NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin Tức Khác

Quà tặng

on .

Quà tặng,

 

1-

Tặng nhau quà  " quá date "...

Là xem nhẹ, khinh nhau ?

Thêm hàng giả...nhãn marque ,

Lừa dối : " sạn " trong đầu !

 

2-

Ngay khi quà còn " date " ,

Mà chất lượng nổi trôi...

Nói lên tâm trạng...rác ,

Quăng vô xọt cho rồi !

 

3-

Quí thân, quà mới biếu...

Của ít nhưng lòng nhiều !

Chia sẻ, mong được hiểu ,

Tịnh danh sẽ..." thank you " !

 

   Tháng nhâm ngọ , trực Phá 

           tịnh danh ,

          ( 22-6-2025)

 

 

Nấm mối – tinh hoa từ núi rừng Tây Nguyên

on .

Khi những hạt mưa đầu mùa bắt đầu rơi xuống, là dấu hiệu để người dân Tây Nguyên chuẩn bị vào rừng, lên nương rẫy tìm nấm mối. Đây là món ăn đặc sản mỗi năm chỉ có một lần của người dân vùng đất đỏ bazan.

Nấm mối được xem là một trong những món quà thiên nhiên ban tặng cho con người vào đầu mùa mưa hàng năm. Đây là đặc sản tinh túy siêu ngon giàu dinh dưỡng. Nấm chỉ mọc một lần duy nhất trong năm ở những nơi có con mối làm tổ.

Chị H’Lươm Buôn Krông, dân tộc Ê Đê, ở buôn Alê B, phường Êa Tam, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Khi đi tìm nấm mối, cần phải có kinh nghiệm để tránh lấy phải nấm độc. Theo kinh nghiệm của những người săn nấm, nấm mối chỉ xuất hiện ở nơi có nhiều mối đất sinh sống, làm tổ. Việc tìm đúng hay không chỉ cần quan sát hoặc đào khoảng đất nhỏ chung quanh, nếu thấy con mối đất, chắc chắn đó là nấm mối”.

Nấm mối tự nhiên có thân mảnh dạng cuống, cao từ 3-10 cm. Mũ nấm có hình tròn, mặt trên phẳng, mịn. Gốc nấm hơi ngả vàng. Khi vừa nhú khỏi mặt đất, tai nấm chưa nở, mũ nấm màu nâu xám cụp xuống giống dạng búp. Nhưng chỉ khoảng vài tiếng sau, nấm đã nở bung xòe như cái dù và chuyển sang màu trắng. Nấm mối ngon nhất khi còn búp và mọc nhiều nhất khi thời tiết mưa nắng đan xen.

Nấm mối thường mọc ở chỗ nhiều cây lá mục, đất ẩm, nơi có nhiều mối làm tổ.

Để giữ được trọn vị thơm ngon của nấm mối khi hái về, chị H’Lươm chia sẻ kinh nghiệm: “Muốn nấm mối giữ nguyên vị thơm, ngọt, sau khi hái về, nấm phải được chế biến ngay hoặc giữ khô ráo để tránh bị hư sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng".

Với vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ, nấm mối thường được dùng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như xào, kho, nấu canh, nấu cháo… đều rất ngon miệng và bổ dưỡng. Trong đó, nấm mối xào là món ăn dễ chế biến, được nhiều người ưa dùng. Chị Nhung Đặng, sinh sống tại phường Êa Tam, thành phố Buôn Ama Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết cách làm món nấm mối xào: “Nấm sau khi lấy về, cạo sạch phần đất bám trên nấm, rửa qua nước muối rồi để ráo, cho một ít dầu ăn lên chảo, phi thơm xả rồi cho nấm vào xào. Để giữ nguyên vị ngọt và mùi thơm của nấm chỉ cần nêm nếm một chút gia vị".

