NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Tin tức

Tiến sĩ Việt ở xAI làm giáo sư thỉnh giảng ĐH Quốc gia TP.HCM

on .

TS Phạm Hy Hiếu, thành viên kỹ thuật tại xAI (công ty AI do tỷ phú Elon Musk thành lập), là một trong 16 giáo sư thỉnh giảng đầu tiên tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

TS Phạm Hy Hiếu làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia TP.HCM. Ảnh: NVCC.

Theo thông tin từ Đại học Quốc gia TP.HCM, TS Phạm Hy Hiếu (33 tuổi) là nhà khoa học có chuyên môn cao trong lĩnh vực học máy và ngôn ngữ học tính toán.

Anh từng là học sinh trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM). Năm 2015, anh tốt nghiệp loại giỏi ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ) và được trao giải thưởng Ben Wegbreit dành cho luận văn danh dự xuất sắc nhất.

Sau đó, anh học tiến sĩ ngành Học máy và Ngôn ngữ học tính toán tại Đại học Carnegie Mellon (2017-2021). Tại đây, anh là sinh viên đầu tiên được Google Brain tài trợ toàn bộ học phí và hạ tầng tính toán.

Từ tháng 8/2024, anh Hiếu là thành viên kỹ thuật tại xAI. Tại đây, anh tham gia tối ưu hóa nhân attention cho mô hình Grok-3 - AI được Elon Musk tuyên bố là "thông minh nhất Trái Đất".

Trước đó, anh từng là nhà nghiên cứu tại Công ty Augment Computing, góp phần quan trọng đưa công ty từ giai đoạn khởi nghiệp đạt mức định giá 1 tỷ USD.

Anh cũng từng công tác tại Google Brain với vai trò nhà nghiên cứu (4/2020-3/2023), đồng thời giữ vị trí phó giáo sư kiêm nhiệm tại khoa Kỹ thuật Điện, Đại học Quốc gia Singapore (4/2021-3/2023).

TS Hiếu cho biết năm ngoái, anh đã gặp và nghe Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân chia sẻ về chương trình giáo sư thỉnh giảng.

Anh đánh giá đây là vị trí thú vị trong giới hàn lâm, tạo điều kiện cho nhiều người có thể đóng góp cho các trường đại học mà không tạo ra các ràng buộc khó khăn, như phải gây quỹ nghiên cứu hay phải tham gia giảng dạy.

Ngoài ra, chương trình giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia TP.HCM còn cho phép các giáo sư thỉnh giảng cộng tác trong khi sống và làm việc ở nước ngoài. Vì vậy, anh quyết định tham gia.

Trở thành giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia TP.HCM, với chuyên ngành về kiến trúc và phần cứng AI, TS Hiếu mong muốn chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc của mình với các bạn giảng viên, sinh viên của trường, cũng như lắng nghe từ họ những vấn đề thực tiễn trong môi trường AI của Việt Nam.

Cụ thể, anh muốn tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với các hướng nghiên cứu mới nhất và mang tính thực tiễn nhất trong AI.

Theo anh, nghiên cứu AI đòi hỏi lượng vốn đầu tư cực kỳ lớn. Ví dụ, một cỗ máy gồm 8 chip AI hiện đại vào năm 2025 được bán với giá 500 nghìn USD.

"Chúng ta cần vài chục nghìn cỗ máy như vậy mới có thể tạo ra được một AI như DeepSeek", anh Hiếu nhìn nhận không chỉ có các đơn vị giáo dục ở Việt Nam mà các học viện lớn trên thế giới như Cambridge, Stanford hay MIT cũng không có cách nào tiếp xúc được với nguồn vốn này.

Vị tiến sĩ cho rằng để tham gia vào các hướng nghiên cứu này, chúng ta phải nhìn ra cách để thực hiện các nghiên cứu ở mức độ nhỏ hơn, nhưng vẫn đảm bảo có giá trị ở mức độ lớn.

