ChatGPT sử dụng dữ liệu lớn để đưa ra câu trả lời đồng thời tạo cảm giác tương tác thật với con người. Tuy không phải luôn đúng tuyệt đối nhưng sự thông minh của công cụ này đã hỗ trợ không ít người dùng trong quá trình làm bài về nhà, viết bài luận...

Lo lắng và phản ứng

Trường Cao đẳng Niagara (Canada) đã phát hiện sinh viên dùng ChatGPT để hỗ trợ quá trình làm bài tập nhưng không nhận định đây là một xu hướng. Ban giám hiệu trường công tại Hamilton (Canada) khẳng định ChatGPT đang bị chặn ở tất cả thiết bị của trường.

Một số trường ở Mỹ cấm sử dụng ChatGPT trong các thiết bị trường học và mạng máy tính để tránh gian lận, ngay cả giáo viên cũng khó tiếp cận. Sở Giáo dục TP New York thông báo công cụ này bị hạn chế truy cập trong hệ thống mạng và thiết bị trường học. Tuy vậy, học sinh - sinh viên vẫn có thể truy cập từ điện thoại hoặc máy tính ở nhà. Jan Leike, Trưởng bộ phận giám sát của OpenAI, tiết lộ: "Những cách thức để xác định văn bản có sự tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) lại chưa hiệu quả và có khi dẫn đến kết quả không chính xác".

Bản thân ChatGPT là ứng dụng có thể phân tích kho dữ liệu online một cách có hệ thống và tự nâng cao kiến thức thông qua quá trình tương tác với người dùng. Do đó, cũng giống những ứng dụng khác, con người vẫn phải quan sát và điều chỉnh nội dung ChatGPT đưa ra nếu cần. Việc biên tập những nội dung này phức tạp và yêu cầu kiến thức thực tế từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Công nghệ vẫn tiếp tục phát triển. Thích nghi với sự có mặt của ChatGPT là thử thách và là cơ hội để các trường nâng cao chất lượng giảng dạy; người học nâng cao tư duy phản biện, phân tích.

ChatGPT trong mắt bạn trẻ - Ảnh 1.