NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin tức

Cách một học sinh trung học kiếm 12 triệu đô la nhờ AI: Từ 0 đến đỉnh cao!

on .

Cal AI là ứng dụng dinh dưỡng sử dụng công cụ AI: GPT Wrapper, được phát triển bởi Zach Yadegari, một học sinh trung học 17 tuổi. Ứng dụng đạt hơn 1 triệu lượt tải xuống, doanh thu hàng năm 12 triệu đô la và có 17 nhân viên toàn thời gian.

Zach Yadegari

Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), Zach Yadegari, 17 tuổi, đang tạo cơn sốt trong lĩnh vực công nghệ sức khỏe và thể hình. Là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Cal AI - một ứng dụng theo dõi dinh dưỡng, chàng trai trẻ này sẵn sàng thách thức các "ông lớn" trong ngành với sức mạnh của AI và chiến lược tiếp thị sáng tạo.

Cal AI: Từ thất vọng đến tăng trưởng "vượt bậc" với chiến lược tiếp thị thông minh

Ra mắt vào tháng 5/2024, Cal AI ra đời từ chính sự thất vọng của Yadegari với các ứng dụng theo dõi dinh dưỡng hiện có. Anh chia sẻ: "Tôi đã cố gắng theo dõi lượng calo của mình bằng một ứng dụng phổ biến trên cửa hàng ứng dụng, nhưng chỉ sau ba ngày, tôi đã cảm thấy quá khó khăn và tẻ nhạt".

Ứng dụng Cal AI so với các đối thủ cạnh tranh. Cal AI mang đến những tính năng vượt trội so với các ứng dụng "cũ kỹ" bằng cách tích hợp cơ sở dữ liệu thực phẩm mở rộng, quét mã vạch, quét bữa ăn và mô tả bữa ăn bằng ngôn ngữ tự nhiên, giải quyết những hạn chế của các trình theo dõi dinh dưỡng truyền thống.

Từ đó, Yadegari đã tự xây dựng Cal AI bằng công cụ GPT Wrapper. Điểm mấu chốt của ứng dụng nằm ở công nghệ nhận dạng hình ảnh AI, có khả năng ước tính hàm lượng dinh dưỡng với độ chính xác lên đến 90% trong điều kiện ánh sáng tự nhiên. Yadegari tự tin khẳng định: "Con số này vượt xa độ chính xác của thông tin trên nhãn dinh dưỡng, vốn có thể sai lệch đến 20%."

Chỉ sau 6 tháng ra mắt, Cal AI đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc:

Hơn 1 triệu lượt tải xuống
Doanh thu hàng năm đạt 12 triệu đô la
Đội ngũ 17 nhân viên toàn thời gian
Trung bình mỗi người dùng ghi lại 4 bữa ăn mỗi ngày

Bí quyết thành công của Cal AI nằm ở chiến lược tiếp thị người có sức ảnh hưởng "dựa trên mối quan hệ". Yadegari và nhóm của mình đã nhờ vào quảng cáo trên các nhóm Facebook, mở rộng quy mô học viên nhanh chóng. Được truyền cảm hứng từ những bộ phim như "The Social Network", Yadegari khao khát xây dựng một dự án kinh doanh có thể mở rộng quy mô và mang lại sự độc lập tài chính.

Yadegari giải thích: "Các công ty lớn thường thất bại vì họ không đủ linh hoạt để thích ứng nhanh chóng với tốc độ thay đổi chóng mặt của truyền thông xã hội và AI".

Yadegari đã xác định rằng phần lớn người dùng của Cal AI chủ yếu là những người trẻ tuổi từ 15-25. Hiện tại, công ty đang nỗ lực mở rộng ra các đối tượng người dùng lớn tuổi hơn bằng cách thiết kế các chiến lược tiếp thị phù hợp.

