NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin tức

Trí tuệ nhân tạo bứt phá giữa tiềm năng và thách thức

on .

Năm 2024 chứng kiến sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo - một xu thế được đánh giá sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2025, nhưng đồng thời ẩn chứa thách thức không nhỏ.

Công ty Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, vừa đánh giá năm 2024 là năm của trí tuệ nhân tạo (AI).

Các mặt của xu thế

Cụ thể, trong phân tích gửi đến Thanh Niên, Eurasia Group đánh giá: Năm 2024 là một năm trưởng thành của AI. Các công ty đã thúc đẩy các sản phẩm và tính năng mới nhất, tốt nhất về AI. Trong khi đó, chính phủ các nước nỗ lực kiểm soát công nghệ này.

Trí tuệ nhân tạo bứt phá giữa tiềm năng và thách thức- Ảnh 1.

AI dự kiến tiếp tục là xu hướng của thời gian tới (Ảnh: Phát Tiến tạo bằng AI)

Theo đó, AI đã phát triển mạnh mẽ hơn khi không còn giới hạn trong các giao diện chatbot thông thường, để phát triển thành các ứng dụng phần mềm sáng tạo hơn. Xu thế vừa nêu đã kéo theo cuộc đua đầu tư cho chip bán dẫn phục vụ sự phát triển của AI. Điển hình, chỉ riêng Meta (tập đoàn mẹ của Facebook) đã tiết lộ việc chi hàng tỉ USD để trang bị các bộ xử lý đồ họa NVIDIA nhằm tăng cường các ứng dụng AI.

Trong khi đó, nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ như Amazon, Apple, Meta, Microsoft và OpenAI cố gắng thiết kế chip riêng để giảm sự phụ thuộc vào hai nhà cung cấp chip NVIDIA và AMD - vốn đưa ra mức giá không rẻ cho chip bán dẫn tiên tiến. Việc tìm đến các nguồn chip giá rẻ hơn được kỳ vọng giúp tăng hiệu quả về kinh tế, hướng đến lợi nhuận từ sự phát triển các ứng dụng, dịch vụ AI. Bởi giới đầu tư tài chính cũng liên tục cảnh báo đầu tư cho AI quá lớn nhưng các công ty lại chưa thể thu về lợi nhuận.

Đồng thời, trong năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) thông qua đạo luật kiểm soát AI, trở thành hệ thống luật hoàn chỉnh đầu tiên về lĩnh vực này và trở thành một khuôn khổ cho sự phát triển chung của AI trong thời gian tới. Tháng 9 vừa qua, LHQ cũng đã công bố kế hoạch vạch ra các mục tiêu cụ thể cho cơ quan quản trị toàn cầu để đảm bảo một hệ thống "toàn diện" trong quản lý AI. Tuy vậy, nước Mỹ năm 2025 dưới thời ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ thực hiện cách tiếp cận hạn chế can thiệp đối với lĩnh vực AI. Vừa qua, lãnh đạo các công ty Meta, Amazon… đã không ngần ngại chi đậm để quyên góp cho sự kiện lễ nhậm chức của ông Trump như một nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ.

Xoay quanh AI, năm 2024 còn chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, Washington đã đẩy mạnh nhiều biện pháp nhằm hạn chế sự phát triển của Bắc Kinh về AI. Kết quả, phía Trung Quốc đã gặp không ít khó khăn về lĩnh vực này.

Tương lai và thách thức

Phân tích của Eurasia Group cũng đưa ra một số dự báo về sự phát triển của AI trong năm 2025. AI được dự báo sẽ cải thiện về mô hình nhưng mức độ cải thiện như thế nào sẽ vẫn là một dấu hỏi. Nếu sự cải thiện không quá lớn thì đồng nghĩa với việc các ngành công nghệ đang lo ngại về hiệu quả lợi nhuận khi đầu tư, và thực tế cũng đã có nhận định tốc độ phát triển của AI đang chậm hơn so với trước. Ngược lại, nếu các mô hình AI bùng nổ quá nóng thì cũng có thể là bắt đầu giai đoạn "điểm rơi". Có lẽ, các công ty về AI sẽ tìm cách cân bằng để chứng minh tương lai tươi sáng của AI sẽ còn lâu dài.

