NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin Tức Khác

Loại cá đặc sản miền Trung biết bay, xưa giá rẻ như cho giờ được 'săn lùng'

on .

Ở vùng biển các tỉnh miền Trung có một loại cá đặc biệt với khả năng bay lên hàng chục mét so với mặt nước. Đồng thời, nó là nguyên liệu chế biến nhiều món đặc sản hấp dẫn.

Cá chuồn là loại đặc sản dân dã, không đắt đỏ nhưng rất ngon của các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa...

Loại cá này thuộc họ cá biết bay. Thân cá thon dài, xanh biếc, vây ngực và vây lưng rất lớn giúp cá có thể bay. Khi gặp nguy hiểm, chúng phóng lên khỏi mặt nước bằng cách xòe rộng vây ngực và đuôi, bay đi một đoạn ngắn vài mét trước khi gập vây lại và trở về nước.

Mùa cá chuồn thường bắt đầu vào tháng 3 âm lịch và kéo dài đến tháng 6, tháng 7.

Cá chuồn có thân thuôn dài, da óng ánh. Ảnh: Lợi Phan Huỳnh Lài/ Lưu Thị Bình

Cá chuồn có nhiều loại như cá chuồn mang giang, xương mềm chuyên để nấu canh chua. Cá chuồn cồ hay còn gọi là chuồn gành, lớn gần bằng bắp tay, mắt xanh, có đôi cánh dài, thịt ngọt thường được dùng làm nguyên liệu nấu bún, kho. Cá chuồn hột mít, như tên gọi, rất nhỏ con. Cá chuồn xanh mềm có da xanh, thịt mềm, ít vảy…

Cá chuồn nhiều xương nhưng thịt chắc nịch, trắng ngần, vị ngọt. Hiện nay, giá cá chuồn nhỏ dao động 30.000-40.000 đồng/kg, cá chuồn cồ 70.000-80.000/kg. Ở các thành phố lớn, giá cá chuồn từ 120.000-150.000 đồng/kg.

Chị Cẩm Loan (quê Khánh Hòa, hiện sống ở TPHCM), cho biết cá chuồn là món ăn gắn bó với tuổi thơ của người miền Trung. Trước đây, cá có giá rất rẻ nhưng ngày nay, ở các thành phố lớn, việc tìm mua cá chuồn tươi không dễ.

"Chúng tôi quen thuộc với câu ca 'ai về nhắn với nậu nguồn, mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên'. Cá chuồn nấu canh với lá giang, dưa hồng, khổ qua, kho cà, kho cải chua, kho mít non, chiên sả nghệ nén, nướng… đều rất ngon.

Ở TPHCM, tôi phải đi chợ từ rất sớm mới có thể may mắn mua được cá chuồn tươi", chị Loan nói.

Cá chuồn nhiều xương nhưng thịt chắc nịch. Ảnh: Bếp bên sườn đồi/Thanh Nhân

Theo kinh nghiệm của chị Loan, cách nhận biết cá chuồn tươi là mắt cá trong, không có lớp trắng đục. Thân cá không nhũn, da còn óng ánh, mang đỏ tươi.

Cá chuồn có nhiều xương dăm nhỏ, nên chế biến phải kỹ càng. Cá tươi được đánh vảy thật sạch, cắt đuôi, vi và cánh, móc mang cả trong lẫn ngoài. Mổ dọc theo bụng cá, bỏ ruột, nạo cho hết nhớt và gân máu rồi rửa sạch, để ráo.

"Cá chuồn đúng vị miền Trung thường được ướp với củ nén, nghệ tươi và ớt xanh", chị Loan cho hay.

Cá chuồn được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó có cá chuồn kho mít non. Cá kho mềm rục, mít non thấm vị mắm nghệ, ăn bùi bùi, thơm thơm, rất tốn cơm.

Nguyên liệu làm món cá chuồn kho mít non. Ảnh: Cẩm Loan

Mít non được luộc sơ rồi để ráo nước. Người nấu phi thơm củ nén, hành khô, nghệ đã giã nhuyễn trên dầu nóng và cho cá, vài lát nghệ, mít non thái miếng vào nồi. "Món này không cần dùng nước màu, thêm lượng nước gần mặt cá là đủ, rồi kho trên lửa nhỏ. Quá trình kho không để nồi cạn nước vì mít dễ bị mặn", chị Loan nói.

