NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin tức

'Đế chế' BlackBerry sụp đổ, bài học nào cho các công ty công nghệ?

on .

Từ 'ông hoàng smartphone' đến sự sụp đổ hoàn toàn, BlackBerry là một bài học đắt giá trong lịch sử công nghệ, vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.

Thập kỷ huy hoàng

BlackBerry được thành lập vào năm 1984 với tên gọi Research In Motion (RIM) bởi Mike Lazaridis và Douglas Fregin, hai sinh viên kỹ thuật người Canada. Ban đầu, công ty tập trung vào các dự án cho doanh nghiệp, bao gồm hệ thống đèn LED cho GM, mạng cục bộ cho IBM và hệ thống biên tập phim.

Năm 1989, công ty viễn thông Rogers (Canada) ký hợp đồng với RIM để nghiên cứu mạng Mobitex, một hệ thống chuyên biệt dành cho nhắn tin. Nhờ đó, RIM nhanh chóng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nhắn tin di động. Đến năm 1996, công ty ra mắt máy nhắn tin hai chiều đầu tiên – RIM-900 Inter@ctive Pager.

Bước ngoặt lớn đến vào năm 2000, khi RIM giới thiệu BlackBerry 957, chiếc điện thoại di động đầu tiên của hãng, được trang bị tính năng push-email và truy cập Internet, đặt nền móng cho sự phát triển của dòng smartphone BlackBerry sau này.

 Mẫu điện thoại BlackBerry Bold 9900. Ảnh: BlackBerry

Mẫu điện thoại BlackBerry Bold 9900. Ảnh: BlackBerry 

Trong suốt một thập kỷ, BlackBerry trở thành biểu tượng của giới doanh nhân và người nổi tiếng nhờ khả năng bảo mật cao cùng các tính năng tối ưu cho công việc trên những mẫu điện thoại phím cứng kinh điển. Ngay cả khi iPhone ra mắt năm 2007 và Android OS xuất hiện năm 2008, BlackBerry vẫn giữ vị thế thống trị cho đến năm 2010. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm khởi đầu cho sự suy tàn của thương hiệu này.

Đánh giá thấp đối thủ và chậm đổi mới

Khi Apple và Google tung ra những chiếc điện thoại thân thiện với người dùng phổ thông nhờ giao diện trực quan và kho ứng dụng hấp dẫn, BlackBerry vẫn trung thành với nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Chiến lược tập trung vào đối tượng mang lại lợi nhuận cao nhất thời điểm đó không sai, nhưng BlackBerry đã bỏ lỡ phân khúc người dùng cá nhân – những khách hàng sau này trở thành yếu tố sống còn của mọi hãng smartphone.

Khi các doanh nghiệp thay đổi chính sách, cho phép nhân viên sử dụng điện thoại cá nhân trong công việc, việc BlackBerry dần bị thay thế bởi iPhone và các thiết bị Android là điều tất yếu.

Năm 2009, trước sức ép từ Apple App Store và Android Market, BlackBerry ra mắt kho ứng dụng BlackBerry App World. Tuy nhiên, hệ sinh thái ứng dụng nghèo nàn, cập nhật chậm chạp và yêu cầu khởi động lại thiết bị sau mỗi lần nâng cấp – một quy trình không hề nhanh – khiến BBOS ngày càng tụt hậu so với đối thủ.

 Passport - một trong những mẫu điện thoại cuối cùng của BlackBerry. Ảnh: The Verge

Passport - một trong những mẫu điện thoại cuối cùng của BlackBerry. Ảnh: The Verge

Ngay cả BlackBerry Messenger (BBM), ứng dụng phổ biến nhất của hãng, cũng không được khai thác hiệu quả. BlackBerry đã bỏ lỡ cơ hội mở rộng lượng người dùng, trong khi các ứng dụng nhắn tin bên thứ ba như WhatsApp nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Đầu năm 2017, thị phần điện thoại di động của BlackBerry chính thức chạm mốc 0,0%. Đến tháng 9 cùng năm, công ty tuyên bố rút khỏi mảng phần cứng. Và ngày 4/1/2022, BlackBerry chính thức ngừng hỗ trợ, đóng toàn bộ máy chủ dịch vụ, đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên điện thoại doanh nhân “Dâu đen”.

