Bạn cần bao nhiêu chiếc máy tính cho mình?

on .

Xung quanh bạn có nhiều loại máy tính khác nhau được cấu thành bởi hàng loạt yếu tố và câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu trong số đó đáp ứng nhu cầu cá nhân và công việc.

 

Khi mà đối với đại đa số người tiêu dùng, từ "máy tính" được cho là đồng nghĩa với PC để bàn, thì đáp án của câu hỏi trên sẽ không có dù bạn có cần một cái máy tính hay không. Nếu bạn cần máy tính, nó sẽ nằm ở trên bàn làm việc hay ở nhà để đáp ứng mục đích cá nhân. Rất ít người cần sử dụng nhiều hơn một chiếc máy tính.

Theo quan điểm của nhiều người thì máy tính đồng nghĩa với PC để bàn

Tuy nhiên, khi laptop ra đời, đột nhiên người ta có lý do để sở hữu thêm một cái máy tính nữa mà cũng dùng chung mục đích. Một cái để trên bàn trong khi cái kia được xách theo bên người. Việc này đòi hỏi một vài sự sắp xếp. Các file phải thường xuyên phải được chép qua máy tính cá nhân một cách thủ công bằng các đĩa mềm hay USB. Qua một thời gian, những chiếc laptop ngày càng nhiều chức năng khiến ít nhất một số người từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng máy tính để bàn, thay vào đó là bộ sạc khi đi làm hay ở nhà để tăng thời gian sử dụng laptop. Vì thế, laptop đã từ một thiết bị thứ yếu trở thành một thiết bị cơ bản, hay thậm chí là chiếc máy tính duy nhất được sử dụng cho công việc hay nhu cầu cá nhân.

Khi mà smartphone lần đầu tiên ra mắt, nó đã đóng vai trò tương tự như laptop thời đầu - một cái máy tính thứ hai trong cuộc sống con người. Những chiếc smartphone đời đầu được sử dụng rất hạn chế, nó chỉ cho phép làm việc hiệu quả với email cơ bản và những việc tương tự. Nó thay thế được rất ít chức năng của laptop.

Tuy nhiên, khi smartphones phát triển, chúng dần dần trở thành những chiếc máy tính bỏ túi, ít nhất về cơ bản có thể sao chép nhiều chức năng tương tự của laptop. Smartphone trở thành một thiết bị thứ yếu, nhưng một lần nữa cũng trở thành một vật chủ yếu, bất ly thân trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta khi đã được thêm nhiều chức năng hơn. Những chiếc smartphone hiện nay được sử dụng để thực hiện rất nhiều việc, còn laptop được dùng với mục đích hỗ trợ thêm.

PC, laptop, máy tính bảng và smartphone đang cho người dùng sự lựa chọn phong phú.

Năm 2010, Apple đã đổi mới máy tính bảng bằng iPad và giới thiệu thêm một chiếc máy tính khác cho đủ bộ. Những người đã từng dùng smartphone và laptop có thêm một chiếc máy tính nữa để xài, được tối ưu hóa trong mọi hoàn cảnh và công việc, cung cấp một màn hình lớn hơn smartphone, chia sẻ nhiều tính năng như smartphone như khả năng linh động trong việc di chuyển, bản chất nhanh gọn, và hệ điều hành touch-based (chạm màn hình). Thoạt đầu có nhiều tranh cãi về việc một người bình thường bị đặt vào thế sở hữu đến ba thiết bị khác nhau chỉ dùng cho công việc cá nhân. Trong một vài trường hợp, người ta hóa giải tình huống này bằng cách chấp nhận dùng một cái tablet như một thiết bị cơ bản, thay thế laptop một cách hiệu quả cũng giống như cách laptop đã từng thế chân máy tính để bàn.

Thiên hướng cố gắng quay về với hai chiếc máy tính dùng cho mục đích cá nhân là một lựa chọn đầy đủ, vừa linh động lại phù hợp với ngân sách. Phần lớn các doanh nghiệp và người tiêu dùng vất vả trong việc cân đối để mua ba thiết bị khác nhau về cơ bản nhằm thực hiện những nhiệm vụ tương tự nhau.