"Tôi muốn chia sẻ với các bạn ở Đại học Quốc gia TP.HCM cách để phát hiện ra những nghiên cứu ở mức độ nhỏ như vậy và hướng dẫn các bạn thực hiện một vài nghiên cứu theo hướng đó", TS Hiếu nói.

Mục tiêu thứ hai của anh là tìm hiểu xem các nghiên cứu về AI ở Đại học Quốc gia TP.HCM thường gặp phải các khó khăn, thử thách nào. Qua đó, anh muốn giúp việc nghiên cứu AI ở đại học phát triển hơn.

Trước đó, Đại học Quốc gia TP.HCM đã ban hành chương trình Giáo sư thỉnh giảng nhằm kết nối trí thức toàn cầu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam.

Ngoài TS Hiếu, 15 giáo sư và nhà nghiên cứu khác đến từ nhiều trường đại học uy tín hàng đầu thế giới như trường Y Harvard (Mỹ), Đại học Toronto (Canada), Đại học Kỹ thuật Munich (Đức), Đại học Georgetown (Mỹ), Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến (Nhật Bản)…

Đây là những chuyên gia có uy tín trong các lĩnh như trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch, y khoa, công nghệ sinh học, dân tộc học, ngôn ngữ học, nông nghiệp số và biến đổi khí hậu…

Các chuyên gia sẽ hợp tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường thành viên, viện nghiên cứu Đại học Quốc gia TP.HCM thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Ngọc Bích

Nguồn: https://baomoi.com/tien-si-viet-o-xai-lam-giao-su-thinh-giang-dh-quoc-gia-tp-hcm-c52042784.epi?utm_source=dapp&utm_campaign=share

Thư mời tham dự "Ngày hội UIT Job Fair 2025"

on .

Kính gởi Quý Thầy Cô, Sinh viên 

Sáng ngày mai thứ sáu ngày 16/5/2025, tại Trường ĐH Công nghệ Thông tin – ĐHQG-HCM sẽ diễn ra Ngày hội Sinh viên và Doanh nghiệp – UIT Job Fair 2025. 

Ngày hội năm nay có sự tham gia của 8 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông với dự kiến hơn 100 thông tin tuyển dụng việc làm và thực tập.  

Ngày hội là dịp để sinh viên và doanh nghiệp có điều kiện gặp gỡ, tạo cầu nối nhằm nối kết mối quan hệ giữa doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên Trường.

Ban tổ chức Ngày hội trân trọng kính mời Thầy Cô đến tham dự Ngày hội.

Ngày hội được tài trợ và đồng hành bởi các doanh nghiệp:
  • Tài trợ Đồng
    • SAP Labs 
    • Công ty Cổ phần VNG
  • Công ty tham gia
    • Công ty Netcompany Việt Nam
    • Công ty Golden Owl Solutions
    • Công ty Azapa Engineering
    • Công ty Renesas Design Vietnam
    • Công ty Shopee
    • Công ty Leco Studio
CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRONG NGÀY HỘI
  • Check-in Ngày hội, Tri ân Doanh nghiệp tại khu vực sân khấu
  • Gian hàng giới thiệu, gameshow của các doanh nghiệp
  • Phỏng vấn, tuyển dụng việc làm, thực tập
  • Tham vấn, tư vấn nghề nghiệp
  • Bốc thăm may mắn
Thông tin chi tiết về Ngày hội:
 

Thống kê cuộc thi "Phỏng vấn thử - Thành công thật"

on .

So sánh số lượng đăng ký giữa 2 đợt

Cơ cấu thí sinh tham dự theo Khoa

Cơ cấu thí sinh theo Niên khóa

Số lượng sinh viên theo Lớp (Khoa KH&KTTT)

Các kênh thông tin sinh viên biết đến chương trình

Các công ty được quan tâm nhất (Nguyện vọng ưu tiên phỏng vấn #1)

Số lượt đăng ký ứng tuyển cho từng vị trí

RedNote nghi âm thầm xâm phạm dữ liệu của người dùng

on .