Món cá chuồn kho mít non thơm lừng. Ảnh: Cẩm Loan

Với cá chuồn nướng, hỗn hợp củ nén, tỏi, hành tím, củ nghệ, ớt giã nhuyễn sẽ được nhồi vào bụng cá rồi đầu bếp khéo léo gập đôi thân cá chừng 30 phút, để cá thấm gia vị, giữ nguyên hình dáng trước khi chiên.

Phi thơm tỏi rồi cho cá vào chảo chiên vàng ươm. Khi cá chín, cho nước mắm pha ớt tỏi vào, để lửa riu riu, lật cá qua lại cho đến khi gia vị thấm đều vào cá là được. Có thời gian, có thể kẹp cá vào vỉ nướng và đưa lên bếp than hoa riu riu cho cá chín đều. Chốc chốc lại phết hỗn hợp dầu ăn và gia vị phía ngoài cho màu sắc thêm đậm đà và tăng hương thơm cho món cá nướng.

Cá chuồn nướng mỡ hành thơm ngon. Ảnh: Phương Linh

Linh Trang

Nguồn: https://baomoi.com/loai-ca-dac-san-mien-trung-biet-bay-xua-gia-re-nhu-cho-gio-duoc-san-lung-c52132733.epi

Mì trứng cá viên, món nước đơn giản, thơm ngon mà đủ chất

on .

Không cần quá cầu kỳ hay nguyên liệu đắt tiền, chỉ với vài viên cá, sợi mì trứng vàng óng và chén nước dùng thanh ngọt, món mì trứng cá viên vẫn đủ sức làm hài lòng người dùng trong bữa trưa cần sự nhanh gọn, ngon miệng.

Trong nhịp sống bận rộn, mì trứng cá viên trở thành lựa chọn phổ biến ở nhiều quán ăn, xe đẩy hoặc quầy cơm văn phòng nhờ cách làm nhanh, giá cả phải chăng và đặc biệt là phù hợp với nhiều lứa tuổi, từ học sinh đến dân công sở.

Thành phần chính tạo nên hương vị cho món ăn là cá viên. Cá viên có thể được làm từ cá thác lác, cá basa hoặc hỗn hợp cá xay nhuyễn trộn cùng gia vị như tiêu, tỏi, hành, sau đó vo tròn và hấp hoặc chiên chín. Với món mì nước, người nấu thường chọn cá viên luộc sẵn hoặc viên cá chưa qua chế biến, thả trực tiếp vào nồi nước dùng cho chín tới.

Một số nơi dùng cá viên nhân trứng muối hoặc cá viên nấm để tăng hương vị. Nếu mua loại chế biến sẵn, nên ưu tiên loại không quá nhiều bột, có mùi thơm tự nhiên, không bị hôi dầu. Với cá viên tươi, cần bảo quản lạnh và dùng trong ngày để giữ độ tươi và an toàn thực phẩm.

Khác với mì gói, mì trứng có màu vàng óng, độ dai vừa phải và vị trứng thoang thoảng trong sợi mì sau khi luộc chín. Mì trứng thường được bán sẵn theo dạng mì tươi hoặc mì khô. Nếu là mì tươi, chỉ cần trụng sơ trong nước sôi là có thể dùng ngay. Với mì khô, cần luộc từ 2-3 phút, sau đó xả qua nước lạnh để sợi mì săn lại, không bị nhão. Mẹo nhỏ là có thể cho vài giọt dầu mè vào nước trụng để sợi mì bóng, không dính nhau và dậy mùi thơm khi chan nước dùng.

Nước dùng cho món mì cá viên thường nấu từ xương heo hoặc xương gà, hầm trong vài giờ để lấy vị ngọt thanh. Trong lúc hầm, người nấu cần vớt bọt thường xuyên để nước trong và không bị đục. Để tăng hương thơm, mọi người có thể thêm củ cải trắng, hành tím nướng, gừng hoặc vỏ tôm khô rang sơ vào nồi nước.

Gia vị nêm nếm chỉ cần nước mắm ngon, muối, đường phèn và tiêu. Quan trọng nhất là nước dùng cần trong, vị ngọt tự nhiên, không ngấy mỡ và không quá đậm để giữ nguyên sự nhẹ nhàng của món ăn.