Mặc dù một vài người tìm cách thỏa hiệp bằng cách chọn một cái tablet thay cho một cái laptop, thì những người khách giải quyết vấn đề bằng cách khác là quay về với chiếc laptop đầy đủ chức năng hơn và từ từ không dùng tablet nữa. Những năm trước là khoảng thời gian thí nghiệm dành cho người tiêu dùng khi mà họ kiểm tra liệu tablet có phù hợp với đời sống như một thiết bị thiết yếu hay không hay là chỉ là phụ trợ, hay là chẳng là gì cả. Sự nổi lên của các thiết bị hai trong một và Microsoft Surface là những nỗ lực để giúp người tiêu dùng giải tỏa sự phân vân bằng cách tìm ra một cách dàn xếp giữa hai yếu tố cấu thành, mặc dù sớm muộn gì thì những thiết bị này cuối cùng cũng hòa hợp các chức năng mà thôi.

Thêm vào mớ hỗn độn này là "phablet"- một smartphone màn hình rộng, nằm giữa với ranh giới không chính thức giữa smartphone và tablet với màn hình 5,5 inch hoặc lớn hơn. Trong một số trường hợp, người sử dụng đang giải quyết sự lựa chọn của mình bằng cách tăng kích cỡ smartphone , cho phép một chiếc smartphone có thể hấp thu một số chức năng của table trong khi những người khác dùng laptop mà không nghĩ tablet có vai trò gì. Sự đe dọa của phablet đối với tablet có thể trở thành hiện thực và cụ thể là những chiếc iPhone lớn hơn của Apple đang đe dọa đối với chính iPad của hãng.

iPhone 6+ đang đe dọa chính đàn anh máy tính bảng iPad của mình.

Trong lịch sử của mình, Apple đã quyết định vai trò thích hợp hơn của iPad là ở trong thế giới đa phương tiện, đặc biệt là ở trong trường hợp của iPhone 6 và 6+ mới được tung ra gần đây. Việc Apple đưa ra những lý do mới thuyết phục người ta chọn iPad đễ hỗ trợ cho iPhone và các dòng máy Mac quan trọng như thế nào? Phần cứng của chiếc iPad mới năm ngoái là một bước tiến đáng kể với chiếc iPad Air được thiết kế mỏng hơn, nhẹ hơn những phiên bản trước. Nhưng nó vẫn chưa tạo ra đột phá trong doanh thu. Vòng đời thay thế iPad chỉ là một phần của lý do doanh thu kém. Apple đang dần cắt giảm iPad và tăng cường cải tiến iPhone và các dòng Mac.

Câu hỏi đặt ra cho vấn đề này là liệu trên thực tế, iPad có chiếm một vị thế như iPod- đặc biệt hấp dẫn một thời, nhưng đã được sắp xếp để bị thay thế bởi các thiết bị khác trên một vài khía cạnh, như iPhone chẳng hạn. Điều này nghe có vẻ kì cục vì thứ tự tung ra thị trường của chúng (chúng ta nên lưu ý rằng khái niệm làm việc với iPad đã bắt đầu trước khi người ta sử dụng iPhone để làm việc).

Nhưng khi Apple đã dần dần cho ra mắt các thiết bị cá nhân, mọi người dần hướng sự chú ý đến những thiết bị mới hơn, mang tính cá nhân hơn, ngay cả thứ tự ra mắt theo sắp xếp của iPad không đúng cho lắm. Nếu iPhone lấn át doanh thu của iPad, thì Apple cũng chẳng thiệt hại gì mà còn thu về nhiều hơn (cả doanh thu trên số lượng và lợi nhuận biên), trừ việc nó buộc công ty phải dựa vào một dòng sản phẩm duy nhất để phát triển doanh thu lẫn lợi nhuận. Nhưng trong tương lai vài năm nữa, Apple có lẽ phải quyết định cần tích cực khuyến khích sự lấn át đó như thế nào

Cuối cùng, hãy nói đến Apple Watch, dòng sản phẩm cá nhân mới nhất và là chiếc máy tính "thân thiết với người dùng" của Apple:

