Cuộc cách mạng năng lượng mang tên Tesla: sợ gì điện tăng giá?
Mới đây, Tesla đã công bố dự án Tesla Energy nhằm cung cấp năng lượng cho nhà ở, doanh nghiệp và quan trọng nhất là việc không còn phụ thuộc nhiều vào điện lưới.
Cuối cùng thì Tesla đã công bố dự án đầy tham vọng của mình là Tesla Energy - một hệ thống pin siêu việt có khả năng cung cấp đầy đủ năng lượng cho các thiết bị trong nhà, các doanh nghiệp và các hệ thống lớn trên thế giới. Trong đó, hệ thống pin của Tesla được chia làm 2 sản phẩm riêng biệt: Power Wall và Power Pack.
Hệ thống pin hoàn toàn mới của Tesla
Hệ thống Powerwall.
Về cơ bản, Powerwall là một hệ thống pin trong nhà với 2 phiên bản: 3500 USD cho 10 kWh hoặc 3000 USD cho 7 kWh. Mỗi hệ thống như vậy sẽ có kích thước khoảng 3-4 feet và dày khoảng 6 inch, đi kèm với đó là hệ thống quản lý nhiệt, có thể đặt chúng ở trong hoặc ngoài bức tường nơi sinh sống.
Điểm đặc biệt là hệ thống này được kết nối với Internet và được sử dụng như một hệ thống dự phòng, cho phép căn nhà của bạn có thể hoạt động bình thường mà không cần tới điện lưới. "Toàn bộ hệ thống là một công trình hết sức phức tạp", Elon Musk phát biểu trong một cuộc họp báo chiều nay.
Trong khi đó, phiên bản quy mô hơn của Powerwall được Tesla gọi là Powerpack, có thể phục vụ cho các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp hoặc lớn hơn. Còn theo mô tả của hãng này, Powerpack giống như một nguồn năng lượng không giới hạn và có thể mở rộng tới mức con người khó tưởng tượng nổi.
Được biết, một hệ thống pin Powerpack có thể cung cấp từ 100 kWh tới 500 kWh và cao nhất là 10 MWh. Cũng theo CEO Tesla, mục tiêu của hãng ở đây không phải là gia tăng lợi nhuận mà là để thay đổi cách thế giới sử dụng năng lượng với quy mô cực lớn.
Chúng hoạt động ra sao?
Để tỏ rõ tham vọng của mình, tại cuộc họp báo cách đây vài giờ, Elon Musk đã mở đầu sự kiện bằng cách nói về câu chuyện biến đổi khí hậu, những trường hợp xấu nhất mà con người có thể gặp phải, rằng Tesla đang làm mọi cách có thể sản xuất và sử dụng được năng lượng, nhằm khắc phục những hạn chế về năng lượng hiện nay.
Minh chứng là hiện Tesla đã áp dụng thành công dự án này với nhà xưởng Gigafactory được xây dựng ở Nevada. Nếu tiến xa hơn nữa, với 160 triệu PowerPack, Tesla có thể cung cấp năng lượng cho toàn nước Mỹ, và ước tính khoảng 2 tỷ PowerPack có thể phục vụ cho toàn thế giới. Điều đáng nói là hầu hết những năng lượng này đều được lấy từ năng lượng mặt trời - đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường.
Hệ thống Powerwall của Tesla và xe điện
Về quá trình xây dựng hệ thống pin cực "khủng" của mình, Tesla đã thử nghiện Powerwall trong vòng một năm trước đó và đã được bán cho nhiều khách hàng, còn với hệ thống Powerpack, Tesla sẽ bắt đầu nhận các đơn đặt hàng vào cuối năm nay và chính thức xuất xưởng từ nhà máy Gigafactory của hãng.
Trước đó, Tesla đã từng úp mở rất nhiều về hệ thống năng lượng mới của mình và điều thú vị là ý tưởng này mới chỉ được hãng phát kiến ra từ tháng 2 năm ngoái - dành cho những chiếc xe điện của hãng. Bởi hiện nay, xe điện đang trở thành một trào lưu, nhưng bất cập lớn nhất mà Tesla gặp phải đó là nguồn năng lượng điện hiện nay rất hạn chế và đắt đỏ.
Theo giải thích, phần lớn các thiết bị chạy điện đều phải nạp năng lượng từ điện lưới và chẳng có sự chọn lựa nào khác. Vậy tại sao không sử dụng năng lượng sạch, như từ gió hay mặt trời. Từ đó, ý tưởng đã ra đời, nhằm đáp ứng cho những chiếc xe điện. Cơ chế hoạt động của hệ thống pin này rất đơn giản: thu thập năng lượng vào ban ngày, kể cả khi di chuyển và nạp năng lượng và ban đêm.
Tất nhiên, những năng lượng này không chỉ được sử dụng để tiêu thụ mà còn có thể đẩy ngược lại vào hệ thống điện lưới khi cần thiết, nhưng phải sử dụng thêm một hệ thống chuyển tải riêng, và xe điện chỉ là những bước khởi đầu.
Sợ gì điện tăng giá?
Nghe thì có vẻ khá mới mẻ, nhưng thực chất, cơ chế hoạt động này đã được các tiểu bang như California thực hiện từ trước đó. Về cơ bản, nguồn năng lượng tái tạo không thể thu thập liên tục như điện lưới bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào gió và mặt trời. Do đó, sẽ có lúc năng lượng thiếu, nhưng lại có lúc thừa năng lượng.
Để giải quyết vấn đề này, hệ thống pin mà Tesla công bố có thể lấy năng lượng từ điện lưới khi cần thiết, nhưng cũng có thể chảy lại vào điện lưới khi dư thừa, do đó, có thể khẳng định đây là một hệ thống hết sức linh hoạt. Hệ thống của Tesla vừa hoạt động như một viên pin lại vừa là một "bồn chứa" năng lượng hữu hạn.
Hiện tại, khái niệm lưu trữ năng lượng đang được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng, tuy nhiên, mức phí mà các đơn vị này bỏ ra còn khá cao. Thêm vào đó, tuổi thọ của mỗi hệ thống pin như vậy chỉ rơi vào khoảng 5-10 năm, chưa thực sự bền vững cho các doanh nghiệp quy mô lớn.
Tất nhiên, nếu dự án mà Tesla công bố có thể hoạt động ổn định và thành công, đây sẽ là một bước tiến lớn trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt ý nghĩa với cuộc sống con người hiện nay, khi mà tài nguyên hay điện lưới đang trở thành một lĩnh vực đắt đỏ.
Tham khảo: theverge
Nguồn: http://www.baomoi.com/Cuoc-cach-mang-nang-luong-mang-ten-Tesla-so-gi-dien-tang-gia/136/16515783.epi