NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin tức

Những công trình mở vận hội mới cho TP.HCM

on .

Hàng loạt dự án 'khủng' khởi công, nhiều dự án về đích nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất không chỉ góp phần thay đổi diện mạo TP.HCM hôm nay mà còn mở ra một trang mới trên hành trình phát triển của TP mang tên Bác. 

Bốn siêu dự án "lột xác" Cần Giờ

Những ngày này, người dân huyện đảo Cần Giờ đang đếm ngược từng ngày tới tháng 4 để chứng kiến khoảnh khắc động thổ, khởi công Khu đô thị (KĐT) lấn biển Cần Giờ. "Thai nghén" từ những năm 2000, đây là dự án được trông chờ nhiều nhất trong công cuộc "lột xác" huyện đảo duy nhất giáp biển của TP.HCM. Tại cuộc gặp lãnh đạo UBND TP.HCM ngày 6.3, bà Cao Thị Hà An, Giám đốc phát triển dự án Tập đoàn Vingroup, bày tỏ mong muốn UBND TP cùng với các sở, ngành hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện những thủ tục pháp lý để doanh nghiệp (DN) có thể khởi công dự án KĐT lấn biển Cần Giờ trước ngày 30.4, nhằm chào mừng 50 năm đất nước thống nhất và hoàn thành vào năm 2030. Được biết đến lúc này, mọi việc đã "hòm hòm" và siêu dự án đã ấn định ngày khởi công vào trung tuần tháng 4.

Những công trình mở vận hội mới cho TP.HCM  - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Cần Giờ nối đất liền nội đô với huyện đảo

ẢNH: SỞ GTCC - ĐỘC LẬP

Đề xuất giao TP.HCM làm đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành

Bộ Xây dựng vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao TP.HCM triển khai tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Thủ Thiêm - Long Thành, giúp kết nối 2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành. Theo Bộ Xây dựng, quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 có 2 tuyến đường sắt. Trong đó có tuyến ĐSĐT số 6 kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (nút giao Phú Hữu). Đồng thời, tuyến ĐSĐT số 2 kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến ga Thủ Thiêm. Cả hai tuyến sau đó dùng chung hạ tầng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để kết nối tới sân bay Long Thành.

Hiện quy hoạch TP.HCM đã xác định các tuyến ĐSĐT số 6 và số 2 do UBND TP.HCM chủ trì đầu tư; riêng tuyến Thủ Thiêm - Long Thành đang giao Bộ Xây dựng đầu tư. Để sớm triển khai kết nối giữa 2 sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ công tác xây dựng, vận hành và khai thác tối đa các quỹ đất quanh khu vực dự án, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản đầu tư dự án tuyến ĐSĐT Thủ Thiêm - Long Thành. Trong trường hợp được giao làm cơ quan có thẩm quyền, UBND TP.HCM tiếp nhận toàn bộ kết quả nghiên cứu hiện có do Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Xây dựng thực hiện để tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư. Đồng thời, bộ này cũng đề xuất Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành vào danh mục dự án thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT tại Hà Nội, TP.HCM mà Quốc hội đã thông qua tại Nghị quyết 188.

Dự án có diện tích lập quy hoạch khoảng 2.870 ha với tổng mức đầu tư gần 9 tỉ USD, quy mô dân số gần 230.000 người và có khả năng đón 8 - 9 triệu lượt du khách mỗi năm. Với mục tiêu xây dựng thành KĐT du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn..., dự án được kỳ vọng sẽ biến Cần Giờ trở thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư đủ sức cạnh tranh với các khu lấn biển trên thế giới như ở Singapore, Miami (Mỹ), Úc...

Cùng với đó, Vingroup cũng vừa gửi văn bản tới UBND TP.HCM và Sở GTCC báo cáo chi tiết đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM (đường Nguyễn Văn Linh, Q.7) đến H.Cần Giờ. Đây là tuyến đường sắt đã nằm trong định hướng điều chỉnh quy hoạch mạng lưới metro của TP.HCM. Tập đoàn DN tư nhân lớn nhất VN mong muốn được xây dựng tuyến này theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BOO) - Vingroup thực hiện việc đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của mình và nguồn vốn huy động theo quy định của pháp luật, sở hữu và khai thác, vận hành dự án sau khi hoàn thành. Tuyến sẽ làm đường đôi, khổ 1.435 mm, đi trên cao với chiều dài 48,5 km, hạ tầng thiết kế với tốc độ 250 km/giờ, đáp ứng năng lực chuyên chở từ 30.000 - 40.000 người/hướng/giờ.