Mì trứng cá viên có thể dùng kèm rau cải ngọt, cải thìa hoặc rau muống trụng sơ. Rau được trụng riêng trước khi cho vào tô để tránh làm đục nước. Ngoài ra, một ít hành lá, ngò rí cắt nhỏ, hành phi hoặc tỏi phi cũng giúp tăng hương vị tổng thể.

Tùy khẩu vị, người ăn có thể thêm nước tương pha ớt, hoặc nước mắm tỏi chanh để chấm cá viên riêng. Một số quán còn rắc thêm tiêu xay, ớt bột hoặc sa tế nhẹ để món ăn có độ cay vừa phải, kích thích vị giác.

Mì trứng cá viên không chỉ phù hợp cho bữa trưa văn phòng, mà còn là món ăn sáng, ăn tối nhẹ rất phổ biến ở các hàng quán bình dân. Món ăn có thể biến tấu linh hoạt thay cá viên bằng tôm viên, bò viên hoặc trứng cút luộc, tùy khẩu vị và sở thích người dùng.

Theo blogamthuc, monngondenau, shopeefood

Gia Hân

Nguồn: https://baomoi.com/mi-trung-ca-vien-mon-nuoc-don-gian-thom-ngon-ma-du-chat-c52360898.epi

Cách nhận biết gạo ST25 thật

on .

Loại gạo ngon nhất thế giới này bị làm giả rất nhiều, vì vậy bạn nên tham khảo cách nhận biết gạo ST25 thật để bảo vệ quyền lợi của mình khi mua gạo.

Vài ngày trước, Công an TP Hà Nội khởi tố 4 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm". Những người này mua gạo rẻ tiền rồi đóng gói bao bì gạo ST25 và bán giá cao gấp đôi, với hơn 17 tấn được bán ra thị trường.

ST25 là loại gạo thơm được đặt tên dựa theo nơi nó được nghiên cứu, lai tạo và sản xuất - tỉnh Sóc Trăng. "Cha đẻ" của giống gạo này là kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua, vì vậy nó còn được gọi là "gạo ông Cua".

Cách nhận biết gạo ST25 thật

Lâu nay gạo ST25 bị làm giả rất nhiều vì giống gạo này từng đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” trong cuộc thi tổ chức tại Philippines vào năm 2019 và trở nên cực kỳ nổi tiếng.

Nhiều loại hàng giả đặt tên sản phẩm na ná như “ST25 thơm”, “Gạo thơm Sóc Trăng 25”... nhưng không phải là gạo do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua sản xuất. Đây là cách làm giả gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Trên thị trường có nhiều gạo ghi “ST25” nhưng thực chất là gạo Campuchia, gạo Thái, hoặc gạo thường được tẩm hương. Thậm chí có nơi trộn gạo ST25 thật với gạo thường để bán giá rẻ.

Vì vậy, người tiêu dùng cần trang bị cách nhận biết gạo ST25 thật.

Bạn cần biết cách nhận biết gạo ST25 thật để tránh mua phải hàng giả đang tràn lan trên thị trường. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Nhận biết gạo ST25 thật khi chưa nấu

Hạt gạo ST25 khá dài so với những giống gạo khác, chiều dài khoảng 9mm, thon, không to bản. Hạt gạo đều, không bị vỡ vụn. Gạo ST25 giả thường có hạt không đều.

Màu sắc: Gạo ST25 chuẩn thì có màu trắng trong, không bạc bụng.

Mùi hương: Gạo ST25 chuẩn sẽ có chút mùi cốm nhẹ, không bị nồng, có khả năng giữ hương rất lâu. Nếu bạn ngửi thấy mùi hương lạ, khó chịu hoặc mất mùi thì đó là dấu hiệu của gạo giả.

Nhận biết gạo ST25 thật khi đã nấu chín

Hạt cơm: Hạt gạo ST25 khi nấu sẽ hấp thụ lượng nước ít, lúc chín không bị nở bung, hạt cơm tơi đồng đều mềm dẻo. Điều đặc biệt là cơm để nguội vẫn giữ trọn vẹn được độ mềm, dẻo và không bị khô cứng.

Hương vị: Cơm có mùi thơm tự nhiên của lá dứa và cốm non, khi nấu lên cho hạt cơm mềm dẻo, vị ngọt nhẹ và vẫn giữ được hương thơm sau thời gian dài.

