CNET nói về việc người Việt Nam tiếp thu bí quyết công nghệ của thế giới
Trong khuôn khổ chương trình Hành trình 2015 (Road Trip 2015), trang tin CNET đã đến Việt Nam để tìm hiểu xem người Việt Nam đã tiếp thu bí quyết công nghệ của thế giới như thế nào trong thời đại số.
Phóng viên của trang tin công nghệ nổi tiếng toàn cầu Cnet viết, TP.HCM – Việt Nam - Tôi đến lớp muộn vào lúc 5h30 chiều, và lúc đó điều hòa nhiệt độ đang bị hỏng. Tôi tháo quai sandal, đây là tập quán bạn nên quen khi ghé thăm nhà và đôi khi là một cơ quan nào đó ở Việt Nam, sau đó tôi hòa vào đám hơn hai chục con người đang ngồi làm việc với hàng dãy các máy tính xếp liền nhau trong một không gian được tạo bởi những bức tường trắng.
Hầu hết 20 sinh viên ngồi ở đây đều có một mục đích: học cách phát triển ứng dụng cho iPhone và iPad, sử dụng ngôn ngữ lập trình Swift mới của Apple.
“Những gì bạn học ở trường không phải là dành cho thế giới thực”, giảng viên Phạm Khoa nói với tôi trong lúc chúng tôi cùng nhau ăn phở và bánh xèo sau khi tan lớp. Lý do ư? Lớp học ở Việt Nam nói chung thường tập trung vào lý thuyết hơn là thực hành. Đó là lý do vì sao mà một lập trình viên tự học 28 tuổi như Khoa muốn truyền lại kiến thức cho những bạn trẻ đam mê viết ứng dụng iOS Apple, Android Google và Windows Microsoft – điều họ khó có thể tìm kiếm ở nơi nào khác.
Nhu cầu tự học là một phần trong sự thay đổi lớn mà đất nước – nổi tiếng với cuộc kháng chiến chống Mỹ suốt thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước – đang nỗ lực thực hiện để trở thành một trong những xưởng công nghệ hàng đầu thế giới. Nhưng vấn đề ở đây là: ngay cả khi đã tốt nghiệp, sinh viên vẫn cần được đào tạo thêm hơn là đơn thuần chỉ biết lắp ráp thiết bị, hơn chục công ty sản xuất, cả lâu năm và mới thành lập mà tôi đến thăm trong khuôn khổ chương trình “Hành trình 2015” đã nói như vậy. Quá trình này cần đến hàng tháng, nếu không muốn nói hàng năm sự theo dõi, giám sát chặt chẽ.
“Chương trình đào tạo trong các trường đại học ở Việt Nam không phù hợp với yêu cầu làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp”, Phạm Đông Phong, Giám đốc một nhà máy của LG tại Hải Phòng, một thành phố cảng ở miền Đông Bắc Việt Nam, nói. “Sau khi tốt nghiệp, nếu chỉ biết kiến thức chung chung thì để thực hiện một tác vụ cụ thể là rất khó.”
Nhằm thu hẹp lỗ hổng kiến thức, một số người khổng lồ công nghệ thế giới, trong đó có Samsung và LG đã tung ra những chương trình riêng để đào tạo nhân lực Việt Nam. Và sự sẵn sàng của những bạn trẻ này đã minh chứng cho sự quyết tâm của đất nước này.
Việt Nam có một chế độ chính trị ổn định, và Chính phủ sẵn lòng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài như giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đất nước này còn có nguồn nhân công giá rẻ dồi dào, đặc biệt là so với Trung Quốc – nơi mà lương nhân công cũng lên theo cùng với sự cất cánh của nền kinh tế. Trung bình, một công nhân Việt Nam chỉ kiếm được thu nhập bằng 1/3 so với một công nhân Trung Quốc (năm 2013, một công nhân Hà Nội kiếm được trung bình 145 USD/tháng so với 466 USD của một công nhân ở Bắc Kinh). Hơn nữa, dân số Việt Nam thuộc vào hàng dân số trẻ, độ tuổi trung bình là 29, trẻ hơn 8 tuổi so với dân số Mỹ và Trung Quốc. Và tiếng Anh là thứ tiếng phổ biến thứ hai sau tiếng mẹ đẻ.