Nếu được thông qua, Vingroup dự kiến ngay trong năm nay hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình các cấp có thẩm quyền đưa vào quy hoạch và phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư; sau đó triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để chính thức khởi công vào năm 2026, hoàn thiện vận hành thử và bàn giao dự án vào năm 2028.

Tiếp sức cùng KĐT lấn biển Cần Giờ, TP.HCM đang đặt mục tiêu khởi công cầu Cần Giờ hơn 11.000 tỉ đồng và siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần 5 tỉ USD. Ban đầu, cầu Cần Giờ dự kiến được khởi công đúng dịp lễ 30.4, song do quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn 2060 chưa được phê duyệt nên dự án chưa đủ cơ sở để trình HĐND TP xem xét chủ trương đầu tư. Sau khi quy hoạch chung của TP được thông qua, Sở GTCC cho biết sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khởi công dự án ngay trong năm nay, hoàn thành vào năm 2028.

Những công trình mở vận hội mới cho TP.HCM  - Ảnh 2.

Phối cảnh KĐT lấn biển Cần Giờ chuẩn bị được khởi công

ẢNH: VG

 Trong khi đó, dự án siêu cảng Cần Giờ đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 1 và được hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt, mục tiêu đưa vào vận hành năm 2027. Đơn vị nghiên cứu ước tính sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỉ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.

Chứng kiến quá trình lột xác Cần Giờ từ cái thời chỉ có cách duy nhất đi vào đất liền nội đô là bằng đò dọc, rồi sau đó có đường Rừng Sác thay thế phà Dần Xây, nước sạch nối đến, điện được kéo về, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu khẳng định huyện đảo nghèo nhất nhì TP.HCM đang tiến sát tới cuộc đổi đời lần thứ 2. Một KĐT lấn biển đưa Cần Giờ thành TP biển nghỉ dưỡng đẳng cấp khu vực; một siêu cảng trung chuyển container biến Cần Giờ thành trung tâm logistics quốc tế; kết nối trực tiếp với trung tâm TP bằng cả đường bộ và đường sắt tốc độ cao… Tất cả những công trình này sẽ mở cơ hội "vàng" cho Cần Giờ phục dựng vị thế cảng biển viễn dương nổi tiếng một thời trên đường hàng hải Á - Âu. Đồng thời, thu hút được rất nhiều nhân tài, nhân lực, có thêm điều kiện phát triển khu du lịch về lịch sử, sinh thái. Khi đó khu vực Bình Khánh cũng có cơ hội được phát triển trở thành khu thị tứ vô cùng quan trọng.

"Người dân Cần Giờ xứng đáng được đổi đời thông qua các công trình hạ tầng này, Cần Giờ xứng đáng được đầu tư "ra tấm ra món" như vậy. Cần Giờ đóng vai trò quan trọng cả về lịch sử, hiện tại và tương lai, không chỉ của TP.HCM mà của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam", ông Châu nhấn mạnh.

Hai cây cầu ngàn tỉ nối đôi bờ sông Sài Gòn

Mở màn cho "đại tiệc" ngành giao thông TP.HCM năm nay phải kể đến dự án xây dựng cầu đi bộ ngàn tỉ đồng vượt sông Sài Gòn. Phía chủ đầu tư là Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đang gấp rút chuẩn bị cho lễ khởi công vào ngày 29.3 tới, sớm 1 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, cầu sẽ hoàn thành vào năm 2027, trở thành điểm nhấn kiến trúc độc đáo của TP.HCM, đồng thời thúc đẩy du lịch và kết nối trung tâm với KĐT mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Cầu đi bộ nằm giữa vị trí quan trọng - sông Sài Gòn là một phần của ký ức lịch sử hơn 300 năm của TP. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện trọng đại và là điểm thu hút du khách đến tham quan, ngắm cảnh. Vì vậy, việc xây cầu đi bộ nối liền đôi bờ sông Sài Gòn được lãnh đạo TP nhận định mang đến nhiều giá trị to lớn, không chỉ giúp thúc đẩy, đưa Thủ Thiêm thành trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ mà còn tạo điểm nhấn về văn hóa, du lịch.

