NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Bà bán chuối nhận bằng cử nhân luật ở tuổi gần lục thập

on .

Thường ngày, người ta vẫn thấy bà ngồi bán chuối ở chợ làng. Cứ lúc nào rảnh rỗi bà lại lấy sách ra đọc. Đến người thân quen nhất cũng nghĩ rằng bà lão đọc mấy cuốn truyện, tiểu thuyết cho đỡ buồn. Nhưng đến một ngày, mọi người ngỡ ngàng khi thấy hình ảnh bà khoác áo, đội mũ cử nhân nhận tấm bằng cử nhân Luật ở trường Đại học Cần Thơ. Ít ai biết được rằng, để đi được đến chặng cuối con đường vươn tới tri thức của bà Hoa thật lắm gian nan.

Quyết tâm bù “lỗ hổng” tri thức

Bà là Phan Thị Kim Hoa, SN 1960 (ngụ ấp Thạnh Lạc Đông, Thạnh Nhựt, Gò Công Tây, Tiềng Giang), một người buôn bán vặt bán vặt quen thuộc ở chợ Vĩnh Bình (thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây) mấy chục năm qua. Mái tóc bạc búi gọn, nước da đen sạm rắn rõi, cử chỉ hoạt bát, lời nói khúc chiết, điểm nổi bật của bà là vầng trán cao biểu thị của một người trí tuệ. Thế nhưng, lâu nay người dân ở khu chợ làng chỉ biết đến bà là một người buôn vặt với phong cách niềm nở, mến khách. Chuyện bà bất ngờ tốt nghiệp đại học khiến ai nấy trong chợ như... "ngả nón". Đến cô chủ hàng tạp hóa bán cách đó không xa còn phải đặt câu hỏi đến mấy lần rằng, bà Hoa quần quật suốt ngày, lại tuổi đã cao thì thời gian đâu, trí tuệ nào mà còn đi học đại học. Bà lão chỉ cười rồi trả lời triết lý: "Cái sự học thì không có tuổi. Đứa trẻ thông minh nó còn học từ khi biết nói, lẽ nào bà hơn chúng đến cả đời người lại ...thua?".
Nụ cười tươi rói của bà Hoa vang cả góc chợ nhưng đã khiến nhiều người phải suy ngẫm. Con đường đi đến tri thức của bà lão có một nghị lực phi thường mà không phải ai cũng có được. Sau ngày nhận bằng trở về, bà chẳng ăn mừng gì, nhanh chóng xếp nó vào ngăn tủ rồi bà đi làm công việc thường ngày. Chở những hàng tạp hóa ra khu chợ quen thuộc và ngồi bán. Tất nhiên, bà không quên mang theo mấy cuốn sách luật bên mình. Khi đông khách bà niềm nở bán hàng. Lúc ngồi không bà lại chăm chú vào những trang sách luật. Thứ kiến thức được nhiều người xem là vô cùng khô khan và "khó nuốt". Nhưng với bà lão, nó có sức mê hoặc khó tả. Dường như những kiến thức về luật đã ngấm vào máu bà. Bà bảo, học luật để có cái lý khi đối mặt với những tình huống cần phân giải đúng sai. Hiểu luật để sống làm một người công dân tuân thủ theo pháp luật.

Bà lão tâm sự, động lực để bà quyết tâm đi học là trong sâu xa, bà muốn bổ trợ kiến thức của mình bị thiệt thòi trong quá khứ. Bà Hoa cho biết, trước đây bà là nữ sinh trường áo tím Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM). Sau năm 1975, bà Hoa theo gia đình về Tiền Giang sinh sống. Do đã tốt nghiệp cấp 3, bà được làm giáo viên mầm non. Đến năm 1994, kinh tế gia đình khó khăn nên bà đành nghỉ dạy, ra chợ kiếm tiền phụ chồng nuôi con. "Khi kinh tế gia đình tạm ổn, tôi quyết định học thêm. Tuy không phải là chính quy nhưng con đường tôi học là bằng sự đam mê", bà Hoa nói. Khi được hỏi về nguyên cớ nào khiến bà quyết định tìm hiểu và học luật mà không phải ngành nào khác. Bà Hoa chia sẻ, trong quá khứ, bà có người em trai tâm thần, đi lạc vào vườn người khác rồi bị đánh chết. Những người tham gia hành hung em bà sau đó đã bị tòa tuyên án. Tuy nhiên, bà hoa cho rằng cái chết của em trai mình có nhiều uẩn khúc, kẻ sát nhân lại chưa bị xử lý thích đáng. Chính vì vậy, một mặt bà Hoa gửi đơn khiếu nại, mặt khác tìm cách học luật.

Năm 2010, khi biết tin Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang liên kết với trường Đại học Cần Thơ mở khóa đào tạo cử nhân luật, bà vội vàng đi lên đăng kí. Suốt 4 năm học là cả một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi của bà khi đó đã ngoài 50 tuổi. Mỗi học kỳ bà đều phải học tập trung 3 đợt, mỗi đợt từ 15- 20 ngày. Những ngày đó bà phải thức dậy từ khuya để dọn hàng ra chợ nhờ mấy người ở sạp kế bên bán giúp. Còn mình thì lên chiếc xe gắn máy "cà tàng" cùng túi xách bỏ đầy sách vở lên trung tâm đi học. Mái tóc bạc trắng của bà nổi bật giữa mấy chục mái đầu xanh. Bà đã cố gắng hết sức, vượt qua tất cả những ánh mắt thiếu khuyến khích của một số người và quý từng lời động viên của những ai hiếu học. Trong quãng thời gian đó, bà không nghỉ một buổi học nào dù đường xá xa xôi, nắng mưa đi vất vả. Mỗi học kỳ qua đi, bà đều đạt kết quả học xuất sắc khiến giáo viên, bạn học thán phục.

