NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Báo công nghệ Mỹ: Việt Nam là "thung lũng Silicon" của Đông Nam Á

on .

Hôm 3/9, trang công nghệ PC Mag (Mỹ) đăng tải bài viết: "Bùng nổ công nghệ ở Việt Nam: Cận cảnh Thung lũng Silicon của Đông Nam Á", hết lời ca ngợi sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam.

Bài viết mở đầu bằng việc giới thiệu về khu công nghệ cao Đà Nẵng (Da Nang Hi-Tech Park), một trong nhiều dự án thuộc Kế hoạch phát triển Công nghệ Thông tin tới năm 2020 của Việt Nam. Nó bao gồm nhiều văn phòng và nhà máy phục vụ cho số lượng ngày càng tăng các công ty phần mềm và công nghệ thông tin quốc tế.

Cách đây 15 năm, gần như chưa có một công ty công nghệ nào ở Việt Nam, nhưng hiện nay đã có gần 14.000 doanh nghiệp CNTT chuyên về phần cứng, phần mềm và nội dung số.

PC Mag còn dẫn lời của ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc điều hành của Công viên Phần mềm Quang Trung, công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam cho hay, chính phủ Việt Nam coi ngành công nghệ cao là một trong những trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Do đó, chính phủ đầu tư rất mạnh mẽ vào các cơ sở hạ tầng và xây dựng nhiều chính sách kinh tế để khuyến khích các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Hơn nữa, theo đánh giá của tác giả bài viết, Việt Nam đang có lợi thế lớn về nhân lực để phát triển kinh tế và CNTT khi số lượng các lập trình viên, kĩ sư, doanh nhân trẻ cũng như sinh viên đang ngày càng tăng.

Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh - Những trung tâm CNTT lớn nhất của Việt Nam.

Mỗi năm, các trường đại học từ thủ đô Hà Nội tới Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, đã cho ra đời hàng trăm kĩ sư phần mềm và CNTT có chất lượng. Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đã được tuyển ngay vào các công ty lớn như Cisco, Fujitsu, HP, IBM, Intel, LG, Samsung, Sony, và Toshiba. Ngày càng nhiều sinh viên tìm kiếm các quỹ đầu tư để khởi nghiệp sau khi ra trường.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc điều hành kiêm chủ tịch và là người đồng sáng lập của công ty kiểm thử phần mềm LogiLear cho hay, những kĩ sư CNTT trẻ tuổi này đại diện cho thế hệ tầng lớp trung lưu đầu tiên của Việt Nam. Ông nói: "Thế hệ trẻ tuổi này đầy khát khao. Thị trường CNTT thì ngày càng hấp dẫn. Giờ họ đã có đủ tiền để mua nhà hay mua một căn hộ, tạo nên một thay đổi lớn ở Việt Nam".

Theo ông Hùng, dù không có được những thứ như công nghệ thay đổi thế giới hay những sáng tạo tương tự ở Thung lũng Silicon nhưng Việt Nam rất sôi động và đang phát triển rất mạnh mẽ. Nguồn nhân lực CNTT dù chưa thực sự biết kinh doanh theo cách thức của phương Tây, nhưng Việt Nam là môi trường rất tiềm năng cho họ.

Đà Nẵng - "Trái tim" bùng nổ công nghệ

Đà Nẵng là thành phố lớn thứ tư của Việt Nam. Nơi đây được biết đến là một địa điểm du lịch nổi tiếng hơn là một trung tâm công nghệ. Tuy nhiên, sau khi chính phủ đầu tư mạnh mẽ vào đây với các dự án như sân bay mới trị giá 60 triệu USD và hệ thống đường cao tốc trị giá 93 triệu USD, cơ sở hạ tầng của thành phố trở nên phù hợp với phát triển kinh tế quy mô lớn hơn so với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Đà Nẵng, ông Hùng nhìn thấy ở đây có cơ sở hạ tầng rất hiện đại và vô số kỹ sư có khả năng đang chờ đợi một cơ hội.

Thị trường CNTT Việt Nam đang có vô vàn tiềm năng.

Năm 2012, Đà Nẵng đã lọt vào danh sách 33 thành phố trên toàn thế giới được nhận tài trợ 50 triệu USD từ cuộc thi “Thành phố Thông minh hơn” của IBM (IBM Smarter Cities Challenge). Khoản tiền này được đầu tư cho chương trình 3 năm phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, giao thông và đô thị hóa của thành phố.

Ông Tan Jee Toon, Tổng giám đốc IBM tại Việt Nam nhận định: “Đà Nẵng đang phát triển rất nhanh và được quy hoạch tốt. Điều này đã giúp thành phố có được một lợi thế hoàn hảo để thực hiện những sáng kiến phát triển kinh tế mới”.

Theo PC Mag, ba trường đại học đào tạo về CNTT lớn nhất của Việt Nam là Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa Tp HCM. Các kỹ sư tốt nghiệp thường được tuyển vào các công ty CNTT ở tại từng khu vực.

Ông Nguyễn Bình, trưởng khoa CNTT, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi cung cấp hầu hết các kỹ sư CNTT cho khu vực miền Trung Việt Nam. Năm ngoái đã có 250 sinh viên tốt nghiệp và hiện chúng tôi đang có 30 nghiên cứu sinh. Hầu hết sinh viên đều chọn ngành phần mềm".

Cũng theo ông Bình, toàn bộ chương trình đào tạo đại học đều hướng tới việc phát triển kỹ năng làm việc cho sinh viên thông qua các khóa học, bài giảng về những công nghệ đang được sử dụng rộng rãi. Mỗi năm, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng mời khoảng 10 công ty đến thuyết giảng, phỏng vấn và tuyển dụng.