Tuy nhiên, sự phát triển bùng nổ của AI có thể dẫn đến một diễn biến tiêu cực là phản ứng của người lao động. Điển hình, ở "công xưởng điện ảnh" Hollywood (Mỹ) và ngành công nghiệp trò chơi điện tử, nhân lực trong ngành sáng tạo có thể phản ứng với phía doanh nghiệp do bị cắt giảm công việc.

Bên cạnh đó, một dự báo đáng lo ngại khác chính là khả năng chiến tranh sẽ trở nên tự động hóa hơn. Chính phủ các nước có thể không hoàn toàn chấp nhận AI trong toàn bộ hệ thống vận hành, nhưng quân đội lại có thể khác. Điển hình như Bộ Quốc phòng Mỹ đang đẩy mạnh phát triển và ứng dụng AI, dự kiến còn có thêm nhiều hợp đồng trong thời gian tới. Điều này ẩn chứa khả năng AI sẽ được tăng cường ứng dụng trong các bộ máy chiến tranh, dẫn đến nhiều nguy cơ khó lường cho nhân loại.

Cảnh báo rủi ro của ngành kinh tế do AI điều khiển

Hôm qua 30.12, Đại học Cambridge (Anh) công bố báo cáo nghiên cứu về ngành "kinh tế ý định". Đây là ngành thương mại mà trong đó các công cụ AI tạo sinh có thể "bí mật ảnh hưởng" đến việc ra quyết định của người dùng. Nghiên cứu chỉ ra rằng đây là thị trường tiềm năng với khả năng sinh lợi lớn, nhưng gây không ít lo ngại vì các hệ thống AI có thể ảnh hưởng đến mọi lựa chọn của con người, từ mua vé xem phim đến bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Vì thế, nếu không được kiểm soát hiệu quả, các công ty AI có thể thao túng con người.

Nguồn: PHÁT TIẾN - BÁO THANH NIÊN

Con đường trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về AI

on .

Các doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi đón nhận những cơ hội kinh tế lớn, tăng năng suất và mở rộng sang các thị trường mới nhờ ứng dụng các sản phẩm và giải pháp tích hợp trí tuệ nhân tạo...

 

Theo Báo cáo tác động kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng số tại Việt Nam của Access Partnership phát hành gần đây, hành trình phát triển kinh tế của Việt Nam rất ấn tượng. Từ một trong những quốc gia có thu nhập thấp nhất, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng gấp 6 lần chỉ trong chưa đầy 40 năm. Với đà phát triển này, Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tại hội thảo “Kiến tạo tương lai AI cho Việt Nam” gần đây, ông Andrew Ure, Giám đốc về Chính sách công và Quan hệ chính phủ của Google, cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Nền kinh tế Việt Nam sẽ đi lên với “chất xúc tác” là AI.

Cụ thể, Việt Nam có dân số trẻ, thành thạo sử dụng các công nghệ số, đây là một tài sản lớn, vì AI phụ thuộc nhiều vào hạ tầng và kỹ năng số. Tuy nhiên, theo đại diện Google, để khai thác tối đa tiềm năng AI, cần nhiều thứ hơn là chỉ đầu tư vào công nghệ.

AI KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI DO CÁC QUỐC GIA GIÀU CÓ DẪN ĐẦU

“Có thể hình dung hệ sinh thái AI như một kim tự tháp ngược với ba lớp chính: lớp nền tảng là hạ tầng phần cứng, tính toán và bộ xử lý đồ họa (GPU); lớp ứng dụng là người dùng cuối sử dụng các công nghệ AI; lớp quan trọng nhất chính là lớp xây dựng - nơi tạo ra nhiều giá trị nhất. Đây là khu vực mà các nhà phát triển sẽ sử dụng các mô hình nền tảng, dù là mã nguồn mở hay thương mại, để tạo ra các ứng dụng AI”, ông Andrew Ure giải thích.

