Khoảnh khắc đội tuyển Việt Nam nâng cao cúp vô địch AFF Cup 2024: Rưng rưng!
Không còn là giấc mơ nữa, cúp vô địch AFF Cup 2024 một lần nữa đã về với bóng đá Việt Nam sau hành trình rực rỡ của HLV Kim Sang-sik cùng các học trò ở giải đấu năm nay. Trên sân Rajamangala, niềm vui như vỡ òa với toàn đội tuyển.
Tuyệt vời Việt Nam
Đội tuyển Việt Nam đã trải qua hơn 90 phút trên sân Rajamangala với rất nhiều áp lực, đặc biệt đến từ hàng chục ngàn CĐV của đội chủ nhà. Tuy nhiên, bằng lợi thế đã tạo ra ở trận chung kết lượt đi, bằng chiến thuật hợp lý của HLV Kim Sang-sik và bằng bản lĩnh của các cầu thủ và niềm tin của người hâm mộ ở quê nhà, đội tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng chung cuộc qua 2 lượt trận với tổng tỷ số 5-3 qua đó lần thứ 3 nâng cao chiếc cúp vô địch AFF Cup.
OpenAI o3 suy nghĩ gần bằng con người, rồi sao?
Mô hình trí tuệ nhân tạo mới của OpenAI có tên o3 đã đạt được kết quả ngang bằng con người trong một bài kiểm tra được thiết kế để đo 'trí thông minh tổng quát'.
Người dân TP.HCM lưu ý: Từ hôm nay đi metro phải quét mã QR
Từ hôm nay, ngày 2.1, hành khách đi metro số 1 sẽ chuyển sang quét mã QR, thẻ Mastercard hoặc căn cước công dân, không còn đi lại như theo cách như 10 ngày trước đây.
Để nhận mã QR đi metro miễn phí trong giai đoạn đầu vận hành, ngoài dùng thẻ Mastercard, người dân có thể tải app "HCMC Metro HURC". Sau đó, tại màn hình trang chủ ứng dụng, chọn "Go Metro" để nhận mã QR.
Trong thời gian này, hành khách chưa có thẻ Mastercard cần mang theo căn cước công dân, căn cước gắn chip hoặc ứng dụng VNEID để được hỗ trợ mở thẻ trực tiếp tại các nhà ga. Riêng với người già, trẻ nhỏ, người không có điện thoại thông minh và thẻ Mastercard sẽ có nhân viên tại nhà ga hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể.
Bắt đầu từ hôm nay, hành khách đi metro số 1 phải quét mã QR
Ảnh: Phạm Hữu
Từ ngày 10.1 khách hàng sử dụng các loại thẻ Visa, JCB, American Express, Union Pay, Napas để quét tại các cổng vào, cổng ra có gắn thiết bị đầu đọc (có thể sớm hơn tùy theo tiến độ phối hợp với các tổ chức thẻ) và thanh toán sau ngày 20.1.
Ngoài ra, người dân có thể tạo mã QR code tại ứng dụng công dân số TP.HCM trên điện thoại di động để đi tàu điện trong giai đoạn miễn phí vé đến hết ngày 20.1. Từ ngày 21.1, người dân thuộc đối tượng miễn, giảm giá vé và sử dụng vé tháng sẽ thực hiện đăng ký qua ứng dụng công dân số TP.HCM và nhận QR code từ ứng dụng để đi tàu. Đối với hành khách sử dụng vé tháng, vé giảm giá cho đối tượng học sinh - sinh viên có thể liên kết thanh toán qua các ví, ứng dụng thanh toán của ngân hàng để mua vé.
Trong 30 ngày đầu vận hành thương mại tuyến metro số 1 miễn phí vé cho tất cả hành khách. Sau thời gian trên, giá vé lượt từ 6.000 - 20.000 đồng/người, tùy theo quãng đường đi. Ngoài ra, khách đi metro còn có thể mua các loại vé 1 ngày giá 40.000 đồng, vé 3 ngày giá 90.000 đồng và vé tháng 300.000 đồng (khách phổ thông), 150.000 đồng (học sinh, sinh viên).
Phạm Hữu
Trí tuệ nhân tạo bứt phá giữa tiềm năng và thách thức
Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo - một xu thế được đánh giá sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2025, nhưng đồng thời ẩn chứa thách thức không nhỏ.
Các mặt của xu thế
Cụ thể, trong phân tích gửi đến Thanh Niên, Eurasia Group đánh giá: Năm 2024 là một năm trưởng thành của AI. Các công ty đã thúc đẩy các sản phẩm và tính năng mới nhất, tốt nhất về AI. Trong khi đó, chính phủ các nước nỗ lực kiểm soát công nghệ này.
