NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin tức

Google Maps vừa 'tăng lực' với tính năng mới rất hữu ích

on .

Nếu thường xuyên sử dụng Google Maps khi đi du lịch bằng ô tô, người dùng chắc chắn sẽ rất vui với tính năng mới sắp được Google bổ sung.

Google đang sẵn sàng triển khai bản cập nhật mới cho Google Maps nhằm bổ sung tính năng hiển thị các tuyến đường và thông tin giao thông một cách đơn giản và dễ hiểu hơn.

 

Trước đây, dữ liệu này đã có sẵn nhưng bị phân tán khắp giao diện khiến người dùng khó theo dõi thông tin theo thời gian thực. Tuy nhiên, theo thông tin từ Android Police, bản cập nhật này sẽ tập hợp tất cả dữ liệu liên quan vào một trang duy nhất, từ đó giúp người lái xe dễ dàng tiếp cận.

Các thông tin Google Maps hiển thị rõ ràng hơn

Cụ thể, để tìm hiểu thông tin như tình trạng chỗ đậu xe, người dùng trước đây phải nhấp vào biểu tượng “ba dấu chấm dọc” trong ứng dụng. Tuy nhiên, bản cập nhật mới sẽ loại bỏ sự bất tiện này, giúp người lái xe không phải vừa lái xe vừa kiểm tra thông tin.

Hình ảnh được chia sẻ bởi thành viên Moshe trên Android Police cho thấy những điểm khác biệt đáng chú ý. Trong hình ảnh mới, ngoài khoảng cách và thời gian di chuyển ước tính, người dùng còn có thể xem giá nhiên liệu và điều kiện đỗ xe. Thời gian đến dự kiến cũng sẽ được hiển thị ngay lập tức giúp người lái xe nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.

 

Tuy nhiên, thời điểm bản cập nhật này chính thức ra mắt vẫn còn chưa rõ ràng. Hiện tại, công cụ Google Maps mới chưa có mặt trên toàn cầu, nhưng có thể sẽ sớm được triển khai. Đây chỉ là một trong nhiều tính năng mới dự kiến sẽ xuất hiện trong ứng dụng Google Maps, với hy vọng rằng ngày càng nhiều công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được tích hợp thông qua sự hỗ trợ của Gemini.

CTV Kiến An/VOV.VN (biên dịch) Theo 4gnews

Giám đốc ở TP.HCM giật mình vì ChatGPT bịa thông tin công ty

on .

Sau sự cố ChatGPT tạo thông tin bịa đặt về công ty, giám đốc Đức Trung (TP.HCM) bắt đầu lo lắng về tính bảo mật và hậu quả pháp lý khi dùng AI hỗ trợ công việc.

 Việc ứng dụng AI trong xử lý công việc tiềm ẩn rủi ro lớn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Việc ứng dụng AI trong xử lý công việc tiềm ẩn rủi ro lớn. Ảnh minh họa: Phương Lâm. 

Dù thường xuyên sử dụng ChatGPT trong công việc, Đức Trung (TP Thủ Đức, TP.HCM), giám đốc một công ty truyền thông quy mô nhỏ, chưa lường trước tình huống AI bịa hàng loạt thông tin về doanh nghiệp.

Trước đây, anh chỉ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng ý tưởng, hỗ trợ đọc báo cáo, thu thập thông tin và nghiên cứu. Khi thử sử dụng AI để xử lý một số vấn đề giấy tờ, anh nhận thấy công cụ trí tuệ này đưa ra nhiều dữ liệu sai lệch về công ty.

Đức Trung suy đoán hệ thống đã dựa trên các thông tin anh từng nhập, rồi tự động suy diễn, thêm thắt, dẫn đến việc lan truyền những nội dung không chính xác về công ty.

Không chỉ Đức Trung, phần lớn nhân sự của anh đều đang ứng dụng ChatGPT, Grok và MidJourney vào công việc hàng ngày. Một số nhân viên thuộc bộ phận sáng tạo nội dung và thiết kế hình ảnh còn được cung cấp tài khoản trả phí.

Vì thế, giám đốc này bắt đầu lo ngại nhiều hơn về vấn đề bảo mật. Bên cạnh thông tin doanh nghiệp, Trung cũng sợ làm lộ dữ liệu của khách hàng, đối tác.