Những công trình mở vận hội mới cho TP.HCM  - Ảnh 3.

Công trình cầu đi bộ nối Q.1 sang KĐT mới Thủ Thiêm sẽ khởi công ngày 29.3

ẢNH: TN

Sau khi cầu đi bộ 1.000 tỉ đồng khởi công, cầu Thủ Thiêm 4 nối từ giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh (Q.7) đến giao lộ trục Bắc Nam - đường Bùi Thiện Ngộ (KĐT mới Thủ Thiêm) cũng sẽ sớm động thổ. Ban đầu, Sở GTCC TP đề xuất tĩnh không cầu 15 m và có thể nâng lên 45 m khi cần, với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do TP có kế hoạch phát triển cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thành cảng tàu khách quốc tế, vấn đề tĩnh không được xem xét lại. Giống như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 hiện cũng chờ cập nhật quy hoạch cảng Nhà Rồng - Khánh Hội vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 để trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Sở GTCC dự kiến khởi công cầu Thủ Thiêm 4 trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.

Khi đưa vào sử dụng, cầu sẽ giúp giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Văn Linh, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.Thủ Đức, Bình Thạnh với quận 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.

TS Hoàng Ngọc Lan (Viện Đô thị thông minh và quản lý, ĐH Kinh tế TP.HCM) đánh giá "bộ đôi" 2 cây cầu này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đôi bờ sông Sài Gòn. Nếu như cầu đi bộ "gánh" nhiệm vụ mở không gian đô thị, không gian văn hóa thì các cây cầu kết nối giao thông, cho xe đi như cầu Thủ Thiêm 4 sẽ là động lực thúc đẩy KĐT Thủ Thiêm phát triển. TP.Thượng Hải (Trung Quốc) cũng có bối cảnh giống TP.HCM với bờ tây là bến Thượng Hải phát triển sầm uất, bờ đông là khu phố Đông hiện nay trước kia cũng chỉ là vùng đất nông nghiệp hẻo lánh như đầm lầy Thủ Thiêm gần 20 năm về trước. Chính quyền Thượng Hải khi đặt mục tiêu phát triển khu Đông thành đặc khu kinh tế cũng bắt đầu từ việc làm đồng loạt nhiều cây cầu kết nối, xây dựng hệ thống hạ tầng vững chắc. Chỉ trong 20 năm thành lập và phát triển, phố Đông đã trở thành một trong những khu vực sầm uất, thịnh vượng nhất thế giới.

"Cầu kết nối tới đâu, bờ đông sông Sài Gòn sẽ lột xác, phát triển tới đó. Tại VN hiện nay gần như chưa có địa phương nào thiết lập được một hệ thống không gian công cộng ven sông đẹp, bài bản. Nếu TP.HCM làm được nguyên một hệ thống cầu kết nối công viên đôi bờ đông - tây sông Sài Gòn thì sẽ trở thành thế mạnh đô thị sông nước của TP", TS Hoàng Ngọc Lan nhận định.

Ranh giới giữa AI và con người được vạch ra tại Mỹ

on .

Hiệp hội Tác giả Mỹ (Authors Guild) vừa công bố một sáng kiến mới nhằm phân định ranh giới giữa sáng tác giữa con người và nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Creativeindie.

Sáng kiến này mang tên Human Authored. Đây là một nền tảng trực tuyến cho phép hội viên đăng ký tác phẩm và xác nhận chúng "xuất phát từ trí tuệ con người", không dựa trên AI. Sau khi đăng ký, tác giả được cấp logo đặc biệt để in trên bìa sách hoặc tài liệu, đánh dấu tác phẩm thuần túy do con người sáng tạo.

Bà Mary Rasenberger - Giám đốc điều hành Hiệp hội - nhấn mạnh: "Human Authored không phải là bước đi phản đối công nghệ AI, mà chúng tôi muốn đảm bảo minh bạch, đáp ứng kỳ vọng của độc giả về sự sáng tạo đến từ một con người chứ không phải sự sao chép". Theo bà, AI vẫn có thể được sử dụng cho các công đoạn hỗ trợ như kiểm tra chính tả, nghiên cứu, nhưng "linh hồn" tác phẩm phải đến từ tư duy và giọng văn độc đáo của con người.

Dù hiện chỉ dành cho hội viên, Hiệp hội dự kiến đăng ký bản quyền logo và mở rộng nền tảng này ra cộng đồng tác giả không thành viên trong tương lai.

