NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin tức

AI không còn là cuộc chơi riêng của dân IT

on .

Các ngành công nghiệp trên toàn cầu đang đẩy mạnh đầu tư vào đào tạo AI, biến kỹ năng này trở thành một trong những yêu cầu quan trọng tại nơi làm việc.

  Doanh nghiệp đẩy mạnh đào tạo AI để duy trì lợi thế cạnh tranh và tối ưu hóa vận hành. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels.

Doanh nghiệp đẩy mạnh đào tạo AI để duy trì lợi thế cạnh tranh và tối ưu hóa vận hành. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels. 

Theo báo cáo mới từ Udemy, nền tảng học trực tuyến cung cấp khóa học về công nghệ, kinh doanh và kỹ năng mềm, do HRD Asia công bố, các ngành như dịch vụ tài chính và sản xuất đã tăng cường đáng kể việc tiếp cận các khóa đào tạo AI, đặc biệt trong quý cuối năm 2024.

Trước đây, đào tạo AI chủ yếu tập trung vào các nhóm kỹ thuật như lập trình viên, nhà khoa học dữ liệu hay chuyên gia CNTT. Tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi mạnh mẽ. Báo cáo của Udemy chỉ ra rằng nhu cầu học AI đang mở rộng sang nhiều ngành nghề khác, trong đó có tài chính và sản xuất, những lĩnh vực vốn ít liên quan đến công nghệ, theo The Independent SG.

AI không chỉ dành cho dân công nghệ 

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là sự gia tăng đột biến nhu cầu chứng chỉ AWS Certified AI Practitioner, chứng chỉ AI phổ biến nhất trong giai đoạn từ quý III sang quý IV/2024. Điều này phản ánh sự chuyển dịch trong nhận thức của doanh nghiệp: AI không chỉ dành riêng cho đội ngũ công nghệ mà đang trở thành công cụ quan trọng đối với mọi bộ phận.

“AI đang được ứng dụng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ tài chính đến sản xuất", CEO Udemy, Greg Brown, nhấn mạnh trên LinkedIn. Ông khẳng định rằng các doanh nghiệp cần ưu tiên đào tạo AI để duy trì tính cạnh tranh và thích nghi với tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

 Ngành tài chính và sản xuất chứng kiến sự bùng nổ trong nhu cầu học AI. Ảnh minh họa: Kindelmedia/Pexels. 

Ngành tài chính và sản xuất chứng kiến sự bùng nổ trong nhu cầu học AI. Ảnh minh họa: Kindelmedia/Pexels.

Sự gia tăng đầu tư vào AI không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành mà còn đảm bảo nhân sự có thể tận dụng các công cụ mới để nâng cao hiệu suất làm việc. Trong bối cảnh AI ngày càng đóng vai trò quan trọng, việc trang bị kỹ năng AI không còn là lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết trong môi trường làm việc hiện đại.

Sự phát triển nhanh chóng của AI đang đặt ra những yêu cầu mới đối với lực lượng lao động. Theo báo cáo The Future of Jobs của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến năm 2030, khoảng 59% lực lượng lao động toàn cầu sẽ cần nâng cao kỹ năng để đáp ứng những thay đổi trong công việc.

Đáng chú ý, 29% nhân sự có thể được đào tạo lại trong chính vai trò hiện tại, trong khi 19% có thể được điều chuyển sang các vị trí khác trong tổ chức. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các chiến lược nâng cao kỹ năng không chỉ để đảm bảo tính ổn định mà còn giúp doanh nghiệp linh hoạt thích nghi với thị trường.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Để quá trình nâng cao kỹ năng đạt hiệu quả, các tổ chức cần một chiến lược bài bản. Oracle, tập đoàn công nghệ đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, đã đưa ra một số nguyên tắc cốt lõi giúp doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo phù hợp:

Liên tục đánh giá khoảng cách kỹ năng: Xác định những kỹ năng cần thiết để hỗ trợ mục tiêu kinh doanh và theo kịp tiến bộ công nghệ.