Ứng dụng AI thay đổi cách thức kinh doanh của thế hệ công nghệ

Yadegari cùng nhóm của anh đại diện cho một thế hệ lãnh đạo công nghệ đầy sáng tạo. Langmack, cũng 17 tuổi như Yadegari, không được đào tạo chính thức về công nghệ nhưng vẫn phát triển kỹ năng lập trình ấn tượng. Yadegari điều hành ứng dụng này trong khi hoàn thành chương trình trung học. Anh ấy quản lý nhóm của mình từ xa, sử dụng Slack trong giờ học và lên lịch gọi điện sau giờ học.

Sự thành công của Yadegari và Cal AI không chỉ là một câu chuyện cá nhân mà còn là một biểu tượng cho tiềm năng không ngừng của thế hệ trẻ. Họ không chỉ đang thay đổi cách chúng ta sử dụng công nghệ mà còn mở ra những con đường mới cho tương lai của các ngành công nghiệp truyền thống. Sự kết hợp giữa công nghệ, sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp đang dẫn dắt một xu hướng toàn cầu.

GPT Wrapper: Công cụ đột phá cho mọi đối tượng

GPT Wrapper là một ứng dụng hoặc công cụ được thiết kế để mở rộng chức năng của AI tạo sinh (GenAI). Nó hoạt động như một giao diện người dùng (UI) hoặc trải nghiệm người dùng (UX) trên các lệnh gọi API đến GenAI, tạo ra cầu nối giữa người dùng và công nghệ AI phức tạp. Thông qua GPT Wrapper, người dùng có thể dễ dàng truy cập và tương tác với các tính năng mạnh mẽ của AI, từ đó mở ra những cơ hội mới trong việc phát triển ứng dụng và giải pháp kinh doanh.

- Tiềm năng kinh doanh: Doanh nghiệp và nhà phát triển có thể tích hợp công nghệ AI vào ứng dụng của họ mà không cần phải hiểu sâu về mã nguồn, biến các API GenAI thành các sản phẩm có thể thương mại. Ví dụ như Cal AI đã chứng minh được sự thành công trong việc cung cấp giải pháp AI cho khách hàng.

- Tính đa năng: GPT Wrapper có đa dạng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: trợ lý viết, ứng dụng học ngôn ngữ, Chatbot

- Kỹ thuật và hiệu quả: Về mặt kỹ thuật, GPT Wrapper thực hiện các lệnh gọi API để tương tác với mô hình ngôn ngữ, giúp cải thiện khả năng quản lý ngữ cảnh trong các cuộc hội thoại.

GPT Wrapper không chỉ dành riêng cho lập trình viên mà còn mở rộng cho mọi đối tượng nhờ vào nền tảng không cần mã và giao diện thân thiện. Bất kỳ ai, từ học sinh trung học đến các bà mẹ, đều có thể tạo ứng dụng riêng.

Yadegari, một học sinh trung học, đã chứng minh rằng với sáng tạo và quyết tâm, truyền cảm hứng biến biến ý tưởng thành sản phẩm thay đổi cuộc sống, từ khởi đầu khiêm tốn đến thương hiệu triệu đô.

Hiện nay, cộng đồng sử dụng GPT Wrapper đang phát triển với nhiều hội nghị và buổi gặp gỡ trực tuyến, không chỉ củng cố tinh thần cộng đồng mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và kết nối giữa các chuyên gia công nghệ và AI.

Sự phát triển nhanh chóng của GPT Wrapper không chỉ hỗ trợ cuộc sống hàng ngày mà còn mở ra cơ hội kinh doanh và sáng tạo mới. Những ý tưởng đầy hứa hẹn từ các nhà phát triển trẻ sẽ đem đến nhiều điều thú vị cho thế giới công nghệ. Cal AI minh chứng cho điều đó, cho thấy rằng sự sáng tạo và quyết tâm có thể biến bất kỳ ý tưởng nào thành công cụ thay đổi cuộc sống. Chúng ta sẽ còn thấy nhiều điều thú vị hơn từ thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết này.

Minh Phú

Nguồn: https://baomoi.com/cach-mot-hoc-sinh-trung-hoc-kiem-12-trieu-do-la-nho-ai-tu-0-den-dinh-cao-c51436307.epi?utm_source=dapp&utm_campaign=share

Con đường trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về AI

on .