Lớp xây dựng này chính là các nhà phát triển ứng dụng và doanh nghiệp nhỏ, những người tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Lớp xây dựng trong hệ sinh thái AI của Việt Nam dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ vào các điều kiện nhân khẩu học và chính sách thuận lợi. Tầng này hứa hẹn sẽ tạo ra giá trị kinh tế đáng kể và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới. Chính vì vậy, AI được dự báo sẽ kích thích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.

“Nhìn lại lịch sử, hầu hết các công nghệ mới khi được triển khai đều rất tốn kém và bị giới hạn bởi vấn đề phân phối. Điều này thường khiến các quốc gia giàu có trở thành những nước đi đầu trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ”, ông Ure chia sẻ.

Tuy nhiên, cách AI được triển khai lại hoàn toàn khác biệt. Thay vì phụ thuộc vào phần cứng, AI chủ yếu được vận hành qua đám mây (cloud-driven). Do đó, ông Ure cho biết: “AI không nhất thiết phải do các quốc gia giàu có dẫn đầu. Chúng tôi tin rằng Việt Nam đang có tiềm năng to lớn trong lĩnh vực AI.

Tại Google, chúng tôi tin rằng AI có tiềm năng trở thành một lực lượng đột phá, mang lại lợi ích to lớn cho toàn thế giới. Công nghệ này không chỉ giúp giải quyết các thách thức cấp bách mà còn mở ra nhiều cơ hội mới, đặc biệt cho người dân Việt Nam. Điều quan trọng là phải hiện thực hóa tiềm năng đó bằng cách biến các ý tưởng trừu tượng thành những ứng dụng cụ thể và khai thác sức mạnh chuyển đổi mà AI mang lại”.

CƠ HỘI ĐẠT 1.890 NGHÌN TỶ ĐỒNG VÀO NĂM 2030

“AI có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, từ ngành bán lẻ đến y tế. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tiềm năng lợi ích kinh tế mà AI mang lại cho Việt Nam về mặt tăng trưởng doanh thu và tiết kiệm chi phí là rất đáng kể”, ông Abhineet Kaul, Giám đốc Dịch vụ khách hàng của Access Partnership, cho hay.

 

Theo ông Abhineet Kaul, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở vị thế thuận lợi để đón nhận những cơ hội kinh tế lớn, bao gồm việc tăng năng suất và mở rộng sang các thị trường mới nhờ ứng dụng các sản phẩm và giải pháp có tích hợp AI. Dự kiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, bán lẻ và cơ sở hạ tầng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Khảo sát của Công ty dịch vụ tài chính Finastra vào năm 2023 cho thấy có 44% tổ chức tài chính tại Việt Nam đã xây dựng các sáng kiến để triển khai hoặc nâng cấp công nghệ AI trong 12 tháng qua. Về đầu tư mạo hiểm, Việt Nam hiện đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á về quy mô đầu tư, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các khoản vốn đầu tư vào AI.

“Điều này không chỉ phản ánh mức độ quan tâm lớn của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các công cụ có tích hợp AI, mà còn cho thấy tiềm năng mà các nhà đầu tư nhìn thấy trong đổi mới sáng tạo liên quan đến AI tại Việt Nam, báo hiệu triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Abhineet Kaul nhận định.

Theo nghiên cứu của Access Partnership, tiềm năng từ AI tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên tới 1.890 nghìn tỷ đồng (79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030, nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi.

Người dân Việt Nam cũng có mức độ ủng hộ công nghệ AI cao đáng kể, với 70% người lao động Việt Nam đã áp dụng các công cụ AI tạo sinh vào công việc và thêm 11% số người lao động dự kiến sẽ áp dụng trong thời gian tới. 54% người lao động cho rằng AI nâng cao hiệu suất và cải thiện chất lượng công việc trong các lĩnh vực như viết lách, thiết kế và phát triển ý tưởng; 45% sử dụng AI để tự động hóa các đầu việc thường nhật, giúp họ có thêm thời gian tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược hơn. Tinh thần tích cực này tạo ra môi trường thuận lợi cho việc áp dụng và phát triển các ứng dụng AI trên toàn nền kinh tế.