Kester Brewin - Trưởng bộ phận Truyền thông tại Viện nghiên cứu dự báo việc làm (Anh) - là một trong những người ủng hộ sáng kiến. Trước đó, cuốn sách God-Like: Lịch sử 500 năm trí tuệ nhân tạo của ông từng gây chú ý khi công khai chi tiết những phần sử dụng AI. Tác giả Brewin cho biết: "Minh bạch về cách AI tham gia vào quá trình viết lách là yếu tố sống còn để duy trì niềm tin giữa tác giả và độc giả". Vì vậy, ông đánh giá cao nỗ lực của Hiệp hội Tác giả Mỹ, coi đây là bước đi "đáng khích lệ" giữa làn sóng AI.

Trong khi Mỹ triển khai Human Authored, nước Anh chưa có hệ thống tương tự. Dù vậy, Hiệp hội Tác giả Anh (SoA) đã xây dựng hướng dẫn giúp hội viên bảo vệ tác phẩm trước tác động của AI. Một khảo sát năm 2023 của SoA tiết lộ hơn 1/3 dịch giả tại Anh mất việc do sự cạnh tranh từ AI. Trước thực trạng này, SoA kêu gọi chính phủ sớm thiết lập quy định pháp lý, đảm bảo AI được phát triển và ứng dụng "theo chuẩn đạo đức và luật pháp".

Sáng kiến của Hiệp hội Tác giả Mỹ phản ánh xu hướng toàn cầu: tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa tiện ích công nghệ và bản sắc sáng tạo. Dù AI mang lại hiệu suất cao, nó cũng đặt ra thách thức về bản quyền, đạo đức nghề nghiệp và nguy cơ xói mòn lòng tin nơi độc giả. Việc phân loại rõ ràng tác phẩm "thuần nhân văn" không chỉ là tín hiệu bảo vệ nghề nghiệp cho giới cầm bút, mà còn khẳng định giá trị không thể thay thế của trí tuệ con người trong nghệ thuật kể chuyện.

Giới chuyên môn dự đoán làn sóng phản đối AI sẽ tiếp tục lan rộng, buộc các nền tảng công nghệ và chính phủ vào cuộc để tìm tiếng nói chung. Trong bối cảnh đó, những sáng kiến như Human Authored có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác học tập, hướng tới tương lai nơi công nghệ và con người cùng phát triển, thay vì loại trừ.

Đức Huy

Nguồn: https://baomoi.com/ranh-gioi-giua-ai-va-con-nguoi-duoc-vach-ra-tai-my-c51379413.epi

Phần mềm gián điệp vượt qua màn hình khóa Android khi khai thác lỗ hổng zero-day

on .

Một công ty công nghệ từ Israel đang gây chú ý với công nghệ gián điệp tân tiến, cho phép vượt qua màn hình khóa Android thông qua việc khai thác lỗ hổng zero-day chưa được tiết lộ. Chuyên gia WhiteHat (diễn đàn Hacker mũ trắng), đây là một lỗ hổng nghiêm trọng.

 

Người dùng Android cần cập nhật bản vá kịp thời theo khuyến cáo của chuyên gia an ninh mạng

Dẫn nguồn từ Security Online, WhiteHat cho biết, công ty C này (viết tắt) đã cung cấp các lỗ hổng này cho khách hàng, trong đó có chính quyền Serbia, nhằm thực hiện các cuộc tấn công vào thiết bị Android.

Theo chuyên gia WhiteHat, đây là một lỗ hổng nghiêm trọng vì nó cho phép truy cập thiết bị ngay cả khi đã khóa. Tuy nhiên, khai thác yêu cầu truy cập vật lý, giảm nguy cơ tấn công từ xa. Google và cộng đồng mã nguồn mở đang khẩn trương khắc phục, nhưng nguy cơ vẫn còn đối với những thiết bị chưa cập nhật bản vá.

Vào tháng 12/2024, Serbia đã mua và triển khai phần mềm gián điệp từ Cellebrite và NSO Group. Những công cụ này cho phép hacker vượt qua màn hình khóa Android, chiếm quyền điều khiển thiết bị và trích xuất dữ liệu cá nhân. Google đã nhanh chóng phản ứng bằng cách vá một trong những lỗ hổng zero-day Android mà công ty C lợi dụng trong bản cập nhật bảo mật Android mới nhất, mã định danh CVE-2024-53104.

