Cử nhân thất nghiệp tăng đột biến, vì đâu?
Nhiều nguyên nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải cho tình trạng cử nhân thất nghiệp tăng cao nhưng nguyên nhân chính và trách nhiệm của bộ về việc tăng quy mô quá nhanh, mở trường tràn lan, không chú trọng chất lượng thì không được nhìn nhận đúng mức
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại phiên giải trình của Chính phủ cuối tháng 4 vừa qua về việc thực hiện Luật Giáo dục ĐH và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên (SV) tốt nghiệp đưa ra con số biết nói: Lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp năm 2014 so với 2010 tăng 103%.
4 năm tăng nửa triệu sinh viên
Như vậy, chỉ trong 4 năm, số lượng cử nhân thất nghiệp tăng hơn gấp đôi. Đây là con số rất đáng lo và Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều nguyên nhân lý giải thực trạng này: điều kiện bảo đảm chất lượng của một số cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu của đào tạo, đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu; nhiều cơ sở giáo dục ĐH đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế; quy trình mở trường, cấp phép hoạt động trong một thời gian dài còn thiếu quy định chặt chẽ…
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn đẩy nguyên nhân cho thị trường lao động còn sơ khai, chưa đủ thể chế để hoạt động hiệu quả; việc quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương, bộ ngành mang tính hình thức, chưa sát thực tế; xã hội còn tâm lý chuộng bằng cấp…
Quy mô đào tạo các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2008-2012, theo đó, giai đoạn này số lượng sinh viên ĐH, CĐ tăng lên nửa triệu người. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Những nguyên nhân mà Bộ GD-ĐT đưa ra đều có lý nhưng theo các chuyên gia giáo dục và các nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến việc năm 2014 đạt đỉnh về tỉ lệ thất nghiệp chính là hậu quả của việc tăng quy mô đào tạo trình độ CĐ, ĐH 3-4 năm trước. Theo số liệu mà chúng tôi thu thập được, năm 2009-2010, quy mô SV tăng đến 47% so với năm 2004-2005 (từ hơn 1,3 triệu lên đến 1,9 triệu SV). Quy mô tiếp tục tăng mạnh vào năm 2010-2011 (ở mức hơn 2,1 triệu SV) và đạt đỉnh năm 2011-2012 ở mức hơn 2,2 triệu SV, tăng 28% so với năm 2008-2009 (1,7 triệu SV). PGS-TS Phan Bảo Ngọc, giảng viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM, nhận định: “Năm 2008-2009, quy mô đào tạo là khoảng 1,7 triệu SV thì năm 2011-2012 đã tăng lên 2,2 triệu SV. Nếu so với quy mô đào tạo bậc ĐH của ĐHQG TP HCM (khoảng 50.000 SV) thì quy mô đào tạo giai đoạn này tăng tương đương với… 10 ĐHQG. Chỉ trong 3-4 năm mà tăng đến nửa triệu SV quả là con số khủng khiếp!”. Vào ồ ạt và theo đó là số SV ra trường cũng tăng đột biến. Năm 2012-2013, số SV tốt nghiệp là hơn 425.000 người, tăng 165% so với năm 2010 và gấp 2,2 lần so với năm 2005. Thị trường lao động vì thế không thể đón nhận hết dẫn đến hậu quả tất yếu là “đỉnh” thất nghiệp chưa từng có. “Tỉ lệ thất nghiệp năm 2014 tăng gấp đôi so với năm 2010 là hậu quả tất yếu của việc tăng quy mô đào tạo quá nhanh. Đây là triết lý nhân quả trong giáo dục mà các nhà quản lý cần nhìn nhận” - PGS-TS Ngọc nói. Mở trường, mở ngành tràn lan Điều đáng nói là trong việc mở rộng quy mô đào tạo, tỉ trọng SV các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tăng chóng mặt. Nếu năm 2004-2005, ĐH ngoài công lập chỉ có khoảng 113.000 SV thì đến năm 2009-2010 là 174.000 SV (tăng trên 53%). Quy mô các trường CĐ ngoài công lập năm 2004-2005 chỉ có 25.000 SV thì đến năm 2009-2010 đã tăng gần 105.000 SV (tăng trên 300%). SV ở khu vực công lập cũng tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2004-2005 là 933.000 SV thì đến 2009-2010 tăng gần 1,2 triệu SV (tăng 27%); bậc CĐ công lập từ 249.000 SV tăng lên 471.000 SV (tăng 90%). Ở khu vực công lập giai đoạn này có sự tăng quy mô vượt trội do hàng loạt trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp từ bậc thấp hơn. Chỉ trong 3 năm (giai đoạn 2010-2012) đã có tổng cộng 33 trường ĐH, CĐ thành lập, trong đó có 23 trường ĐH, CĐ công lập (18 trường ĐH, 5 trường CĐ) và 10 trường ĐH, CĐ tư thục. Thời điểm này, trường “mọc lên như nấm” từ Bắc tới Nam như Trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang (Bắc Giang), Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ), Trường ĐH Dầu Khí, Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải (Vĩnh Phúc), Trường ĐH Công nghiệp Việt Hung (Hà Nội), Trường ĐH Tài chính - Kế toán (Quảng Ngãi), Trường ĐH Xây dựng Miền Trung (Phú Yên); Trường ĐH Đồng Nai (Đồng Nai), Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương (Bình Dương); Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường (TP HCM), Trường ĐH Tân Tạo (Long An), Trường ĐH Xây dựng Miền Tây (Vĩnh Long)... Nâng tổng số trường ĐH, CĐ lên 419 trường (năm 2011-2012). Đặc biệt, có sự bất hợp lý trong cơ cấu ngành nghề đào tạo. Thống kê cho thấy năm 2011-2012 có đến 403 ngành kinh doanh quản lý; 363 ngành khoa học GD-ĐT; 280 ngành khoa học nhân văn; 232 ngành công nghệ kỹ thuật... Trong khi những ngành như nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 116 ngành; thú y: 8 ngành, môi trường và bảo vệ môi trường: 28 ngành; dịch vụ vận tải: 12 ngành... Như vậy, phần đông các trường ĐH, trong đó phần lớn là các cơ sở ngoài công lập, vẫn tập trung mở và tuyển sinh ngành dễ dạy, dễ học, dễ thu hút SV nhưng ít tốn kém cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành trong quá trình đào tạo. TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, nhận định: Rõ ràng có sự mất cân đối ngành nghề và mở rộng quy mô tràn lan. “Chạy theo quy mô nên chất lượng giáo dục không được chú trọng. Trong khi đáng ra cần đầu tư vào những trường quy mô nhỏ nhưng chất lượng và chuyên sâu thì chúng ta lại đào tạo và mở trường, mở ngành bất hợp lý, chạy theo số lượng” - TS Minh nói. Đào tạo nghề giẫm chân tại chỗ Trong khi quy mô ĐH, CĐ tăng đột biến thì quy mô đào tạo nghề tăng chậm và có năm giảm. Cụ thể, năm 2010 chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề là gần 1,7 triệu SV; năm 2012 còn hơn 1,5 triệu SV (giảm 16%). PGS-TS Phan Bảo Ngọc cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện rất cần công nhân có tay nghề cao thì tại sao quy mô đào tạo nghề lại giẫm chân tại chỗ? Và hậu quả là cử nhân tốt nghiệp ĐH phải đi học nghề lại để làm việc ở các vị trí của công nhân. Nguồn: http://www.baomoi.com/Cu-nhan-that-nghiep-tang-dot-bien-vi-dau/59/16631863.epi |