Các doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi đón nhận những cơ hội kinh tế lớn, tăng năng suất và mở rộng sang các thị trường mới nhờ ứng dụng các sản phẩm và giải pháp tích hợp trí tuệ nhân tạo...

 

Theo Báo cáo tác động kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng số tại Việt Nam của Access Partnership phát hành gần đây, hành trình phát triển kinh tế của Việt Nam rất ấn tượng. Từ một trong những quốc gia có thu nhập thấp nhất, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gấp 6 lần chỉ trong chưa đầy 40 năm. Với đà phát triển này, Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tại hội thảo “Kiến tạo tương lai AI cho Việt Nam” gần đây, ông Andrew Ure, Giám đốc về Chính sách công và Quan hệ chính phủ của Google, cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Nền kinh tế Việt Nam sẽ đi lên với “chất xúc tác” là AI.

Cụ thể, Việt Nam có dân số trẻ, thành thạo sử dụng các công nghệ số, đây là một tài sản lớn, vì AI phụ thuộc nhiều vào hạ tầng và kỹ năng số. Tuy nhiên, theo đại diện Google, để khai thác tối đa tiềm năng AI, cần nhiều thứ hơn là chỉ đầu tư vào công nghệ.

AI KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI DO CÁC QUỐC GIA GIÀU CÓ DẪN ĐẦU

“Có thể hình dung hệ sinh thái AI như một kim tự tháp ngược với ba lớp chính: lớp nền tảng là hạ tầng phần cứng, tính toán và bộ xử lý đồ họa (GPU); lớp ứng dụng là người dùng cuối sử dụng các công nghệ AI; lớp quan trọng nhất chính là lớp xây dựng - nơi tạo ra nhiều giá trị nhất. Đây là khu vực mà các nhà phát triển sẽ sử dụng các mô hình nền tảng, dù là mã nguồn mở hay thương mại, để tạo ra các ứng dụng AI”, ông Andrew Ure giải thích.

Lớp xây dựng này chính là các nhà phát triển ứng dụng và doanh nghiệp nhỏ, những người tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Lớp xây dựng trong hệ sinh thái AI của Việt Nam dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ vào các điều kiện nhân khẩu học và chính sách thuận lợi. Tầng này hứa hẹn sẽ tạo ra giá trị kinh tế đáng kể và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Chính vì vậy, AI được dự báo sẽ kích thích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.

“Nhìn lại lịch sử, hầu hết các công nghệ mới khi được triển khai đều rất tốn kém và bị giới hạn bởi vấn đề phân phối. Điều này thường khiến các quốc gia giàu có trở thành những nước đi đầu trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ”, ông Ure chia sẻ.

Tuy nhiên, cách AI được triển khai lại hoàn toàn khác biệt. Thay vì phụ thuộc vào phần cứng, AI chủ yếu được vận hành qua đám mây (cloud-driven). Do đó, ông Ure cho biết: “AI không nhất thiết phải do các quốc gia giàu có dẫn đầu. Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực AI.

Tại Google, chúng tôi tin rằng AI có tiềm năng trở thành một lực lượng đột phá, mang lại lợi ích to lớn cho toàn thế giới. Công nghệ này không chỉ giúp giải quyết các thách thức cấp bách mà còn mở ra nhiều cơ hội mới, đặc biệt cho người dân Việt Nam. Điều quan trọng là phải hiện thực hóa tiềm năng đó bằng cách biến các ý tưởng trừu tượng thành những ứng dụng cụ thể và khai thác sức mạnh chuyển đổi mà AI mang lại”.

CƠ HỘI ĐẠT 1.890 NGHÌN TỶ ĐỒNG VÀO NĂM 2030

“AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, từ ngành bán lẻ đến y tế. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tiềm năng lợi ích kinh tế mà AI mang lại cho Việt Nam về mặt tăng trưởng doanh thu và tiết kiệm chi phí là rất đáng kể”, ông Abhineet Kaul, Giám đốc Dịch vụ khách hàng của Access Partnership, cho hay.