CHIẾN LƯỢC AI CẦN THỰC HIỆN TÁO BẠO, CÓ TRÁCH NHIỆM 

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết Việt Nam hiện đang triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, được xem là "cốt lõi" của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Để góp phần thực hiện thành công chương trình này, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, như Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (2021-2030), nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu về đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng các giải pháp AI. Đây là dấu hiệu cho thấy Chính phủ đang tập trung vào việc khai thác lợi ích của AI cho tương lai của Việt Nam.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào các công việc cụ thể. Chẳng hạn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ứng dụng các Trợ lý ảo tiếng Việt (TLA) dựa trên công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và mô hình ngôn ngữ nhỏ (SLM) hỗ trợ cho các cán bộ xử lý công việc hàng ngày; Bộ Tài chính đã áp dụng các giải pháp AI trong công tác hải quan và thuế để quản lý rủi ro và ngăn ngừa gian lận; Hà Nội và một số địa phương đã sử dụng giải pháp Camera AI để giám sát các hoạt động theo thời gian thực trên địa bàn tỉnh, thành phố...

Những ứng dụng AI này đã bước đầu góp phần giúp nâng cao hiệu quả công việc hàng ngày của các cán bộ, đồng thời tối ưu hóa các quy trình cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

 

Ông Cù Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ

Tuy vậy, theo ông Cù Kim Long, trong quá trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam, các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp số và các cơ quan đơn vị cũng còn gặp phải nhiều khó khăn, trong đó có ba thách thức chủ yếu sau.

Thứ nhất, nguồn dữ liệu huấn luyện các mô hình AI vẫn khó tiếp cận và chất lượng dữ liệu thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế (đặc biệt dữ liệu miền tiếng Việt).

Thứ hai, hạ tầng số (đặc biệt là các hạ tầng thu thập, phân tích xử lý dữ liệu và hạ tầng tính toán) phục vụ triển khai các mô hình, thuật toán AI còn rất hạn chế. Các hạ tầng được đầu tư, trang bị tại nhiều lab nghiên cứu AI chỉ phù hợp với các bài toán quy mô nhỏ và cho hệ thống hoạt động riêng lẻ.

Do đó, nhiều mô hình AI đã được nghiên cứu trong môi trường lab được công bố với kết quả tốt, nhưng khi triển khai ứng dụng vào thực tiễn với bài toán quy mô lớn thì hiệu quả chưa cao, thậm chí còn gặp khó khăn khi triển khai thực tế vì các yêu cầu kết nối liên thông, chia sẻ, phân phối dữ liệu với các hệ thống khác đang vận hành đảm bảo hoạt động liên tục ổn định và an toàn dữ liệu.

Thứ ba, nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ phát triển sản phẩm AI cũng là một thách thức không nhỏ. Để đào tạo, huấn luyện tăng cường đội ngũ kỹ sư AI thường phải mất 3-5 năm trong môi trường lab chuyên nghiệp, trong khi đó các chuyên gia AI phải dành hàng chục năm nghiên cứu chuyên sâu thì mới có khả năng làm chủ nghiên cứu tạo ra sản phẩm và giải pháp AI chất lượng.

Hơn nữa, chuyên gia AI cũng phải là người thường xuyên "lăn lộn" tham gia triển khai các hệ thống tác nghiệp trong thực tế tại các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp thì mới có thể triển khai được các giải pháp AI ở quy mô lớn một cách đồng bộ, hiệu quả.