Nhận biết qua bao bì và nguồn gốc, nơi phân phối

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời KS Hồ Quang Cua cho biết, gạo ST25 chính hãng thì bao bì chỉ có một mẫu mã, được in ấn với đầy đủ thông tin sản phẩm, số điện thoại và tem chống hàng giả, phần quét mã để nhận diện.

Các thông tin trên bao bì gồm: Tiêu chuẩn đóng gói: ISO 22000:2018 – HACCP; logo thương hiệu ST màu Vàng Cam, có ngôi sao trên nét đầu chữ “S”; logo ICI cấp tại cuộc thi The World's Best Rice Năm 2019. Trên bao bì còn ghi rõ thông tin: Sản xuất và đóng gói bởi DNTN Hồ Quang Trí.

Gạo ST25 thật còn có bao bì in sắc nét với đầy đủ thông tin và tem chống hàng giả. (Ảnh: Gạo Ông Cua)

Trên mẫu bao bì sản phẩm thật có tem chống hàng giả QR Code, khi cào lớp tráng bạc và quét mã tem sẽ truy xuất được nguồn gốc, thông tin của sản phẩm cụ thể như số series, ngày sản xuất, hạn sử dụng và thông tin nhà sản xuất.

Gạo ST25 được sản xuất tại Sóc Trăng. Nếu thấy địa chỉ sản xuất ở nơi khác như Long An, TP.HCM, Bắc Giang... thì người tiêu dùng cần xem xét kỹ.

Gạo ST25 thật chỉ được phân phối qua một số đại lý chính hãng hoặc siêu thị lớn như Co.opmart, VinMart, Lotte, Bách Hóa Xanh (có kiểm định); website chính hãng Gạo Ông Cua; đại lý phân phối chính thức của kỹ sư Hồ Quang Cua.

Nhận biết gạo ST25 thật qua giá cả

Giá gạo ST25 thật thường từ 250.000 cho một túi 5kg. Nếu thấy giá rẻ hơn nhiều mà bao bì vẫn ghi ST25 thì nhiều khả năng đó là hàng giả.

Hoàng Hà

Nguồn: https://baomoi.com/cach-nhan-biet-gao-st25-that-c52379098.epi

Tình yêu của mẹ

on .

Tôi muốn vẽ lên nền trời 3 từ "mẹ yêu dấu" như thể là mẹ sẽ mãi ở bên…

Tôi muốn cất lời ca tha thiết về mẹ trong ráng chiều hoàng hôn. Và hoàng hôn trong tôi bật khóc…

Mẹ tôi như cây bàng mùa đông ngoài ngõ vắng, chồng chất nắng, chồng chất mưa khẳng khiu dần thưa lá, oằn mình chịu lạnh với gió đông. Trời cho mẹ hạnh phúc nào sao mãi chẳng tròn, cả đời mẹ đợi chờ cha, rồi bây giờ chờ đợi con trong hiu quạnh…

Ông bà ngoại tôi có 7 người con, mẹ là con gái út. Nhà ngoại làm nông ở xã Xuân Trạch, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Sau khi học hết lớp 10, mẹ xin đi làm ở Công ty Xăng dầu khu vực 1. Tại đây, mẹ đã quen bố qua ông nội giới thiệu. Tình yêu của bố mẹ nảy nở, lớn dần theo những cánh thư gửi nhớ trọn thương.

Bố tôi là con cả trong một gia đình có 5 anh em. Bố sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Ông nội làm việc tại Công ty Xăng dầu Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội. Bà nội làm nông nghiệp. Năm 1964, bố ở chiến trường B được 2 năm, sau đó đóng quân ở Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió. Những lá thư bố viết cho mẹ mang sự mặn mà của gió biển, trong xanh của mây trời và nỗi thao thức của sao khuya

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cầu nối tình yêu giữa Hà Nội và Trường Sa là những cánh thư đều đặn. Nơi Trường Sa, ngẩng lên là trời, nhìn xuống là nước, bước xuống cũng là nước, giữa đại dương mênh mông bao la, nơi biển ôm đảo vào lòng để Tổ quốc dựa lưng, để nảy mầm tình yêu quê hương trên cát mặn. Đám cưới của bố mẹ vào năm 1967. Sau này khi được mẹ cho đọc những bức thư bố mẹ viết cho nhau, tôi dù là con mà vẫn có chút "ghen tị" vì thật đẹp và lãng mạn. "Chiều chiều, khi hoàng hôn buông dần trên đảo cũng là lúc hải âu bay về tổ, lòng anh có nghĩ và nhớ tới em không...?".