Hai lỗ hổng khác (CVE-2024-53197 và CVE-2024-50302) đã được vá trong nhân Linux (Linux Kernel), nhưng vẫn chưa tích hợp vào Dự án Mã nguồn Mở Android (AOSP).

Đáng chú ý, lỗ hổng CVE-2024-53104 ảnh hưởng trực tiếp đến trình điều khiển USB class của Linux Kernel. Điều này có nghĩa là không chỉ Android, mà nhiều hệ điều hành dựa trên Linux cũng có nguy cơ bị tấn công.

Để khai thác lỗ hổng này, kẻ tấn công cần có quyền truy cập vật lý vào thiết bị Android. Một khi sở hữu thiết bị, họ có thể triển khai phần mềm gián điệp bằng cách: Kết nối cổng USB của thiết bị Android với các thiết bị ngoại vi chuyên dụng; Lợi dụng lỗ hổng để rò rỉ bộ nhớ kernel và chỉnh sửa dữ liệu hệ thống; Cấp quyền truy cập cao hơn, cho phép cài đặt phần mềm gián điệp ngầm trên thiết bị.

Các thiết bị USB giả mạo có thể mô phỏng video hoặc âm thanh để đánh lừa hệ thống Android cấp quyền quản trị. Sau khi khai thác thành công, hacker có thể thu thập dữ liệu cá nhân; theo dõi vị trí thời gian thực; Ghi âm, chụp ảnh hoặc quay video bí mật; Cung cấp quyền điều khiển từ xa cho bên thứ ba.

Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dùng Android nên cập nhật bảo mật Android ngay khi có phiên bản mới; Tránh kết nối điện thoại với các thiết bị USB không rõ nguồn gốc;

Sử dụng mật khẩu mạnh kết hợp xác thực hai yếu tố; Bật chế độ Developer Mode và hạn chế kết nối USB Debugging.

“Các lỗ hổng zero-day Android vẫn là mối đe dọa bảo mật lớn, đặc biệt khi các công ty tình báo có thể khai thác chúng để vượt qua màn hình khóa Android. Do đó, cập nhật bảo mật Android thường xuyên là biện pháp tốt nhất để bảo vệ thiết bị khỏi nguy cơ bị tấn công”- chuyên gia của WhiteHat nhấn mạnh.

H.L

Phần mềm độc hại đầu tiên được tìm thấy trong các ứng dụng iPhone

on .

Một loại phần mềm độc hại có tên SparkCat đã xuất hiện trên các ứng dụng cho iPhone, lần đầu tiên một mối đe dọa như vậy xuất hiện trên nền tảng này.

Được phát hiện bởi Kaspersky, sự xuất hiện của phần mềm độc hại SparkCat trên iPhone rất được chú ý bởi đây là nền tảng được biết đến với tính bảo mật cao. SparkCat, trước đây chỉ tập trung vào Android, có khả năng nhận diện văn bản trong hình ảnh thông qua công nghệ OCR, từ đó cho phép kẻ tấn công trích xuất thông tin nhạy cảm từ ảnh chụp màn hình của người dùng.

Theo báo cáo từ Kaspersky, một số ứng dụng liên quan đến SparkCat đang tìm kiếm cụm từ khôi phục ví tiền điện tử, từ đó tạo điều kiện cho việc đánh cắp bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Các ứng dụng này, một số có mặt trên Google Play và App Store, đã được tải xuống hơn 242.000 lần. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên một “kẻ đánh cắp” được phát hiện trong App Store của Apple.

Những ứng dụng có chứa phần mềm độc hại

Trong số các ứng dụng bị nghi ngờ chứa phần mềm độc hại, Kaspersky đã chỉ ra một số ứng dụng có tên như “ComeCome”, “WeTink” và “AnyGPT”. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu sự xuất hiện của phần mềm độc hại này là do hành động cố ý của các nhà phát triển hay là kết quả của một cuộc tấn công chuỗi cung ứng. Một số ứng dụng yêu cầu quyền truy cập vào ảnh của người dùng, và nếu được cấp quyền chúng sẽ sử dụng công nghệ OCR để tìm kiếm thông tin nhạy cảm.