Trao quyền cho nhân viên: Xây dựng văn hóa học tập và khuyến khích nhân viên chủ động phát triển bản thân.

Liên kết kỹ năng với cơ hội thăng tiến: Đảm bảo nhân viên thấy rõ lợi ích của việc nâng cao kỹ năng đối với sự phát triển sự nghiệp.

Chương trình cố vấn: Kết nối nhân viên với các chuyên gia trong ngành để có hướng dẫn cụ thể trong quá trình học hỏi.

  Chiến lược đào tạo AI giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành và duy trì tính cạnh tranh. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels.

Chiến lược đào tạo AI giúp doanh nghiệp tối ưu vận hành và duy trì tính cạnh tranh. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels

Cá nhân hóa lộ trình phát triển: Tạo ra kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu của từng nhân viên để tối ưu hóa hiệu quả.

Tích hợp công nghệ vào đào tạo: Sử dụng AI và các công cụ kỹ thuật số để theo dõi tiến độ học tập, đánh giá năng lực theo thời gian thực.

Các doanh nghiệp ưu tiên chiến lược đào tạo bài bản không chỉ giúp nhân viên nâng cao năng lực mà còn cải thiện vị thế cạnh tranh trên thị trường. Trong bối cảnh AI ngày càng có sức ảnh hưởng, việc trang bị kiến thức mới không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành yếu tố sống còn.

Như Phương

Thương vụ 32 tỉ đô la của Google nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo mật đám mây

on .

Hãng công nghệ Google ký thỏa thuận thâu tóm công ty an ninh mạng Wiz của Israel với giá 32 tỉ đô la Mỹ trong nỗ lực củng cố các biện pháp bảo vệ dữ liệu, ứng dụng và cơ sở hạ tầng liên quan đến điện toán đám mây trước các mối đe dọa an ninh mạng.

Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử 26 năm của Google và cũng là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lĩnh vực an ninh mạng từ trước đến nay.

 Hãng công nghệ Google thâu tóm công ty an ninh mạng Wiz để củng cố bảo mật đám mây. Ảnh: Tech News Day

Hãng công nghệ Google thâu tóm công ty an ninh mạng Wiz để củng cố bảo mật đám mây. Ảnh: Tech News Day

Giúp bảo mật đám mây tốt hơn với chi phí thấp hơn

Hôm 18-3, Google thông báo đã ký thỏa thuận mua lại Wiz, một nền tảng bảo mật đám mây hàng đầu, thành lập ở Israel và có trụ sở chính ở New York, với giá 32 tỉ đô la trong một giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt.

Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử 26 năm của Google. Theo Mergermarket, thương vụ mua lại Wiz trị giá 32 tỉ đô la cũng được coi là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lĩnh vực an ninh mạng lớn nhất từ trước đến nay và được xếp hạng là một trong 20 thương vụ vụ thâu tóm công ty phần mềm tốn kém nhất trong lịch sử.

Sau khi thỏa thuận được các cơ quan quản lý phê duyệt, Wiz sẽ gia nhập đơn vị điện toán đám mây Google Cloud, một bộ phận ngày càng quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Google tách biệt với hoạt động tìm kiếm và quảng cáo vốn đóng góp phần lớn trong tổng doanh thu hàng năm 350 tỉ đô la của công ty mẹ Alphabet.

Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của AI, bộ phận đám mây đã trở thành ngôi sao đang lên tại Google. Doanh thu hàng năm của bộ phận này là 26,3 tỉ đô la vào năm 2022 và tăng vọt 64% lên 43,2 tỉ đô la vào năm ngoái.

Google cho biết, thương vụ này sẽ giúp công ty thúc đẩy hai xu hướng lớn và đang phát triển trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI): cải thiện bảo mật đám mây và khả năng sử dụng đa đám mây (multicloud).