Theo ông Cù Kim Long, để vượt qua thách thức trên, Việt Nam rất cần hình thành các mô hình hợp tác "đa nhà", gồm: Nhà nước (ban hành văn bản chính sách, hướng dẫn nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI); Nhà doanh nghiệp số (sản xuất sản phẩm AI); Nhà trường (đào tạo nhân lực AI); Nhà nghiên cứu (phát triển mô hình/thuật toán AI); Nhà đầu tư (kinh phí cho nghiên cứu, phát triển các sản phẩm AI); Nhà phân phối (đưa sản phẩm, giải pháp AI ra thị trường); Nhà ứng dụng (sử dụng các sản phẩm AI).

Người dân TP.HCM lưu ý: Từ hôm nay đi metro phải quét mã QR

on .

Từ hôm nay, ngày 2.1, hành khách đi metro số 1 sẽ chuyển sang quét mã QR, thẻ Mastercard hoặc căn cước công dân, không còn đi lại như theo cách như 10 ngày trước đây.

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) cho biết từ ngày 2.1, hành khách đi metro số 1 phải sử dụng QR code trên ứng dụng HCMC METRO hoặc thẻ Mastercard để quét khi ra vào cổng soát vé.

Để nhận mã QR đi metro miễn phí trong giai đoạn đầu vận hành, ngoài dùng thẻ Mastercard, người dân có thể tải app "HCMC Metro HURC". Sau đó, tại màn hình trang chủ ứng dụng, chọn "Go Metro" để nhận mã QR.

Trong thời gian này, hành khách chưa có thẻ Mastercard cần mang theo căn cước công dân, căn cước gắn chip hoặc ứng dụng VNEID để được hỗ trợ mở thẻ trực tiếp tại các nhà ga. Riêng với người già, trẻ nhỏ, người không có điện thoại thông minh và thẻ Mastercard sẽ có nhân viên tại nhà ga hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể.

Người dân TP.HCM lưu ý: Từ hôm nay đi metro phải quét mã QR- Ảnh 1.

Bắt đầu từ hôm nay, hành khách đi metro số 1 phải quét mã QR

Ảnh: Phạm Hữu

Từ ngày 10.1 khách hàng sử dụng các loại thẻ Visa, JCB, American Express, Union Pay, Napas để quét tại các cổng vào, cổng ra có gắn thiết bị đầu đọc (có thể sớm hơn tùy theo tiến độ phối hợp với các tổ chức thẻ) và thanh toán sau ngày 20.1.

Ngoài ra, người dân có thể tạo mã QR code tại ứng dụng công dân số TP.HCM trên điện thoại di động để đi tàu điện trong giai đoạn miễn phí vé đến hết ngày 20.1. Từ ngày 21.1, người dân thuộc đối tượng miễn, giảm giá vé và sử dụng vé tháng sẽ thực hiện đăng ký qua ứng dụng công dân số TP.HCM và nhận QR code từ ứng dụng để đi tàu. Đối với hành khách sử dụng vé tháng, vé giảm giá cho đối tượng học sinh - sinh viên có thể liên kết thanh toán qua các ví, ứng dụng thanh toán của ngân hàng để mua vé.

Trong 30 ngày đầu vận hành thương mại tuyến metro số 1 miễn phí vé cho tất cả hành khách. Sau thời gian trên, giá vé lượt từ 6.000 - 20.000 đồng/người, tùy theo quãng đường đi. Ngoài ra, khách đi metro còn có thể mua các loại vé 1 ngày giá 40.000 đồng, vé 3 ngày giá 90.000 đồng và vé tháng 300.000 đồng (khách phổ thông), 150.000 đồng (học sinh, sinh viên).

Phạm Hữu

Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoi-dan-tphcm-luu-y-tu-hom-nay-di-metro-phai-quet-ma-qr-18525010208595934.htm?io_utm_social=fanpage&fbclid=IwY2xjawHi59pleHRuA2FlbQIxMAABHeQ0w9SW2bNHAkpM7Ex3ZRtUVOEcgAuzAofbrf9r0YnFvaFv4rVUOGz-rQ_aem_3F53A0ry0tqnu74T2qw7XA

Cảnh báo 13 lỗ hổng bảo mật mới trong các sản phẩm Microsoft

on .