Để có tiền đóng học phí cho mình và 4 đứa con, bà còn làm đủ mọi việc để kiếm thêm thu nhập. Từ buôn bán ở chợ đến lượm nhặt ve chai đến bán bảo hiểm...bà làm tất cả. Tuy nhiên, số tiền bà kiếm được cũng không đủ trang trải cho cuộc sống và chi phí học hành. Với quyết tâm phải lấy được tấm bằng Cử nhân Luật, bà chấp nhận đi vay nợ khắp nơi. Bà Hoa tâm sự: "Học kỳ nào tôi và mấy đứa con đều đóng học phí vào giờ chót. Chính vì vậy tôi xoay sở không kịp. Có đợt đi thi vì không có tiền nên tôi phải mượn của chị Nguyễn Thị Nê, Chủ tịch Hội khuyến học xã Thạnh Nhựt để có tiền học phí". Cứ như vậy, khi đến kỳ đóng tiền học phí, thì bà lại dành dụm, vay mượn để nộp cho mình. Còn đến lúc các con cần thì bà lại khất học phí của mình với trường. Chu kỳ học phí cứ xoay vòng từ người mẹ, đến 4 đứa con. Bà cho biết, đôi khi cũng căng lắm, nhưng rồi bà vẫn xoay sở qua một cách êm đẹp.

Đến vi tri thức không bao gi là muộn

Mặc dù được con cái và nhiều người ủng hộ trong chuyện đi học nhưng bà Hoa lại vấp phải sự phản đối của chồng. Ông cho rằng bà đã lớn tuổi, lại buôn bán vặt ở chợ thì học luật cũng chẳng để làm gì. Bà Hoa nhớ lại: "Lúc đó chồng tôi nói cán bộ công chức học để lên lương, lên chức. Còn tôi quanh năm suốt tháng chỉ bán chuối, trứng vịt thì học lấy bằng về nhà xếp xó chứ chẳng giúp ích gì. Tuy nhiên, tôi có cái lý của tôi. Vả lại ông nhà nói vậy chứ cũng thích hiểu rộng biết cao, thế là tôi cứ yên tâm đi học. Miễn sao tôi vẫn lo toàn vẹn việc nhà là được...”. Bà Hoa cũng chia sẻ thêm, chính những lời nói của chồng thúc giục bà quyết tâm hơn để đến với con đường tri thức.

Bà Cao Kim Hoàng (52 tuổi, bán đậu hũ ở chợ Vĩnh Bình) cho biết: "Lâu lâu lại có đợt bà Hoa nhờ tôi bán giúp nói là đi học luật. Tuy nhiên, ban đầu mấy chị em ở đây không ai tin. Thời gian sau thấy bà vừa bán hàng vừa đem sách ra học, tôi tò mò sang xem thì thấy đúng là sách luật.

Tôi chỉ nghĩ bà ấy đọc luật cho biết, chứ già rồi học gì. Nhưng khi thấy bà mang áo dài, đội mũ xanh, nhận bằng ở trường đại học, chúng tôi mới ngã ngửa. Hóa ra, bà ấy nói và làm thật, quá khâm phục với nghị lực học của bà ấy".

Gặp bà Hoa trong chợ, nhìn cảnh bà vừa bán hàng vừa đọc sách chăm chú, ai cũng phải ngưỡng mộ. Cái sự học của bà không phải lấy danh hão. Bà Hoa học để mở mang tri thức, để hiểu biết, phục vụ cho cuộc sống. Bà lão nói: "Người nghèo không hiểu biết pháp luật khó đủ đường. Đến viết cái đơn cũng phải thuê, mướn nói gì đến đòi quyền lợi cho mình. Tôi mơ ước học Luật sư để giúp đỡ, tư vấn pháp luật cho người nghèo". Được biết, vừa rồi, bà Hoa bắt xe khách ra tận Hà Hội gặp Thường trực tiếp công dân của Quốc hội để khiếu nại về vụ án của đứa em trai mình bị đánh chết. Sau khi nhận đơn, Thường trực tiếp công dân của Quốc hội đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao. Bà Hoa hy vọng sắp tới vụ án sẽ đưa ra xét xử giám đốc thẩm để lấy lại công bằng và đứa em trai chết được yên lòng.

Bà lão cho biết, dù đã nhận bằng nhưng vẫn phải "văn ôn, võ luyện", không khi nào được thờ ơ với sách. Bởi với luật thì không ôn sẽ quên ngay. Quan điểm của bà là cần ứng dụng luật vào cuộc sống. Bà mong muốn sau này bà sẽ là điểm đến, nơi tư vấn các vấn đề liên quan pháp luật cho người nghèo. Hiện tại, mục tiêu của bà một phần đã đạt được. Thế nhưng bà còn một "tham vọng" là làm "đầu tàu" dẫn dắt mấy đứa con đến cái đích thành đạt. Theo bà Hoa, muốn thành công, làm một người có ích cho xã hội thì chỉ có cách đến với tri thức. Với bà Hoa, thì con đường đến với tri thức chưa bao giờ là muộn dù ở bất cứ độ tuổi nào.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Gò Công Tây cho biết: "Tấm gương hiếu học của bà Hoa khiến nhiều người nể phục khi lớn tuổi, bận mưu sinh lại vừa học vừa làm để lấy bằng Cử nhân Luật. Hiện nay Hội đang đề nghị UBND huyện khen thưởng để tuyên dương tấm gương hiếu học của bà và gia đình".
Hàn Phi / Theo Gia đình và Xã Hội