Apple Watch không giống những chiếc đồng hồ thông minh khác trên thị trường, không chỉ nhờ góc cạnh mang tính thời trang riêng biệt nào đó, mà còn nhờ việc nó sắp xếp công việc như một cái máy tính, với tiềm năng lớn là các phiên bản trong tương lai sẽ còn có những tính năng vượt trội hơn. Thời gian qua đi, Apple Watch sẽ hoàn toàn có thể trở thành một chiếc máy tính thiết yếu trong cuộc sống của con người giống như cách mà laptop và smartphone đã làm được.

iPhone 6 và Apple Watch

Thỉnh thoảng chúng ta nghĩ về những tình huống sẽ xảy ra, khi mà những chiếc smartphone truyền thống chưa sẵn sàng để thay thế laptop. Nhưng ta có thể dễ dàng thấy trước tương lai trong vài năm tới. Điều này có vẻ đặc biệt hợp lý khi bạn còn nhớ về sự phân tán giữa input, output và bộ vi xử lý trong thiết bị nhỏ, như Apple Watch có thể dùng năng lượng xử lý bên ngoài, input và output để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, một lần nữa câu hỏi về việc chúng ta cần bao nhiêu cái máy tính lại được đặt ra. Chúng ta từng nghĩ sẽ không có câu trả lời trong khi bây giờ, bây giờ câu trả lời có vẻ là gần đúng nhất là 2 cái, có khi lên đến 3. Với những loại đồng hồ như Apple Watch đang lưu hành trên thị trường, một số người có lẽ dùng đến 4 cái. Nhưng khi thời gian trôi qua, sự bối rối không thể tránh khỏi vì dùng quá nhiều thiết bị cá nhân sẽ lại xảy ra và mọi người sẽ phải tự cố gắng loại bỏ bớt ít nhất là một vài thứ trong số họ đang dùng, để chỉ tập trung dùng một hay hai thứ gì đó.

Sẽ rất thú vị khi biết được mọi người sẽ chọn hay bỏ thứ gì đó.

Theo PC World VN

Nguồn: http://www.baomoi.com/Ban-can-bao-nhieu-chiec-may-tinh-cho-minh/136/15147854.epi

CNTT mang cơ hội đến cho mọi người, mọi quốc gia

on .

(Chinhphu.vn) - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam công nghệ thông tin có thể giúp mọi cá nhân tìm thấy cơ hội của mình. Những quốc gia rất phát triển về KHCN hay đang phát triển, còn rất nghèo đều có thể bằng CNTT để nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: CNTT phát triển quá nhanh và chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Nếu lỡ 1 năm trước đây chúng ta có thể lấy lại được bây giờ chỉ cần lỡ 1 tháng, 1 ngày thì thậm chí không lấy lại được. Ảnh: VGP/Đình Nam

Trao đổi với 700 đại biểu trong phiên khai mạc Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam-ASOCIO 2014, sáng 29/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, bên cạnh xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển là không thể đảo ngược, còn rất nhiều vấn đề, nguy cơ xung đột tiềm ẩn, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đòi hỏi mỗi quốc gia, khu vực phải tìm ra động lực phát triển mới.

Quan điểm chung được chia sẻ là phải tăng cường liên kết giữa các quốc gia, các châu lục, để cùng chia sẻ trách nhiệm và tận dụng cơ hội. Từng nền kinh tế, thậm chí mỗi một ngành sản xuất, đơn vị sản xuất phải không ngừng đổi mới, tái cấu trúc. Đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ phát triển và đổi mới công nghệ để phát huy sáng tạo của từng cá nhân và của toàn xã hội. Trong đó, CNTT có vai trò vô cùng quan trọng.

Điểm lại quãng thời gian từ sự ra đời của chiếc máy tính đầu tiên, bộ nhớ đầu tiên được chế tạo cách đây 60-70 năm cho đến khi các mạng máy tính đầu tiên được kết nối (ARPANET, Nescape Navigator), Phó Thủ tướng cùng các đại biểu cùng thống nhất về sự phát triển như vũ bão của CNTT.