AI dự kiến tiếp tục là xu hướng của thời gian tới (Ảnh: Phát Tiến tạo bằng AI)
Theo đó, AI đã phát triển mạnh mẽ hơn khi không còn giới hạn trong các giao diện chatbot thông thường, để phát triển thành các ứng dụng phần mềm sáng tạo hơn. Xu thế vừa nêu đã kéo theo cuộc đua đầu tư cho chip bán dẫn phục vụ sự phát triển của AI. Điển hình, chỉ riêng Meta (tập đoàn mẹ của Facebook) đã tiết lộ việc chi hàng tỉ USD để trang bị các bộ xử lý đồ họa NVIDIA nhằm tăng cường các ứng dụng AI.
Trong khi đó, nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Apple, Meta, Microsoft và OpenAI cố gắng thiết kế chip riêng để giảm sự phụ thuộc vào hai nhà cung cấp chip NVIDIA và AMD - vốn đưa ra mức giá không rẻ cho chip bán dẫn tiên tiến. Việc tìm đến các nguồn chip giá rẻ hơn được kỳ vọng giúp tăng hiệu quả về kinh tế, hướng đến lợi nhuận từ sự phát triển các ứng dụng, dịch vụ AI. Bởi giới đầu tư tài chính cũng liên tục cảnh báo đầu tư cho AI quá lớn nhưng các công ty lại chưa thể thu về lợi nhuận.
Đồng thời, trong năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) thông qua đạo luật kiểm soát AI, trở thành hệ thống luật hoàn chỉnh đầu tiên về lĩnh vực này và trở thành một khuôn khổ cho sự phát triển chung của AI trong thời gian tới. Tháng 9 vừa qua, LHQ cũng đã công bố kế hoạch vạch ra các mục tiêu cụ thể cho cơ quan quản trị toàn cầu để đảm bảo một hệ thống "toàn diện" trong quản lý AI. Tuy vậy, nước Mỹ năm 2025 dưới thời ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ thực hiện cách tiếp cận hạn chế can thiệp đối với lĩnh vực AI. Vừa qua, lãnh đạo các công ty Meta, Amazon… đã không ngần ngại chi đậm để quyên góp cho sự kiện lễ nhậm chức của ông Trump như một nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ.
Xoay quanh AI, năm 2024 còn chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, Washington đã đẩy mạnh nhiều biện pháp nhằm hạn chế sự phát triển của Bắc Kinh về AI. Kết quả, phía Trung Quốc đã gặp không ít khó khăn về lĩnh vực này.
Tương lai và thách thức
Phân tích của Eurasia Group cũng đưa ra một số dự báo về sự phát triển của AI trong năm 2025. AI được dự báo sẽ cải thiện về mô hình nhưng mức độ cải thiện như thế nào sẽ vẫn là một dấu hỏi. Nếu sự cải thiện không quá lớn thì đồng nghĩa với việc các ngành công nghệ đang lo ngại về hiệu quả lợi nhuận khi đầu tư, và thực tế cũng đã có nhận định tốc độ phát triển của AI đang chậm hơn so với trước. Ngược lại, nếu các mô hình AI bùng nổ quá nóng thì cũng có thể là bắt đầu giai đoạn "điểm rơi". Có lẽ, các công ty về AI sẽ tìm cách cân bằng để chứng minh tương lai tươi sáng của AI sẽ còn lâu dài.
Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của AI có thể dẫn đến một diễn biến tiêu cực là phản ứng của người lao động. Điển hình, ở "công xưởng điện ảnh" Hollywood (Mỹ) và ngành công nghiệp trò chơi điện tử, nhân lực trong ngành sáng tạo có thể phản ứng với phía doanh nghiệp do bị cắt giảm công việc.
Bên cạnh đó, một dự báo đáng lo ngại khác chính là khả năng chiến tranh sẽ trở nên tự động hóa hơn. Chính phủ các nước có thể không hoàn toàn chấp nhận AI trong toàn bộ hệ thống vận hành, nhưng quân đội lại có thể khác. Điển hình như Bộ Quốc phòng Mỹ đang đẩy mạnh phát triển và ứng dụng AI, dự kiến còn có thêm nhiều hợp đồng trong thời gian tới. Điều này ẩn chứa khả năng AI sẽ được tăng cường ứng dụng trong các bộ máy chiến tranh, dẫn đến nhiều nguy cơ khó lường cho nhân loại.
Cảnh báo rủi ro của ngành kinh tế do AI điều khiển
Hôm qua 30.12, Đại học Cambridge (Anh) công bố báo cáo nghiên cứu về ngành "kinh tế ý định". Đây là ngành thương mại mà trong đó các công cụ AI tạo sinh có thể "bí mật ảnh hưởng" đến việc ra quyết định của người dùng. Nghiên cứu chỉ ra rằng đây là thị trường tiềm năng với khả năng sinh lợi lớn, nhưng gây không ít lo ngại vì các hệ thống AI có thể ảnh hưởng đến mọi lựa chọn của con người, từ mua vé xem phim đến bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Vì thế, nếu không được kiểm soát hiệu quả, các công ty AI có thể thao túng con người.