Cả an ninh mạng và điện toán đám mây đều là những lĩnh vực phát triển nhanh chóng với nhiều giải pháp đa dạng. Vai trò ngày càng tăng của AI và việc phổ cập dịch vụ đám mây đã thay đổi đáng kể bối cảnh bảo mật cho khách hàng, khiến an ninh mạng ngày càng quan trọng trong việc phòng thủ trước các rủi ro mới nổi và bảo vệ an ninh quốc gia.

Google đánh giá, Wiz cung cấp nền tảng bảo mật dễ sử dụng, kết nối với tất cả các đám mây và môi trường lập trình để giúp ngăn ngừa các sự cố an ninh mạng. Các tổ chức từ các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp lớn đến các tổ chức chính phủ và đều có thể sử dụng Wiz để bảo vệ mọi thứ đã xây dựng và chạy trên đám mây.

Thương vụ thâu tóm Wiz diễn ra khi cơn sốt AI thúc đẩy nhu cầu trung tâm dữ liệu cung cấp sức mạnh tính toán cho công nghệ AI và làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này giữa Google và hai công ty công nghệ lớn khác là Microsoft và Amazon.

Wiz, một công ty khởi nghiệp 5 năm tuổi, được thành lập bởi bốn người bạn, đang trên đà đạt doanh thu ước tính 1 tỉ đô la trong năm nay. Wiz hiện đặt trụ sở chính sang New York, nơi công ty phát triển công cụ bảo vệ thông tin lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu.

“Wiz và Google Cloud đều được thúc đẩy bởi niềm tin rằng bảo mật đám mây cần phải dễ dàng hơn, dễ tiếp cận hơn, thông minh hơn và dân chủ hơn, để nhiều tổ chức có thể sử dụng đám mây và AI một cách an toàn”, Assaf Rappaport, CEO Wiz chia sẻ trong một bài viết.

Sundar Pichai, CEO Google kỳ vọng, việc bổ sung Wiz vào bộ phận đám mây sẽ mang lại khả năng bảo mật tốt hơn với chi phí thấp hơn so với hiện tại.

Google đã theo đuổi thương vụ thâu tóm Wiz trong một thời gian trước khi đưa ra mức giá cao hơn nhiều so với mức giá được cho là 23 tỉ đô la đã bị từ chối hồi tháng 7 năm ngoái.

 Thương vụ mua lại Wiz với giá 32 tỉ đô la đánh dấu thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử của Google. Ảnh: Instagram

Thương vụ mua lại Wiz với giá 32 tỉ đô la đánh dấu thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử của Google. Ảnh: Instagram

Cải thiện cạnh tranh với Microsoft và Amazon

Các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính Wedbush gọi động thái mua lại Wiz của Google là “phát súng cảnh báo” đối với các người khổng lồ công nghệ khác, đặc biệt là Microsoft và Amazon, cũng đang đặt cược lớn vào an ninh mạng khi cuộc chiến thống trị điện toán đám mây ngày càng trở nên khốc liệt.

Google tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực điện toán đám mây nhưng thương vụ thâu tóm Wiz có thể làm thay đổi cục diện.

Wiz đã tăng cường những tính năng bảo mật có thể giúp Google thu hút thêm nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ đám mây của công ty này trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Shaul Eyal, nhà phân tích cấp cao ở ngân hàng đầu tư TD Cowen nhận xét, thương vụ thâu tóm này nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường an ninh đám mây, đồng thời sẽ thúc đẩy hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này.

Daniel Ives, nhà phân tích của Wedbush cũng cho rằng, không gian an ninh mạng đám mây đã chín muồi để hợp nhất với những cơ hội tăng trưởng lớn sắp diễn ra trong cuộc cách mạng AI hiện tại.