“Trước đây không ai có thể tưởng tượng được rằng một người ở bên này bán cầu có thể nhìn, nói chuyện, làm việc trực tiếp với người bên kia bán cầu. Mỗi một ngày, mỗi một năm có hàng triệu, hàng tỷ email trao đổi trên thế giới. Cứ khoảng 10 tiếng đồng hồ lượng thông tin trao đổi qua mạng Internet nhờ CNTT bằng toàn bộ lịch sử cộng lại.

CNTT phát triển quá nhanh và chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Nếu lỡ 1 năm, trước đây chúng ta có thể lấy lại được còn bây giờ chỉ cần lỡ 1 tháng, 1 ngày thì thậm chí không lấy lại được”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Không còn giới hạn ứng dụng trong quân sự, vũ trụ, mà CNTT đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, đem lại cơ hội phát triển cho mọi cá nhân dù có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, mọi quốc gia dù đang ở các trình độ phát triển. Điển hình là ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất nông nghiệp được coi là một chủ đề thảo luận chính trong diễn đàn

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tỏ ra rất tâm đắc với câu chuyện chủ một trang trại nuôi gà bằng những bản nhạc được tải từ trên Internet để nâng năng suất thịt và trứng.

Điều đó cho thấy, CNTT trong nông nghiệp không còn giới hạn các hệ thống censor, để làm chủ quá trình tưới bón, chăm sóc nông nghiệp hay dùng vệ tinh để đo đất, đo rừng, kiểm soát khí hậu, mà đã đi vào đời thường, mọi ngõ ngách trong nông thôn, nông nghiệp. Bây giờ lên mạng mọi người có thể tìm thấy bất cứ thứ gì, mua, bán từ những thứ nhỏ nhất, tìm thấy tất cả thông tin liên quan đến cây trồng vật nuôi mà họ mong muốn.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “CNTT là động lực của động lực. Tất cả những động lực mà mọi người đều nói sẽ không thể như nó vốn có nếu không có CNTT.

Sự hội tụ ngẫu nhiên nhưng cũng là tất yếu của mạng xã hội, di động cá nhân, những ứng dụng phân tích và điện toán đám mây chắc chắn sẽ tạo ra nền tảng phát triển mới mà ở đó mọi giá trị cá nhân sẽ được phát huy tối đa.

Từ nông dân đến người làm khoa học, từ người có điều kiện về vật chất, giáo dục đến những cháu bé bị khuyết tật đều có thể tìm thấy cơ hội của mình. Từ những quốc gia đã rất phát triển về KHCN hay đang phát triển và còn rất nghèo đều có thể bằng CNTT để nâng cao sức cạnh tranh, đóng góp nhiều hơn cho mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu”.

Đây chính là cơ hội của châu Á, châu Đại Dương, khu vực không chỉ đông dân nhất thế giới mà còn đang được đánh giá là năng động nhất.

Với nhiều nền văn hóa khác nhau, mức độ phát triển của các quốc gia cũng khác nhau, châu Á đang đứng trước cơ hội phát triển cùng với toàn thế giới.

Những nước đang phát triển rất cần sự hợp tác, liên kết, rất cần công nghệ từ các nước phát triển nhưng ngược lại đây là thị trường to lớn với rất nhiều tiềm năng.

Diễn đàn ASOCIO một lần nữa minh chứng rằng các quốc gia hãy bắt tay nhau, các ngành nghề hãy sát cánh cùng nhau, công nghệ nói chung, đặc biệt CNTT sẽ mở ra một sự liên kết không giới hạn về thời gian, không gian, tạo cơ hội cho tất cả mọi cá nhân, trong đó đặc biệt là những người vốn từ trước đến nay chịu nhiều thiệt thòi như những người nông dân có thể vươn lên, được chia sẻ thành tựu phát triển.

Bên cạnh đó, các đại biểu dự diễn đàn cũng dành mối quan tâm không nhỏ đến nguy cơ an toàn, an ninh thông tin của cá nhân, từng tổ chức kinh tế, thậm chí ở phạm vi quốc gia và toàn thế giới.