 

Theo ông Abhineet Kaul, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở vị thế thuận lợi để đón nhận những cơ hội kinh tế lớn, bao gồm việc tăng năng suất và mở rộng sang các thị trường mới nhờ ứng dụng các sản phẩm và giải pháp có tích hợp AI. Dự kiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, bán lẻ và cơ sở hạ tầng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Khảo sát của Công ty dịch vụ tài chính Finastra vào năm 2023 cho thấy có 44% tổ chức tài chính tại Việt Nam đã xây dựng các sáng kiến để triển khai hoặc nâng cấp công nghệ AI trong 12 tháng qua. Về đầu tư mạo hiểm, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về quy mô đầu tư, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các khoản vốn đầu tư vào AI.

“Điều này không chỉ phản ánh mức độ quan tâm lớn của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các công cụ có tích hợp AI, mà còn cho thấy tiềm năng mà các nhà đầu tư nhìn thấy trong đổi mới sáng tạo liên quan đến AI tại Việt Nam, báo hiệu triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Abhineet Kaul nhận định.

Theo nghiên cứu của Access Partnership, tiềm năng từ AI tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên tới 1.890 nghìn tỷ đồng (79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030, nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi.

Người dân Việt Nam cũng có mức độ ủng hộ công nghệ AI cao đáng kể, với 70% người lao động Việt Nam đã áp dụng các công cụ AI tạo sinh vào công việc và thêm 11% số người lao động dự kiến sẽ áp dụng trong thời gian tới. 54% người lao động cho rằng AI nâng cao hiệu suất và cải thiện chất lượng công việc trong các lĩnh vực như viết lách, thiết kế và phát triển ý tưởng; 45% sử dụng AI để tự động hóa các đầu việc thường nhật, giúp họ có thêm thời gian tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược hơn. Tinh thần tích cực này tạo ra môi trường thuận lợi cho việc áp dụng và phát triển các ứng dụng AI trên toàn nền kinh tế.

CHIẾN LƯỢC AI CẦN THỰC HIỆN TÁO BẠO, CÓ TRÁCH NHIỆM 

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết Việt Nam hiện đang triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, được xem là "cốt lõi" của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để góp phần thực hiện thành công chương trình này, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, như Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (2021-2030), nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu về đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng các giải pháp AI. Đây là dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang tập trung vào việc khai thác lợi ích của AI cho tương lai của Việt Nam.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào các công việc cụ thể. Chẳng hạn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ứng dụng các Trợ lý ảo tiếng Việt (TLA) dựa trên công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và mô hình ngôn ngữ nhỏ (SLM) hỗ trợ cho các cán bộ xử lý công việc hàng ngày; Bộ Tài chính đã áp dụng các giải pháp AI trong công tác hải quan và thuế để quản lý rủi ro và ngăn ngừa gian lận; Hà Nội và một số địa phương đã sử dụng giải pháp Camera AI để giám sát các hoạt động theo thời gian thực trên địa bàn tỉnh, thành phố...

Những ứng dụng AI này đã bước đầu góp phần giúp nâng cao hiệu quả công việc hàng ngày của các cán bộ, đồng thời tối ưu hóa các quy trình cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

 

Ông Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ

Tuy vậy, theo ông Cù Kim Long, trong quá trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam, các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp số và các cơ quan đơn vị cũng còn gặp phải nhiều khó khăn, trong đó có ba thách thức chủ yếu sau.

Thứ nhất, nguồn dữ liệu huấn luyện các mô hình AI vẫn khó tiếp cận và chất lượng dữ liệu thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế (đặc biệt dữ liệu miền tiếng Việt).

Thứ hai, hạ tầng số (đặc biệt là các hạ tầng thu thập, phân tích xử lý dữ liệu và hạ tầng tính toán) phục vụ triển khai các mô hình, thuật toán AI còn rất hạn chế. Các hạ tầng được đầu tư, trang bị tại nhiều lab nghiên cứu AI chỉ phù hợp với các bài toán quy mô nhỏ và cho hệ thống hoạt động riêng lẻ.