Món nấm mối xào

Nấm mối là một món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Ngày nay, khi rừng dần xa hơn, việc canh tác nương rẫy cũng chuyên nghiệp hơn, nên việc tìm nấm mối cũng khó. Do khá hiếm, giá nấm dao động từ 300-500 ngàn đồng/kg tùy nấm búp hay đã nở, nhưng có tiền chưa chắc đã mua được.

Canh cà đắng nấu nấm mối

H Nêč Ênuỗl/VOV-Tây Nguyên

Nguồn: https://baomoi.com/nam-moi-tinh-hoa-tu-nui-rung-tay-nguyen-c52555714.epi?utm_source=dapp&utm_campaign=share

Hé lộ nguồn gốc đào trơn giá rẻ đang bán tràn lan thị trường

on .

 

Những trái đào trơn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi hình dáng bắt mắt, vỏ ngoài bóng bẩy, giòn đặc trưng và mức giá bình dân. 

 Thời gian gần đây, trên thị trường hiện bày bán nhiều loại đào, trong đó đào trơn phổ biến hơn cả. Đào mỏ quạ khoảng 1 tháng nữa sẽ vào mùa.

Vào chính vụ, giá đào tươi rẻ hơn nhiều so với thời điểm đầu mùa, dao động từ 10.000 – 60.000 đồng/kg, tùy chất lượng và nguồn gốc.

dao-tron1.jpgĐào trơn được bán nhiều trên chợ mạng với giá rẻ. Ảnh chụp màn hình

Các tiểu thương cho biết, đào trơn có đặc điểm vỏ nhẵn, không có lông, thường màu đỏ tươi khi chín và có vị ngọt thanh, dóc hạt, thịt giòn. Đào trơn được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như: Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn…

Bên cạnh đó, đào trơn cũng được trồng nhiều tại một số vùng của Trung Quốc.

Bắt đầu từ tháng 6, đào trơn được bày bán nhiều trong các khu chợ dân sinh, vỉa hè, chợ mạng...với mức giá bình dân, chỉ khoảng hơn 10.000 đồng/kg. Đào trơn được nhiều chị em yêu thích, thi nhau mua về làm đào ngâm đường, trà đào và mứt đào.

dao-tron3.jpgĐào trơn vỏ mỏng, nhẵn, giòn. Ảnh: Facebook

Do mức giá khá rẻ, nhiều người tiêu dùng hoài nghi chất lượng và nguồn gốc của loại đào trơn đang bán tràn lan trên thị trường. Một số tiểu thương khẳng định đào trơn được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Tuy nhiên, cũng không ít người bán cho rằng, đào đang bán đầy chợ phần lớn nhập từ Trung Quốc.

Anh Khương (một tiểu thương tại Long Biên, Hà Nội) cho biết, đào trơn ruột vàng hầu hết được các đầu mối nhập từ Trung Quốc. Thực tế, đào trơn Việt Nam rất hiếm vì quả nhỏ, nhạt và chát.

Ngoài mức giá bình dân, đào trơn còn được ưa chuộng bởi hình thức bắt mắt, vỏ mỏng, thịt giòn và không nhiều lông như các loại đào khác.

dao-tron2.jpg

Đào trơn được trồng ở một số tỉnh phía Bắc Việt Nam nhưng cũng có ở Trung Quốc. Ảnh: Facebook

Để đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng nên mua đào trơn tại những địa chỉ uy tín, chọn quả nặng, tươi, không bị dập nát. Nếu thích vị ngọt đậm đà, nên chọn đào đầu nhọn. Ngược lại, nếu thích mềm thì chọn đào đầu tròn.

 

 

Về Bến Tre thử bánh xèo nấm mối, lẩu gà sầu riêng

on .

Bến Tre không chỉ nổi tiếng với những rặng dừa bạt ngàn mà còn bởi nền ẩm thực phong phú, gắn liền với đời sống văn hóa địa phương.