Phía sau tấm ảnh bố mẹ chụp chung, mẹ còn viết "giữ trọn lời thề thủy chung". Ở một đầu nỗi nhớ là Hà Nội, mẹ đã viết bao nhiêu lá thư ép niềm thương, nỗi nhớ của mình; gửi cả mùa, cả hương theo từng ngày, từng tháng vào trong trang viết. Mùa hoa lan nở, mùa hoa sữa nồng, mùa hoa sấu rụng, mùa cốm xanh về. Mỗi ngày mẹ thầm tự nhủ, liệu có nỗi nhớ nào cũng có thể đếm, có thể đong khi trời đông trầm mặc. Sợi tình cứ mong manh chẳng khác gì rèm treo trước gió, chờ đợi ánh trăng ngà, vò võ đợi cả sương đêm... Con ngõ nhỏ, nơi mùa thu Hà Nội đẹp đến say mê, mẹ vẫn khắc khoải chờ mong bố về. Liễu bên hồ Gươm xõa tóc, như từng sợi thanh xuân của mẹ cũng đang dần trôi qua. Thạch thảo bên thềm nhạt nắng, hoa cúc dịu dàng khởi sắc mà bố tôi vẫn mãi chưa về...

Biết bao mùa hoa cứ thế trôi đi, tóc mẹ nhuốm thêm nhiều sợi bạc, da bố sạm đen vì sương gió, vì nắng biển. Bấy nhiêu năm biền biệt ngoài đảo xa, những lần về phép chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sân ga Hàng Cỏ đã chứng kiến không biết bao lần mẹ tôi vui sướng đón bố trở về và rưng rưng tiễn bố ra đi. Năm 1990, bố được trở về hẳn. Nhưng 6 năm sau, bố mang trọng bệnh. Di chứng của chiến tranh, của sức khỏe, tuổi già. Thời gian sống chỉ còn đếm được từng ngày. Nơi Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội là nơi hai người yêu nhau vẫn tiếp tục viết cho nhau qua những trang giấy, khi bố không thể nghe, không nói được nữa.

Trở về đấy, nằm đấy, bố vẫn gửi tình yêu qua những trang viết, bằng những dòng chữ run run, xiêu vẹo… xót xa! Nhìn những gì bố mẹ trao cho nhau ở giây phút cuối cùng, khiến tôi phải quay mặt đi, nghe những giọt nước mắt đang đổ ngược vào lòng. Bao nhiêu năm đợi chờ của mẹ vẫn lại trong chia xa. Cần bao nhiêu đêm dài mới gọi là thao thức, cần bao nhiêu thổn thức mới gọi là nhớ mong, cần bao nhiêu yêu thương trong lòng mới gọi là tình yêu mãi mãi?

Bố mẹ tác giả

Cuối năm 2000, bố tôi mất. Bố là trung tá, Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, trưởng đảo Trường Sa, trưởng đảo Sinh Tồn. Chúng tôi, những đứa con, có quyền tự hào về người cha của mình, cả đời hy sinh, cả đời sống liêm khiết. Giờ đây, có điều gì liên quan đến biển đảo, đến Tổ quốc, lòng tôi càng nhớ bố nhiều hơn. Bố mang trong mình lời thề Tổ quốc, nên mấy mươi năm mẹ vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là bạn của con. Vắng bố, mẹ dạy con cặn kẽ, cả những điều nhỏ nhất. Dạy con từ thức uống cà phê là của người lớn. Giờ đây, mỗi sáng cầm ly cà phê, luôn có hình ảnh mẹ với lòng biết ơn vô hạn. Hương thơm vị cà phê giống như "điểm tựa" trong tâm hồn.

Hơn ba mươi năm con xa mẹ, mẹ vẫn âm thầm lo lắng cho con. Để mỗi dịp con về, dù con đã già, mẹ vẫn xem như con còn nhỏ, lo lắng miếng ăn, giấc ngủ cho con. Nhìn thấy nụ cười của mẹ là lòng con hạnh phúc. Đón con ở sân ga, bàn tay run run của mẹ nắm chặt tay con, như thể sợ tuột tay, con mình lạc mất. Tôi luôn trân trọng từng phút, từng giây khi được ở bên mẹ. Tôi chỉ muốn mẹ được vui, luôn nở nụ cười. Mẹ đã dành trọn vẹn tình yêu của đời mình cho bố, cho các con, để các con có được cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.