“Chúng tôi tin rằng, thương vụ thâu tóm này sẽ mở ra cánh cửa cho làn sóng M&A lớn trên toàn bộ lĩnh vực công nghệ,đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh mạng, khi ngày càng nhiều nhà khai thác đám mây tìm cách bảo mật danh mục đầu tư đám mây”, Daniel Ives viết trong một báo cáo.

Quy mô thị trường bảo mật đám mây toàn cầu ước tính đạt 3 tỉ đô la trong năm 2024 và dự kiến lên mức 41 tỉ đô la trong năm 2025 và khoảng 121 tỉ đô la vào năm 2034, theo Precedence Research.

Thỏa thuận mua lại Wiz sẽ được các cơ quan quản lý chống độc quyền xem xét kỹ lưỡng.

Lo ngại về chống độc quyền là một trong những lý do khiến Wiz hủy các cuộc đàm phán với Google vào năm ngoái khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden tìm cách ngăn chặn nhiều thỏa thuận công nghệ. Hiện tại, cả Google và Wiz đều tự tin hơn rằng, thỏa thuận này sẽ được các cơ quan quản lý chống độc quyền của chính quyền Tổng thống Donald Trump chấp thuận.

“Hai bên có thể đã không đạt được thỏa thuận nếu họ không nhìn thấy ít nhất một con đường tiềm năng để hoàn tất”, các nhà phân tích của Mergermarket cho biết.

Eyal của TD Cowen cũng cho rằng, thương vụ sẽ được phê duyệt vì thị phần an ninh đám mây của Wiz còn tương đối khiêm tốn.

Nếu được các cơ quan quản lý bật đèn xanh Google và Wiz hy vọng thỏa thuận sẽ hoàn tất vào năm 2026.

Theo Bloomberg, CRN

Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Dữ liệu là trung tâm của chuyển đổi số'

on .

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào giai đoạn bình minh của kỷ nguyên số, thời kỳ dữ liệu đã trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng, trở thành năng lượng mới, thậm chí là 'máu' của nền kinh tế số.

Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại sự kiện ra mắt Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia (NDA) và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia, nhiệm kỳ 2025–2030, ngày 22/3.

 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại sự kiện ra mắt Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại sự kiện ra mắt Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà.

Chúng ta đang bước vào giai đoạn bình minh của kỷ nguyên số, thời kỳ dữ liệu đã trở thành tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng, trở thành năng lượng mới, thậm chí là "máu" của nền kinh tế số. Chuyển đổi số, với dữ liệu là trung tâm, đang làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và phát triển.

"Cơ hội và thách thức của kỷ nguyên số đang ngang bằng, cơ hội rất nhiều, nhưng thách thức cũng rất lớn. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao giảm bớt những thách thức, nghiêng về cơ hội.", Tổng Bí thư Tô Lâm

Cơ hội và thách thức của kỷ nguyên số đang ngang bằng, cơ hội rất nhiều, nhưng thách thức cũng rất lớn. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao giảm bớt những thách thức, nghiêng về cơ hội. Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã đề ra chủ trương chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong nước, tiến tới kết nối với khu vực ASEAN và quốc tế.

Gần đây nhất, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã xác định rõ, dữ liệu là trung tâm của chuyển đổi số, là động lực quan trọng cho sự phát triển. Nghị quyết cũng đã đề ra các chính sách thí điểm, tạo hành lang pháp lý ban đầu cho việc thúc đẩy phát triển và khai thác dữ liệu.

Nói đến dữ liệu, chúng ta phải quan tâm đến 3 lĩnh vực. Thứ nhất, làm sao phải đảm bảo dữ liệu có chất lượng cao, nếu làm tốt điều này thì đây sẽ là một ngành công nghiệp. Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều quan tâm đến dữ liệu để tạo ra những sản phẩm mới.

Thứ hai là việc kết nối dữ liệu. Chúng ta có trung tâm dữ liệu, kho dữ liệu và ai cũng có thể làm dữ liệu, tích lũy dữ liệu. Nếu không có kết nối dữ liệu sẽ không hoàn thành trách nhiệm của dữ liệu.