Theo Cục An toàn thông tin, trong 13 lỗ hổng bảo mật công bố lần này, có 10 lỗ hổng cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.

 
 
Cảnh báo 13 lỗ hổng bảo mật mới trong các sản phẩm Microsoft - Ảnh 1.
 

Ảnh minh họa: securityaffairs.com

Ngày 18-2, trên cơ sở những cảnh báo về 13 lỗ hổng bảo mật mới trong các sản phẩm Microsoft, Cục An toàn thông tin đã khuyến nghị các đơn vị, tổ chức rà soát hệ thống nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời để giảm thiểu các nguy cơ bị tấn công mạng.

Cục An toàn thông tin đánh giá đây là 13 lỗ hổng bảo mật có mức độ ảnh hưởng cao và nghiêm trọng, nằm trong danh sách bản vá tháng 2-2025, với 67 lỗ hổng mới được hãng công nghệ toàn cầu Microsoft phát hành. 

Đáng nói trong 13 lỗ hổng bảo mật công bố lần này, có 10 lỗ hổng cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa, bao gồm: CVE-2025-21376 trong Windows Lightweight Directory Access Protocol; CVE-2025-21400 trong Microsoft SharePoint Server; 2 lỗ hổng CVE-2025-21392, CVE-2025-21397 trong Microsoft Office; 5 lỗ hổng CVE-2025-21381, CVE-2025-21386, CVE-2025-21387, CVE-2025-21390, CVE-2025-21394 trong Microsoft Excel, và CVE-2025-21379 trong DHCP Client Service.

Ngoài ra còn có 2 lỗ hổng bảo mật đang bị các đối tượng tấn công mạng khai thác trong thực tế là CVE-2025-21418 trong Windows Ancillary Function Driver for WinSock và CVE-2025-21391 trong Windows Storage. Cả hai lỗ hổng này đều cho phép tin tặc tấn công thực hiện leo thang đặc quyền.

Các đơn vị có hệ thống sử dụng hệ điều hành Windows cũng được yêu cầu lưu ý với lỗ hổng CVE-2025-21377 gây lộ lọt mã băm NTLM (là định dạng mật mã dùng để lưu trữ mật khẩu người dùng trên hệ thống Windows). Đối tượng tấn công có thể thực hiện tấn công giả mạo (spoofing) qua việc khai thác lỗ hổng này, lấy được mật mã của người dùng, đăng nhập hệ thống.

Theo chuyên gia an ninh mạng, những lỗ hổng bảo mật có mức độ ảnh hưởng cao và nghiêm trọng, có thể bị đối tượng tấn công khai thác để thực hiện các hành vi trái phép, gây ra nguy cơ mất an toàn thông tin và ảnh hưởng đến các hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Do đó Cục An toàn thông tin đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu thông tin về các lỗ hổng bảo mật được cảnh báo; kiểm tra, rà soát và xác định máy tính sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng. 

Trong trường hợp hệ thống có bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng bảo mật mới, cần phải cập nhật bản vá cho các lỗ hổng theo hướng dẫn của Hãng Microsoft. 

Đồng thời các đơn vị được khuyến nghị tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng; thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và những tổ chức lớn về an toàn thông tin, nhằm phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng.

Nguồn: https://tuoitre.vn/canh-bao-13-lo-hong-bao-mat-moi-trong-cac-san-pham-microsoft-20250218212845427.htm

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân

on .

Chủ đề 'bảo vệ dữ liệu cá nhân' đã được cộng đồng quốc tế quan tâm từ nhiều năm nay và đã được thảo luận tại nhiều diễn đàn quốc tế, trên nhiều góc độ như trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, APEC...

Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành văn bản pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của công nghệ đã cho phép các quốc gia, tập đoàn kinh tế, công ty lớn... tiến hành các hoạt động giám sát và thu thập dữ liệu cá nhân (DLCN) trên quy mô lớn, tạo ra những lo ngại do khả năng xâm phạm các quyền riêng tư cá nhân được quy định tại Điều 17 của Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị.

