Trong mấy năm gần đây, có ba hiện tượng nổi bật trong vấn đề đào tạo tiến sĩ trên phạm vi toàn thế giới: một là vai trò chủ động của chính phủ nhiều nước trong việc xác lập những kế hoạch và mục tiêu đầy tham vọng nhằm tạo ra một số lượng lớn người có bằng tiến sĩ; hai là hiện tượng ngày càng nhiều tiến sĩ làm việc ngoài khu vực hàn lâm; và cuối cùng là hiện tượng “lạm phát bằng tiến sĩ” hay nói cách khác, sự “mất giá” của bằng tiến sĩ trong mắt công chúng, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mặc dù thiếu thốn nguồn nhân lực chất lượng cao, những người có bằng tiến sĩ không còn được kính trọng như xưa. Một câu hỏi đập vào mắt tất cả mọi người: Chúng ta đang có quá ít, hay quá nhiều tiến sĩ?
Đàng sau câu hỏi này là một vấn đề quan trọng hơn nhiều: chúng ta quan niệm thế nào là tiến sĩ? Khái niệm “tiến sĩ” chứa đựng những giá trị, chuẩn mực, kỳ vọng gì và nó đã diễn tiến như thế nào qua thời gian? Liệu cái cách mà chúng ta đang đào tạo tiến sĩ có đáp ứng được những gì xã hội thực sự cần, và nếu như phải thay đổi, chúng ta có những lựa chọn như thế nào? Đó là những vấn đề được thảo luận trong Hội thảo về Đào tạo Tiến sĩ: Vấn đề Chính sách, Sư phạm, và Thực tế, do Khoa Sau ĐH, trường ĐH RMIT (Australia) tổ chức tại Melbourne ngày 11 và 12.12.2014, với sự tham dự của các học giả Australia, UK, New Zealand, Ethiopia, Malaysia và Việt Nam. Bài viết này là ghi nhận và suy nghĩ về một số vấn đề đã được nêu ra và thảo luận tại Hội thảo.