Thứ ba là điều vô cùng quan trọng, dữ liệu là tài nguyên và cần được bảo mật. Đây là 3 việc mà Hiệp hội phải làm.

Với tinh thần tấn công của người làm khoa học, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng việc quản trị và khai thác dữ liệu, bảo mật dữ liệu còn rất nhiều việc. Một là nhận thức về vai trò của dữ liệu chưa đầy đủ. Hai là hạ tầng dữ liệu còn phân tán, thiếu kết nối. Ba là nguồn nhân lực chất lượng cao về dữ liệu còn thiếu. Bốn là khung pháp lý chưa hoàn thiện, đặc biệt trong các lĩnh vực như bảo mật dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân, an ninh, an toàn dữ liệu còn nhiều thách thức. Khuôn khổ pháp lý cần tiếp tục hoàn thiện.

Cần nhận thức rõ quản trị dữ liệu không chỉ là vấn đề chính sách mà còn là vấn đề công nghệ. Không có công nghệ, không thể thu thập, lưu trữ, xử lý, phân tích và chia sẻ dữ liệu một cách hiệu quả và an toàn.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Đảng và Nhà nước đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu. Ảnh: Hoàng Hà

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong quản trị dữ liệu, đặc biệt trong lĩnh vực Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Chúng ta đã đưa ra cơ chế trong việc chia sẻ dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến.

Tuy nhiên, các quy định bảo vệ dữ liệu trong ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây, dữ liệu lớn vẫn đang ở mức độ thử nghiệm, thiếu định hướng phát triển và quản lý minh bạch.

Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia là hết sức quan trọng. Tôi tin tưởng Hiệp hội sẽ là ngôi nhà chung của các hiệp sĩ số và là ngọn cờ tiên phong trong việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và các nghị quyết về khoa học, công nghệ... để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, với nền quản trị số, kinh tế số, xã hội số, phát triển dựa trên dữ liệu "đúng-đủ-sạch-sống". Để làm được điều đó, tôi đề nghị Hiệp hội tập trung 7 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu, tạo điều kiện cho dữ liệu được tập hợp, lưu chuyển, kết nối, chia sẻ và được khai thác tối đa, nhưng vẫn bảo đảm an ninh, an toàn và chủ quyền dữ liệu.

Bộ Công an đang xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật An ninh mạng sửa đổi (bổ sung thêm chức năng quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng) và dự kiến trình Quốc hội thông qua ngay trong năm 2025; đồng thời trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn Luật Dữ liệu 2024, vì vậy cần ưu tiên tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ này.

Hai là phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, phát triển, khai thác và làm giàu dữ liệu quốc gia, tập trung vào 4 trụ cột chính là: con người, vị trí, hoạt động và sản phẩm.

Ba là chủ động, tích cực ứng dụng, làm chủ, tiến tới tự chủ các công nghệ dữ liệu cốt lõi, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối và điện toán đám mây.

Tôi cũng nhấn mạnh vai trò của Hiệp hội trong một số chương trình, sáng kiến trọng điểm. Phải phát triển thị trường dữ liệu cho phát triển bền vững; xây dựng thị trường dữ liệu quốc gia, triển khai sàn dữ liệu để phục vụ nghiên cứu, phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Cần xây dựng nền tảng trí tuệ nhân tạo mở quốc gia giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận ứng dụng trí tuệ nhân tạo và lưu ý rằng đó là trí tuệ nhân tạo Việt Nam. Nhanh chóng phổ cập hiểu biết về dữ liệu cho mọi người dân; nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về dữ liệu cho toàn xã hội, nhất là giá trị và tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như việc tuân thủ các quy định pháp lý.