Câu ca truyền miệng vẫn còn vang vọng:

"Nghe anh đi đó đi đây, cho em hỏi vặn câu này:
Bánh phồng, bánh tráng đất này đâu ngon?
Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc
Măng cụt Hàm Luông vỏ ngoài nâu, trong trắng như bông gòn,
Anh đây nói thiệt sao em còn so đo…"

Không rõ câu ca xuất hiện từ bao giờ, nhưng đến nay, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc vẫn là những đặc sản nức tiếng, gắn liền với tên tuổi của vùng đất Bến Tre.

Bên cạnh đó là kẹo dừa – món quà quê từng vươn ra thế giới, làm nên thương hiệu cho vùng đất này. Những thức quà ấy không chỉ ngọt ngào hương vị mà còn mang đậm dấu ấn truyền thống của người dân xứ dừa.

Gỏi tôm củ hủ dừa. Ảnh: Huỳnh Biển

Vào mùa mưa, Bến Tre lại nhộn nhịp với mùa nấm mối – loại nấm mọc tự nhiên sau những cơn mưa lớn. Người dân thường tranh thủ hái nấm vào sáng sớm khi mặt trời chưa lên, lúc nấm còn chưa nhú khỏi mặt đất, được xem là thời điểm nấm tươi ngon nhất.

Nấm mối có thể chế biến thành nhiều món như xào, nấu canh hay làm nhân bánh, nhưng đặc sắc nhất vẫn là bánh xèo nấm mối.

Bánh xèo nấm mối Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Biển

Bánh xèo Bến Tre có hương vị riêng biệt bởi phần nhân độc đáo củ hủ dừa ngọt, giòn hòa quyện với nấm mối béo ngậy, tôm, thịt heo hoặc thịt vịt... tạo nên món ăn hấp dẫn, khó trộn lẫn. Dù cùng nguyên liệu với nhiều địa phương khác, bánh xèo nấm mối Bến Tre vẫn giữ được dấu ấn riêng, khiến nhiều thực khách khen ngợi khi thưởng thức.

Một đặc sản khác cũng làm nên tên tuổi của Bến Tre là bánh canh bột xắt nấu với nước cốt dừa và thịt vịt. Nước lèo được nấu từ cốt dừa đặc, thơm béo, kết hợp cùng bột gạo xắt thủ công và thịt vịt tạo nên món ăn đậm đà, mang đúng tinh thần ẩm thực của vùng đất được mệnh danh “vương quốc dừa”.

Lẩu gà nấm mối sầu riêng mang đến hương vị độc đáo. Ảnh: Huỳnh Biển

Gần đây, người dân Bến Tre tiếp tục sáng tạo thêm món ăn mới lạ: lẩu gà – nấm mối – sầu riêng, hiện được giới thiệu tại Cồn Phụng. Nước lẩu được ninh từ gà thả vườn, kết hợp với nấm mối thiên nhiên giòn ngọt và vị sầu riêng béo thơm, tạo nên hương vị độc đáo, khó quên.

Nhiều thực khách cho biết món ăn này không chỉ lạ miệng mà còn là một trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và sự sáng tạo trong ẩm thực miền Tây.

Huỳnh Biển

Nguồn: https://baomoi.com/ve-ben-tre-thu-banh-xeo-nam-moi-lau-ga-sau-rieng-c52611163.epi?utm_source=dapp&utm_campaign=share

Cơm hến, bún hến làm say lòng thực khách

on .

Cơm nguội hay bún trộn cùng hến xào, tóp mỡ, đậu phộng rang, rau thơm, mắm ruốc Huế và nước hến nóng hổi... mang đến món cơm hến, bún hến làm say lòng thực khách.

Cùng với nhiều món ăn đặc sắc ở mảnh đất Cố đô Huế, cơm hến, bún hến là những món ăn dân dã nhưng đậm đà hương vị xứ Huế, được người dân bên dòng Hương Giang yêu thích suốt bao đời nay.

Bún hến, mì hến Huế với hến xào đậm vị, tóp mỡ giòn tan, rau sống thơm ngon...