Theo một ước tính, tin tặc và những người đang gây mất an toàn trên mạng gây thiệt hại khoảng 400-600 tỷ USD/năm. Vì vậy, nếu việc đẩy mạng ứng dụng CNTT trong tất cả các mặt của đời sống không gắn với ngăn chặn những hành vi gây mất an toàn, an ninh mạng thì hậu quả sẽ khôn lường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những nỗ lực của cộng đồng CNTT để cảnh báo, xử lý kịp thời hành vi của mọi thế lực gây mất an toàn, an ninh thông tin, góp phần tiếp tục khơi dậy được nguồn sáng tạo, chắp cánh ước mơ, để các quốc gia, trong đó có Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và tới một tương lai tươi đẹp. Người dân được thụ hưởng nhiều hơn từ những gì do CNTT mang lại.

Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam-ASOCIO 2014 là sự kiện quốc tế lớn nhất về CNTT khu vực châu Á, châu Đại Dương. Sau 11 năm, đây là lần thứ 2 Việt Nam giành được quyền đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này thu hút sự tham gia của hơn 700 đại biểu. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chủ tịch ASOCIO, ông Abdulah Kafi trong phát biểu tại Diễn đàn đã ca ngợi “Việt Nam là câu chuyện thành công tiêu biểu của khu vực châu Á, châu Đại Dương. Ngành CNTTviễn thông Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực”.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa): “Vietnam-ASOCIO ICT Summit 2014 là cơ hội rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam chứ không chỉ riêng của lĩnh vực CNTT-Truyền thông. Các đại biểu tại Diễn đàn đều thống nhất tầm nhìn CNTT là phương thức phát triển mới, là cơ hội và nền tảng thiết yếu cho mỗi quốc gia phát triển, là con đường nhanh nhất vươn đến sự thịnh vượng”.

Với chủ đề “CNTT-phương thức phát triển mới kinh tế-xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp”, Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu cùng chia sẻ, tiếp cận những kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển, ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực từ nông nghiệp, giao thông, y tế, kinh tế, xã hội đến thể chế v.v… với mục đích phát huy sức mạnh của CNTT nâng cao mức sống cho người dân, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.

Khách mời Danh dự của Diễn đàn, Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cho biết, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản năm nay đã triển khai sáng kiến “Chiến lược chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, đưa công nghệ Nhật Bản ra nước ngoài. Việt Nam và Nhật Bản là đối tác chiến lược của nhau, Việt Nam có thể tiếp nhận các ứng dụng CNTT tiên tiến của Nhật.

Sau Phiên khai mạc trong thể, Diễn đàn đã chia ra nhiều cuộc tọa đàm chuyên đề về: CNTT-Tái cấu trúc nông nghiệp; CNTT-Phương thức phát triển mới nâng cao hiệu quả dịch vụ công; S.M.A.C - Nền tảng công nghệ phát triển thông minh.

Đình Nam

Nguồn: http://www.baomoi.com/CNTT-mang-co-hoi-den-cho-moi-nguoi-moi-quoc-gia/76/15145839.epi

2 chàng trai đạt 10 điểm tốt nghiệp nhờ khóa luận về 'Anh hùng xa lộ'

on .

Khóa luận về ứng dụng giao thông tên Triphero với số điểm tuyệt đối đã giúp Huỳnh Phương Duy trở thành thủ khoa đầu ra của ngành với điểm trung bình 9,23 và Lê Văn Tài nằm trong top 4 sinh viên có điểm số 8,97.

“Anh hùng xa lộ”, hay còn được gọi là Triphero, là ứng dụng di động miễn phí, hỗ trợ người tham gia giao thông (đi xe buýt và xe máy) với những cảnh báo nguy hiểm trên đường đi trong vòng 2km và thông tin cụ thể về giờ giấc, bến xe buýt. Hiện Triphero đã có mặt trên Google Play (hệ điều hành Android) và AppStore (iOS).

Chủ nhân của ứng dụng này là Huỳnh Phương Duy và Lê Văn Tài(cùng SN 1991), hiện đang là sinh viên năm cuối khoa Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, liên thông từ Cao đẳng.