Mẹ tôi từng nói với bố rằng trải qua bao thăng trầm và những năm tháng là bạn đời của nhau, tình yêu của mẹ luôn an yên trong trái tim, trong lòng mẹ.

Đã nhiều năm trôi qua bố không còn nữa, tôi tự hỏi, tình yêu của mẹ dành cho bố phải lớn lao như thế nào để mẹ có đủ sức mạnh và niềm tin một mình vững bước nuôi dạy các con trưởng thành như ngày hôm nay.

Tôi muốn vẽ lên nền trời 3 từ "mẹ yêu dấu" như thể là mẹ sẽ mãi ở bên… Tôi muốn cất lời ca tha thiết về mẹ trong ráng chiều hoàng hôn. Và hoàng hôn trong tôi bật khóc…

Lê Minh

Nguồn: https://baomoi.com/tinh-yeu-cua-me-c52140981.epi

Món ngon từ cá bông lau trên dòng sông Hậu

on .

Cá bông lau là đặc sản 'trứ danh' mà người dân miền sông nước tôn vinh là 'thủy sâm', có thể chế biến nhiều món ngon như kho tộ, canh chua, kho mắm…

Bắt cá bông lau trên sông Vàm Nao

Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hữu Hiệp – người từng nhiều năm sống gần Vàm Nao (An Giang), kể rằng người Khmer gọi khúc sông này là Prêk Nàv, nghĩa là “cửa sông nôn nao, lo sợ”. Cái tên này xuất phát từ đặc điểm thiên nhiên khắc nghiệt nơi đây – thuở xưa, hầu hết thời gian trong năm đều có sóng gió dữ dội, gió nam hoặc gió chướng tùy mùa, khiến việc mưu sinh trên sông luôn đầy hiểm nguy.

Cá bông lau 6kg ngư dân câu được ở sông Hậu đoạn qua Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Biển

Vàm Nao là một nhánh sông lớn, tuy chỉ dài khoảng 6–6,5 km nhưng rất rộng. Có khi lên đến 20 chiếc ghe (loại 1 tấn) cùng buông lưới bắt cá bông lau trên cùng một đoạn sông. Mỗi mùa nước trong, khi mặt trời còn chưa lặn, cả khúc sông bỗng nhộn nhịp. Đây là lúc hàng trăm ngư dân đồng loạt “ra khơi”, thả lưới dày đặc. Mỗi tay lưới đều gắn phao đèn cách nhau khoảng 40 mét, tạo nên khung cảnh lung linh giữa dòng Vàm Nao.

Ngư cụ chính để bắt cá bông lau là câu và lưới. Câu có hai loại: câu giăng (một đường câu có từ 500 đến 1.000 lưỡi) và câu quăng (chỉ vài lưỡi câu), đều dùng lưỡi to như loại câu cá lóc, có chì dằn sao cho lưỡi cách đáy sông khoảng 2 mét. Mồi câu thường là con gián, mỗi lưỡi móc 3–4 con. Khi không có gián, người ta dùng “mồi thúi” (kiểu câu cá lăn) hoặc đơn giản là chuối xiêm chín.

Theo ngư dân, mùa cá bông lau ở Vàm Nao bắt đầu khi nước sông chuyển từ đục sang trong, kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 âm lịch, rộ nhất vào khoảng tháng 2 âm lịch. Đây là lúc cá từ hạ lưu ngược dòng Mekong về thượng nguồn, tụ về các nhánh sông lớn. Do đó, Vàm Nao được xem là một trong những “mỏ cá” lớn ở miền Tây.

Khác với Vàm Nao, các vùng khác như Cầu Kè – Tiểu Cần (Trà Vinh), Đại Ngãi – Long Phú (Sóc Trăng) hay Tân Lộc – Thốt Nốt (Cần Thơ), ngư dân thường dùng câu thay vì giăng lưới để bắt cá bông lau. Mùa cá ở những vùng này rơi vào khoảng trước và sau Tết Nguyên đán.