“Các hợp đồng kinh doanh đều có điều khoản bảo mật. Nếu thông tin tuồn ra ngoài, chúng tôi đứng trước nguy cơ đền bù, chịu thiệt hại tài chính đáng kể, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Đức Trung nói.

  Bảo mật dữ liệu là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại, chưa sẵn sàng ứng dụng AI. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Bảo mật dữ liệu là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại, chưa sẵn sàng ứng dụng AI. Ảnh minh họa: Phương Lâm. 

Theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc tại công ty tư vấn thương hiệu nhà tuyển dụng Anphabe, nhiều nhà lãnh đạo tại Việt Nam lo lắng về vấn đề bảo mật dữ liệu công ty. Đó là một trong những lý do dẫn đến việc nhiều tổ chức tin rằng sử dụng trí tuệ nhân tạo là điều quan trọng, nhưng chưa sẵn sàng triển khai thực hiện.

Đây không chỉ là tình trạng ở Việt Nam, mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo Tin cậy Dữ liệu 2025 của nền tảng dữ liệu Ataccama, 43% doanh nghiệp xem bảo mật thông tin là rào cản lớn nhất khi triển khai AI. 21% tổ chức không có khung quản trị dữ liệu, dẫn đến nguy cơ cao về vi phạm bảo mật và mất lòng tin khi dùng công cụ trí tuệ nhân tạo.

Về biện pháp khắc phục, 51% lãnh đạo coi cải thiện chất lượng và độ chính xác dữ liệu là ưu tiên hàng đầu, giúp giảm rủi ro khi ứng dụng AI. Bên cạnh đó, các phương pháp như sử dụng công cụ tự động phát hiện thông tin nhạy cảm hay thiết lập khung quản trị thông tin qua các cấp lãnh đạo từ trên xuống dưới cũng được đề cập đến.

Tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin

Bên cạnh công ty truyền thông của Đức Trung, doanh nghiệp phân phối giải pháp bảo mật, nơi Đức Duy (26 tuổi, quận 7, TP.HCM) giữ vai trò quản lý cấp trung, cũng lo ngại về khả năng rò rỉ dữ liệu khi ứng dụng AI.

  Đức Duy nhận thấy nguy cơ rò rỉ thông tin doanh nghiệp khi sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Đức Duy nhận thấy nguy cơ rò rỉ thông tin doanh nghiệp khi sử dụng trí tuệ nhân tạo. 

Đội ngũ kỹ thuật ở công ty Đức Duy bắt đầu tích hợp các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT và Grok vào quy trình làm việc từ năm ngoái. AI được xem như trợ lý ảo, đảm nhiệm những đầu việc mang tính lặp lại như viết code, tạo file hay tổng hợp thông tin chuyên ngành.

Quản lý cho biết việc sử dụng AI giúp tiết kiệm đáng kể thời gian xử lý, nhờ đó nhân sự có thể tập trung nhiều hơn vào các nhiệm vụ đòi hỏi chuyên môn sâu như tư vấn kỹ thuật hay phát triển kinh doanh.

Tuy nhiên, anh cũng thẳng thắn cảnh báo rằng hiệu suất đi kèm với rủi ro, đặc biệt là nguy cơ rò rỉ thông tin nhạy cảm.

“Chỉ cần một đoạn câu lệnh, một thông báo lỗi hay mã code được đưa lên AI, nguy cơ mất dữ liệu doanh nghiệp là hoàn toàn có thể”, anh nhấn mạnh. Những đoạn hội thoại tưởng chừng vô hại có thể vô tình để lộ các thông tin quan trọng, từ đó trở thành mục tiêu khai thác của hacker hoặc tổ chức tội phạm mạng.

Mối nguy không chỉ đến từ nội bộ. Khi làm việc với đối tác có hệ thống bảo mật kém, rủi ro càng gia tăng. Các hình thức tấn công phổ biến như phishing (giả mạo email), social engineering (lừa đảo dựa trên hành vi con người) hay lây nhiễm mã độc qua liên kết độc hại có thể gây ra thiệt hại lớn.

Tương tự, Ái Quỳnh (30 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM), trưởng phòng thiết kế tại một agency quảng cáo, cũng nhận thấy nhiều công cụ AI miễn phí hiện nay có thể âm thầm thu thập dữ liệu mà người dùng không hay biết.