Đánh cược công việc ổn định bằng ứng dụng cộng đồng

Đó là cách ví von của bạn Huỳnh Phương Duy và Lê Văn Tài khi nói về ứng dụng Triphero (tạm dịch là Anh hùng xa lộ) của mình, vì nếu thành công hai bạn sẽ có cơ hội trở thành nhân viên chính thức của 1 công ty phần mềm tại Úc. Tuy vậy, ý tưởng thiết kế ban đầu lại bắt nguồn từ mong muốn thay đổi thói quen sử dụng xe buýt thay vì phương tiện cá nhân của người dân Sài Gòn, bằng những thông tin cực kỳ cụ thể. Ví dụ như còn bao nhiêu phút xe buýt sẽ đến trạm, xe buýt bạn đang đợi đã đến đoạn đường nào,... như vậy người đi xe buýt sẽ chủ động hơn.

Huỳnh Phương Duy (phải) và Lê Văn Tài, hai "anh hùng xa lộ" của ứng dụng Triphero

Để đưa mình vào khuôn khổ, Duy và Tài đã chọn Triphero là đề tài khóa luận tốt nghiệp. Và để thuyết phục nguồn vốn hỗ trợ, hai bạn mạnh dạn gửi bản demo (bản thô của ứng dụng) đến một công ty tại Úc và nhận được 1.000 USD khởi nghiệp.

Ngày 9/2/2014, Duy và Tài bắt tay vào làm và bảo vệ thành công luận án vào ngày 28/8/2014. Đến nay, cả hai vẫn đang tiếp tục phát triển ứng dụng trên hệ điều hành Android và iOS với sự giúp đỡ của bạn Nguyễn Thành Ân (sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM).

Tuy nhiên, hành trình để đi từ điểm 0 đến điểm 10 là hành trình nhiều gian khó. Công việc đầu tiên là khảo sát thị trường, đánh giá người dùng cần gì từ ứng dụng. Vì vậy, mục đích phục vụ người đi xe buýt ban đầu được bổ sung thêm phần cảnh báo nguy hiểm cho người đi xe máy, như khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn, kẹt xe, ngập lụt,…

Lê Văn Tài đang giới thiệu ứng dụng Triphero

Sau phần khảo sát, Duy và Tài mới cùng nhau xây dựng ứng dụng và tiếp nhận thông tin giao thông thực tế để thử nghiệm. Do là phần mềm dựa vào nguồn lực cộng đồng (Crowdsourcing) nên những lần chạy thử đều là những lần sử dụng người thật việc thật, số liệu thật.

Tiếp đến là một quy trình xoay vòng ra mắt – nghe ý kiến đóng góp, xem xét, khắc phục và tiếp tục ra mắt. Bên cạnh đó, những thông tin giao thông được gửi về đều sẽ được người sử dụng thực tế đánh giá đúng – sai, kiểm định thực – hư. Đây cũng là điểm đặc trưng của ứng dụng bởi người dùng được chủ động trong việc đóng góp, cung cấp và đánh giá thông tin, mà theo Phương Duy nói là "một người cống hiến, trăm người hưởng lợi".

Không dừng lại ở đó, Duy và Tài còn mạnh dạn mang sản phẩm tham gia cuộc thi công nghệ Hackathon Việt Nam 2014 do Công ty Formation 8 đến từ thung lũng Silicon (Mỹ) tổ chức. Dù không nhận được giải thưởng vì ứng dụng không mang tính lợi nhuận nhưng giao diện và tính năng của ứng dụng cũng được xếp nhóm đầu.

Phương Duy chia sẻ: "Ban giám khảo đã hỏi bọn mình có ý định kiếm tiền từ ứng dụng này không, bọn mình đã trả lời là không bởi mục đích là đóng góp xã hội. Lợi nhuận sẽ lấy từ bên thứ ba, như các công ty vận chuyển, chứ không phải từ người dùng”. Vậy là, dù không đoạt giải nhưng Duy và Tài lại có thêm những ý kiến của chuyên gia để hoàn thiện sản phẩm.