Nhiều người mê cái vị mặn mòi, béo ngậy pha chút cay nhẹ tạo nên tổng thể hài hòa, kích thích vị giác của cơm hến, bún hến. Những quán nổi tiếng như cơm hến Hoa Đông, cơm hến Hàn Mặc Tử... đều đậm chất dân dã.

Di chuyển đến Cồn Hến xinh đẹp, du khách ghé quán cơm hến Hoa Đông nổi tiếng lúc gần trưa để thưởng thức đặc sản Huế. Bên trong quán, có nhiều người đang ăn món cơm hến, bún hến.

Đang có chuyến du lịch Huế, một du khách đến từ Hà Nội bày tỏ, bản thân từng ăn cơm hến ở nhiều nơi, nhưng khi đến Cồn Hến càng cảm nhận được trọn vẹn hơn hương vị của món ăn này.

“Cái vị ngọt thanh của nước hến, cái giòn tan của tóp mỡ và vị ngọt tự nhiên của hến khiến mình cứ muốn ăn thêm. Thưởng thức một tô bún hến giữa xứ Huế giữa dòng sông Hương lững lờ trôi, có cảm giác như mình đang sống chậm lại, thư thái hơn”.

Người Huế thường ăn cơm hến, bún hến với nước luộc hến nóng hổi để chan vào, làm tăng hương vị đậm đà.

Bưng các tô cơm hến đến bàn cho khách, bà Hồ Thị Hoa (64 tuổi, chủ quán cơm hến Hoa Đông) chia sẻ, bà được học nghề từ mẹ chồng, rồi phụ bán và dần quen với công việc, gắn bó mãi đến nay.

Theo bà Hoa, cùng với hến từ sông Hương, nhà bà làm tóp mỡ, đậu phộng... để cho ra tô cơm hến, bún hến thơm ngon, đậm đà hương vị.

“Từ khi bán hàng rong cho đến khi bán ở Cồn Hến này, chúng tôi vui mừng khi được đón tiếp, phục vụ du khách gần xa đến thưởng thức món ăn đặc sản Huế”, bà Hoa cho hay.

Gọi một tô cơm hến, một tô bún hến, chúng tôi thong thả thưởng thức các món ngon. Nhìn bằng mắt thường, các tô cơm hến, bún hến đầy ắp những nguyên liệu và màu sắc bắt mắt. Tóp mỡ màu vàng, đậu phộng màu đỏ, rau sống màu xanh và màu trắng của cơm, của bún... làm mãn nhãn du khách.

Cơm nguội hay bún được trộn cùng hến xào, tóp mỡ, đậu phộng rang, rau thơm, mắm ruốc Huế và nước hến nóng hổi... đã mang đến món cơm hến, bún hến làm say lòng đông đảo thực khách.

Quán cơm hến Hoa Đông luôn trở thành điểm đến hàng đầu của nhiều du khách.

Đối với nhiều du khách, thưởng thức cơm hến, bún hến tại Cồn Hến là trải nghiệm khó quên khi đến với cố đô. Giữa không gian mộc mạc của một cồn nhỏ nằm giữa sông Hương, món ăn dân dã này lại khiến bao người mê đắm bởi hương vị đặc trưng không thể lẫn vào đâu.

“Hến xào thơm lừng, vị ngọt đậm đà hòa quyện với cơm nguội hay bún tươi, rau sống, tóp mỡ, đậu phộng... tạo nên món ăn vừa giản dị vừa hấp dẫn. Cái ngon không chỉ đến từ nguyên liệu, mà còn từ cái tình của người Huế gửi gắm trong từng chén cơm, tô bún”, du khách Nguyễn Thời, đến từ Hà Tĩnh, chia sẻ.

Theo các chủ quán ở Huế, nguyên liệu chính của các món cơm hến, bún hến là con hến. Đây là loại thủy sản nhỏ nhưng ngọt thịt, được vớt lên từ sông Hương, phá Tam Giang, sau đó luộc chín, xào với gia vị cho thơm lừng.