Tại công ty cô, các buổi workshop đào tạo về AI được tổ chức thường xuyên cho nhiều đội nhóm. Riêng nhóm thiết kế ghi nhận mức cải thiện hiệu suất lên tới 40% nhờ sử dụng AI trong các khâu như tạo hình nền, dựng video ngắn hay xử lý hình ảnh.

Tuy vậy, trưởng phòng này khẳng định rằng việc sử dụng AI vẫn cần được kiểm soát chặt chẽ.

“Những ý tưởng thiết kế, nội dung quảng cáo chưa công bố hay dữ liệu khách hàng bị rò rỉ qua AI có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược truyền thông của thương hiệu”, Quỳnh cho biết.

Giải pháp của doanh nghiệp

Mặc dù chưa nhận văn bản chính thức về quy trình bảo mật AI, đội ngũ thiết kế của Ái Quỳnh vẫn được phổ biến đầy đủ các nguyên tắc sử dụng công cụ mới một cách an toàn.

Theo trưởng phòng, các phần mềm được đưa vào quy trình làm việc đều phải trải qua kiểm duyệt kỹ càng. Những nội dung mang tính chiến lược như file thiết kế gốc, kịch bản hình ảnh hay tài liệu nội bộ tuyệt đối không được nhập lên nền tảng AI, kể cả trong bước xử lý hay thử nghiệm.

“AI chỉ hỗ trợ tạo phần nguyên liệu như background, video ngắn hoặc hình minh họa. Còn phần xử lý chính vẫn được thực hiện trên các phần mềm bản quyền như Adobe. File gốc luôn được lưu trữ cẩn thận và không đưa lên bất kỳ nền tảng AI nào”, cô nhấn mạnh.

  Các phương pháp bảo mật cần được đưa ra nhằm khắc phục nguy cơ lộ dữ liệu. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Các phương pháp bảo mật cần được đưa ra nhằm khắc phục nguy cơ lộ dữ liệu. Ảnh minh họa: Phương Lâm. 

Với trường hợp của Đức Duy, quản lý cho biết doanh nghiệp đang triển khai chiến lược bảo mật theo hai hướng công nghệ và con người.

Về mặt công nghệ, toàn bộ hệ thống được thiết lập dựa trên các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế, kết hợp nhiều giải pháp chuyên sâu như NGFW (Next Generation Firewall), DLP (Data Loss Prevention), MFA (Multi-Factor Authentication), WAF (Web Application Firewall), Threat Intelligence và DBFW (Database Firewall).

Đặc biệt, công ty còn thường xuyên thực hiện các hoạt động kiểm thử xâm nhập (penetration testing) và giả lập tấn công (red teaming) nhằm đánh giá hiệu quả của hệ thống phòng thủ.

Ở khía cạnh con người, đào tạo nhân sự được xem là yếu tố then chốt. Đội ngũ thường xuyên được tham gia các buổi tập huấn nâng cao nhận thức bảo mật (Security Awareness Training), kết hợp với các chiến dịch giả lập tấn công qua hình thức phishing (giả mạo email) hay social engineering (lừa đảo dựa trên hành vi con người) để tăng tính thực tiễn và phản ứng kịp thời.

Ngoài ra, quản lý cho biết những dữ liệu nhạy cảm như mã lỗi hệ thống, thông tin cá nhân, doanh nghiệp hay tài sản trí tuệ của công ty tuyệt đối không được đưa lên nền tảng AI.

“Không có gì đảm bảo rằng công ty phát triển AI sẽ thực sự bảo vệ dữ liệu người dùng. Giải pháp tốt nhất là chủ động kiểm soát dữ liệu, hiểu rõ công cụ đang dùng và luôn đặt yếu tố bảo mật lên hàng đầu”, Duy nhận định.

Trong khi đó, Đức Trung nhanh chóng triển khai ký lại quy định bảo mật thông tin với nhân sự. Sau khi rà soát, anh nhận thấy toàn bộ quy định cũ đều chưa đề cập đến AI, cần bổ sung gấp thông tin này.

Tuy nhiên, trên thực tế, công ty chưa thể xây dựng bộ quy chuẩn ứng dụng trí tuệ nhân tạo cụ thể, chi tiết. Dù đã làm việc với luật sư và chuyên gia AI, Trung vẫn nhận thấy nhiều vùng xám trong vấn đề này.

Hơn nữa, các công cụ AI đều phát triển tương đối nhanh, đòi hỏi quy định liên quan cũng phải đảm bảo tính linh hoạt, thích ứng. Do đó, Đức Trung dự định ký trước một bản quy định bảo mật cơ bản với nhân sự, tiếp tục điều chỉnh và tái ký trong 3-6 tháng.