Hệ thống giáo dục ở Viênt Nam có những chuẩn mực cao dù thực tế, kỹ năng thực hành của học sinh còn hạn chế. Một học sinh 15 tuổi thường đạt số điểm cao về các môn đọc, toán học và khoa học khác so với bạn đồng lứa ở nhiều nước phát triển khác, trong đó có Mỹ và Anh Quốc, nhờ sự đầu tư nghiêm túc của Chính phủ cho giáo dục.
Như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài. Intel, công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã mở một nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại TP.HCM vào năm 2010; Jabil, một công ty điện tử lớn khác của Mỹ cũng có dây chuyền sản xuất lớn thiết bị bán hàng đầu cuối (ví dụ máy quẹt thẻ trong giao dịch bán hàng) tại cùng địa điểm. Nokia của Microsoft cũng đã dịch chuyển địa điểm sản xuất tại Trung Quốc đến Hà Nội, nhà cung cấp màn hình LCD cho Apple, Wintek, cũng đang hoạt động tại Việt Nam, còn LG thì sản xuất mọi thứ, từ các thiết bị di động cho đến TV tại Hải Phòng.
Và năm ngoái, người khổng lồ điện tử tiêu dùng Samsung ghi nhận sản lượng gần 1/3 số smartphone của họ bán ra trên toàn cầu được lắp ráp tại đây.
Sản xuất hàng công nghệ đa giúp thúc đẩy kinh tế Việt Nam. GDP của đất nước trong nửa đầu năm 2015 đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2014, theo Tổng cục thống kê. Sự tăng trưởng này có phần đóng góp lớn của ngành xuất khẩu điện thoại và linh kiện. Riêng ngành công nghiệp này (chủ yếu là ĐTDĐ) đã chiếm tới 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, vượt tất cả các ngành khác.
Hiệu ứng Samsung
Xuất khẩu của đất nước này có công lớn nhờ Samsung. Năm 2012, hai năm sau khi Samsung mở nhà máy sản xuất thiết bị di động ở miền Bắc, Việt Nam đã bắt đầu có thặng dư thương mại, lần đầu tiên trong 20 năm. Và sau khi Samsung xây dựng nhà máy sản xuất ĐTDĐ thứ hai tại miền Bắc vào năm ngoái, 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến từ Samsung.
Samsung hiện vẫn coi đầu tư ở đây là vấn đề rất nghiêm túc. Chỉ trong vòng 7 năm qua, người khổng lồ điện tử Hàn Quốc đã chi gần 9 tỷ USD đầu tư vào các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, đó là chưa kể hàng tỷ USD mà các bộ phận khác của Samsung rót vào, ví dụ dự án nhà máy sản xuất máy tính bảng và ĐTDĐ trị giá 1 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh gần đây.
Việt Nam cũng đã vượt qua Trung Quốc về số nhân công làm việc cho Samsung. Hiện Samsung thuê khoảng 110.000 công nhân tại Việt Nam, với phần lớn làm việc tại hai nhà máy smartphone ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Khi nhà máy sản xuất hàng điện tử mới trị giá 1,4 tỷ USD tại TP.HCM vào nửa đầu 2016, Samsung sẽ bổ sung thêm 5.000 nhân sự nữa vào bảng thanh toán lương của mình.
“Việt Nam giờ là một đất nước đang phát triển, nên chúng tôi có cơ hội không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn đồng thời cho người dân”, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc phụ trách Marketing của Samsung Việt Nam, chia sẻ với Cnet tại văn phòng công ty ở tòa tháp Bitexco Financial (Tower) – tòa nhà cao nhất tại TP.HCM.
Khi thuê hàng chục nghìn nhân công tại một đất nước đang phát triển, thật khó khăn để tìm được những công nhân có nền tảng tốt về công nghệ cao. Samsung xác định rất rõ định hướng đào tạo cho tất cả công nhân của mình, ông Đạo nói, và công ty cũng lựa chọn tuyển dụng mới nhân viên dựa trên nền tảng và kiến thức cơ bản của họ.
“Giáo dục ở Việt Nam chủ yếu dựa vào lý thuyết”, ông nói. “Chúng tôi vẫn cần một lực lượng lớn nhân công có kỹ năng mềm và đã có kinh nghiệm thực hành để làm việc không chỉ tại nhà máy mà còn tại các điểm bán hàng và nhiều nơi khác.”