Sau Tết, dọc sông Hậu đoạn qua Cần Thơ – Sóc Trăng, ghe xuồng tấp nập ra sông, dân câu đua nhau săn cá bông lau. Cá bắt được thường nặng từ 3–5 kg, có con lên đến 6–7 kg. Giá bán dao động từ 200.000–250.000 đồng/kg. Gặp ngày “trúng mánh”, câu được 2–3 con cá là trong tay đã có tiền triệu.

Cá bông lau kho tộ. Ảnh: Huỳnh Biển

Cá có lớp da trắng ánh hồng, mịn màng như phủ phấn – điều này lý giải cho tên gọi “bông lau”. Đặc biệt, khi mới kéo lên khỏi mặt nước, cá không tanh – điều hiếm gặp ở các loài cá nước ngọt khác.

Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hữu Hiệp cho biết khoảng mươi năm trước, vào mùa cá bông lau, sông Vàm Nao về đêm thường nhộn nhịp với ánh đèn lưới. Nhiều ngư dân cho rằng cá xuất hiện dày đặc, thường xuyên sa lưới. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình khai thác cá bông lau đã thay đổi đáng kể.

Món ngon từ cá bông lau

Cá bông lau là loài cá nước ngọt quý hiếm, thuộc họ cá da trơn, thịt béo và thơm. Một trong những đặc điểm được nhiều người ưa chuộng là cá chỉ có một xương sống giữa, không có xương hom nên dễ ăn. Phần bao tử cá được xem là đặc biệt ngon. Loài cá này có thể chế biến thành hàng chục món ăn như cá tra hay cá ba sa, tuy nhiên người dân thường ưu tiên thưởng thức cá bông lau khi còn tươi, thay vì làm khô hay làm mắm như với nhiều loại cá khác.

Các món truyền thống được chế biến từ cá bông lau gồm có cá kho (kho lạt, kho mẳn), cá chiên ướp muối sả, thích hợp dùng với cơm hoặc làm món nhắm. Một trong những món được yêu thích nhất là canh chua cá bông lau – món ăn đã hiện diện trong bữa cơm của người dân miền Tây từ hàng chục năm nay.

Cá bông lau nấu canh chua thường kết hợp với các nguyên liệu dân dã như me, cơm mẻ, hay bần (thủy liễu), cùng các loại rau vườn như bông súng, cù nèo, bạc hà, rau nhút, khóm, cà chua… Thịt cá béo ngọt, hòa quyện với vị chua nhẹ và mùi thơm của rau đồng nội tạo nên hương vị đặc trưng, đậm chất miệt vườn. Một bữa cơm miền Tây đúng điệu sẽ có canh chua cá bông lau, cá kho cùng nước mắm Hòn, thêm tiêu xanh, ớt hiểm đỏ và dĩa rau luộc tạp tàng.

Lẩu mắm cá bông lau. Ảnh: Huỳnh Biển

Một biến tấu khác được giới sành ăn ưa chuộng là món cá bông lau "tả pí lù". Nước dùng được nấu từ nước dừa pha giấm gạo, nêm thêm tỏi, hành tây, ớt, đường và hạt nêm. Cá phi lê được cắt lát mỏng, nhúng vào nồi nước sôi ngay tại bàn, ăn kèm các loại rau như bông bí, rau nhút, cù nèo. Món này thường dùng kèm với rượu đế, trở thành trải nghiệm ẩm thực khó quên.

Ngoài ra, cá bông lau kho mắm cũng là món ăn dân dã nổi bật. Nước mắm được nấu từ mắm sặc hoặc mắm cá linh, dùng làm nền kho cá cùng thịt ba chỉ, tôm, tép, mực, kết hợp các loại rau củ như khổ qua, cà tím, đậu bắp, nấm rơm. Khi ăn kèm với nhiều loại rau đồng như bông súng, ngó sen, năn bộp, rau choại, rau dừa, rau nhút…, món ăn trở nên tròn vị. Nước kho sôi sùng sục, thấm vào thịt cá và rau, mang đến hương vị mặn mà, đặc trưng của ẩm thực sông nước.

Ngày nay, theo nhiều ngư dân, sản lượng cá bông lau trên sông Hậu đang ngày càng giảm. Du khách muốn thưởng thức đặc sản này phải đúng vào mùa đánh bắt – thường từ tháng 9 đến tháng Tư âm lịch.

Huỳnh Biển

Nguồn: https://baomoi.com/mon-ngon-tu-ca-bong-lau-tren-dong-song-hau-c52241324.epi