"Tăng cường năng lực tự chủ về công nghệ dữ liệu, ưu tiên, khuyến khích, tạo cơ chế để các sản phẩm công nghệ dữ liệu "Make in Viet Nam" có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế.", Tổng Bí thư Tô Lâm

Cần sớm tổ chức các cuộc thi thách thức đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu để khuyến khích cộng đồng đưa ra các giải pháp sáng tạo dựa trên dữ liệu, tạo ra sân chơi để phát huy tối đa tiềm năng con người trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Tiếp tục tăng cường năng lực tự chủ về công nghệ dữ liệu, ưu tiên, khuyến khích, tạo cơ chế để các sản phẩm công nghệ dữ liệu "Make in Viet Nam" có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế.

Bốn là hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng dữ liệu tiên tiến, bao gồm cả các trung tâm dữ liệu do Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đầu tư.

Năm là tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, thu hút nguồn lực và tham gia vào các sáng kiến toàn cầu về dữ liệu. Chúng ta đặt mục tiêu phải kết nối dữ liệu với khu vực và thế giới và phải đi tắt đón đầu ứng dụng được các công nghệ tiên tiến của thế giới.

Sáu là xây dựng cơ chế thực thi và giám sát hiệu quả. Các cơ quan nhà nước, với vai trò đầu tàu của Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, một số bộ, ngành liên quan, cần có hệ thống giám sát chặt chẽ và đồng bộ hơn trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để bảo đảm các quy định pháp luật được tuân thủ đầy đủ, hiệu quả.

Bảy là bảo mật dữ liệu, phải xây dựng hệ thống bảo vệ sản phẩm bảo mật dữ liệu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu, hình thành ngành công nghiệp về bảo mật dữ liệu.

"Trong kỷ nguyên số, không làm chủ dữ liệu đồng nghĩa với việc mất chủ quyền, an ninh dữ liệu và cơ hội phát triển.", Tổng Bí thư Tô Lâm

Trong kỷ nguyên số, không làm chủ dữ liệu đồng nghĩa với việc mất chủ quyền, an ninh dữ liệu và cơ hội phát triển. Chuyển đổi số và phát triển dữ liệu là cơ hội lịch sử để Việt Nam bứt phá.

Tôi kêu gọi toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội hãy chung tay, góp sức cùng Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia thực hiện thắng lợi sứ mệnh này.

Đảng và Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của lĩnh vực dữ liệu, để Việt Nam sớm trở thành một quốc gia số, một xã hội số, một nền kinh tế số thịnh vượng.

Chúc Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia ngày càng phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Bạn trẻ phải làm gì để không bị AI cướp mất công việc?

on .

AI (trí tuệ nhân tạo) có thể cướp đi hàng trăm công việc, khiến hàng triệu con người thất nghiệp, nhưng không thể thay thế con người hai thứ: trái tim và sự sáng tạo.

 
Bạn trẻ phải làm gì để không bị AI cướp mất công việc? - Ảnh 1.

Hơn 1.000 sinh viên Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) tham gia tọa đàm về ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc học tập, phục vụ tương lai - Ảnh: HẢI YẾN

Các bạn trẻ, đặc biệt là những giáo viên tương lai, phải làm gì để sử dụng AI một cách hiệu quả và đạo đức? Đó là vấn đề được nêu ra tại tọa đàm Blockchain và AI trong giáo dục và đào tạo giáo viên, diễn ra tại Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế) chiều 19-3.

Tọa đàm do Viện Công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo ABAII phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức, với sự tham gia của hơn 1.000 bạn sinh viên đang theo học tại ngôi trường đào tạo ngành sư phạm hàng đầu miền Trung này.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế, nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thay đổi từng giờ, và nghề giáo cũng có nguy cơ bị AI thay thế trong tương lai.

"Nhưng nghề giáo viên của chúng ta có những điều tuyệt vời mà AI không thể nào thay thế được, đó là trái tim và sự sáng tạo không ngừng nghỉ.