Do đó, nhiều mô hình AI đã được nghiên cứu trong môi trường lab được công bố với kết quả tốt, nhưng khi triển khai ứng dụng vào thực tiễn với bài toán quy mô lớn thì hiệu quả chưa cao, thậm chí còn gặp khó khăn khi triển khai thực tế vì các yêu cầu kết nối liên thông, chia sẻ, phân phối dữ liệu với các hệ thống khác đang vận hành đảm bảo hoạt động liên tục ổn định và an toàn dữ liệu.

Thứ ba, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ phát triển sản phẩm AI cũng là một thách thức không nhỏ. Để đào tạo, huấn luyện tăng cường đội ngũ kỹ sư AI thường phải mất 3-5 năm trong môi trường lab chuyên nghiệp, trong khi đó các chuyên gia AI phải dành hàng chục năm nghiên cứu chuyên sâu thì mới có khả năng làm chủ nghiên cứu tạo ra sản phẩm và giải pháp AI chất lượng.

Hơn nữa, chuyên gia AI cũng phải là người thường xuyên "lăn lộn" tham gia triển khai các hệ thống tác nghiệp trong thực tế tại các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thì mới có thể triển khai được các giải pháp AI ở quy mô lớn một cách đồng bộ, hiệu quả.

Theo ông Cù Kim Long, để vượt qua thách thức trên, Việt Nam rất cần hình thành các mô hình hợp tác "đa nhà", gồm: Nhà nước (ban hành văn bản chính sách, hướng dẫn nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI); Nhà doanh nghiệp số (sản xuất sản phẩm AI); Nhà trường (đào tạo nhân lực AI); Nhà nghiên cứu (phát triển mô hình/thuật toán AI); Nhà đầu tư (kinh phí cho nghiên cứu, phát triển các sản phẩm AI); Nhà phân phối (đưa sản phẩm, giải pháp AI ra thị trường); Nhà ứng dụng (sử dụng các sản phẩm AI).

Ông Trump tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả

on .

Trung Quốc đã có phản ứng về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Sáng nay 4.3 (theo giờ Việt Nam), Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, viện dẫn lý do Bắc Kinh không giải quyết được tình trạng buôn bán chất gây nghiện fentanyl. Lệnh này nâng mức thuế trước đó áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 20%, như ông Trump đã hứa, AFP dẫn thông báo từ Nhà Trắng.

Đáp lại, Bắc Kinh hôm nay tuyên bố sẽ có biện pháp đối phó với mức thuế mới của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc. "Trung Quốc rất không hài lòng với điều này và kiên quyết phản đối, và sẽ có biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình", một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.

Sau đó, Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 10%-15% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ kể từ ngày 10.3, theo Reuters.

AFP hôm nay dẫn lời giới phân tích cảnh báo rằng việc tăng thuế mới nhất của Tổng thống Trump nhắm vào Trung Quốc có thể chỉ là khởi đầu cho cuộc chiến thương mại đang leo thang của ông chống lại Bắc Kinh. "(Đây) là một động thái mà chúng tôi coi là báo hiệu một lập trường hung hăng", ông Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Tập đoàn Nomura (Nhật Bản) viết.

Ông Trump tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký văn bản tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ngày 4.2

ẢNH: REUTERS

Bước đi mới của ông Trump bổ sung thêm một mức thuế chung 10% được áp dụng vào tháng trước, nâng mức thuế trung bình của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên khoảng 33%, theo ước tính của Nomura. 

"Mức tăng thuế mà ông Trump vừa áp đối với Trung Quốc gần gấp đôi mức tăng thuế trong toàn bộ nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy... Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể trở thành tâm điểm trong những tháng tới", ông Lu viết.

"Đây có thể sẽ không phải là đợt tăng thuế quan cuối cùng đối với Trung Quốc", ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại công ty Capital Economics (Anh), bình luận, lưu ý rằng ông Trump đã đe dọa sẽ áp dụng thuế quan "có qua có lại" đối với nhiều quốc gia sớm nhất là vào đầu tháng 4.

 

Thầy giáo Việt Nam được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới: Được mời dạy học cho Vua

on .

Chỉ duy nhất 1 nhân vật làm nghề giáo được mệnh danh là 'Người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc' trong danh sách 6 danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới.