Ông Bình cho hay: "Một số sinh viên tốt nghiệp làm cho các công ty lớn. Một số thành lập các công ty nhỏ với quy mô khoảng 10 đến 20 nhân viên".

Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện lớn cho các công ty mới thành lập tại Việt Nam như họ được miễn thuế trong vòng 8 năm đầu tiên. Việt Nam cũng là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có nhiều chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty.

Ông Bình cũng từng sinh sống ở nước ngoài. Sau khi tốt nghiệp khoa CNTT trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng năm 1997, ông sang học tiến sỹ tại Pháp và trở về Việt Nam giảng dạy. Ông cho biết: “Tôi trở về vì gia đình tôi sinh sống tại đây. Với tôi, Đà Nẵng rất xinh đẹp. Đà Nẵng là một thành phố mới. Nó không đông đúc và ô nhiễm như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây còn có những bãi biển đẹp. Điều quan trọng hơn là ở đây, mọi người có thể tìm việc rất dễ dàng".

Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm CNTT của miền Nam

Không chỉ Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh cũng là một nơi sôi động của ngành CNTT của Việt Nam. Tại đây, xu hướng thành lập các công ty mới cũng đang phát triển "chóng mặt". Ông Dương Nguyễn Vũ, giám đốc đầu tiên của Viện John Von Neumann (JVN) thuộc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, ông muốn xây dựng thế hệ các doanh nhân và các nhà công nghệ tiếp theo của Việt Nam. Ông Vũ là người quản lý chương trình kinh doanh của học viện này.

Hàng năm, Việt Nam có thêm hàng trăm sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT có chất lượng cao.

Trong tòa nhà, nơi các bức tường được biến thành các bảng đen, khuyến khích sự tự do trong suy nghĩ, ông Vũ dạy một nhóm các sinh viên sau đại học về cách suy nghĩ, tạo ra những công nghệ sáng tạo và khởi nghiệp kinh doanh.

Ông tin rằng thế hệ trẻ tài năng và đầy nhiệt huyết này chính là một ví dụ điển hình cho tiềm năng phát triển các công ty công nghệ mới (start-up) ở Việt Nam. Ông nói: “Cộng đồng công nghệ Việt Nam đang phát triển văn hóa start-up và đó là sự thật".

Tuy nhiên, ông cho rằng, điểm hạn chế ở Việt Nam là chưa có suy nghĩ giống như tại Thung lũng Silicon. Mọi người vẫn ngại ngần trước quá nhiều rủi ro. Chỉ những người đã tiếp cận với sự đổi mới và tinh thần doanh nghiệp mới sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để lãnh đạo một start-up.

Theo ông Vũ, hàng năm, có từ hai đến ba công ty mới được thành lập bởi những sinh viên tốt nghiệp Viện JVN. Hiện nay, văn hóa start-up của thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào các thị trường và ứng dụng nhằm giúp người dân Việt Nam có cuộc sống chất lượng hơn. Các nhà lập trình ứng dụng trẻ tuổi của Việt Nam và các doanh nghiệp đều khao khát giúp Việt Nam nhận ra tiềm năng văn hóa, kinh tế và công nghệ.

Bà Jeff Diana thuộc công ty phần mềm dành cho doanh nghiệp Atlassian cho hay: "Việt Nam đang nhanh chóng trở thành trung tâm đầu tư và công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế và TP Hồ Chí Minh là trung tâm của tiến trình này. Ngành này vẫn còn khá non trẻ, nhưng chúng tôi bắt đầu thấy sự trưởng thành của thị trường từ đóng gói tới gia công phần mềm. Điều này dẫn đến sự gia tăng số lượng công ty mới thành lập tập trung vào thương mại điện tử và phát triển sản phẩm".

Atlassian cũng mở rộng các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam với mong muốn thay đổi hệ thống giáo dục của Việt Nam và tạo ra nhiều lập trình viên có khả năng hơn.

Sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam cũng như sự phát triển của nền kinh tế trong vòng 5 năm trở lại đây sẽ được chứng minh tại sự kiện phát triển gia công phần mềm CNTT Việt Nam (VNITO) vào tháng 10 tới. Sự kiện này được tổ chức bởi công ty phần mềm Quang Trung và Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh. VNITO là cơ hội để ngành công nghiệp công nghệ Việt Nam thể hiện mình với bạn bè thế giới.

Từ 14 – 17/10, hơn 150 công ty công nghệ đa quốc gia với hơn 200 công ty CNTT và gia công phần mềm Việt Nam cũng 20 trường đại học sẽ tham dự VNITO tại khách sạn The Reverie Saigon, thành phố Hồ Chí Minh. Theo dự kiến, đại diện từ nhiều công ty công nghệ lớn như Gartner, JPMG, HP, LogiGear, Microsoft, Samsung sẽ phát biểu tại sự kiện này.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết: “Tôi tin rằng, thông qua VNITO, bạn bè và các đối tác quốc tế sẽ công nhận Việt Nam là một điểm đến mới và hấp dẫn đối với nhiều công ty CNTT trên thế giới”.

Ông cũng dự đoán, năm 2015 làn sóng thành lập các công ty CNTT mới sẽ bắt đầu gia tăng.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ PC Magazine (PC Mag), một tạp chí tin học có tiếng của Mỹ. PC Mag chuyên cung cấp các bài đánh giá về phần cứng, phần mềm cũng như nhiều tin tức khác thuộc lĩnh vực CNTT.

PHẠM KHÁNH (Lược dịch)

Nguồn: http://www.baomoi.com/Bao-cong-nghe-My-Viet-Nam-la-thung-lung-Silicon-cua-Dong-Nam-A/c/17438348.epi