục. Với bất kỳ mong muốn đổi thay nào từ nền giáo dục, từ phía người học, thì sự đổi thay từ chính mình, một cách nghiêm túc, chỉn chu sẽ là bước khởi đầu để làm nên những đổi thay tích cực", bạn Vương Loan (Tây Hồ, Hà Nội) nhận định.
Quỳnh Anh