Samsung đã ký thỏa thuận với các trường đại học và theo đó, các nhân công của mình có thể được học các khóa học miễn phí vào buổi tối ngay tại nhà máy. Tại đó, họ có thể học tiếng Anh và tiếng Hàn, cũng như kiến thức về kế toán và kỹ thuật điện tử.
Công ty cũng số hóa tài liệu học và tài trợ 50 “thư viện thông minh” tại các thành phố lớn và nhiều khu vực nông thôn. Samsung hiện đang phối hợp với Chính phủ Việt Nam số hóa sách học, sách tham khảo và nhiều loại sách khác, mà sau đó người học có thể truy cập được thông qua một ứng dụng Android có tên Classbook. Người dùng cần phải có một điện thoại Samsung để chạy ứng dụng.
Đào tạo trong nhiều năm
Samsung không phải là công ty duy nhất đang góp sức thu hẹp khoảng trống kiến thức. LG, mới tháng 3 vừa qua đã mởm một cơ sở sản xuất rộng 800.000 mét vuông tại Hải Phòng, dự định trước hết sẽ thuê công nhân, sau đó sẽ đào tạo họ bài bản.
“Hiện giờ, chúng tôi chỉ tập trung đào tạo nghề”, Giám đốc nhà máy Phạm Đông Phong chia sẻ. “Nhưng hiện nay chúng tôi đang thảo luận, định hướng cho 3 năm tiếp theo, làm sao để có những nhà quản lý và vận hành có kinh nghiệm.”
Là thành phố lớn thứ 3 tại Việt Nam, Hải Phòng là thành phố cảng mà bạn phải mất 3 giờ để đến đây bằng ô tô từ phía Đông Hà Nội. LG có khoảng 1.000 nhân công ở đó và dự định sẽ nhân đôi lực lượng này vào năm sau. Trong khi Việt Nam có rất nhiều nhân công trẻ và tiềm năng, LG lại gặp khó khăn khi thuê nhân sự có kinh nghiệm để đảm trách những công việc như giám sát lắp ráp hay công tác nghiên cứu và phát triển, ông Phong cho hay.
Và bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của công ty, cho các lĩnh vực như phần mềm và hệ thống thông tin – giải trí trên xe hơi, đang được công ty đầu tư mạnh tay. Việc thiết lập hoạt động nghiên cứu và phát triển ngay tại đất nước này đang khiến chính phủ Việt Nam rất phấn khích vì nó giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến những khó khăn trong công nghệ, kỹ thuật sản xuất cũng như phát triển sản phẩm cho thị trường nội địa.
Trung bình, LG sẽ phải đào tạo nghiệp vụ R&D cho nhân viên trong 3 năm trước khi họ có thể làm việc cho dự án của chính công ty, Giám đốc Phong nói. Khoảng 30% người lao động trình độ cao được đào tạo để giám sát các công nhân tại các dây chuyền sản xuất và quản lý các công việc như kiểm tra và đảm bảo chất lượng sản phẩm, có thể làm việc độc lập chỉ sau 4 tháng đào tạo. Số còn lại cần được theo dõi trong 1 năm. Khoảng 90% công nhân đứng dây chuyền sản xuất, có thể đứng máy độc lập sau 1 tháng.
Để giải quyết vấn đề đào tạo nghề bền vững, LG tài trợ học bổng và các khoản tiền khuyến học cho học viên có nỗ lực. Công ty cũng phối hợp với đối tác là các trường đại học để đào tạo chuyên môn cho sinh viên.
Công ty điện tử Jabil vận hành một nhà máy tại thành phố lớn nhất Việt Nam – TP.HCM, sản xuất sản phẩm cho các khách hàng như Ingenico và Sierra Wireless tại Khu công nghệ cao Sài Gòn. Jabil mong muốn được nhắc đến như một công ty doanh thu 18 tỷ USD tại Việt Nam, điều mà ít công ty nào khác làm được.
Khu công nghệ cao Sài Gòn cho ta cảm giác giống như một Thung lũng Silicon tại Việt Nam, hơn bất cứ một khu công nghệ nào khác tôi từng đến thăm, nhưng không có cách nào để làm bạn quên đi bạn đang ở một đất nước đang phát triển. Con đường phía trước cơ sở của Jabil đầy rác chỉ cách đây một tháng khi tôi đến thăm, và những hào mương đầy đất bao quanh nhà máy.
