Chống can nhiễu: Nhà mạng phải tăng chất lượng sóng
Nhiều người dân trần tình rằng, sở dĩ họ phải dùng thiết bị kích sóng là do tín hiệu sóng di động nơi đang ở quá kém, và việc vi phạm cũng là "cực chẳng đã". Vì thế, trước khi các nhà mạng trách người dùng, họ cũng nên xem lại chất lượng dịch vụ của chính mình.
Vấn đề can nhiễu mạng di động tiếp tục là điểm nóng tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ TT&TT sáng nay, 17/7, sau khi được phản ánh dày đặc trên báo chí trong những ngày qua. Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel là người "mở màn" khi phản ánh việc người dùng hiện nay có thể tìm mua thiết bị kích sóng rất dễ, thậm chí vào mạng cũng mua được. Tăng cường kiểm soát thiết bị kích sóng là giải pháp được đại diện Viettel đưa ra để hạn chế "đầu vào" của tình trạng này.
Trên thực tế, theo chia sẻ của ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số thì trước đây, người dân đã sử dụng thiết bị kích sóng rồi, và hiện tượng can nhiễu thực chất đã xảy ra từ những năm 2011-2012. Tuy nhiên, mức độ tác động của repeater lên mạng 2G là không nhiều nên người dân không cảm nhận được rõ rệt. Phải đến khi các nhà mạng triển khai cung cấp dịch vụ HSPA trên băng tần 900 MHz dành cho 2G, sự can nhiễu mới phát tác rất rõ.
Ông Hoan cũng lưu ý rằng hiện tượng can nhiễu không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn bắt gặp ở nhiều nơi khác. Song do nhà mạng chưa triển khai thử nghiệm cung cấp HSPA trên băng tần 2G ở các địa phương khác nên chưa "rộ lên" như tại Thủ đô mà thôi.
"Tại các khu vực nội thành Hà Nội, độ thâm nhập của sóng vô tuyến điện không vào đến những nơi mong muốn của người dân sử dụng di động nên người dân đã tự ý lắp đặt repeater", do đó, Cục Tần số cũng tán thành kiến nghị của Viettel về việc tăng cường quản lý khâu nhập khẩu và kinh doanh thiết bị này trên thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, nhà mạng trước hết cần xem lại chất lượng mạng của mình. "Vì chất lượng mạng của ta yếu nên buộc người dân phải sử dụng thiết bị kích sóng mặc dù biết là sai quy định". Chính vì vậy, ông cho rằng bên cạnh việc cơ quan quản lý kiên quyết phối hợp với hải quan để thu hồi, ngăn chặn hiện tượng mang trái phép thiết bị viễn thông không phù hợp quy định vào lãnh thổ Việt Nam, thì đồng thời, nhà mạng cũng phải nâng cao chất lượng mạng cung cấp.
Nếu chất lượng tín hiệu được cải thiện, nhà mạng tích cực xây dựng, lắp đặt các trạm BTS mới thì người dân sẽ không phải sử dụng thiết bị repeater trái phép nữa. Tuy vậy, Bộ trưởng cũng xác nhận, việc mở rộng mạng lưới BTS của các nhà mạng đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM...
Mặc dù Bộ Y tế đã chính thức xác nhận trạm BTS không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, song đa số người dân vẫn chưa được tuyên truyền đầy đủ về thông tin này và vẫn có ý cản trở, phản đối nhà mạng khi họ dự định lắp BTS trên địa bàn dân cư.
Về phần mình, người dùng cũng cần phải nắm được quyền và lợi ích của mình trong hợp đồng kinh tế - ở đây là hợp đồng sử dụng dịch vụ ký với nhà mạng. Họ có quyền phản ánh và đòi hỏi nhà mạng phải cải tiến vùng phủ tại những vùng tín hiệu sóng không đạt chất lượng theo quy định.
Hiện tại, cả ba nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone đều đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các phản hồi về chất lượng mạng thông tin di động, lần lượt là 18008119, 18001090 và 18001091.
T.C
Nguồn: http://www.baomoi.com/Chong-can-nhieu-Nha-mang-phai-tang-chat-luong-song/76/17075568.epi