Cần sớm xây dựng quy định cụ thể

Trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Thanh Nguyễn cho rằng hiểu biết về AI hiện tại vẫn còn hạn chế. Song, một số vấn đề có thể được nêu ra.

Trước tiên, vấn đề lớn của AI là sự sai lệch thông tin. AI thực chất là một cỗ máy thu thập và xử lý dữ liệu ngay cả khi thông tin đầu vào không chính xác hoặc thiên lệch.

“Khi tìm kiếm một chủ đề bất kỳ, bạn sẽ thấy nhiều quan điểm trái ngược. AI không có khả năng xác định đâu là đúng hay sai, chỉ tổng hợp lại dữ liệu có sẵn. Vì thế, người dùng cần có tư duy phản biện để đánh giá thông tin, thay vì hoàn toàn tin tưởng”, bà Thanh Nguyễn nói.

Ngoài ra, sử dụng AI đồng nghĩa với việc cung cấp dữ liệu cho hệ thống. Vì thế, cá nhân và tổ chức phải đối mặt với nguy cơ thông tin bị lưu trữ hoặc khai thác.

Trong môi trường doanh nghiệp, điều này đặc biệt quan trọng, vì nhiều thông tin như doanh thu hay thị phần có tính bảo mật cao. Ở Việt Nam, vấn đề này có thể chưa phổ biến, nhưng với tốc độ phát triển của AI, nguy cơ lộ thông tin ngày càng lớn.

Do đó, nếu doanh nghiệp muốn ứng dụng AI rộng rãi, cần có các chương trình đào tạo về bảo mật thông tin cho nhân sự.

Bên cạnh đó, AI cũng có thể bị lợi dụng trong các cuộc tấn công thông tin. Trên thực tế, một chiến dịch truyền thông sử dụng tin giả có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của doanh nghiệp. Ở châu Âu, nhiều quốc gia đã ban hành quy định chặt chẽ về việc sử dụng AI trong tổ chức, đặt trọng tâm vào việc bảo vệ người dùng và kiểm soát rủi ro.

Việt Nam có thể sớm đưa ra chính sách tương tự. Các cơ quan quản lý và tổ chức chuyên môn cần nghiên cứu, đánh giá tầm quan trọng của AI, cũng như xác định các rủi ro tiềm ẩn, từ đó xây dựng hướng dẫn cụ thể cho cộng đồng doanh nghiệp.

Linh Vũ - Như Phương

 

 

Thói quen lưu mật khẩu trên trình duyệt web đang hại chính bạn!

on .

Tiện tay lưu mật khẩu trên trình duyệt sẽ mở ra 5 'lỗ hổng tử thần' về bảo mật mà có thể bạn chưa biết.

Trong thời đại số, việc ghi nhớ hàng tá mật khẩu cho các tài khoản trực tuyến là một thách thức. Vì vậy, không ít người chọn giải pháp tiện lợi là lưu mật khẩu trực tiếp trên các trình duyệt web phổ biến như Google Chrome, Firefox hay Microsoft Edge. Chỉ một cú nhấp chuột là có thể đăng nhập thành công vào các trang web.

Tuy nhiên, sự tiện lợi này đang âm thầm đặt bạn vào những rủi ro bảo mật nghiêm trọng mà có thể bạn chưa hề hay biết. Dưới đây là 5 lý do cảnh báo tại sao bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng việc ngừng phó thác "chìa khóa" bảo mật của mình cho trình duyệt.

 

Ngừng ngay việc lưu mật khẩu vào trình duyệt để đảm bảo an toàn.

Đầu tiên, trình duyệt ngày nay giống như một cuốn nhật ký số, lưu trữ không chỉ mật khẩu mà còn cả lịch sử duyệt web, địa chỉ, số điện thoại và nhiều thông tin cá nhân khác. Việc tập trung quá nhiều dữ liệu nhạy cảm vào một nơi biến trình duyệt thành mục tiêu hấp dẫn cho tin tặc. Nếu trình duyệt bị xâm nhập, toàn bộ danh tính kỹ thuật số của bạn có thể bị đánh cắp. Nguy cơ này càng tăng cao nếu bạn sử dụng chung máy tính hoặc không may bị tấn công từ xa.