Đến thời điểm hiện tại, UNESCO vinh danh 6 nhân tài đất Việt là danh nhân văn hóa thế giới bao gồm: Nguyễn Trãi (vinh danh vào năm 1980), Hồ Chí Minh (vinh danh vào năm 1990), Nguyễn Du (vinh danh vào năm 2015), Chu Văn An (2019), Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu (2021).

Trong danh sách 6 nhân vật được UNESCO vinh danh là danh nhân thế giới có sự góp mặt của anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, Đại thi hào dân tộc cho đến nhà thơ lớn.

Trong danh sách 6 danh nhân trên, có 1 người được mệnh danh là ‘Người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc’. Đó chính là Chu Văn An (1292-1370), ông tên thật là Chu An, tự là Linh Triệt, nguyên quán ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Đây là nhân vật được đánh giá là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam khi đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học.

Tượng Chu Văn An 

Tượng Chu Văn An

Đáng nói, triết lý giáo dục của Chu Văn An vô cùng nhân văn khi không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với việc thực hành, cũng như học suốt đời để biết, làm việc và học cống hiến cho xã hội. Tư tưởng này ở thời điểm đó là vô cùng vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay. Chính vì vậy mà tư tưởng của ông đã ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt Nam thậm chí là góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực.

Cũng chính về những giá trị vượt tầm thời đại và quốc gia này mà Chu Văn An được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới!

 

Sinh thời ông là người chính trực, không màng danh lợi, dù đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ) vào đời Trần Minh Tông (1314-1329) ông không làm quan mà về quê mở trường dạy học mang tên Huỳnh Cung. Ông có rất nhiều môn đệ thành đạt và quan lớn như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát (điều đỗ Tiến sĩ và làm đến chức Hành khiển trong triều Trần). Môn đệ của Chu Văn An không chỉ được dạy chữ thành hiền mà còn được dạy về đạo đức của bậc trí nhân quân tử.

Tư cách cùng tiếng tăm uy tín của Chu Văn An lớn đến mức vua Trần Minh Tông đã cho mời ông đến Thăng Long giữ chức Tư nghiệp (tức Hiệu trưởng) tại Quốc Tử Giám để dạy học cho các Hoàng Tử (trong đó có hoàng tử Trần Hiến Tông sau nay là vua trị vì từ năm 1329 đến năm 1341).

 

Đáng nói, Chu Văn An vô cùng khác biệt với các văn sĩ thời bấy giờ khi ông chọn nghề giáo nhưng không sống lẩn tránh, quay lưng với thời cuộc. Chu Văn An có ý thức của một trí thức Nho giáo rất rõ ràng và chọn con đường riêng của mình là dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước.

Với những giá trị đó, nhân cách của nhà giáo Chu Văn An đã được lưu truyền trong sử sách Việt Nam từ đời này sang đời khác. Để tưởng nhớ đạo đức cũng như sự nghiệp của Chu Văn An, nhiều nơi trong nước đều có di tích thờ phụng ông như: đền Phượng Sơn ở Chí Linh, Hải Dương; đền Thanh Liệt; đền Huynh Cung; đền Văn Điển; đền Phượng Sơn ở Chí Linh, Hải Dương… Thậm chí, ở Hà Nội, tên của ông được đặt cho 1 đường phố và 1 trường trung học nổi tiếng là Trường phổ thông Trung học Chu Văn An.

Ngoài ra trong danh sách6 danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam còn có 1 danh nhân là thầy giáo là Nguyễn Đình Chiểu.66 năm cuộc đời của mình Nguyễn Đình Chiểu sống bằng nghề dạy học, làm thầy thuốc và sáng tác văn chương. Ông chính là tác giả của các truyện thơ nổi tiếng như: Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, , Dương Từ - Hà Mậu, Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc..

Theo Sở hữu trí tuệ


Nguồn:
 https://baomoi.com/thay-giao-viet-nam-duoc-unesco-cong-nhan-la-danh-nhan-van-hoa-the-gioi-duoc-moi-day-hoc-cho-vua-c51387973.epi?utm_source=dapp&utm_campaign=share