Sự sụp đổ của BlackBerry là một trong những bài học kinh điển của ngành công nghệ, nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng thích nghi trước những biến đổi của thị trường.

 

Kết luận

Sự sụp đổ của BlackBerry không chỉ là thất bại của một doanh nghiệp mà còn là lời cảnh tỉnh về tầm quan trọng của đổi mới, thích ứng và tầm nhìn dài hạn. Trong một thế giới không ngừng biến đổi, sự trì trệ đồng nghĩa với bị bỏ lại phía sau. Các công ty như Apple và Samsung đã thấu hiểu điều này và liên tục cải tiến, trong khi BlackBerry trở thành minh chứng cho cái giá của sự chậm chân.

Hải Phong 

Những công trình mở vận hội mới cho TP.HCM

on .

Hàng loạt dự án 'khủng' khởi công, nhiều dự án về đích nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất không chỉ góp phần thay đổi diện mạo TP.HCM hôm nay mà còn mở ra một trang mới trên hành trình phát triển của TP mang tên Bác. 

Bốn siêu dự án "lột xác" Cần Giờ

Những ngày này, người dân huyện đảo Cần Giờ đang đếm ngược từng ngày tới tháng 4 để chứng kiến khoảnh khắc động thổ, khởi công Khu đô thị (KĐT) lấn biển Cần Giờ. "Thai nghén" từ những năm 2000, đây là dự án được trông chờ nhiều nhất trong công cuộc "lột xác" huyện đảo duy nhất giáp biển của TP.HCM. Tại cuộc gặp lãnh đạo UBND TP.HCM ngày 6.3, bà Cao Thị Hà An, Giám đốc phát triển dự án Tập đoàn Vingroup, bày tỏ mong muốn UBND TP cùng với các sở, ngành hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện những thủ tục pháp lý để doanh nghiệp (DN) có thể khởi công dự án KĐT lấn biển Cần Giờ trước ngày 30.4, nhằm chào mừng 50 năm đất nước thống nhất và hoàn thành vào năm 2030. Được biết đến lúc này, mọi việc đã "hòm hòm" và siêu dự án đã ấn định ngày khởi công vào trung tuần tháng 4.

Những công trình mở vận hội mới cho TP.HCM  - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Cần Giờ nối đất liền nội đô với huyện đảo

ẢNH: SỞ GTCC - ĐỘC LẬP

Đề xuất giao TP.HCM làm đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành

Bộ Xây dựng vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao TP.HCM triển khai tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Thủ Thiêm - Long Thành, giúp kết nối 2 sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành. Theo Bộ Xây dựng, quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 có 2 tuyến đường sắt. Trong đó có tuyến ĐSĐT số 6 kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (nút giao Phú Hữu). Đồng thời, tuyến ĐSĐT số 2 kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến ga Thủ Thiêm. Cả hai tuyến sau đó dùng chung hạ tầng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để kết nối tới sân bay Long Thành.

Hiện quy hoạch TP.HCM đã xác định các tuyến ĐSĐT số 6 và số 2 do UBND TP.HCM chủ trì đầu tư; riêng tuyến Thủ Thiêm - Long Thành đang giao Bộ Xây dựng đầu tư. Để sớm triển khai kết nối giữa 2 sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ công tác xây dựng, vận hành và khai thác tối đa các quỹ đất quanh khu vực dự án, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ quản đầu tư dự án tuyến ĐSĐT Thủ Thiêm - Long Thành. Trong trường hợp được giao làm cơ quan có thẩm quyền, UBND TP.HCM tiếp nhận toàn bộ kết quả nghiên cứu hiện có do Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Xây dựng thực hiện để tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư. Đồng thời, bộ này cũng đề xuất Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành vào danh mục dự án thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT tại Hà Nội, TP.HCM mà Quốc hội đã thông qua tại Nghị quyết 188.