Thứ hai, cơ chế bảo mật của trình quản lý mật khẩu trình duyệt thường không mạnh mẽ bằng các ứng dụng chuyên dụng. Mật khẩu dù được mã hóa nhưng lớp mã hóa có thể yếu hơn và vị trí lưu trữ dễ bị tin tặc "già đời" nhắm tới bằng các kỹ thuật như "Credential Dumping" (trích xuất hàng loạt thông tin đăng nhập). Hơn nữa, hầu hết trình duyệt thiếu lớp bảo vệ quan trọng là xác thực đa yếu tố (MFA) tích hợp sẵn.

Thứ ba, các phần mềm độc hại chuyên dụng, gọi là "Password Stealer" được thiết kế đặc biệt để tìm và giải mã mật khẩu lưu trên trình duyệt. Bên cạnh đó, hình thức tấn công "Browser Hijacking" cũng có thể sửa đổi cài đặt, dẫn bạn đến các trang web giả mạo để lừa đảo thông tin đăng nhập.

Thứ tư, tính năng đồng bộ hóa mật khẩu qua tài khoản trình duyệt (như tài khoản Google) tuy tiện khi dùng nhiều thiết bị, nhưng lại là "con dao hai lưỡi". Chỉ cần một thiết bị trong chuỗi đồng bộ bị xâm nhập, mật khẩu trên tất cả các thiết bị khác đều có nguy cơ bị lộ, vì chúng thường được lưu trữ và đồng bộ qua máy chủ trực tuyến.

Cuối cùng, việc dùng chung thiết bị là rất phổ biến. Bất kỳ ai có quyền truy cập vật lý vào máy tính hoặc điện thoại đã đăng nhập tài khoản trình duyệt của bạn đều có thể xem được các mật khẩu đã lưu một cách tương đối dễ dàng.

Để bảo vệ tài khoản trực tuyến một cách hiệu quả, hãy cân nhắc sử dụng một trình quản lý mật khẩu chuyên dụng, đáng tin cậy. Các ứng dụng này thường cung cấp mã hóa mạnh mẽ hơn, yêu cầu mật khẩu chủ, hỗ trợ MFA và có các biện pháp bảo mật tiên tiến khác để giữ an toàn cho dữ liệu của bạn. Đừng đánh đổi sự an toàn lâu dài chỉ vì sự tiện lợi nhất thời.

An An - Android Police

Phản ứng của Elon Musk về thông tin Starlink ở Việt Nam

on .

Tỷ phú chia sẻ lại bài viết của một chủ kênh podcast nổi tiếng trên X, nói về thông tin triển khai Starlink tại Việt Nam.

 Elon Musk, CEO của SpaceX, cũng là người có ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội X. Ảnh: Reuters.

Elon Musk, CEO của SpaceX, cũng là người có ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội X. Ảnh: Reuters. 

Một bài viết do chủ kênh podcast Mario Nawfal đăng trên X ngày 3/4, về kế hoạch triển khai Internet vệ tinh của Starlink tại Việt Nam đã được Elon Musk đăng lại vào sáng 4/4 trên tài khoản của mình.

Nawfal dẫn thông tin từ Reuters về việc tập đoàn SpaceX của Elon Musk sẽ hoạt động tại Việt Nam với dịch vụ Internet vệ tinh Starlink. Theo Reuters, SpaceX dự kiến xây dựng 10-15 trạm mặt đất trên khắp Việt Nam, với trạm đầu tiên tại Đà Nẵng vào tháng 5 hoặc tháng 6.

Trước đó, theo Quyết định 659 ngày 23/3 của Thủ tướng Chính phủ, SpaceX được cho phép thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông của mình trong thời hạn 5 năm. Số thuê bao tối đa mà tập đoàn này được thí điểm là 600.000, bao gồm tổng số thuê bao của doanh nghiệp viễn thông thành lập tại Việt Nam và các doanh nghiệp bán lại dịch vụ của họ.

Bài viết của Nawfal nhận định đây là một chiến thắng của SpaceX khi được cấp phép thử nghiệm dịch vụ tại Việt Nam trong một thời gian dài. Elon Musk đã đăng lại bài viết của Nawfal nhưng không bình luận gì thêm.