Với Jabil, vấn đề lớn nhất với các ứng viên ứng tuyển vào đây là tiếng Anh của họ còn rất tồi tệ, và những gì mà sinh viên học được đã “khá lỗi thời so với những gì mà chúng tôi cần”, Patrick Tan, Giám đốc điều hành nhà máy Jabil tại Việt Nam, chia sẻ. “Thật khó để một người vừa mới tốt nghiệp đại học bắt tay vào công việc ở nhà máy ngay”, ông nói. “Điều này khác nếu so với các quốc gia khác.”
Jabil đang vận hành một chương trình đào tạo 1 năm cho các nhân viên mới, những người chứng tỏ được tiềm năng và sẵn sàng học hỏi. Cuối chương trình, người tham gia khóa học sẽ trình bày một báo cáo về những gì họ học được và họ sẽ muốn làm việc tại bộ phận nào ở Jabil nếu họ muốn tiếp tục cộng tác với công ty. Dần dần, họ sẽ được cất nhắc đến những công việc tương xứng với khả năng.
Các công ty khác thậm chí còn thực hiện những biện pháp mạnh mẽ hơn ngoài việc tổ chức các khóa đào tạo riêng. Năm 2006, Tập đoàn FPT, một tập đoàn CNTT và viễn thông lớn của Việt Nam, mới mở trường đại học FPT, trường đại học tư của chính tập đoàn này tại Hà Nội. Trong lá thư gửi đến các sinh viên tiềm năng, Hiệu trưởng Đàm Quang Minh đã gọi trường đại học này là “Đại học của riêng công ty” và sứ mệnh của trường, ông Minh tuyên bố, là mang lại lợi thế cạnh tranh toàn cầu cho sinh viên, từ đó mở rộng chân trời tri thức cho đất nước của chúng ta.
Làm quen với năng suất, tốc độ cao
Một trong những công ty Mỹ lớn nhất đã có mặt tại Việt Nam là Intel. Nhà sản xuất chip có trụ sở tại Santa Clara, California, có một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm tại TP.HCM năm 2010, cũng gặp phải vấn đề tương tự như những công ty công nghệ nước ngoài khác.
Intel đã nhờ đến trường đại học tổng hợp bang Arizona xác định xem làm cách nào để các sinh viên công nghệ bắt kịp với tốc độ, năng suất làm việc cao. Họ quyết định điều tốt nhất nên làm là đào tạo các giáo sư Việt Nam từ 8 trường đại học theo những phương thức hiện đại nhất. Intel và Đại học Arizona đã tạo ra chương trình đào tạo liên minh đào tạo kỹ thuật cao cấp (HEEAP), được tài trợ bởi cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID).
Nhiều công ty khác, như Siemens, Danaher và Pearson cũng noi theo định hướng này.
“Lý thuyết thì rất đơn giản, nhưng để thực hiện thì không dễ chút nào”, Giám đốc HEEAP tại Việt Nam, Lê Văn Khôi, nói.
Và HEEAP đã bắt đầu cho kết quả. Kể từ khi thành lập năm 2010, HEEAP đã đào tạo 291 giảng viên người Việt Nam, trong đó có 71 phụ nữ - theo một chương trình học mùa hè 6 tuần, cùng với hàng tram giáo sư khác trong thời gian 1 năm.
Nguyễn Bá Hải, người đã trở thành Tiến sĩ về công nghệ sinh học. Ông đã tham gia HEEAP năm 2012 và nói rằng, chương trình đã mang đến thay đổi lớn trong phong cách giảng dạy của ông.
“Ở Việt Nam, hệ thống giáo dục rất không linh hoạt”, ông Hải nói. “Nếu chúng ta muốn thay đổi điều gì đó, phải mất một thời gian dài. Nhưng với tôi, tôi đã thay đổi được nhiều thứ.”
