NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Mỹ phẩm chứa chất cấm vẫn tràn ngập

on .

Thời điểm cấm lưu hành các loại mỹ phẩm chứa chất bảo quản có thể gây ung thư đã đến nhưng cả người bán và người mua đều mù mờ thông tin

Từ ngày 1-7, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế bắt đầu thực hiện lộ trình hạn chế cho phép lưu hành một số chất bảo quản sử dụng phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc cơ thể như dầu gội, sữa rửa mặt, sữa tắm, kem dưỡng da… Trước đó, Cục Quản lý dược có văn bản khẩn gửi các sở y tế thông báo về việc ngưng sử dụng 5 loại dẫn chất paraben trong hóa mỹ phẩm, đồng thời quy định nồng độ hỗn hợp methylisothiazolinone (MCT+MIT) cho phép theo lộ trình của Cộng đồng châu Âu và ASEAN.

Ngừng dùng mỹ phẩm có paraben

Theo đó, 5 loại dẫn chất của paraben (isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben) chỉ được phép có mặt trong mỹ phẩm lưu hành trên thị trường Việt Nam trước ngày 30-7. Còn chất bảo quản rất phổ biến ở mỹ phẩm là MCT+ MIT ở tỉ lệ 3/1 chỉ được sử dụng trong sản phẩm tẩy rửa với nồng độ rất thấp và không được dùng trong mỹ phẩm. Thời hạn áp dụng quy định này là từ ngày 1-7.

Sản phẩm chứa chất bảo quản paraben và MCT+MIT có thể gây ung thư Ảnh: TẤN THẠNH
Sản phẩm chứa chất bảo quản paraben và MCT+MIT có thể gây ung thư Ảnh: TẤN THẠNH

PGS-TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học của bộ - cho biết các paraben là một nhóm hợp chất hóa học được sử dụng làm chất bảo quản chống vi khuẩn trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Trên thế giới có 22.000 sản phẩm mỹ phẩm, chất tẩy rửa có sử dụng paraben hoặc hỗn hợp MCT+MIT. Còn tại Việt Nam, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu sản phẩm chứa các chất này.

Từ năm 1998, việc nghi ngờ paraben gây ung thư đã xuất hiện. Tại Pháp và nhiều quốc gia khác, người tiêu dùng rất lo lắng vì có những yếu tố liên quan giữa paraben và ung thư ở phụ nữ dùng nhiều sản phẩm ngăn tiết mồ hôi. Ủy ban Mỹ phẩm cộng đồng châu Âu nghi ngờ chất isoparaben (dẫn chất của paraben) có thể gây ung thư vú. Giới khoa học cũng cảnh báo dùng sản phẩm chứa một số dẫn chất paraben với nồng độ nhất định trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sử dụng theo thói quen

Thời gian từ nay đến hạn ngừng lưu hành đối với các sản phẩm chứa paraben không còn dài, riêng chất MCT+MIT đã là hạn chót nhưng trên thị trường vẫn tràn ngập các sản phẩm chứa 2 chất bảo quản này.

Khảo sát một số cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở Hà Nội, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm như kem dưỡng da, dầu gội, nước rửa tay, sữa rửa mặt, sữa tắm, khăn giấy ướt... có sử dụng paraben hoặc MCT+MIT khá phổ biến. Chị Hà Minh - nhân viên một cửa hàng mỹ phẩm ở phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm - khá bất ngờ khi nghe thông tin về 2 chất bảo quản này. Chị Minh cho biết đến thời điểm này, cửa hàng vẫn chưa có thông tin gì từ nhà phân phối về quy định nêu trên.

Chị Trần Ngọc Anh - ở khu tập thể Khương Thượng, quận Đống Đa - cho biết do thành phần trên nhãn các sản phẩm mỹ phẩm ghi theo tên hóa học, rất khó nhớ nên việc lựa chọn sữa tắm, dầu gội, nước rửa chén… chủ yếu theo thói quen. Trong khi đó, ngay cả với những sản phẩm như kem dưỡng da, mascara, nước tẩy trang, son môi, kem chống nắng… có chứa chất paraben cũng không làm nhiều người bận tâm bởi họ dùng thường xuyên theo thói quen và thấy phù hợp.

Không dễ loại bỏ

PGS-TS Lê Văn Truyền cho rằng nhà sản xuất cần có kế hoạch chủ động loại trừ các paraben ra khỏi sản phẩm của mình, sử dụng các chất bảo quản an toàn hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay, nhiều chất bảo quản khác có thể thay thế hoàn toàn các paraben và MCT+MIT. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tăng cường hậu kiểm để xác định các thành phần ghi trên nhãn có đúng như công bố của nhà sản xuất hay không.

Tuy nhiên, với hàng chục ngàn sản phẩm có chứa chất bảo quản paraben và MCT+MIT, nhiều ý kiến lo ngại việc loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm này ra khỏi thị trường khi thời hạn không còn dài là rất khó. “Nếu không ráo riết hậu kiểm, rất có thể người dân sẽ không có thông tin. Thậm chí, không loại trừ các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh qua mặt người tiêu dùng để hợp thức hóa việc hiện diện trên thị trường sau thời hạn cấm lưu hành” - một chuyên gia lo ngại.

NGỌC DUNG

Nguồn: http://nld.com.vn/suc-khoe/my-pham-chua-chat-cam-van-tran-ngap-20150630230215139.htm?mobile=true