Với 219 triệu người theo dõi, Elon Musk là người có ảnh hưởng nhất trên nền tảng này. Tỷ phú sáng lập SpaceX thường xuyên đăng lại các bài viết của người khác trên trang cá nhân của mình. Đôi khi ông chỉ đăng lại (repost), nhưng cũng có khi tỷ phú này bình luận (reply) thêm ý kiến của mình.

Theo Reuters, khoản đầu tư của Starlink vào trạm mặt đất tại Việt Nam sẽ vào khoảng 3 triệu USD. Vào tháng 9/2024, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Mỹ, Phó chủ tịch cấp cao của SpaceX Tim Hughes đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.

Starlink hiện hoạt động tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng không phải quốc gia nào cũng có trạm mặt đất. Starlink Installation Pros, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ lắp đặt nhưng không liên quan trực tiếp đến Starlink, cho biết công ty có khoảng 150 trạm mặt đất trên toàn cầu, với gần một nửa trong số đó nằm tại Mỹ.

Nếu diễn ra đúng như dự kiến, kế hoạch sẽ biến Việt Nam thành một trong những nơi sở hữu mạng lưới Starlink lớn nhất.

Nhật Tường

Gemini vừa có tính năng ChatGPT khó có thể làm được

on .

Ứng dụng ChatGPT nhận được nhiều quan tâm vì có thể được dùng để tìm kiếm thông tin về nhiều chủ đề, từ công việc đến các vấn đề cá nhân.

Mặc dù ChatGPT không thể truy cập dữ liệu từ các ứng dụng khác nhưng vẫn giúp người dùng tiết kiệm thời gian và hoàn thành công việc hiệu quả. Tuy nhiên, một tính năng trên Gemini đang bắt đầu được triển khai cho mọi người có thể khiến người dùng ChatGPT phải mong muốn, ngay cả với gói Pro có phí 200 USD/tháng.

Gemini vừa có tính năng ChatGPT khó có thể làm được - Ảnh 1.

Gemini có lợi thế cực lớn so với ChatGPT nhờ tận dụng Google Maps và Android. ẢNH: ANDROID AUTHORITY

Theo đó, người dùng giờ đây có thể truy vấn Gemini khi sử dụng Google Maps nhờ menu Ask about place, cho phép người dùng trò chuyện với trí tuệ nhân tạo (AI) về các địa điểm trên bản đồ. Cụ thể, người dùng có thể đặt câu hỏi về những địa điểm mà mình đã ghé thăm thông qua Google Maps.

Để sử dụng tính năng này, người dùng chỉ cần kích hoạt Gemini trong khi mở Google Maps và nhấn vào nút Ask about place. Tính năng này hoạt động với các vị trí cụ thể, như doanh nghiệp, nhưng không áp dụng cho các khu vực lớn hơn như thành phố.

Gemini tận dụng 'điểm yếu' của ChatGPT

Với việc Google Maps vẫn là ứng dụng bản đồ được nhiều người thường xuyên sử dụng để tìm kiếm thông tin về các địa điểm, việc tương tác với Google Maps thông qua AI như Gemini sẽ mang lại trải nghiệm thú vị hơn. Một nhược điểm hiện tại với tính năng này chính là nó không có sẵn trên nền tảng iOS dành cho iPhone.

Chatbot AI Gemini gọi người là 'vết nhơ vũ trụ', tung đe dọa ác ý

Điều này cho thấy Google đang tận dụng lợi thế của việc kiểm soát một trong hai hệ điều hành di động lớn nhất hiện nay. Đó là những đặc quyền mà OpenAI không nhận được. Hiện tại, OpenAI chưa phát triển một hệ điều hành riêng cho các thiết bị AI và cũng không có các ứng dụng như Google Maps để tích hợp với ChatGPT.

Apple có thể là công ty duy nhất có khả năng cung cấp chức năng AI tương tự, với Siri có thể truy cập dữ liệu từ Apple Maps trong tương lai. Tuy nhiên, người dùng sẽ phải chờ ít nhất một năm để có được những tính năng này.

Nếu là người dùng Android, hãy kiểm tra xem tính năng trò chuyện với Gemini trên Google Maps đã được triển khai tại khu vực của mình hay chưa. Trước khi kiểm tra, người dùng nên cập nhật phiên bản mới nhất của ứng dụng Gemini/Google và Google Maps trên thiết bị của mình.

Kiến Văn

Nguồn: https://thanhnien.vn/gemini-vua-co-tinh-nang-chatgpt-kho-co-the-lam-duoc-185250326094556996.htm