HEEAP hiện đang tìm kiếm nguồn tài trợ để hỗ trợ các trường học xây thêm phòng thí nghiệm, Jeffreys Goss, Giám đốc chương trình HEEAP của đại học Arizona tại Việt Nam cho biết. Chương trình bao gồm cả những “không gian sáng tạo” được dựa trên xu hướng hiện rất phổ biến toàn cầu – bạn hãy tự mình làm điều đó – theo đó, chương trình khuyến khích dân công nghệ, kỹ thuật và trẻ em phát minh và sáng chế bất kỳ điều gì mà họ nghĩ ra.
“Hy vọng là sau khi tốt nghiệp, họ không chỉ được chuẩn bị để làm việc cho một công ty, mà còn hơn nữa, là một nhà sáng tạo”, Goss nói.
Cùng với các nhà máy hoạt động tại Việt Nam, Samsung cũng chiếm diện tích 3 tầng văn phòng tại tòa tháp Bitexco Financial, tòa tháp cao nhất TP.HCM, cùng với một sân bay dành cho máy bay lên thẳng ở bên cạnh.
Chính phủ đang trưng cầu các sáng kiến về đào tạo các công nhân tương lai, các công ty mà tôi tiếp xúc cho biết. Hầu hết các công ty này đang vận hành các cơ sở sản xuất của họ dù còn những bất cập về kỹ năng người lao động. Samsung đang dự định thực hiện dự án mở rộng nhà máy ĐTDĐ tại Thái Nguyên, trị giá 3 tỷ USD, trong khi Jabil tuần trước ký thỏa thuận với Ban lãnh đạo Khu công nghệ cao Sài Gòn sẽ tăng gấp đôi lượng nhân công 2.600 người trong vòng 5 năm tới, cũng như sẽ xây dựng tiếp một nhà máy nữa vào 2017.
Lỗ hổng kỹ năng của người lao động, mặt khác, cũng mở ra cơ hội cho những trung tâm giáo dục mới. Topica, trung tâm dạy tiếng Anh trực tuyến và phối hợp với các trường đại học để cung cấp các khóa học, ví dụ như Đại học Phoenix, nay Topica đã có khoảng 1.400 giảng viên hướng dẫn hơn 20.000 sinh viên học tiếng Anh trên Internet. Các công ty đầu tư vốn mạo hiểm tại Thung lũng Sillicon như Formation 8, Learn Capital gần đây đã tài trợ cho Rockit Online, một trang web dạy tiếng Anh, toán học và khoa học có sinh viên Việt Nam và đang chuẩn bị các khóa học tập trung vào kỹ năng khác. Hầu hết người dùng Rockit là sinh viên cao đẳng và người đang đi làm.
“Có một lỗ hổng lớn trong mô hình giáo dục và nó chưa được lấp đầy một cách kịp thời để bắt kịp với nhu cầu của đất nước”, Tổng giám đốc Rockit Đào Thu Hiền, một cựu phóng viên AP và cựu nhân viên của văn phòng thị trưởng New York, Michael Bloomberg, phát biểu tại văn phòng Hà Nội của cônng ty. “Điều này mang lại cơ hội lớn cho những công ty như chúng tôi, có thể giúp đỡ sinh viên học tiếng Anh.”
Và cũng là cơ hội cho những người như giảng viên dạy phát triển ứng dụng 28 tuổi Phạm Khoa.
Quay trở lại với lớp học của Khoa ở TP.HCM, các sinh viên ở đây tiếp chuyện tôi trong gần 1 tiếng với những câu hỏi về Apple và Samsung và ngành công nghệ ở Mỹ. Họ nói với tôi tại sao họ lại sử dụng thời gian quý báu của họ ở đây, 2 tiếng một ngày, 3 ngày một tuần, trong một tháng, để học cách phát triển ứng dụng iPhone và iPad.
Trịnh Minh, 54 tuổi, học viên lớn tuổi nhất trong lớp học, đã đăng ký khóa học 183 USD này để mở rộng kiến thức bên ngoài những kiến thức IT vốn có của ông. Ông cũng quyết định sẽ ghi tên vào lớp học cho con trai 15 tuổi, Trịnh An, nhằm cho cậu bé tiếp xúc với công nghệ hiện đại sau khi kết thúc chương trình học phổ thông.
“Tôi muốn học và học nhiều nữa”, Minh nói thông qua một người biên dịch. “Và tôi muốn là một tấm gương cho con trai mình.”
Cẩm Thịnh (theo CNET)