RedNote (Tiểu hồng thư) bị cáo buộc thu thập dữ liệu người dùng vượt mức cần thiết, khiến nhiều người dùng lo ngại bị xâm phạm quyền riêng tư và mất an toàn thông tin cá nhân.

 
RedNote nghi âm thầm xâm phạm dữ liệu của người dùng - Ảnh 1.
 

Nhiều người dùng phát hiện RedNote truy cập vị trí và dữ liệu cá nhân với tần suất bất thường, ngay cả khi không sử dụng ứng dụng - Ảnh: REUTERS

Tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 27-3 dẫn báo cáo từ trang Jiupai News cho biết nền tảng mạng xã hội (app) RedNote (Tiểu hồng thư) hiện đang vướng nhiều cáo buộc, liên quan đến hành vi thu thập dữ liệu người dùng vượt quá phạm vi cần thiết cho hoạt động vận hành thông thường. 

Các hành vi này được cho là diễn ra với tần suất cao và thiếu minh bạch, làm dấy lên những quan ngại sâu sắc về quyền riêng tư và việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng.

Người dùng bị "soi" liên tục

Báo cáo của Jiupai ngày 27-3 cho hay nhiều người dùng đã phát hiện RedNote thực hiện hàng chục nghìn lượt truy cập vào dữ liệu cá nhân của họ trong vòng 30 ngày, ngay cả trong các khoảng thời gian người dùng không trực tiếp sử dụng ứng dụng.

Cụ thể, một người dùng thiết bị có hệ điều hành Android cho biết trong vòng một tháng, RedNote đã truy cập tổng cộng hơn 92.000 lần vào các dữ liệu thiết bị, trong đó riêng dữ liệu vị trí bị truy cập tới 71.000 lần. Trong khi đó, ứng dụng WeChat - nền tảng phổ biến hàng đầu tại Trung Quốc - chỉ bị ghi nhận truy cập 911 lần trong cùng khoảng thời gian.

Có thời điểm app này bị ghi nhận truy cập dữ liệu vị trí 2.148 lần chỉ trong một ngày. Người dùng này sau đó đã tiến hành tắt quyền truy cập vị trí của app và chuyển sang chế độ yêu cầu cấp phép thủ công cho từng lần truy cập. Kết quả cho thấy số lượt truy cập dữ liệu của RedNote đã giảm mạnh và trở lại mức độ bình thường vào ngày tiếp theo.

Theo Jiupai, một người dùng khác cũng ghi nhận RedNote đã thực hiện khoảng 50.000 lượt truy cập vào dữ liệu cá nhân của họ trong 30 ngày, trong đó số lượng truy cập vào dữ liệu vị trí chiếm tới 46.000 lượt.

Đáng chú ý, có thời điểm app này đã tiến hành nhiều lượt truy cập vào các dữ liệu nhạy cảm như trạng thái của thiết bị, tệp âm thanh, video, hình ảnh và clipboard (bộ nhớ tạm) chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

RedNote thường xuyên yêu cầu người dùng gắn thông tin vị trí khi đăng bài viết lên nền tảng. Mặc dù người dùng có thể từ chối, app này vẫn tiếp tục truy cập dữ liệu vị trí một cách thường xuyên, đặt ra nghi vấn về tính minh bạch trong vận hành và quyền kiểm soát dữ liệu của người dùng.

Thực tế, các phản ánh về tình trạng thu thập dữ liệu quá mức của RedNote đã được ghi nhận từ tháng 7-2024, với hơn 70.000 bài đăng thảo luận được đăng tải trên chính app này. Trong đó nhiều người dùng thiết bị có hệ điều hành iOS cũng cho biết biểu tượng định vị vẫn hiển thị liên tục trên màn hình, dù họ không mở ứng dụng, cho thấy việc thu thập dữ liệu ngầm vẫn diễn ra.