“Có những tuần không làm được gì mà chỉ… bổ sung kiến thức”

Khi nói về những khó khăn trong quá trình xây dựng ứng dụng, Tài chia sẻ: "Có đến hai, ba tuần hai đứa mình rơi vào bế tắc. Mỗi ngày mình đều phải lên mạng đọc tài liệu và nghiên cứu các sản phẩm có liên quan để bổ sung kiến thức".

Bên cạnh đó, việc thu thập thông tin từ Sở Giao thông Vận tải và các bến xe cũng không dễ dàng. Bởi lẽ, không phải tự nhiên mà họ lấy được lòng tin từ các tài xế lái xe. Có khi chưa nói hết câu đã bị xua tay đuổi đi hoặc trả lời bâng quơ rồi lảng mất. Lúc ấy, Duy và Tài phải kiên nhẫn mở bản demo giới thiệu hoặc đưa ra những bài viết về dự án để tạo niềm tin.

Hai chủ nhân ứng dụng Triphero với người hỗ trợ ở mạng điều hành Android bạn Nguyễn Thành Ân (giữa)

Được hỏi ví dụ một trạm xăng bị ứng dụng đánh giá gian lận và người chủ làm khó thì thế nào, Duy cho biết đây là thông tin người dùng cung cấp và họ cũng sẽ là người đánh giá. Nếu thông tin bị sai chắc chắn sẽ có người phản hồi lại. Như vậy, ứng dụng không gây tổn thất cho bất kì ai.

Hiện tại, Duy và Tài đang từng bước cải thiện ứng dụng, đặc biệt là với sự ra mắt của SmartWatch (đồng hồ thông minh) sắp tới, ứng dụng sẽ phát huy được tính tiện ích của mình hơn.

Sự kỳ công, tính ứng dụng và ý nghĩa xã hội của sản phẩm đã giúp Phương Duy và Văn Tài được chấm 10 điểm trong khóa luận tốt nghiệp đại học của mình. Với điểm số đó, cả 2 đã lọt vào top 4 sinh viên tốt nghiệp điểm cao, trong đó, Duy là thủ khoa đầu ra ngành, điểm trung bình cao chót vót 9,23, còn Văn Tài là 8,97.

Ứng dụng ngày càng phát triển khả quan, nhiều người dùng biết đến và tin tưởng sử dụng, việc đánh cược để có một vị trí chính thức tại công ty phần mềm Úc có khả năng thắng lợi. Mong rằng sắp tới, cả hai sẽ có thêm nhiều ý tưởng hơn nữa phục vụ cộng đồng.

Nguồn: http://www.baomoi.com/2-chang-trai-dat-10-diem-tot-nghiep-nho-khoa-luan-ve-Anh-hung-xa-lo/76/15146029.epi

Microsoft giới thiệu giải pháp đô thị thông minh tại ASOCIO 2014

on .

ICTnews - Theo Microsoft, giải pháp đô thị thông minh CityNext sẽ giúp cho các đô thị có thể giải quyết được nhiều thách thức, nâng cao chất lượng dịch vụ công... trong quá trình phát triển.

CityNext hiện đang được ứng dụng tại nhiều đô thị lớn trên thế giới.

Tại Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014 khai mạc ngày 29/10 tại Hà Nội, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho hay: CityNext của Microsoft là giải pháp đang đóng vai trò chiến lược trong quá trình hỗ trợ chuyển đổi thành “Đô thị thông minh’’ cho nhiều đô thị lớn trên thế giới như New York, Mexico, London, Amsterdam, Copenhagen, Barcelona, Hamburg, Beijing…

Giải pháp này kết hợp dịch vụ và dữ liệu từ nhiều nguồn chức năng đô thị khác nhau như thuế, tài chính, sức khỏe, giáo dục, giao thông, xây dựng, du lịch..., giúp các tổ chức chuyển đổi được hầu hết các hạ tầng công nghệ đã đầu tư hoạt động hiệu quả trong hệ thống mới theo kỳ vọng, đồng thời vẫn đảm bảo tính an toàn bảo mật, dễ tương thích, dễ truy cập.