Mặc dù mục tiêu chính của SparkCat là đánh cắp cụm từ khôi phục ví tiền điện tử, phần mềm độc hại này cũng có khả năng trích xuất mật khẩu và dữ liệu nhạy cảm khác. Điều đáng lưu ý là SparkCat ảnh hưởng đến cả iOS và Android, nhưng người dùng iPhone thường có xu hướng tin tưởng vào tính bảo mật của thiết bị do Apple kiểm duyệt ứng dụng.

Để giảm thiểu rủi ro, Kaspersky khuyến cáo người dùng không nên lưu trữ ảnh chụp màn hình có thông tin nhạy cảm, chẳng hạn như cụm từ khôi phục tiền điện tử, trong thư viện ảnh của thiết bị. Chiến dịch này dường như nhắm đến người dùng ở Châu Âu và Châu Á. Đây không phải là lần đầu tiên các ứng dụng chứa phần mềm độc hại được phát hiện trong App Store, nhưng Apple thường hành động nhanh chóng để xử lý các mối đe dọa này.

CTV Kiến An/VOV.VN (biên dịch) Theo ipadizate

Nguồn: https://baomoi.com/phan-mem-doc-hai-dau-tien-duoc-tim-thay-trong-cac-ung-dung-iphone-c51415629.epi

DeepSeek bị nhiều nơi từ chối

on .

Sau sự xuất hiện DeepSeek của Trung Quốc, dù nhận được sự ngưỡng mộ của giới công nghệ nhưng không ít quốc gia, tổ chức đã cấm các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) này, và làn sóng DeepSeek cũng dần dần đi xuống…

Mô hình AI của DeepSeek. Nguồn: THE DECODER

Mô hình AI của DeepSeek. Nguồn: THE DECODER 

Italy là một trong những nước đầu tiên cấm DeepSeek. Cuối tháng 1-2024, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu Italy mở cuộc điều tra vào hành vi thu thập dữ liệu và việc tuân thủ quy định bảo vệ dữ liệu của startup. Australia cấm DeepSeek trên tất cả thiết bị chính phủ do lo ngại bảo mật. Bộ Nội vụ Australia đã chỉ đạo tất cả cơ quan nhà nước không sử dụng hay cài đặt DeepSeek, gỡ bỏ tất cả những gì liên quan nếu đã cài đặt.

Các văn phòng Quốc hội Mỹ được cảnh báo không sử dụng công nghệ của DeepSeek. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cấm nhân viên sử dụng DeepSeek vì các máy chủ của hãng hoạt động ngoài nước Mỹ, đặt ra nguy cơ an ninh quốc gia. Tại Hàn Quốc, ngày càng nhiều tổ chức công và tư nhân Hàn Quốc chặn truy cập DeepSeek do lo ngại AI thu thập dữ liệu quá mức, gây rủi ro lộ dữ liệu.

Lo ngại lớn nhất khi sử dụng DeepSeek là nguy cơ lộ lọt dữ liệu. Theo chính sách bảo mật, DeepSeek thu thập thông tin cá nhân như email, số điện thoại, mật khẩu và ngày sinh. Nó cũng lưu lại lịch sử trò chuyện, bao gồm tương tác của người dùng với chatbot. Thông tin được chia sẻ với các nhà cung cấp dịch vụ và đối tác quảng cáo, làm dấy lên mối lo ngại về thời gian lưu giữ dữ liệu cũng như ai có quyền truy cập vào dữ liệu đó…

Nhìn sang các ứng dụng AI khác, các hoạt động thu thập dữ liệu của DeepSeek không phải là duy nhất. Những nền tảng AI như ChatGPT của OpenAI cũng thu thập dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, OpenAI tuân thủ các quy định bảo vệ dữ liệu chặt chẽ hơn ở các khu vực như Liên minh châu Âu (EU). Tại Việt Nam, DeepSeek vẫn được người dùng cá nhân sử dụng một cách hào hứng lúc ban đầu, dù các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo các nguy cơ bảo mật thông tin…

Khi nhiều chính phủ hay các tổ chức tiếp tục đánh giá rủi ro của DeepSeek, các lệnh cấm bổ sung ngày càng nhiều hơn cũng như tranh cãi xung quanh DeepSeek càng làm nổi bật sự căng thẳng giữa phát triển AI và các chính sách an ninh quốc gia trên toàn thế giới.

KIM THANH


Nguồn: https://baomoi.com/deepseek-bi-nhieu-noi-tu-choi-c51600322.epi