Dự án có diện tích lập quy hoạch khoảng 2.870 ha với tổng mức đầu tư gần 9 tỉ USD, quy mô dân số gần 230.000 người và có khả năng đón 8 - 9 triệu lượt du khách mỗi năm. Với mục tiêu xây dựng thành KĐT du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn..., dự án được kỳ vọng sẽ biến Cần Giờ trở thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư đủ sức cạnh tranh với các khu lấn biển trên thế giới như ở Singapore, Miami (Mỹ), Úc...

Cùng với đó, Vingroup cũng vừa gửi văn bản tới UBND TP.HCM và Sở GTCC báo cáo chi tiết đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP.HCM (đường Nguyễn Văn Linh, Q.7) đến H.Cần Giờ. Đây là tuyến đường sắt đã nằm trong định hướng điều chỉnh quy hoạch mạng lưới metro của TP.HCM. Tập đoàn DN tư nhân lớn nhất VN mong muốn được xây dựng tuyến này theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BOO) - Vingroup thực hiện việc đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của mình và nguồn vốn huy động theo quy định của pháp luật, sở hữu và khai thác, vận hành dự án sau khi hoàn thành. Tuyến sẽ làm đường đôi, khổ 1.435 mm, đi trên cao với chiều dài 48,5 km, hạ tầng thiết kế với tốc độ 250 km/giờ, đáp ứng năng lực chuyên chở từ 30.000 - 40.000 người/hướng/giờ.

Nếu được thông qua, Vingroup dự kiến ngay trong năm nay hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình các cấp có thẩm quyền đưa vào quy hoạch và phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư; sau đó triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để chính thức khởi công vào năm 2026, hoàn thiện vận hành thử và bàn giao dự án vào năm 2028.

Tiếp sức cùng KĐT lấn biển Cần Giờ, TP.HCM đang đặt mục tiêu khởi công cầu Cần Giờ hơn 11.000 tỉ đồng và siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần 5 tỉ USD. Ban đầu, cầu Cần Giờ dự kiến được khởi công đúng dịp lễ 30.4, song do quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn 2060 chưa được phê duyệt nên dự án chưa đủ cơ sở để trình HĐND TP xem xét chủ trương đầu tư. Sau khi quy hoạch chung của TP được thông qua, Sở GTCC cho biết sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khởi công dự án ngay trong năm nay, hoàn thành vào năm 2028.

Những công trình mở vận hội mới cho TP.HCM  - Ảnh 2.

Phối cảnh KĐT lấn biển Cần Giờ chuẩn bị được khởi công

ẢNH: VG

 Trong khi đó, dự án siêu cảng Cần Giờ đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 1 và được hưởng các cơ chế, chính sách đặc biệt, mục tiêu đưa vào vận hành năm 2027. Đơn vị nghiên cứu ước tính sản lượng hàng hóa năm đầu tiên qua cảng đạt khoảng 2,1 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet). Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047 - bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỉ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.

Chứng kiến quá trình lột xác Cần Giờ từ cái thời chỉ có cách duy nhất đi vào đất liền nội đô là bằng đò dọc, rồi sau đó có đường Rừng Sác thay thế phà Dần Xây, nước sạch nối đến, điện được kéo về, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu khẳng định huyện đảo nghèo nhất nhì TP.HCM đang tiến sát tới cuộc đổi đời lần thứ 2. Một KĐT lấn biển đưa Cần Giờ thành TP biển nghỉ dưỡng đẳng cấp khu vực; một siêu cảng trung chuyển container biến Cần Giờ thành trung tâm logistics quốc tế; kết nối trực tiếp với trung tâm TP bằng cả đường bộ và đường sắt tốc độ cao… Tất cả những công trình này sẽ mở cơ hội "vàng" cho Cần Giờ phục dựng vị thế cảng biển viễn dương nổi tiếng một thời trên đường hàng hải Á - Âu. Đồng thời, thu hút được rất nhiều nhân tài, nhân lực, có thêm điều kiện phát triển khu du lịch về lịch sử, sinh thái. Khi đó khu vực Bình Khánh cũng có cơ hội được phát triển trở thành khu thị tứ vô cùng quan trọng.