CityNext hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng và phát triển đám mây riêng, kết nối đám mây công cộng, xử lý và phân tích hệ thống siêu dữ liệu..., từ đó hỗ trợ các đơn vị hành chính giải quyết công việc tối ưu nhất.

“Ngoài ra, kết hợp với mạng lưới rộng lớn Microsoft Partner Network, CityNext khi triển khai có thể mở rộng giải pháp và dịch vụ, giúp các đơn vị hành chính phục vụ công dân tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường", ông Vũ Minh Trí nhấn mạnh.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Microsoft-gioi-thieu-giai-phap-do-thi-thong-minh-tai-ASOCIO-2014/76/15146849.epi

Facebook có số người dùng ngang bằng dân số Trung Quốc

on .

Facebook giờ đã có số người dùng đông bằng dân số Trung Quốc. Công ty điều hành mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã cho biết thông tin trên khi tiết lộ lợi nhuận tăng gần gấp đôi lên hơn 1 tỷ USD.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)



Số người đăng nhập Facebook ít nhất một lần mỗi tháng đã tăng 14% lên mức 1,35 tỷ người trong quý Ba năm nay, tức gần bằng dân số Trung Quốc với 1,357 tỷ dân.

Trong khi đó số người đăng nhập tài khoản của họ mỗi ngày đã tăng gần 1/5 lên mức 864 triệu người - lớn hơn toàn bộ dân số châu Âu, ước tính rơi vào khoảng 750 triệu người. 

Rất nhiều người dùng Facebook đã đăng nhập bằng điện thoại di động.

Sự tăng lên về số người dùng đã giúp Facebook tăng tới 60% doanh thu trong quý Ba năm nay. 

Lợi nhuận tăng gần gấp đôi lên 1,1 tỷ USD, trong bối cảnh công ty đã tìm ra nhiều phương thức mới nhằm thu thập dữ liệu từ lượng người dùng đông đảo của mình và dùng thông tin này để bán quảng cáo.

Mark Zuckerberg, sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành Facebook cho biết: "Chúng tôi tiếp tục tập trung vào việc phục vụ thật tốt cộng đồng của mình, bên cạnh việc đầu tư vào hoạt động kết nối thế giới trong thập kỷ tiếp theo."

James Gellert, Giám đốc điều hành công ty phân tích Rapid Ratings International, nói rằng Facebook đã chứng tỏ mình là công ty tăng trưởng mạnh và ổn định.

“Họ nổi bật trên các phương diện sinh lời, chi phí tổ chức và quản lý nợ. Facebook có nền tảng tài sản mạnh và có nguồn dự trữ tài chính lớn. Họ còn tiến hành các thương vụ sát nhập mang tính chiến lược, đã bắt đầu mang lại trái ngọt" - ông Gellert cho biết.

Dù vậy, cổ phiếu của Facebook đã tụt giảm hơn 9% sau khi Giám đốc tài chính David Wehner cảnh báo công ty sẽ tăng cường chi tiêu. "Chúng tôi đã có kế hoạch biến 2015 thành một năm đầu tư mạnh.”

Các nhà đầu tư dường như cũng thất vọng khi Facebook không có tỷ lệ lợi nhuận lớn hơn như kỳ vọng.

Theo giới quan sát, tỷ lệ lợi nhuận của Facebook có thể còn thấp hơn nếu công ty tính toán cả thông số của WhatsApp, dịch vụ nhắn tin đã được mua lại trong thương vụ trị giá 22 tỷ USD.

Dịch vụ WhatsApp, vốn cho phép người ta gửi tin nhắn tới từng cá nhân và nhóm người, đã bị lỗ 140 triệu USD trong quý Ba - sau khi Facebook đồng ý mua WhatsApp, nhưng trước khi thương vụ mua bán hoàn tất. 

Thương vụ mới chỉ kết thúc vào đầu tháng này, sau khi công tác thống kê kinh doanh quý Ba đã hoàn tất./.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Facebook-co-so-nguoi-dung-ngang-bang-dan-so-Trung-Quoc/76/15146060.epi