Phản hồi từ RedNote

Ngày 26-3, trả lời với Jiupai về các vấn đề liên quan, đại diện chăm sóc khách hàng của RedNote khẳng định việc thu thập dữ liệu vị trí là để phục vụ tính năng "gần đây" (nearby - tính năng định vị người dùng ở khu vực lân cận), và chỉ diễn ra khi người dùng bật các quyền truy cập vị trí. 

Đại diện nền tảng cho biết điều này là bình thường và nhấn mạnh rằng RedNote sẽ không tiết lộ thông tin cá nhân của người dùng.

Tuy nhiên, những tuyên bố này hiện vẫn chưa thể xoa dịu được lo ngại của dư luận Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày càng trở thành mối quan tâm lớn đối với người dùng mạng tại Trung Quốc và toàn cầu.

 

Việt Nam cho phép thí điểm dịch vụ internet vệ tinh Starlink của tỉ phú Elon Musk

on .

Dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX được thí điểm có kiểm soát trong 5 năm, tối đa 600.000 thuê bao

Theo Quyết định 659 ngày 23-3 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Space Exploration Technologies (SpaceX) của tỉ phú Elon Musk đã được cấp phép thí điểm có kiểm soát để triển khai dịch vụ internet qua vệ tinh Starlink tại Việt Nam.

 Thiết bị thu sóng vệ tinh internet mang tên Starlink. Ảnh: SpaceX

Thiết bị thu sóng vệ tinh internet mang tên Starlink. Ảnh: SpaceX

SpaceX được thực hiện thí điểm có kiểm soát đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại hình mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó không giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỉ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, sẽ thí điểm cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp thay thế cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho người sử dụng thiết bị đầu cuối.

Việc thí điểm triển khai kinh doanh dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp được thực hiện trong thời gian 5 năm kể từ ngày doanh nghiệp do tổ chức thí điểm thành lập tại Việt Nam (gọi tắt là doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam) được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, và sẽ phải kết thúc trước ngày 1-1-2031.

Quyết định của Thủ tướng nêu rõ các yêu cầu, điều kiện mà SpaceX và doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam phải cam kết đảm bảo tuân thủ khi triển khai thí điểm, bao gồm các yêu cầu về loại hình dịch vụ viễn thông triển khai; phạm vi triển khai; số lượng thuê bao tối đa; tần số sử dụng và đặc biệt là những yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo đó, dịch vụ cố định vệ tinh (bao gồm dịch vụ truy nhập internet; dịch vụ kênh thuê riêng cho các trạm thu, phát sóng di động) và dịch vụ di động vệ tinh (gồm dịch vụ truy nhập Internet trên biển; dịch vụ truy nhập Internet trên máy bay) là những loại hình dịch vụ viễn thông SpaceX sẽ được triển khai thí điểm tại Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.

Số thuê bao tối đa SpaceX sẽ được triển khai thí điểm tại Việt Nam là 600.000, bao gồm tổng số lượng thuê bao dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam và của các doanh nghiệp viễn thông bán lại dịch vụ của doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam.

Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng cơ chế giám sát việc tuân thủ pháp luật, các yêu cầu, điều kiện triển khai thí điểm; cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam theo pháp luật về viễn thông và tần số vô tuyến điện.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông trong quá trình triển khai thí điểm bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về viễn thông, tần số vô tuyến điện, nội dung giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và quy định tại Quyết định 659.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát hoạt động triển khai thí điểm bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Starlink là dự án của hãng công nghệ vũ trụ SpaceX (do tỉ phú công nghệ Elon Musk sáng lập), sử dụng vệ tinh phóng lên quỹ đạo để phủ sóng internet trên toàn cầu.

Tại Đông Nam Á, hiện có 4 quốc gia được sử dụng dịch vụ internet qua vệ tinh của Starlink, bao gồm Philippines, Malaysia, Indonesia và Đông Timor. Trên phạm vi toàn cầu, Starlink đã có mặt tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thùy Linh