"Người dân Cần Giờ xứng đáng được đổi đời thông qua các công trình hạ tầng này, Cần Giờ xứng đáng được đầu tư "ra tấm ra món" như vậy. Cần Giờ đóng vai trò quan trọng cả về lịch sử, hiện tại và tương lai, không chỉ của TP.HCM mà của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam", ông Châu nhấn mạnh.

Hai cây cầu ngàn tỉ nối đôi bờ sông Sài Gòn

Mở màn cho "đại tiệc" ngành giao thông TP.HCM năm nay phải kể đến dự án xây dựng cầu đi bộ ngàn tỉ đồng vượt sông Sài Gòn. Phía chủ đầu tư là Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đang gấp rút chuẩn bị cho lễ khởi công vào ngày 29.3 tới, sớm 1 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, cầu sẽ hoàn thành vào năm 2027, trở thành điểm nhấn kiến trúc độc đáo của TP.HCM, đồng thời thúc đẩy du lịch và kết nối trung tâm với KĐT mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Cầu đi bộ nằm giữa vị trí quan trọng - sông Sài Gòn là một phần của ký ức lịch sử hơn 300 năm của TP. Đây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện trọng đại và là điểm thu hút du khách đến tham quan, ngắm cảnh. Vì vậy, việc xây cầu đi bộ nối liền đôi bờ sông Sài Gòn được lãnh đạo TP nhận định mang đến nhiều giá trị to lớn, không chỉ giúp thúc đẩy, đưa Thủ Thiêm thành trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ mà còn tạo điểm nhấn về văn hóa, du lịch.

Những công trình mở vận hội mới cho TP.HCM  - Ảnh 3.

Công trình cầu đi bộ nối Q.1 sang KĐT mới Thủ Thiêm sẽ khởi công ngày 29.3

ẢNH: TN

Sau khi cầu đi bộ 1.000 tỉ đồng khởi công, cầu Thủ Thiêm 4 nối từ giao lộ cầu Tân Thuận 2 - Nguyễn Văn Linh (Q.7) đến giao lộ trục Bắc Nam - đường Bùi Thiện Ngộ (KĐT mới Thủ Thiêm) cũng sẽ sớm động thổ. Ban đầu, Sở GTCC TP đề xuất tĩnh không cầu 15 m và có thể nâng lên 45 m khi cần, với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do TP có kế hoạch phát triển cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thành cảng tàu khách quốc tế, vấn đề tĩnh không được xem xét lại. Giống như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 hiện cũng chờ cập nhật quy hoạch cảng Nhà Rồng - Khánh Hội vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 để trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Sở GTCC dự kiến khởi công cầu Thủ Thiêm 4 trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.

Khi đưa vào sử dụng, cầu sẽ giúp giảm tải cho các tuyến đường hiện hữu như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Văn Linh, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.Thủ Đức, Bình Thạnh với quận 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.

TS Hoàng Ngọc Lan (Viện Đô thị thông minh và quản lý, ĐH Kinh tế TP.HCM) đánh giá "bộ đôi" 2 cây cầu này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đôi bờ sông Sài Gòn. Nếu như cầu đi bộ "gánh" nhiệm vụ mở không gian đô thị, không gian văn hóa thì các cây cầu kết nối giao thông, cho xe đi như cầu Thủ Thiêm 4 sẽ là động lực thúc đẩy KĐT Thủ Thiêm phát triển. TP.Thượng Hải (Trung Quốc) cũng có bối cảnh giống TP.HCM với bờ tây là bến Thượng Hải phát triển sầm uất, bờ đông là khu phố Đông hiện nay trước kia cũng chỉ là vùng đất nông nghiệp hẻo lánh như đầm lầy Thủ Thiêm gần 20 năm về trước. Chính quyền Thượng Hải khi đặt mục tiêu phát triển khu Đông thành đặc khu kinh tế cũng bắt đầu từ việc làm đồng loạt nhiều cây cầu kết nối, xây dựng hệ thống hạ tầng vững chắc. Chỉ trong 20 năm thành lập và phát triển, phố Đông đã trở thành một trong những khu vực sầm uất, thịnh vượng nhất thế giới.