Nguồn: PHÁT TIẾN - BÁO THANH NIÊN
Người miền Tây về quê dịp Tết: Vẫn là chuyến đi lúc nửa đêm
Còn khoảng 1 tháng nữa mới đến Tết Ất Tỵ nhưng nhiều người miền Tây đã háo hức chọn lộ trình về quê cùng gia đình trong những ngày tới.
Nhờ có nhiều tuyến đường nối từ TP.HCM - ĐBSCL nên đi lại ngày cận Tết bớt căng thẳng. Trong ảnh: tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua Long An - Ảnh: M.TRƯỜNG
Anh Nguyễn Hoàng Nam (38 tuổi, quê Cần Thơ), nhân viên văn phòng làm việc tại TP.HCM, chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: "Còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết, lại bắt đầu những chuyến đi lúc nửa đêm trên tuyến đường N2", kèm theo đó là tấm hình anh Nam chụp lại chiếc xe máy chở lỉnh kỉnh đồ đạc và vợ con trong dịp Tết Ất Tỵ.
Phía dưới bài viết là hàng loạt chia sẻ của bạn bè về những trải nghiệm khó quên trên những cung đường về miền Tây trong các dịp lễ, Tết.
Đường N2 - tuyến đường được đưa vào sử dụng năm 2019 - được đông đảo người dân, trong đó chủ yếu là người dân các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp chọn lựa để đi TP.HCM và ngược lại.
Bởi đây là tuyến đường mới nhưng mặt đường khá đẹp và thường xuyên được duy tu nên nhiều người dân, kể cả người đi ô tô lẫn xe máy lựa chọn.
"Những ngày thường, tuyến đường này khá vắng vẻ nên tôi chỉ chạy ban ngày, còn mấy ngày Tết tôi sẽ đi về quê bằng tuyến đường này vào ban đêm.
Theo kinh nghiệm nhiều năm trước, năm nay tôi tiếp tục đi vào khung giờ từ sau 22h bởi giờ này xe ít, đi mát mẻ", anh Huỳnh Thanh Sang (29 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) nói.
Ngoài tuyến N2, người dân từ các tỉnh miền Đông và TP.HCM còn có các lựa chọn khác như tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ 60.
Ông Nguyễn Văn Thành - giám đốc Khu quản lý đường bộ 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) - cho biết ngay trong dịp Tết dương lịch 2025, lượng khách đi về miền Tây sẽ không tăng nhiều so với ngày thường.
Do đó các đơn vị hữu quan đang tiếp tục duy tu các tuyến quốc lộ tại khu vực ĐBSCL, sơn lại các biển báo, phản quang để phục vụ người dân, đặc biệt là người dân về quê đón Tết trong thời gian tới.
Trong đó tuyến quốc lộ 1 nối từ TP.HCM về đến Cà Mau chạy qua hầu hết các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau sẽ là sự lựa chọn của số đông người dân các tỉnh miền Tây.
Một tuyến đường khác từ TP.HCM về tỉnh Tiền Giang được nhiều người lựa chọn trong khoảng 10 năm trở lại đây là quốc lộ 50 nối từ TP.HCM về Tiền Giang. Tuyến đường này chủ yếu người dân tỉnh Long An và Tiền Giang chọn để đi.
Còn quốc lộ 60 lại là tuyến đường mà người dân các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng lựa chọn để đi trong dịp lễ, Tết.
Đây cũng là tuyến quốc lộ trục dọc theo duyên hải phía Đông tại khu vực miền Tây có mật độ giao thông cao và thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, đặc biệt là tại khu vực cầu Rạch Miễu nối hai tỉnh Bến Tre - Tiền Giang.
Một điểm mới năm nay là người dân đi ô tô từ TP.HCM về miền Tây sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng hơn các năm trước, đó là sẽ được chạy trên tuyến cao tốc từ TP.HCM về đến gần cầu Cần Thơ. Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ kéo dài khoảng 120km sẽ góp phần "chia lửa" rất lớn cho các quốc lộ trục dọc tại vùng ĐBSCL.
Ngày 30-12, đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị quản lý, khai thác tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cho biết ngày thường tuyến đường này có khoảng 20.000 - 30.000 lượt phương tiện qua lại.
Riêng những ngày Tết, lượng phương tiện có thể lên đến 50.000 lượt mỗi ngày đêm.
Tuy nhiên tuyến đường vẫn có thể đáp ứng được do có lực lượng cảnh sát giao thông túc trực thường xuyên.
Bên cạnh đó, phía tập đoàn này cũng đã cử nhân viên túc trực 24/24 giờ để kịp điều tiết giao thông khi trên đường xảy ra sự cố, hướng dẫn xe chạy ra các nút giao thông nếu phía trước bị tắc nghẽn.
Nguồn: MẬU TRƯỜNG - BÁO TUỔI TRẺ ONLINE