“Săn phây” - Chơi dao hai lưỡi
Facebook ngày nay là nguồn thông tin hấp dẫn để giới truyền thông quan tâm, khai thác. Nhưng để “săn” được thông tin “ngon” trên facebook không hề đơn giản, đôi khi người săn phải trả giá.
Công việc “săn phây” bắt đầu từ sáng sớm cho đến khuya, gần như không có ngày nghỉ nên chỉ thích hợp cho người độc thân.
Các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook, phát triển mạnh đã trở thành nguồn thông tin quan trọng cho giới truyền thông khai thác. Đây không phải chuyện mới lạ với thế giới và cũng dần trở nên quen thuộc ở Việt Nam. Với một số đơn vị báo, nhất là báo mạng, việc giao hẳn cho một người chuyên “săn” thông tin trên mạng xã hội, bảo đảm không bỏ sót thông tin quý nào từ nguồn này cũng dần trở nên phổ biến.
Một ngày của “thợ săn”
Nếu trên thế giới, ngoài facebook, mọi người còn sử dụng các trang mạng xã hội khác như Twitter, Instagram… thì tại Việt Nam, facebook phổ biến hơn cả. Người người xài facebook, nhất là giới trẻ, là yếu tố khiến nguồn thông tin trên mạng xã hội này ngày càng trở nên phong phú, đa chiều. Họ đăng tải bất cứ điều gì thấy được từ hiện trường các vụ tai nạn giao thông cho đến những điều lạ tại nơi họ sống, từ thành thị đến nông thôn, tận hang cùng ngõ hẻm… Hẳn nhiên, giới truyền thông cũng nhận ra đây là nguồn tin tốt nếu biết chọn lọc trong thời điểm các báo phải cạnh tranh gay gắt về đề tài từng giờ, từng phút. Và thế là các “thợ săn tin” trên facebook xuất hiện, họ được giao nhiệm vụ tìm kiếm, lùng sục khắp các trang mạng để có thể phát hiện điều gì đó hấp dẫn khai thác cung cấp thông tin nóng sốt cho độc giả của mình hoặc chí ít cũng là nguồn tin ban đầu để hình thành các đề tài báo chí, tổ chức điều tra sâu hơn làm thành các bài viết hấp dẫn. Công việc săn “phây” này buộc họ phải quản hết các mảng từ chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, quốc tế… nên đòi hỏi phải “có vốn” ngoại ngữ mà chủ yếu là tiếng Anh để sử dụng khi cần.
Một người chuyên làm công việc chăm lo mảng mạng xã hội ở một tờ báo kể công việc “săn” tin trên mạng xã hội của mình thường bắt đầu từ sáng sớm đến tận khuya và tất nhiên chẳng có ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Vừa thức dậy, thói quen của các “thợ săn” là mở điện thoại để đọc một lượt các chia sẻ hiện trên tường facebook của mình. Nếu có thông tin nào mới, hấp dẫn sẽ ghi chú lại rồi báo cho cấp trên chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp mình thông báo cụ thể. Phát hiện “con mồi” và thông báo kết quả là công việc chính của các “thợ săn”, việc biến những tin tức ban đầu này thành tin, bài trên báo là do cấp trên tự điều phối, chỉ đạo thực hiện. Có mặt tại cơ quan rất sớm và ngồi trước màn hình chiếc máy tính quen thuộc, các “thợ săn” lướt tường facebook của mình một lần nữa rồi bắt đầu dạo các fanpage của những hội lớn, có uy tín trên mạng, xem các clip trên YouTube và các trang tổng hợp facebook khác để bảo đảm không sót tin hay.
Với những người nổi tiếng như giới nghệ sĩ, facebook của họ luôn ở chế độ mở nên chỉ cần nhấn theo dõi (follow) trang, những thông tin mới nhất mà họ hoặc người quản lý trang cập nhật sẽ hiện trên tường facebook của các “thợ săn”. Việc còn lại là chọn lọc theo nhiều tiêu chí: độ nổi tiếng của nhân vật, độ nóng của thông tin… để từ đó xem xét có sử dụng thông tin ấy hay không. Đến giờ nghỉ trưa, các “thợ săn” vẫn có thể tiếp tục công việc theo dõi thông tin của mình thông qua điện thoại. Và cứ thế, việc “săn tin” tiến hành theo chuỗi công việc lặp đi lặp lại đến tận khuya. Một người săn “phây” cho biết phải “bám” liên tục như thế mới mong phát hiện “mồi ngon” trước các “thợ săn” khác.