Với lợi thế này, chúng ta phải không ngừng học hỏi, sáng tạo, nắm bắt công nghệ để biến AI thành công cụ phục vụ chúng ta, chứ không thể thay thế chúng ta.

Hiện nay AI chưa thể thay thế công việc của các bạn, nhưng những người biết sử dụng AI đúng cách sẽ làm việc đó", ông Hùng nói.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Võ Công Khôi, chánh văn phòng Hiệp hội Blockchain Việt Nam tại Đà Nẵng, nói rằng đến năm 2030 khoảng 85% công việc sẽ đòi hỏi các kỹ năng số, sử dụng AI mà hiện nay chưa được giảng dạy phổ biến.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở giáo dục trong việc cập nhật chương trình đào tạo để theo kịp sự phát triển của công nghệ.

Theo ông Khôi, việc sử dụng AI trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là ngành đào tạo giáo viên, gần như là bắt buộc trong tương lai. AI sẽ giúp các bạn trẻ trong việc tìm tài liệu học tập, tóm tắt các nghiên cứu, tạo bài giảng, video, hình ảnh minh họa hay thậm chí cung cấp cả phần mềm chống đạo văn, đạo luận án…

"AI có thể làm mọi thứ mà các bạn muốn, nhưng không thể thay thế trái tim và suy nghĩ của các bạn. Do vậy, việc sử dụng AI cũng cần phải có đạo đức. Đừng để AI thay thế hoàn toàn các suy nghĩ của các bạn mà hãy liên tục suy nghĩ, sáng tạo, làm chủ AI", ông Khôi lưu ý.

Google Maps vừa 'tăng lực' với tính năng mới rất hữu ích

on .

Nếu thường xuyên sử dụng Google Maps khi đi du lịch bằng ô tô, người dùng chắc chắn sẽ rất vui với tính năng mới sắp được Google bổ sung.

Google đang sẵn sàng triển khai bản cập nhật mới cho Google Maps nhằm bổ sung tính năng hiển thị các tuyến đường và thông tin giao thông một cách đơn giản và dễ hiểu hơn.

 

Trước đây, dữ liệu này đã có sẵn nhưng bị phân tán khắp giao diện khiến người dùng khó theo dõi thông tin theo thời gian thực. Tuy nhiên, theo thông tin từ Android Police, bản cập nhật này sẽ tập hợp tất cả dữ liệu liên quan vào một trang duy nhất, từ đó giúp người lái xe dễ dàng tiếp cận.

Các thông tin Google Maps hiển thị rõ ràng hơn

Cụ thể, để tìm hiểu thông tin như tình trạng chỗ đậu xe, người dùng trước đây phải nhấp vào biểu tượng “ba dấu chấm dọc” trong ứng dụng. Tuy nhiên, bản cập nhật mới sẽ loại bỏ sự bất tiện này, giúp người lái xe không phải vừa lái xe vừa kiểm tra thông tin.

Hình ảnh được chia sẻ bởi thành viên Moshe trên Android Police cho thấy những điểm khác biệt đáng chú ý. Trong hình ảnh mới, ngoài khoảng cách và thời gian di chuyển ước tính, người dùng còn có thể xem giá nhiên liệu và điều kiện đỗ xe. Thời gian đến dự kiến cũng sẽ được hiển thị ngay lập tức giúp người lái xe nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

 

Tuy nhiên, thời điểm bản cập nhật này chính thức ra mắt vẫn còn chưa rõ ràng. Hiện tại, công cụ Google Maps mới chưa có mặt trên toàn cầu, nhưng có thể sẽ sớm được triển khai. Đây chỉ là một trong nhiều tính năng mới dự kiến sẽ xuất hiện trong ứng dụng Google Maps, với hy vọng rằng ngày càng nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được tích hợp thông qua sự hỗ trợ của Gemini.

CTV Kiến An/VOV.VN (biên dịch) Theo 4gnews