"Cầu kết nối tới đâu, bờ đông sông Sài Gòn sẽ lột xác, phát triển tới đó. Tại VN hiện nay gần như chưa có địa phương nào thiết lập được một hệ thống không gian công cộng ven sông đẹp, bài bản. Nếu TP.HCM làm được nguyên một hệ thống cầu kết nối công viên đôi bờ đông - tây sông Sài Gòn thì sẽ trở thành thế mạnh đô thị sông nước của TP", TS Hoàng Ngọc Lan nhận định.

Thanh niên ở TP.HCM kết hôn muộn nhất nước

on .

Độ tuổi kết hôn trung bình tại Việt Nam là 27,3 tuổi, trong đó nam là 29,4 tuổi và nữ là 25,2 tuổi. Tỉnh có độ tuổi kết hôn muộn nhất chênh lệch gần 3 tuổi so với trung bình.

 
Nam, nữ ở tỉnh nào kết hôn muộn nhất ? - Ảnh 1.
 

Giai đoạn vàng trong độ tuổi sinh sản của phụ nữ là từ 20 - 25 tuổi nên càng cần khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con trước năm 30 tuổi - Ảnh: C.T.

Theo báo cáo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 của Tổng cục Thống kê vừa được công bố cho thấy tỉ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn của cả nước khá cao, chiếm 74,9%, trong đó số có vợ/có chồng hiện chiếm tới 65,3%. 

Trong khi tỉ trọng dân số 15 tuổi trở lên chưa từng kết hôn (chưa có vợ/chồng) là 25,1%/tổng dân số từ 15 tuổi trở lên.

So với năm 2019, tỉ trọng người từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn giảm từ 77,5% xuống còn 74,9%.

Mức giảm về tỉ trọng "chưa từng kết hôn" nhanh nhất là nhóm tuổi 15-29 đối với nữ và nhóm tuổi 20-34 đối với nam. Đây đều là những nhóm tuổi bắt đầu xây dựng gia đình của cả nam và nữ.

Ở nhóm tuổi trẻ, mức giảm về tỉ trọng "chưa từng kết hôn" ở nữ là cao và nhanh hơn. Tuy nhiên, sau tuổi 40, xu hướng này có đảo chiều lại nhưng khác biệt giữa nam và nữ là không nhiều. 

Điều này cho thấy đóng góp lớn nhất vào sự chênh lệch tỉ trọng của nam và nữ "sống độc thân" ở các nhóm tuổi trên không phải là nhóm "chưa từng kết hôn" mà là nhóm đã ly hôn, ly thân...

Mặc dù vậy, tính đến năm 2024, tình trạng đang có vợ/chồng vẫn là tình trạng phổ biến trong nhóm dân số từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam.

Theo báo cáo, độ tuổi kết hôn trung bình toàn quốc là 27,3, trong đó nam là 29,4 tuổi và nữ là 25,2 tuổi.

Vùng có độ tuổi kết hôn muộn nhất là Đông Nam Bộ với tuổi trung bình chung là 29 tuổi, trong đó nam là 30,7 tuổi và nữ 27,3 tuổi.

Vùng kết hôn sớm là Trung du và miền núi phía Bắc kết hôn trung bình 24,5 tuổi, nam là 26,7 tuổi và nữ là 22,2 tuổi.

TP.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về người có tuổi kết hôn muộn, trung bình 30,1 tuổi, trong đó nam là 31,5 tuổi và nữ 28,8 tuổi.

Xếp sau đó là Bà Rịa - Vũng Tàu trung bình 29 tuổi, nam kết hôn 31,2 tuổi và nữ là 26,9 tuổi.

Tỉnh Hà Tĩnh tuổi nam kết hôn cũng muộn hơn so với trung bình là 30,5 tuổi; Tây Ninh 30,4 tuổi, Thái Bình 30,2 tuổi, Hà Nội 29,5 tuổi.

Tỉnh có người kết hôn sớm nhất là Sơn La với độ tuổi trung bình là 22,2 tuổi. Trong đó, nam 24,2 tuổi và nữ là 20,2 tuổi. Tiếp đến là Cao Bằng với độ tuổi kết hôn trung bình 22,6 tuổi; nam 24,2 tuổi và nữ là 20,8 tuổi.