Thú vị khi được “mồi ngon”
Là “thợ săn” facebook, ai cũng thấy rất thú vị nếu phát hiện “mồi ngon” nhưng điều này chẳng dễ. Phần lớn thông tin trên facebook là những cảnh báo từ các vụ tai nạn giao thông, cướp giật, lừa đảo. Các nạn nhân do bức xúc mà cũng muốn bạn bè mình cẩn trọng nên kể hết các tình huống lên mạng. Những thông tin này được các “thợ săn” thu thập để giúp độc giả có kinh nghiệm đối phó, nhận biết kẻ gian và nghĩ kế sách thoát thân nếu gặp tình huống tương tự.
Nhưng vẫn có nhiều vụ ban đầu thông tin chỉ lan tỏa trên facebook, khi được các “thợ săn” phát hiện, các báo đăng tải lại tạo tác động mạnh đến xã hội. Đó là vụ clip dài 6 phút quay lại cảnh ném “phao” thi tại điểm thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (tỉnh Bắc Giang) vào tháng 5-2012 phát tán trên mạng. Ngay khi vụ việc được các báo mạng đăng tải, lập tức gây chấn động trong ngành giáo dục, công an vào cuộc điều tra thực hư. Cuối cùng, hàng loạt giáo viên ở Trường THPT Dân lập Đồi Ngô bị đề nghị kỷ luật. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường bị kiến nghị không công nhận chức vụ quản lý.
Tháng 7-2012, cư dân mạng có biệt danh Quang Nguyen Van (tên thật là Nguyễn Văn Quang) gây sốc khi đăng ảnh giết voọc dã man. Ngay khi thông tin này được đăng tải trên các báo mạng, Cơ quan Điều tra hình sự Quân đoàn 3 đã vào cuộc tìm hiểu vụ việc. Cuối cùng, những kẻ giết voọc bị phạt tù, còn người tung ảnh lên facebook và 2 người bạn bị tước danh hiệu quân nhân. 8 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở tiểu đoàn này bị xử lý kỷ luật.
Cũng nhờ các “thợ săn” mà cơ quan chức năng và người dân biết đến vụ phạm nhân Nguyễn Đức Hùng dù đang cải tạo tại trại giam Tân Lập (tỉnh Phú Thọ) vẫn ung dung cập nhật thông tin trên facebook, còn đăng cả ảnh khoe đang hút thuốc phiện trong trại giam. Một cuộc điều tra của cơ quan chức năng diễn ra ngay sau khi thông tin được đăng tải.
Còn nhiều vụ từ facebook, cơ quan điều tra truy tìm được thủ phạm hoặc chính những thủ phạm gây chú ý khi tự thú nhận tội ác của mình trên facebook. Cư dân mạng có biệt danh Quát Quằn Quại khiến dư luận chú ý vì đăng những lời dằn vặt, tự thú giết vợ. Cư dân mạng này sau đó được xác định là Cao Xuân Quát, chồng nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc Ánh Trang. Quát đã đến cơ quan công an đầu thú…
Ngoài việc săn những dòng chia sẻ hấp dẫn từ người nổi tiếng, những clip quay các cảnh cướp giật, lừa đảo… đôi lúc, “thợ săn” facebook phải làm công việc tổng hợp, bình luận về những sự kiện đang được tranh cãi, chia sẻ nhiều trong cộng dân mạng. Những thông tin này sẽ góp phần làm phong phú thêm cho trang báo và cũng cung cấp cái nhìn đa chiều cho độc giả.
Công việc của “dân FA”
Một “thợ săn” facebook than thở ngày ngày bám mạng đến lúc về nhà cũng còn lo lắng không yên, áp lực lo sợ báo khác có thông tin trước khiến lúc nào cũng kè kè điện thoại bên người. Tâm trạng không thoải mái cộng với sự mệt nhọc khiến đa phần “thợ săn” đều mặt cau mày có, đi chơi cùng bạn bè cũng khó trọn vui vì vẫn phải lướt facebook. Độ “đeo bám” thông tin chiếm hết thời gian nên đa phần công việc này chẳng hợp với những ai có gia đình mà chỉ hợp với những người FA (forever alone - mãi cô đơn).