Theo thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đến nay đã có khoảng hơn 107 thành viên (trong đó có 66 nền kinh tế đang chuyển đổi hoặc đang phát triển) có các quy định về bảo vệ DLCN. Về cơ bản, các quốc gia đều bám sát các nguyên tắc về quyền riêng tư, tuy nhiên, còn có sự khác nhau tương đối đáng kể trong việc giải thích và áp dụng nguyên tắc này.

Một số tổ chức cũng ban hành những quy định, hướng dẫn, khung bảo vệ DLCN như APEC có khung bảo vệ DLCN (chỉnh sửa 2015) và Hệ thống các quy tắc trao đổi DLCN xuyên biên giới; EU có Quy định bảo vệ DLCN của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực từ năm 2018; ASEAN đang thảo luận xây dựng nền tảng bảo vệ DLCN của ASEAN.

Hiệp định WTO về Thương mại dịch vụ đặt ra các quy định ràng buộc về bảo vệ DLCN. Điều 16(c)(ii) của Hiệp định quy định cho phép các quốc gia có các biện pháp hạn chế thương mại nếu cần thiết để bảo vệ quyền riêng tư của các nhân liên quan đến xử lý, phát tán DLCN, các biện pháp bảo vệ tính bảo mật của các bản ghi và tài khoản cá nhân với điều kiện các biện pháp không tạo thành phân biệt đối xử tùy tiện và hạn chế thương mại trá hình.

Trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các quốc gia đã có những quy định cụ thể về nghĩa vụ bảo vệ DLCN tại Điều 14.8. Theo đó, các quốc gia sẽ phải xây dựng và duy trì các khung pháp lý về bảo vệ DLCN của người dùng trong thương mại điện tử trên cơ sở cân nhắc các nguyên tắc và hướng dẫn của các thể chế quốc tế. Đặc biệt, các quốc gia sẽ không có các quy định mang tính phân biệt đối xử trong việc bảo vệ người sử dụng thương mại điện tử trước các vi phạm về bảo vệ DLCN trong thẩm quyền xét xử của mình.

Với Liên minh châu Âu, một trong những bộ quy tắc về chính sách bảo vệ DLCN được quốc tế và nhiều hãng công nghệ lớn quan tâm, chú ý là Bộ quy tắc chung của Liên minh châu Âu về bảo vệ dữ liệu (GDPR), có hiệu lực từ 25/5/2018. Về nội dung, GDPR đang được áp dụng thống nhất tại các nước EU đối với tất cả các doanh nghiệp xử lý DLCN liên quan đến các chủ thể tại Liên minh châu Âu và không phụ thuộc vào nơi xuất xứ của doanh nghiệp.

Về cơ bản, GDPR yêu cầu bên thu thập dữ liệu có các biện pháp bảo vệ dữ liệu theo hình thức chủ động và tự động ngay từ ban đầu. Các doanh nghiệp thu thập dữ liệu phải chủ động đưa ra các biện pháp tổ chức và kỹ thuật (bao gồm vô danh hóa) nhằm hạn chế tối thiểu việc xử lý DLCN. Đồng thời, các doanh nghiệp phải tự động bảo vệ DLCN theo hướng chỉ xử lý các thông tin cần thiết cho mục đích cụ thể.

Nghĩa vụ này áp dụng đối với khối lượng dữ liệu các doanh nghiệp thu thập, phạm vi xử lý, thời gian lưu trữ và khả năng tiếp cận. GDPR cũng cho phép chủ thể của dữ liệu được quyền chuyển dữ liệu sang doanh nghiệp xử lý khác.

Một số quốc gia khác như Mỹ, Pháp, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Đức, Hungary, Ba Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Canada... cũng đã ban hành văn bản pháp luật về bảo vệ DLCN. Đây đều là những kinh nghiệm, bài học có thể tham khảo để đưa ra quy định bảo vệ DLCN của Việt Nam.

U.San

Nguồn: https://baomoi.com/nhieu-quoc-gia-tren-the-gioi-da-co-quy-dinh-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-c51699033.epi