Dương Liễu


Nguồn: https://tuoitre.vn/thanh-nien-o-tp-hcm-ket-hon-muon-nhat-nuoc-20250220111627883.htm

Ranh giới giữa AI và con người được vạch ra tại Mỹ

on .

Hiệp hội Tác giả Mỹ (Authors Guild) vừa công bố một sáng kiến mới nhằm phân định ranh giới giữa sáng tác giữa con người và nội dung do trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Creativeindie.

Sáng kiến này mang tên Human Authored. Đây là một nền tảng trực tuyến cho phép hội viên đăng ký tác phẩm và xác nhận chúng "xuất phát từ trí tuệ con người", không dựa trên AI. Sau khi đăng ký, tác giả được cấp logo đặc biệt để in trên bìa sách hoặc tài liệu, đánh dấu tác phẩm thuần túy do con người sáng tạo.

Bà Mary Rasenberger - Giám đốc điều hành Hiệp hội - nhấn mạnh: "Human Authored không phải là bước đi phản đối công nghệ AI, mà chúng tôi muốn đảm bảo minh bạch, đáp ứng kỳ vọng của độc giả về sự sáng tạo đến từ một con người chứ không phải sự sao chép". Theo bà, AI vẫn có thể được sử dụng cho các công đoạn hỗ trợ như kiểm tra chính tả, nghiên cứu, nhưng "linh hồn" tác phẩm phải đến từ tư duy và giọng văn độc đáo của con người.

Dù hiện chỉ dành cho hội viên, Hiệp hội dự kiến đăng ký bản quyền logo và mở rộng nền tảng này ra cộng đồng tác giả không thành viên trong tương lai.

Kester Brewin - Trưởng bộ phận Truyền thông tại Viện nghiên cứu dự báo việc làm (Anh) - là một trong những người ủng hộ sáng kiến. Trước đó, cuốn sách God-Like: Lịch sử 500 năm trí tuệ nhân tạo của ông từng gây chú ý khi công khai chi tiết những phần sử dụng AI. Tác giả Brewin cho biết: "Minh bạch về cách AI tham gia vào quá trình viết lách là yếu tố sống còn để duy trì niềm tin giữa tác giả và độc giả". Vì vậy, ông đánh giá cao nỗ lực của Hiệp hội Tác giả Mỹ, coi đây là bước đi "đáng khích lệ" giữa làn sóng AI.

Trong khi Mỹ triển khai Human Authored, nước Anh chưa có hệ thống tương tự. Dù vậy, Hiệp hội Tác giả Anh (SoA) đã xây dựng hướng dẫn giúp hội viên bảo vệ tác phẩm trước tác động của AI. Một khảo sát năm 2023 của SoA tiết lộ hơn 1/3 dịch giả tại Anh mất việc do sự cạnh tranh từ AI. Trước thực trạng này, SoA kêu gọi chính phủ sớm thiết lập quy định pháp lý, đảm bảo AI được phát triển và ứng dụng "theo chuẩn đạo đức và luật pháp".

Sáng kiến của Hiệp hội Tác giả Mỹ phản ánh xu hướng toàn cầu: tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa tiện ích công nghệ và bản sắc sáng tạo. Dù AI mang lại hiệu suất cao, nó cũng đặt ra thách thức về bản quyền, đạo đức nghề nghiệp và nguy cơ xói mòn lòng tin nơi độc giả. Việc phân loại rõ ràng tác phẩm "thuần nhân văn" không chỉ là tín hiệu bảo vệ nghề nghiệp cho giới cầm bút, mà còn khẳng định giá trị không thể thay thế của trí tuệ con người trong nghệ thuật kể chuyện.

Giới chuyên môn dự đoán làn sóng phản đối AI sẽ tiếp tục lan rộng, buộc các nền tảng công nghệ và chính phủ vào cuộc để tìm tiếng nói chung. Trong bối cảnh đó, những sáng kiến như Human Authored có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác học tập, hướng tới tương lai nơi công nghệ và con người cùng phát triển, thay vì loại trừ.

Đức Huy

Nguồn: https://baomoi.com/ranh-gioi-giua-ai-va-con-nguoi-duoc-vach-ra-tai-my-c51379413.epi