Phần cơm hoặc bún được ăn kèm với hến xào, tóp mỡ giòn tan, rau sống các loại, đậu phộng rang và không thể thiếu tô nước hến ngon ngọt. Có dịp được thưởng thức món ngon này, du khách có cảm giác các nguyên liệu như được hòa quyện vào nhau, tạo nên vị ngon hài hòa, vừa thanh mát vừa đậm đà.

Cơm hến, bún hến thường được ăn kèm với rau sống, tóp mỡ, đậu phộng...

Cơm hến, bún hến là một trong những món ăn tiêu biểu góp phần làm nên danh xưng "Kinh đô ẩm thực" của Huế. Dù chỉ là món ăn dân dã, giá rẻ, nhưng cơm hến lại thể hiện trọn vẹn tinh thần ẩm thực Huế như cầu kỳ, hài hòa và đậm đà bản sắc. Từ những nguyên liệu bình dị như hến, rau sống, bún, cơm nguội..., người Huế đã khéo léo kết hợp để tạo nên món ăn đầy màu sắc, đủ vị chua - cay - mặn - ngọt.

Không chỉ ngon miệng, cơm hến còn gắn liền với đời sống thường nhật, từ quán cóc ven đường đến mâm cơm gia đình, ai cũng có thể thưởng thức. Chính sự gần gũi nhưng tinh tế ấy khiến món ăn này trở thành linh hồn của ẩm thực Huế, là niềm tự hào và dấu ấn không thể thiếu trong bản đồ ẩm thực Việt Nam.

Ở Huế, du khách dễ dàng bắt gặp món này từ các gánh hàng rong đến các quán nhỏ ven đường, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là ở khu vực Cồn Hến, nơi được xem là cái nôi của món ăn trứ danh này.

Cơm hến, bún hến gắn bó với đời sống thường nhật, phản ánh sự thanh đạm và tinh tế của ẩm thực Huế.

Người dân xứ Huế luôn cảm thấy tự hào về vùng đất giàu truyền thống ẩm thực, điều đó càng được khẳng định khi đặc sản cơm hến từng được xác lập kỷ lục châu Á. Đây không chỉ là niềm vui của riêng người dân Cố đô, mà còn là minh chứng rõ nét cho giá trị văn hóa – ẩm thực đặc sắc nơi đây.

Ngoài ra, Huế có 6 món ăn được vinh danh trong “Hành trình tìm kiếm giá trị Văn hóa Ẩm thực tiêu biểu Việt Nam” như cơm hến, bún bò Huế...

Những thành tích này đã góp phần khẳng định vị thế của Huế trên bản đồ ẩm thực châu Á, đồng thời tạo động lực để gìn giữ, phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống quý báu mà vùng đất này đang sở hữu.

Hến được luộc kỹ, tách vỏ, sau đó xào thơm với các gia vị...

Tóp mỡ giòn rụm, tăng thêm sự hấp dẫn cho món cơm hến, bún hến.

Dù là món ăn bình dân, cơm hến, bún hến mang đậm bản sắc văn hóa và khẩu vị riêng của người Huế.

Thời gian đằng đẵng trôi qua, cơm hến, bún hến dần trở thành nét văn hóa ẩm thực thấm đẫm hồn quê. Trong tô cơm, tô bún, người ta cảm nhận được cả vị mặn mòi của sông nước, cái chân tình của người dân và sự tinh tế của xứ kinh kỳ. Ai đã một lần thưởng thức, hẳn còn nhớ mãi cái dư vị mộc mạc mà đậm đà ấy.

Và có lẽ, giữa muôn vàn món ngon thời hiện đại, cơm hến, bún hến vẫn giữ được chỗ đứng riêng như một ký ức thân thương, bình dị mà khó quên trong lòng thực khách.

Nguyễn Hiệp

Nguồn: https://baomoi.com/com-hen-bun-hen-lam-say-long-thuc-khach-c52626503.epi